A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đổi thay nơi phía Tây Quảng Bình

"Con đường bê tông dẫn vào bản của người Ma Coong (dân tộc Bru Vân Kiều) đón tiếp từng tốp trẻ con kéo về sau giờ tan học. Phía xa, những ngôi nhà sàn khang trang nối nhau tựa lưng vào dãy núi đá vôi cao vút, nương lúa mùa này đang độ vàng ươm…" Vẻ đẹp ấy cứ cuốn hút tôi, một ấn tượng không thể nào quên sau ngày trở lại vùng biên giới Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Toàn cảnh mô hình dự án lúa nưới Cham Pu ở Thượng Trạch.

Ngược nắng phố thị, chuyến xe chở đoàn công tác băng qua mấy đèo cao, dốc thẳm. Con đường 20 quyết thắng đưa chúng tôi đến với bản 61 của xã Thượng Trạch, một xã biên giới phía Tây tỉnh Quảng Bình.

Chuyến công tác này chúng tôi may mắn được theo chân các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Roòng đi tuần tra cột mốc biên giới. Xen lẫn giữa sắc áo xanh bộ đội xuất hiện hình ảnh "lạ" của một vài anh lính "không quân phục". Trung tá Nguyễn Chí Thanh, Chính trị viên Đồn giới thiệu đó là Đinh Bu (Trưởng bản Troi, xã Thượng Trạch) cùng hai dân quân người Ma Coong.

 Từ một đỉnh núi cao, phóng tầm mắt ôm trọn cả một vùng biên cương bao la, trong cái sắc xanh của cây rừng hiện ra một vùng vàng óng của cánh đồng lúa nước chín rộ. Đinh Bu hồ hởi lý giải: "Các bản làng của người Ma Coong bây giờ thay đổi nhiều lắm, không còn lo đói nữa mô. Công ơn này nhờ vào Đảng và bộ đội nhiều lắm!". Đồng chí Thanh tiếp lời: "Đó là dự án lúa nước Cham Pu, một trong những mô hình lúa nước đầu tiên của Bộ đội Biên phòng xây dựng nhằm giúp bà con Ma Coong xóa đói giảm nghèo nơi biên giới phía Tây của tỉnh Quảng Bình. Mô hình này đã được duy trì rất hiệu quả cho tới tận hôm nay".

Bộ đội Biên phòng Cà Roòng giúp Nhân dân thu hoạch lúa.

Cũng theo lời anh Thanh, để cây lúa nước thực sự bén rễ trên vùng núi đá vôi này là cả một câu chuyện dài. Đây chính là thành quả từ công sức của những người lính áo xanh cần mẫn băng rừng đi tìm nguồn nước dẫn về, khai hoang đất đá để "biến" vùng đất cằn cổi này trở thành đồng ruộng màu mỡ. Tiếp đó là chuỗi ngày dài cầm tay chỉ việc, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin... Nhưng cũng phải kể tới những giọt mồ hôi của người dân Ma Coong đổ ra trên đồng ruộng, họ rất chịu khó lắng nghe, chăm học hỏi và siêng năng lao động. Có thể nói, những hạt lúa vàng trên đỉnh núi quanh năm sương gió này chính là minh chứng cho sự ấm no và nghĩa tình quân dân rất sâu nặng nơi vùng biên. Việc trồng lúa nước đã thực sự trở thành “cần câu” để bà con dần ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Chia tay đội tuần tra, tôi tìm gặp đồng chí Võ Doãn Lân, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy tăng cường xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, nay đã nghỉ hưu. Rót ly trà nóng, đồng chí Lân kể tôi nghe nhiều câu chuyện hay, ý nghĩa về hành trình “ba bám, bốn cùng” của cán bộ cắm bản nơi đây:

"Lúc tôi mới về đây, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn còn là một nỗi đau nhức nhối, âm ỉ. Những đứa bé bệnh tật, đần độn là sản phẩm của những cuộc hôn nhân cận huyết thống. Đơn cử như trường hợp của 2 anh em con chú bác ruột Đinh Vưi và Y Tút không đi đăng ký kết hôn nhưng họ vẫn tự ý về sống chung một nhà. Vì vậy mà việc quản lý, vận động của chính quyền gặp nhiều khó khăn”.

Theo lời đồng chí Võ Doãn Lân, trước đây, người dân ở đây sống rải rác, bản làng cách xa nhau nên thanh niên gần như ít đi ra khỏi nơi cư trú tìm bạn đời cho mình. Lấy vợ, lấy chồng cũng quẩn quanh trong bản, không tìm được người cùng bản thì anh em nội tộc lấy nhau và sinh con đẻ cái. Cuộc sống cứ luẩn quẩn như thế đời này sang đời khác.

 Với vai trò, nhiệm vụ của người cán bộ, đồng chí Lân đã cùng với chính quyền địa phương luôn kiên trì tuyên tuyền, vận động nhân dân hiểu về tác hại lâu dài của hôn nhân cận huyết thống. Để rồi bây giờ, những hủ tục nói trên đã dần được xóa bỏ. Đám cưới của Đinh Bự (chàng trai người Ma Coong) với cô gái Y Vay (người Arem) chính là minh chứng rõ nhất cho sự thay đổi từ trong nhận thức về hôn nhân của bà con người Ma Coong.

Rời Thượng Trạch, từ những gì được thấy, được nghe tôi càng vững tin hơn về con đường phía trước của người Ma Coong… mừng vì Thượng Trạch đã đổi thay.

Bài, ảnh: HẢI HOÀNG


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội