A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dấu ấn của Bác Hồ trên đất Cố đô Huế

Thuở niên thiếu, Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình đã từng sinh sống, lao động, học tập và tham gia các hoạt động yêu nước ở Thừa Thiên Huế trong thời gian gần 10 năm (từ năm 1895-1901 và từ 1906-1909). Đây là thời kỳ đặc biệt quan trọng để hình thành nên nhân cách, lòng yêu nước và khát vọng giải phóng dân tộc của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Và trong thời kỳ này, Người đã để lại những dấu ấn sâu sắc tại mảnh đất Cố đô, trở thành một phần quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa của Thừa Thiên Huế hôm nay.

Những mảnh ghép thời niên thiếu của Bác Hồ

Hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế bao gồm 9 di tích, địa điểm di tích, được chính quyền địa phương quan tâm bảo tồn và xếp hạng từ khá sớm, ngay sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Mới đây, Hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế (gồm 4 di tích) được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt, bao gồm: Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đường Mai Thúc Loan; Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đường làng Dương Nỗ; Đình làng Dương Nỗ; Địa điểm Trường Quốc học. Các di tích còn lại gồm: Địa điểm mai táng bà Hoàng Thị Loan (thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh); Am Bà; Bến Đá; Địa điểm Tòa Khâm sứ Trung kỳ; Địa điểm Trường Tiểu học Pháp-Việt Đông Ba cũng đã được xếp hạng là di tích cấp tỉnh và đã được phân cấp quản lý.

Bức tượng người học sinh ưu tú Nguyễn Tất Thành được đặt trang trọng ở trung tâm khuôn viên Trường THPT chuyên Quốc Học Huế.

 

Các di tích này không chỉ là những mảnh ghép về thời niên thiếu của Người mà còn góp phần lý giải, làm sáng tỏ cho một giai đoạn quan trọng trong tiểu sử của Hồ Chí Minh: 10 năm sinh sống và đi học ở Huế, đất kinh kỳ với bối cảnh chính trị, văn hóa, xã hội thuận lợi cho sự phát triển nhận thức, hành động, hình thành nên bước chuyển trong tư tưởng cứu nước của Người trước tuổi 20.

Di tích Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đường Mai Thúc Loan (TP Huế) là ngôi nhà đầu tiên Nguyễn Sinh Cung đã sống cùng gia đình ở Huế. Năm 1895, cụ Nguyễn Sinh Sắc đưa gia đình vào Huế sinh sống để có điều kiện theo học Trường Quốc Tử Giám, chuẩn bị bài vở cho kỳ thi Hội tiếp theo. Được người quen giới thiệu, gia đình cụ Sắc đã thuê được một căn nhà nhỏ nằm trong khu vực thành nội. Ngôi nhà tuy đơn sơ, giản dị với ba gian nhà gỗ, tường bằng gạch vồ, mái lợp ngói liệt; nhà bếp bằng tranh tre, nứa lá nhưng lại chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt về Chủ tịch Hồ Chí Minh những năm tháng thiếu thời trên đất Huế.

Giai đoạn sống tại ngôi nhà này Chủ tịch Hồ Chí Minh còn rất nhỏ, nhưng những kỷ niệm tại đây đã in sâu trong tâm khảm của Người. Đó là hình ảnh người cha mẫu mực, nghiêm khắc, tấm gương sáng cho các con trên con đường học hành, chinh phục tri thức. Tại đây, cụ Nguyễn Sinh Sắc đã chăm lo đèn sách, tham gia học tập tại Trường Quốc Tử Giám, dự thi Hội hai lần, khoa Mậu Tuất (1898) và khoa Tân Sửu (1901), lấy được học vị Phó bảng vẻ vang cho gia đình, dòng họ, quê hương.

Ngôi nhà này xưa còn ở gần nhà của ông Hoàng Ưng Lịch, tức vua Hàm Nghi, linh hồn của Cần Vương; bên cạnh đó là hai trường võ quan của triều đình Huế: Trường Anh Danh và trường Giáo Dưỡng - địa bàn này là trọng điểm của trận địa chống Pháp năm 1885. Đặc biệt, nơi gia đình Người sống còn gần miếu Âm Hồn, ngôi miếu thờ đồng bào và chiến sĩ trận vong trong sự kiện Thất thủ Kinh đô, được xây dựng năm 1895. Những năm tháng sống trong khu vực Thành nội, vốn là một cậu bé thông minh thích tìm tòi, cậu Cung thường hay lui tới chơi ở khu vực miếu, tham gia các buổi lễ cúng âm hồn các chiến sĩ trận vong, cùng cảm nhận tình cảm của đồng bào, xót thương cho những người bị nạn, căm giận sự tàn ác của bọn thực dân cướp nước, nuôi mối hận quân thù trong nhận thức đầu tiên của tuổi thơ của Người. Ngôi nhà cũng ghi đậm kỷ niệm buồn đau trong trái tim Người cuối năm 1900 khi thân mẫu-bà Hoàng Thị Loan qua đời.

Di tích nhà lưu niệm Bác Hồ ở làng Dương Nỗ, xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế

 

Di tích Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Dương Nỗ là ngôi nhà nơi Nguyễn Sinh Cung đã sống cùng cha và anh trai Nguyễn Sinh Khiêm trong thời gian cụ Nguyễn Sinh Sắc về đây dạy học, từ năm 1898 đến 1900. Cùng kiểu kiến trúc với di tích Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở đường Mai Thúc Loan, nhưng xung quanh nhà cây trái theo mùa thay nhau phủ xanh khuôn viên hơn 1.000m2, cùng với các thiết chế văn hóa của làng như đình làng, nhà thờ họ, nhà thờ chi, nhánh, am miếu... hình thành một không gian văn hóa làng quê giàu bản sắc.

òn Trường Quốc học Huế là nơi ghi đậm dấu ấn Nguyễn Tất Thành trong gần một năm học tập ở đây. Tháng 5-1906, cụ Nguyễn Sinh Sắc đem hai con trai Nguyễn Tất Đạt (còn có tên là Nguyễn Sinh Khiêm), Nguyễn Tất Thành từ Nghệ An vào Huế để nhậm chức và xin cho hai con vào học Trường Tiểu học Pháp-Việt Đông Ba. Sau hai năm theo học, hai anh em đều là những học sinh xuất sắc, nằm trong danh sách 10 học sinh giỏi nhất của trường chuyển thẳng vào Trường Quốc học Huế, hệ trung học, niên khóa 1908-1909. Nguyễn Tất Thành đặc biệt học giỏi môn Hán tự, còn Pháp văn sẵn có tư chất thông minh, cộng thêm với mục đích muốn tìm hiểu tận cội rễ về nước Pháp nên chỉ trong thời gian ngắn Người đã có trình độ Pháp văn vững vàng. Tại đây, Người gặp được những thầy giáo rất tâm huyết với dân tộc và học hỏi được rất nhiều điều từ thầy học, góp phần mở rộng tầm nhìn, mở mang tri thức, tác động mạnh mẽ đến tư tưởng của Người.

Phát huy giá trị các di tích

Hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế là niềm tự hào của nhân dân cả nước nói chung, nhân dân Thừa Thiên Huế nói riêng. Cùng trên dải đất miền Trung, Di tích quốc gia đặc biệt lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên (Nghệ An); hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế sẽ trở thành những điểm dừng chân thú vị, kết nối các vùng di sản trên con đường hành hương về nguồn của nhân dân cả nước.

Thừa Thiên Huế đang thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, lấy di sản làm nền tảng, xây dựng Huế thành đô thị di sản của Việt Nam, cùng với hệ thống di sản Cố đô; di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật và danh lam thắng cảnh; di sản Hồ Chí Minh đang nỗ lực để trở thành lợi thế trong xây dựng và phát triển của tỉnh. Vì vậy, từ đầu năm 2021, Sở Văn hóa và Thể thao đã chỉ đạo Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế xây dựng đề án: “Phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế phục vụ phát triển du lịch" và đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt.

Người dân tham quan không gian lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Trường PTTH chuyên Quốc học Huế.

 

Mục tiêu của đề án là phát triển du lịch bảo tàng và hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cơ sở khai thác và phát huy các tiềm năng, lợi thế, đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch, phù hợp với các quy hoạch, chương trình trọng điểm phát triển du lịch-dịch vụ của tỉnh; tạo địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước, đồng thời là điểm du lịch văn hóa, lịch sử hấp dẫn, thu hút khách tham quan.

Cụ thể, trong năm 2021, đề án sẽ xây dựng và đưa vào thực nghiệm các sản phẩm du lịch phù hợp với các đối tượng khách tham quan: Tour tuyến tham quan các di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh kết hợp với các di tích lịch sử văn hóa và sản phẩm du lịch tại các địa phương; xây dựng chương trình Lễ dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh dịp 19-5 trong cộng đồng; tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho du khách tại các di tích. Từ năm 2022, địa phương sẽ đưa các tour này vào khai thác phục vụ khách tham quan, du lịch. Phấn đấu đến năm 2025, hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh cơ bản được tu bổ, tôn tạo hoàn chỉnh. Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế được đổi mới trưng bày, trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn trong hệ thống điểm tham quan du lịch của tỉnh. 

Trong những năm qua, Bảo tàng Hồ Chí Minh và hệ thống di tích lưu niệm về Người tại Thừa Thiên Huế đã trở thành những điểm tham quan hấp dẫn, thu hút hàng chục nghìn lượt du khách hằng năm. Với sự quan tâm đầu tư để bảo tồn, phát huy giá trị hệ thống di tích đặc biệt này, trong những năm tới, đây chắc chắn sẽ là những địa chỉ không thể bỏ qua đối với du khách khi ghé thăm Huế, thành phố di sản văn hóa đặc sắc của Việt Nam.

Nguồn: BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội