Dùng tên lửa vác vai “quật” 13 máy bay Mỹ
Vào lúc 9 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, tức là chỉ cách khoảng hai tiếng đồng hồ trước khi lá cờ Quân giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, xạ thủ Nguyễn Văn Thoa (quê xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) đã bắn rơi chiếc máy bay C130 của địch tại xã Tân Thới Hiệp, huyện Hóc Môn (phía bắc sân bay Tân Sơn Nhất).
Đến thời điểm hiện tại được xác nhận thì đây là chiếc máy bay cuối cùng của đế quốc Mỹ bị bắn rơi trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Hành trình tiêu diệt máy bay Mỹ của đồng chí Nguyễn Văn Thoa bắt đầu từ giữa năm 1971, khi đồng chí nhập ngũ vào Đại đội 3, Tiểu đoàn 172 (nay thuộc Trung đoàn 64, Sư đoàn 361, Quân chủng Phòng không-Không quân) cũng là lúc đơn vị vừa tiếp nhận loại tên lửa vác vai A72 (9K32 Strela-2) do Liên Xô viện trợ. Để bảo đảm bí mật, đồng chí Thoa cùng đồng đội được huấn luyện 4 tháng mà không liên lạc với bất kỳ ai ngoài đơn vị. Cuối năm 1971, Tiểu đoàn 172 được lệnh hành quân vào Nam thực hiện nhiệm vụ, biên chế vào Đoàn 77-miền Đông Nam Bộ và tham gia Chiến dịch Nguyễn Huệ, phối thuộc cho Sư đoàn 7 làm nhiệm vụ chốt chặn ở Đường 13, từ cầu Cần Lê xuống Chơn Thành (Bình Long).
Trước khi vào trận đánh, các chiến sĩ rất háo hức, nhưng lúc chiến đấu thì lại căng thẳng, lúng túng khi sử dụng loại tên lửa vác vai A72, loay hoay mãi mà không ai ngắm bắn được. Đơn vị rút kinh nghiệm nhưng chưa tìm ra nguyên nhân. Đêm về, đồng chí Nguyễn Văn Thoa trằn trọc không ngủ. Tại sao được huấn luyện kỹ thế mà không thực hành được? Lấy tài liệu ra nghiên cứu lại, đồng chí Thoa đã biết được nguyên nhân: Tên lửa vác vai A72 áp dụng nguyên lý đầu dò tầm nhiệt, bám theo luồng khí xả của động cơ máy bay hoặc sức nóng của động cơ máy bay. Cấu tạo của tên lửa A72 bao gồm đầu đạn, cơ cấu phóng và pin. Một quả pin chỉ có thể sử dụng để ngắm bắn mục tiêu trong vòng 60 giây, nếu quá thời gian đó mà chưa bắn được thì coi như hỏng. Sau khi nắm chắc tính năng trên, đồng chí Thoa cứ thao tác "chay" các động tác vận hành tên lửa A72 một mình trong đêm.
Ngày hôm sau, địch lại tiếp tục cho máy bay lên đổ quân đánh phá. Nguyễn Văn Thoa bình tĩnh chọn phương vị bắn hợp lý rồi ngắm chính xác, đủ thời gian để đầu đạn bắt mục tiêu và chiếc trực thăng HU1A đã bị bắn hạ. Sau trận đánh này, đơn vị đã có câu trả lời về sử dụng tên lửa vác vai A72 để diệt máy bay địch. Kết thúc Chiến dịch Nguyễn Huệ, một mình đồng chí Nguyễn Văn Thoa bắn rơi tại chỗ 3 máy bay địch, gồm 2 chiếc trực thăng HU1A và một máy bay trinh sát L29, góp phần cùng Sư đoàn 7 hoàn thành nhiệm vụ chốt chặn Đường 13. Sau chiến dịch, đồng chí Thoa trở thành xạ thủ số một của Tiểu đoàn. Từ đó cho đến Ngày Giải phóng miền Nam, Nguyễn Văn Thoa tham gia nhiều trận đánh, chiến dịch quan trọng và chỉ với 18 quả đạn đã tiêu diệt 13 máy bay các loại của Mỹ.
Năm 2000, đồng chí Nguyễn Văn Thoa được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Nguồn Báo QĐND
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận