Thứ năm, 28/03/2024 - 17:57
Quân khu 4: Đảm bảo tốt chế độ, chính sách thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ Chi bộ Báo Quân khu 4 lãnh đạo hoàn thành tốt các kết luận, nghị quyết của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và chỉ thị về xây dựng “chi bộ 4 tốt”, “đảng bộ cơ sở 4 tốt” Bộ Tư lệnh Quân khu 4: Gặp mặt cán bộ, học viên Lớp bồi dưỡng kiến thức QP&AN đối tượng 2. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng Bộ Tư lệnh Quân khu 4 thăm, động viên học viên Lớp bồi dưỡng kiến thức Quốc phòng và An ninh đối tượng 2 Giúp chiến sỹ mới tự tin trong “Ngôi nhà mới”. Trung tướng Hà Thọ Bình, Tư lệnh Quân khu 4 yêu cầu chăm lo chu đáo cho chiến sĩ mới Trung tướng Hà Thọ Bình, Tư lệnh Quân khu 4 thăm, động viên Chiến sĩ mới. Tư lệnh Quân khu thăm, kiểm tra Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 92 Trung tướng Trần Võ Dũng, Chính ủy Quân khu chúc mừng Bệnh viện Quân y 4 nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam Trung tướng Hà Thọ Bình, Tư lệnh Quân khu chúc mừng ngày Thầy thuốc Việt Nam tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Trung tướng Hà Thọ Bình, Tư lệnh Quân khu 4 dự, chỉ đạo Lễ giao, nhân quân tại thành phố Huế
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đồng chí Lê Hồng Phong – Người con xứ Nghệ kiên cường

Tôi trở về thăm quê hương xã Hưng Thông đúng vào dịp đảng bộ tỉnh Nghệ An và nhân dân huyện Hưng Nguyên đang tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của đồng chí Lê Hồng Phong.

Đồng chí Lê Hồng Phong.

 

Hưng Nguyên quê tôi luôn tự hào là vùng đất “Địa linh nhân kiệt”, là quê hương của phong trào Xô viết – Nghệ Tĩnh (1930 – 1931) cũng là nơi đã sinh ra đồng chí Lê Hồng Phong, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người lãnh đạo kiên trung của Đảng cộng sản Việt Nam và là người con xứ Nghệ kiên cường.
       Đồng chí Lê Hồng Phong hay còn gọi là Lê Huy Doãn sinh ngày 6 tháng 9 năm 1902 tại vùng quê nghèo thuộc xóm Đông Của, thôn Đông Thông, tổng Thông Lãng. Nay là xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Mồ côi cha từ nhỏ cuộc sống rất khó khăn, lớn lên đồng chí làm công nhân cho nhà máy Diêm Bến Thủy và bị đuổi việc vì vận động công nhân đấu tranh đòi quyền lợi với giới chủ bóc lột và từ đó đồng chí bắt đầu cuộc đời cách mạng của mình.
       Cuối năm 1923, với mục đích sớm được ra nước ngoài hoạt động cách mạng, Lê Huy Doãn, Phạm Thành Khôi cùng 15 thanh niên được Vương Thúc Oánh tổ chức bí mật rời Vinh sang Xiêm. Trên đường đi đoàn gặp nhiều khó khăn, nhưng mọi người rất hăng hái và quyết tâm thực hiện chuyến đi. Hai anh đã tự bảo nhau: “Chuyến đi này nếu không làm rạng rỡ non sông, quyết không trở về Tổ quốc quê hương”. Để tỏ chí can trường, sẵn sàng hy sinh cứu nước, các anh liền đổi tên và lấy chung một tên đệm là “Hồng”. Lê Huy Doãn đổi là Lê Hồng Phong, Phạm Thành Khôi đổi tên là Phạm Hồng Thái. Đến Quảng Châu, Lê Hồng Phong tham gia tổ chức “Tâm Tâm xã”, sau sự kiện ám sát bất thành và sự hi sinh của Phạm Hồng Thái, Lê Hồng Phong mất một người đồng chí, người đồng hương, người bạn chí cốt  đã  đồng cam cộng khổ, trải qua thử  thách từ trong nước. Lê Hồng Phong vô cùng thương nhớ bạn và càng quyết tâm dấn thân vào đấu tranh để thực hiện ước mơ giành độc lập dân tộc. Đối với Lê Hồng Phong, những hoạt động yêu nước đầu tiên ấy mới chỉ là sự khẳng định lòng yêu nước và căm thù giặc của lớp thanh  niên Việt Nam; còn câu trả lời: “Phương pháp đấu  tranh  như  thế nào, thông qua tổ chức, đoàn thể nào là câu hỏi còn đang bỏ ngỏ”.
        Khoảng tháng 12 năm 1924, Lê Hồng Phong lần đầu tiên được gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Từ những trao đổi, giảng giải của Nguyễn Ái Quốc, Lê Hồng Phong đã tiếp thu được những quan điểm rất mới về con đường cứu nước, cứu dân thoát khỏi cảnh nô lệ lầm than. Cuộc gặp gỡ với Nguyễn Ái Quốc không những đã mang lại niềm tin về con đường giải phóng dân tộc, về một tương lai tươi sáng của đất nước, mà còn thay đổi cả về nhận thức và hành động, Lê Hồng Phong quyết tâm lựa chọn con đường cách mạng mà Nguyễn Ái Quốc đã chọn. Từ đây, dưới sự dẫn dắt, đào tạo của Nguyễn Ái Quốc, Lê Hồng Phong đã phát huy những phẩm chất ưu tú của một chiến sỹ cách mạng, trở thành người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
        Năm 1925, Lê Hồng Phong gia nhập “Hội Việt Nam Thanh niên”, và được Hội giao cho nhiệm vụ đào tạo cán bộ, ngoài ra đồng chí còn tích cực tham gia các hoạt động của “Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức”,tham gia trong tổ chức Quốc tế cứu tế đỏ…Những hoạt động trong giai đoạn này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trên con đường hình thành bản lĩnh cách mạng của Lê Hồng Phong. Những lý luận học được trong các tổ chức cách mạng, lớp huấn luyện do Nguyễn Ái Quốc tổ chức cùng với những kết quả học tập và thực tế rèn luyện là bước bứt phá chủ động mà thành quả tổng hợp của nó đã mở cho Lê Hồng Phong một hướng đi cơ bản trên con đường trau dồi lý luận cách mạng trong những năm tháng tiếp theo.
        Những năm 20, dưới tác động của tổ chức “Hội Việt Nam Nam cách mạng thanh niên”, phong trào cách mạng ở trong nước đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ và đòi hỏi đội ngũ cán bộ cách mạng cũng cần phải được bổ sung về cả số lượng và chất lượng, đặc biệt là rất cần những người được đào tạo cơ bản, được trang bị những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin về vận động và tổ chức, lãnh đạo phong trào cách mạng. Do vậy, Lê Hồng Phong được điều động sang học tại Trường Đại học Phương Đông để sau này trở về phục vụ sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Trong thời gian gần ba năm học tập, đồng chí tích cực học tập lý luận và rèn luyện về đạo đức, tác phong công tác. Những bạn học ở đây nhận xét: “Đồng chí Lítvinốp là một người cộng sản tích cực và có kỷ luật. Về thái độ chính trị, đồng chí ấy luôn bảo vệ đường lối chung của Đảng”.
         Cuối năm 1929, phong trào cách mạng trong nước phát triển mạnh mẽ, yêu cầu cần phải thành lập một chính đảng vô sản được đặt ra vô cùng cấp thiết, các tổ chức Cộng sản khắp ba miền đã được thành lập, đây là một bước tiến quan trọng của phong trào cách mạng nước ta. Là đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô đang học tập trong Trường Đại học Phương Đông, Lê Hồng Phong có điều kiện nắm bắt đường lối của Quốc tế Cộng sản đối với các dân tộc, nên sớm nhìn thấy cần tranh thủ sự giúp đỡ của Quốc tế Cộng sản đối với phong trào cách mạng Đông Dương, trước mắt là sự ra đời của một đảng cách mạng chân chính ở Việt Nam. Đây cũng là bước khởi đầu quan trọng, góp phần tạo nên bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam đầu năm 1930.
     

Khai mạc triển lãm, trưng bày chuyên đề "Người Cộng sản Lê Hồng Phong và những ngày nơi địa ngục trần gian Côn Đảo".

  

Ngay sau khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, phong trào cách mạng trong nước phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là ở Trung Kỳ, cao trào Xô viết – Nghệ Tĩnh đã lật đổ chính quyền thực dân phong kiến và lập ra Chính quyền Xô viết ở nhiều nơi. Hoảng sợ trước khí thế sục sôi của phong trào cách mạng, chính quyền thực dân phong kiến đã thẳng tay tiến hành cuộc khủng bố trắng, tiến công trực tiếp vào các cơ sở Đảng, quyết thực hiện âm mưu tiêu diệt tận gốc Đảng Cộng sản. Hàng nghìn đảng viên, quần chúng cách mạng bị bắt bớ, tra tấn và giam cầm, không ít chiến sĩ cách mạng trung kiên đã bị kẻ địch giết hại. Những người lãnh đạo đảng lần lượt bị bắt, ngay cả ở nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc cũng bị thực dân Anh bắt giam tại Hồng Công. Đảng thiếu đi một cán bộ chỉ huy lãnh đạo các cuộc đấu tranh. Trong bối cảnh ấy không tránh khỏi xuất hiện những tư tưởng bi quan, thất bại chủ  nghĩa. Vì vậy, việc thống nhất cách đánh giá tình hình, để từ đó đề ra những biện pháp khôi phục tổ chức là vấn đề mang ý nghĩa sống còn của Đảng ta. Đây cũng là lúc vai trò của Lê Hồng Phong được phát huy rõ rệt nhất. Trước bối cảnh của cách mạng Đông Dương, Quốc tế Cộng sản giao cho Lê Hồng Phong trọng trách chủ trì công việc khôi phục tổ chức và xây dựng đường lối mới của Đảng Cộng sản Đông Dương. Bằng tài năng, nhãn quan chính trị nhạy bén, cộng với những hoạt động thực tiễn, Lê Hồng Phong đã góp phần đưa cách mạng Việt Nam sang giai đoạn phục hồi, phát triển mới. Đại hội lần thứ nhất của Đảng cộng sản Đông Dương diễn ra vào đầu năm 1935 là minh chứng cho cống hiến to lớn của đồng chí Lê Hồng Phong đối với việc tái lập cơ quan lãnh đạo và xây dựng đường lối của Đảng Cộng sản Đông Dương đầu những năm 30. Điều này khẳng định dấu ấn sâu sắc của người lãnh đạo cao nhất của Đảng ta trong những năm tháng khó khăn của phong trào cách mạng.
        Trên cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương, Lê Hồng Phong tiếp tục củng cố mối quan hệ với Quốc tế Cộng sản, đồng thời chỉ đạo việc tuyên truyền sâu rộng Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ nhất, tiếp tục tăng cường củng cố hệ thống tổ chức của Đảng. Ngay sau khi dự Đại hội Quốc tế cộng sản, đồng chí đã rất chủ động và tìm cách về nước hoạt động, giữa tháng 7 năm 1936, đồng chí về đến Thượng Hải. Tại đây, Lê Hồng Phong đã triệu tập và chủ trì Hội nghị với các đồng chí trong Ban Chỉ huy ở ngoài, bàn bạc nhiều vấn đề quan trọng đến công tác tổ chức và đường lối đấu tranh của Đảng ta trong tình hình mới. Hội nghị đã thực hiện lời dặn dò của lãnh tụ Nguyễn Ái  Quốc là: “Trung ương Đảng phải chuyển về trong nước để trực tiếp lãnh đạo phong trào; không được thoả hiệp với bọn tơrốtxkít; lập Mặt trận dân tộc dân chủ rộng rãi chống phát xít, chống tranh đế quốc”. Từ thực tiễn phát triển của phong trào đấu tranh trong nước, để tìm ra những hình thức đấu tranh thực sự đáp ứng sát hợp với tình hình, ngày 10 tháng 11 năm 1937, Lê Hồng Phong về đến Sài Gòn – Chợ Lớn. Bất chấp mọi sự theo dõi của địch, Lê Hồng Phong vẫn sát cánh cùng các đồng chí trong Ban lãnh đạo Trung ương Đảng và Xứ uỷ Nam Kỳ, trong đó có người đồng chí, người bạn đời Nguyễn Thị Minh Khai, bí mật chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương sắp tới. Sau Hội nghị Trung ương tháng 3 năm 1938, Lê Hồng Phong tiếp tục tham gia chỉ đạo phong trào cách mạng ở các tỉnh Nam Kỳ, có nhiều đóng góp trên mặt trận báo chí nhằm thống nhất những vấn đề về đấu tranh dân chủ, đồng chí cũng tích cực viết tài liệu và các bài báo tuyên truyền quan điểm của Đảng về việc thành lập Mặt trận Dân chủ thống nhất Đông Dương; phê phán bệnh cô độc, hẹp hòi, “tả khuynh” và vạch mặt phá hoại, phản cách mạng của bọn tơrốtxkít. Những quan điểm của Lê Hồng Phong cũng chính là những tư tưởng mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chỉ rõ: “Đối với bọn tơrốtxkít, không thể có thỏa hiệp nào, một nhượng bộ nào. Phải dùng mọi cách để lột mặt nạ chúng làm tay sai cho chủ nghĩa phát xít, phải tiêu diệt chúng về chính trị”
         Đầu năm 1939, cuộc chiến tranh thế giới có nguy cơ bùng nổ, chính quyền thuộc địa ở Đông Dương ngày càng lộ mặt phản động, phátxít. Lấy cớ chiến tranh, chúng ra lệnh giải tán Đảng Cộng sản, xoá bỏ hầu hết các quyền tự do, dân chủ, đồng thời tiến hành khủng bố những người cộng sản và các phong trào yêu nước. Nhiều đồng chí cán bộ lãnh đạo của Đảng đã bị bắt, trong đó có Lê Hồng Phong. Bọn mật thám Pháp dùng đủ mọi thủ đoạn tra tấn, dụ dỗ đối với Lê Hồng Phong hòng khai thác các cơ sở cách mạng, nhưng chúng vẫn không lay chuyển được ý chí kiên cường của đồng chí. Không tìm ra chứng cớ pháp lý để buộc tội Lê Hồng Phong, ngày 30 tháng 6 năm1939, chúng đã kết án đồng chí 6 tháng tù giam và 3 năm quản thúc vì tội “lang thang” và “sử dụng thẻ căn cước giả”. Lê Hồng Phong rơi vào tay quân thù khi Nguyễn Thị Minh Khai, người đồng chí, người vợ thân yêu của đồng chí đang mang thai. Điều đó lại làm tăng thêm khó khăn đối với gia đình cách mạng. Kể từ ngày về Sài Gòn hoạt động đến khi bị bắt, Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai bộn bề với công việc của tổ chức, ít khi được sống bên nhau. Giờ đây, hai người và mầm sống mới đang đứng trước thử thách mới.
        Hết hạn tù, Lê Hồng Phong được trả tự do, nhưng chính quyền thực dân biết rõ vai trò quan trọng của đồng chí đối với phong trào cách mạng ở Nam Kỳ, nên Cảnh sát Pháp đã “dẫn  độ” Lê Hồng Phong rời khỏi Sài Gòn về quê nhà. Sau 16 năm xa cách quê hương, nay trở về, đồng chí xúc động vô cùng trước cảnh sông Lam, núi Hồng, với lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước oai hùng hàng nghìn năm của cha ông. Vẫn còn đó âm vang cuộc Khởi nghĩa Phan Đình Phùng, của tiếng trống sôi động cao trào Xô viết – Nghệ. Lê Hồng Phong càng xót xa trước cảnh đói khổ của  đồng bào vì bị thực dân phong kiến thống trị, bóc lột. Tuy bị quản thúc về con người, nhưng đây cũng là thời kỳ Lê Hồng Phong tiếp tục chắp nối liên lạc, suy ngẫm nhiều vấn đề về truyền thống quê hương, về sách lược đấu tranh, về những công việc của cách mạng. Chiến tranh thế giới nổ ra, mặc dù đã đạt được âm mưu chia cắt Lê Hồng Phong với phong trào cách mạng, nhưng chính quyền thực dân vẫn không yên tâm về sự tự do của người cộng sản này, tháng 1 năm 1940, bọn mật thám Pháp đã bắt Lê Hồng Phong lần thứ hai và đưa vào giam tại Khám Lớn – Sài Gòn.
        Nhà cầm quyền Pháp ở chính quốc và chính quyền thuộc địa luôn coi Lê Hồng Phong là phần tử nguy hiểm. Vì vậy, khi bắt đồng chí lần thứ hai, chúng dùng mọi thủ đoạn nhằm khép Lê Hồng Phong vào án tử hình. Nhưng gần một năm giam giữ, tra khảo dã man, thực dân Pháp vẫn không kiếm được một cớ nào để kết tội tử hình đối với đồng chí. Đặc biệt, chúng biết Nguyễn Thị Minh Khai là vợ Lê Hồng Phong và hai người mới có một con gái nhỏ, bọn mật thám Pháp đã đưa Nguyễn Thị Minh Khai đến gặp Lê Hồng Phong, hòng lung lạc tình cảm hai người và từ đó lấy cớ để kết tội. Gặp lại người vợ thân yêu, người đồng chí cùng cam cộng khổ, tình cảm vợ chồng bấy mươi năm không gặp trào về và hiện hữu trên đôi mắt của mỗi người, biết bao điều muốn nói, nhưng họ chỉ dám trao cho nhau ánh mắt chan chứa tình yêu thương tha thiết, trái tim của mỗi người đang rỷ máu khi nhìn thấy người vợ, người chồng của mình bị đòn roi của kẻ thù làm cho tàn tạ. Nén đau thương và tình cảm vợ chồng vào lòng, họ đưa ánh mắt sắc lẹm hướng tới kẻ thù ngọn lửa đầy hờn căm. Kẻ thù đã thất bại, và mặc dù không tìm ra chứng cớ buộc tội Lê Hồng Phong nhưng chúng vẫn kết án Lê Hồng Phong 5 năm tù giam và 10 năm quản thúc. Cuối năm 1940, Lê Hồng Phong bị đày ra Côn Đảo. Còn người đồng chí, bạn đời Nguyễn Thị Minh Khai tiếp tục bị giam giữ ở Sài Gòn. Bọn thực dân đã dùng mọi hình thức và các đòn tra tấn dã man nhưng chị vẫn nghiến răng chịu đựng. Bất lực, chúng đã đưa chị ra xử bắn tại Hóc Môn ngày 26 tháng 8 năm 1941.
        Những năm tháng bị giam cầm ở Côn Đảo là quãng thời gian Lê Hồng Phong trực tiếp đối mặt với mọi âm mưu, thủ đoạn dã man và thâm độc nhất của kẻ thù. Những kinh nghiệm và lý luận học trong các trường học lý trước đây đã giúp đồng chí hiểu thêm tính chất khốc liệt của cuộc đấu tranh giai cấp. Đây không chỉ là thử thách mà còn là đòi hỏi của cuộc đấu tranh để giữ vững phẩm chất, khí tiết của người cộng sản.Thất bại trong việc tìm cách kết án tử hình Lê Hồng Phong ở Sài Gòn, bọn trùm thực dân Pháp ở Nam Kỳ đã chỉ thị cho bọn tay chân ở Côn Đảo thực hiện âm mưu hãm hại đồng chí. Bọn cai ngục đã thực thi một chế độ lao động và “nuôi dưỡng” vô cùng hà khắc  đối với Lê Hồng Phong. Chúng ngang nhiên nhốt vào xà lim cấm cố và tra tấn hết sức dã man. Chúng đánh đập đồng chí bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, trong lúc đang làm việc nặng nhọc, lúc tắm, lúc điểm danh và đánh cả trong bữa ăn. Một lần, khi đồng chí và anh em tù vừa bưng bát cơm gạo lứt mốc, cá khô mục thì bọn cai tù xông vào quất roi liên tục, đá vào mồm người đang ăn. Chúng xông tới trước mặt đồng chí Lê Hồng Phong thẳng tay giáng xuống từng loạt roi. Máu trên đầu, trên mặt đồng chí phun ra, chảy vào cả bát cơm. Cuộc đàn áp đã lâu, áo kẻ địch đã thấm ướt mồ hôi, chúng bắt đầu thở hồng hộc; nhưng lạ thay, mọi người vẫn ngồi ỳ ra chẳng ai nhúc nhích, nhất là đồng chí Lê Hồng Phong vẫn thản nhiên cầm bát cơm đẫm máu ăn một cách ung dung. Nhiều đồng chí, anh em thấy bọn cai tù đánh Lê Hồng Phong quá dã man, muốn xông ra liều chết với chúng. Biết được ý nghĩ ấy, đồng chí đã khuyên anh em chớ có hành động mạo hiểm. Đồng chí nhớ lại những lời giảng dạy của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc : làm cách mạng không thể thực hiện ám sát cá nhân mà đưa cách mạng đến thắng lợi được. Lê Hồng Phong đã giải thích với anh em đồng chí không nên manh động, không được liều lĩnh tự ý giết cai tù, chúa ngục, vì có giết được thằng này, chúng lại đưa thằng khác đến thay, thậm chí còn thay bằng những tên gian ác hơn. Hoặc nếu có giết được một tên, trong điều kiện nhà tù anh em ta không có vũ khí, lại đang bị giam cầm, chúng sẽ buộc tội tù nhân nổi loạn cướp nhà tù mà xả súng bắn chết hàng loạt anh em của chúng ta. Lê Hồng Phong căn dặn anh em trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải bảo vệ nguồn cán bộ của Đảng, của cách mạng. đồng chí phân tích: Tất cả chúng ta bị bắt vào đây chưa phải là đến chỗ tuyệt vọng, cùng đường. Đảng và cách mạng đang rất cần đến chúng ta. Vì vậy, không được hy sinh vô ích. Vào tù tuyệt đối không được tự vẫn, vì như vậy là đầu hàng địch; cũng không được liều lĩnh chết trước kẻ thù một cách vô ích. Trong điều kiện đang bị tù đày, phải kiên quyết khôn khéo đấu tranh chống lại chế độ nhà tù hà khắc của chúng để bảo vệ lực lượng. Để nhanh chóng giết hại Lê Hồng Phong, tách sự chỉ đạo, ảnh hưởng của đồng chí với tù chính trị, bọn chúng đã giam riêng Lê Hồng Phong vào xà lim số 5 ở banh II, một hầm tối và tiếp tục đánh đập tàn nhẫn. Những người bị giam cầm trong hầm tối như Lê Hồng Phong nếu may mắn còn được ra ngoài thì mắt đã mờ, chân không đứng vững được nữa.Chế độ cầm tù và “nuôi dưỡng” tàn bạo đã làm Lê Hồng Phong bị kiết lỵ nặng. Biết không còn đủ sức sống đến ngày thắng lợi cuối cùng. Ý chí kiên cường và sự lạc quan của đồng chí đã thực sự trở thành tấm gương cổ vũ, động viên đồng chí, đồng đội, các chiến sĩ cách mạng đang chịu chung cảnh tù đày giữ vững quyết tâm, vượt lên mọi khó khăn rèn thêm ý chí chiến đấu. Cũng trong thời gian ấy, sau hơn 1 năm, đồng chí mới hay tin về người vợ, người đồng chí của mình hi sinh. Anh không muốn tin về cái điều khủng khiếp ấy. Thế là người đồng chí trung kiên, người vợ yêu dấu của anh đã mãi mãi ra đi, Hồng Minh bé nhỏ đã mất mẹ, rồi sẽ mất cha. Côn Đảo lặng gió. Những kỷ niệm hiếm hoi bên nhau chợt ùa về trong anh. Bệnh tình ngày càng trầm trọng đã làm sức khoẻ của đồng chí kiệt dần. Sau mấy ngày vật vã với những cơn đau, trưa ngày 6 tháng 9 năm 1942, đồng chí đã trút hơi thở cuối cùng trong xà lim nhà tù Côn Đảo. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, đồng chí nhắn lại:“Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng, tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn tin tưởng vào thắng lợi vẻ vang của cách mạng”. Đồng chí đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu sống mái với kẻ thù, giữ trọn khí tiết của người chiến sĩ cộng sản, như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Cuộc đời đồng chí Lê Hồng Phong trong như giọt sương mai, đẹp như ánh dương buổi sớm. Tấm gương chiến đấu kiên cường và sự hy sinh lẫm liệt của đồng chí Lê Hồng Phong vì độc lập dân tộc và lý tưởng cộng sản sống mãi trong trái tim các thế hệ người Việt Nam chúng ta”.

P.V (Tổng hợp)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội