A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vĩnh biệt Nhạc sĩ - Chiến sĩ Ánh Dương

Trong những ca khúc ra đời thời chống đế quốc Mỹ cứu nước, có một ca khúc nổi tiếng về ca ngợi người lái xe ra tiền tuyến và cô gái thanh niên xung làm đường dưới bom đạn vô cùng ác liệt; hình tượng âm nhạc trong sáng, giai điệu tình cảm, mang đậm chất dân ca Nghệ Tĩnh, đó là ca khúc “Chào em cô gái Lam Hồng”. Từ ca khúc này, tên tuổi Nhạc sĩ Ánh Dương đã đi vào lòng của nhiều người yêu âm nhạc và tầng lớp Nhân dân trong cả nước.

Nhạc sĩ Ánh Dương tên thật là Lê Văn Dương, sinh ngày 12/10/1935, quê ở xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ông là một thanh niên hăng hái tham gia hoạt động cách mạng từ năm 18 tuổi trong phong trào thanh niên cứu quốc ở địa phương. Năm 1953, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn quyết liệt, ông xung phong vào bộ đội. Tham gia chiến đấu ở nhiều chiến trường như: Trung Lào, Hạ Lào, rồi qua Đông Bắc Campuchia. Do có năng khiếu về văn hóa, văn nghệ, năm 1955, ông được điều về Đoàn Văn công Đại đoàn 325, vừa sáng tác, vừa biểu diễn. Mặc dù lúc đó trình độ âm nhạc của ông còng hạn chế, nhưng nhờ đam mê, chịu khó, tự vượt lên chính mình; lăn lộn vào đời sống, chiến đấu của người chiến sĩ, trên thao trường bãi tập, hoạt động ở hậu phương, giúp ông có cảm hứng viết nhiều bài hát cổ vũ bộ đội, cổ vũ người dân, được bộ đội và Nhân dân rất yêu thích, điển hình như: “Tạm biệt em”, “Noi gương Nhân dân Triều Tiên chiến đấu”, “ Tiếng trống tòng quân”…

Nhạc sĩ Ánh Dương - tác giả 'Chào em cô gái Lam Hồng' qua đời ở tuổi 88 ảnh 2
Nhạc sĩ Ánh Dương lúc còn trẻ. Ảnh: TL

 

Hòa bình lập lại ông được chuyển về Đoàn Văn công Quân khu 4. Ông đóng góp đắc lực vào các chương trình biểu diễn của Đoàn, như: “Hợp xướng vinh quang Quân khu chúng ta (1958)” với giai điệu hùng tráng, lạc quan; bài hát “Hoa đào nở trên biên giới”, hay hoạt ca: “ Không cho chúng mò vô, không cho chúng mò ra” dí dỏm, hài hước, sinh động, hấp dẫn; khán giả nghe nhiều lần mà vẫn rất thích. Nhờ vai trò to lớn của ông trong sáng tác và biểu diễn, Đoàn đã được tặng giải thưởng tại Hội diễn toàn miền Bắc thời gian (1958-1964).

Bước vào thời kỳ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hoạt động trên vùng đất lửa Quân khu 4, ông có mặt ở những địa danh ác liệt nhất như: Truông Bồn, Ngã Ba Đồng Lộc. Ông viết rất hào hứng và sung sức, đáp ứng với tình hình nhiệm vụ của Quân đội, của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn. Ông đã cho ra đời nhiều tác phẩm, trong đó có 60 tiết mục cho thanh nhạc, nhạc múa, có nhiều tác phẩm tiêu biểu như hợp xướng: “Dốc lòng, dốc sức giải phóng miền Nam (1965)” nhịp điệu khỏe khắn, hào hùng, giàu màu sắc dân tộc, đã động viên, cổ vũ quân và dân ta tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì đồng bào miền Nam ruột thịt. Hợp ca nam nữ “Phu Cham Xi” ca ngợi tình cảm đặc biệt giữa hai đất nước Việt- Lào, ca ngợi đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung của hai Quân đội anh em. Đặc biệt bài hát “Chào em cô gái Lam Hồng (1967)” - đây là một thành công lớn của Nhạc sĩ Ánh Dương. Mùa hè năm 1967, ông được đi dự Đại hội Thi đua Quyết thắng tỉnh Hà Tĩnh tổ chức tại xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn. Đại hội xong ông được mời về giúp đỡ Đoàn Văn công tỉnh đội Hà Tĩnh đóng ở xã Nhân Lộc, huyện Can Lộc. Trên đường về, địch đánh rất dữ dội, phải đi ban đêm. Trước lúc lên xem đồng chí Hảo - Chủ nhiệm Chính trị tỉnh đội bấy giờ dặn dò ông: “Đồng chí yên tâm, hai bên đường bà con Hà Tĩnh làm rất nhiều hầm, cung đường nào cũng có thanh niên xung phong bảo vệ”.

Đêm hôm đó trăng lu, trời lất phất mưa, pháo sáng và máy bay địch bắn liên tục, sáng rực cả bầu trời. Xe đi được một đoạn, thấy một cô thanh niên xung phong ra chào, hỏi thăm sức khỏe. Ngồi trên xe, ông Hảo nói với Nhạc sĩ Ánh Dương: “Tôi muốn có một tác phẩm nói về các cô thanh niên xung phong can trường, hết đỗi dũng cảm”. Nhạc sĩ Ánh Dương nói lại với ông Hảo: “Các cô gái thanh niên xung phong Hà Tĩnh gan dạ thật”. Chính lúc đó, trong người Nhạc sĩ Ánh Dương trào dâng lên cảm xúc. Con đường 15A bom đạn Mỹ cày đi, xới lại, hai bên không còn màu xanh, sống chết cận kề gang tấc, thế mà các cô gái mới mười tám, đôi mươi bất chấp hiểm nguy, kiên cường bám trụ hết ngày này đến ngày khác. Xe đang đi bỗng nhiên khững lại, máy bay gầm rú, bom bỏ trước mặt, nhưng các cô thanh niên xung phong vẫn hối hả lấp hố bom để xe vượt qua trọng điểm. Họ xem cái chết nhẹ tựa lông hồng. Mỗi chiếc xe qua, tiếng cười, tiếng nói, tiếng chào các cô gái lại giòn tan, thỉnh thoảng lại có một giọng hò cất lên. Chính những gì diễn ra trong chuyến đi đó đã tạo thành chất xúc tác, cho Nhạc sĩ những nốt nhạc và lời ca. Về đến tỉnh đội Hà Tĩnh, Nhạc sĩ Ánh Dương hoàn thành ca khúc. Liền dàn dựng cho Đoàn Văn công tỉnh đội Hà Tĩnh phục vụ chiến sĩ thanh niên xung phong, quân và dân trong tỉnh. 

Ca khúc "Chào em cô gái Lam Hồng" của nhạc sĩ Ánh Dương. Ảnh: TL

 

Đầu năm 1968, Đại hội Thi đua Quyết thắng Quân khu 4, bài hát được Đoàn Văn công Quân khu dàn dựng chào mừng Đại hội. Sau đó được Đài tiếng nói Việt Nam phát; ca khúc “Chào em cô gái Lam Hồng” nhanh chóng được người nghe cả nước yêu mến.

Nhạc sĩ Ánh Dương rất quan tâm thể loại hành khúc. Ông viết nhiều nhưng thành công hơn cả là: “Hành khúc Sư đoàn Sông Lam (1981)”, được giải thưởng tại Hội diễn Ca múa nhạc toàn quốc.

Trong thời gian học tập tại Nhạc viện Hà Nội (1975-1979), ông hoàn thành bản giao hưởng thơ: “Tượng đài chiến thắng” viết cho dàn nhạc hơi biểu diễn. Đây là một tác phẩm được đánh giá khá quy mô, miêu tả cuộc thần tốc chiến đấu của Nguyễn Huệ - Quang Trung đánh tan quân xâm lược nhà Thanh, đại quân tiến vào Thăng Long xuân Kỷ Dậu (1789). Toàn bộ bản giao hưởng dựa vào chất liệu âm nhạc dân gian khu V, tác giả đã tài tình phát triển một cách hiệu quả. Tác phẩm được tặng Bằng khen Hội diễn Ca múa nhạc toàn quốc năm 1980 tại Hà Nội. Ông còn viết nhạc cho nhiều điệu múa như: “Niềm vui của người Tày Hạy” được giải thưởng âm nhạc cho múa trong Hội diễn Ca múa nhạc toàn quốc năm 1981. Balade cho hợp xưởng và dàn nhạc: “Hồi Tưởng một  đêm  về Bác” dựa trên bài thơ “Đêm nay Bác không ngủ” của Nhà thơ Minh Huệ. Đây là một tác phẩm thanh nhạc khá công phu vừa quy mô, vừa phong phú về nội dung, giàu cảm xúc.

Năm 1984, ông đảm nhận chỉ đạo nghệ thuật Đoàn nghệ thuật Quân khu 4. Mặc dù công việc lãnh đạo, chỉ đạo chiếm mất nhiều thời gian, nhưng ông vẫn đam mê sáng tác. Ông đóng góp nhiều tiết mục cho đoàn như: “Hòa tấu dàn nhạc với giọng thơ Lệ Thanh”, bài hát “Kỷ niệm Hàm Rồng”.

Cho đến hôm nay, Ánh Dương là nhạc sĩ duy nhất cư trú tại tỉnh Nghệ An được Chủ tịch nước trao “Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật” đợt 2, ngày 10/3/2007 với cụm tác phẩm 4 ca khúc: “Chào em cô gái Lam Hồng”; “Hoa đào nở trên biên giới”; “Phu Cham Xy”; “Dốc lòng, dốc sức giải phóng miền Nam” và một bản giao hưởng thơ (pooefme tymphonic) có tiêu đề: “Tượng đài chiến thắng”.

Nhạc sĩ Ánh Dương là tác giả của ca khúc Chào em cô gái Lam Hồng
Nhạc sĩ Ánh Dương là tác giả của ca khúc Chào em cô gái Lam Hồng.

 

Năm 1989, ông về nghỉ hưu với quân hàm Trung tá, bên người bạn đời Ca sĩ Nguyễn Thị Hồng Mậu, người con gái quê Đức Phổ, Quảng Ngãi ở Đoàn Văn công Quân khu V, mê chàng trai xứ Nghệ đẹp trai tài hoa, nhưng rất chiều vợ. Về hưu ở khối 9, phường Trường Thi, thành phố Vinh, kinh tế không dư dả nhưng hai vợ chồng sống rất hạnh phúc. Không may bà ra đi sớm với căn bệnh hiểm nghèo, ông thương vợ vô cùng. Mặc dù vậy, ông vẫn đam mê sáng tác. Mỗi khi về Vinh tôi lại đến thăm ông. Ông bảo: N”ghiệp đã quấn vào tôi, một ngày không viết được một nốt nhạc tôi thấy khó chịu trong người”. Ông đã cho ra đời nhiều tác phẩm như một tổ khúc hợp xưởng với dàn nhạc giao hưởng. Tổ khúc gồm 4 chương, tiêu đề là Ơn nước nhớ Người” . Chương 1: “Ngôi sao mai lung linh”, Chương 2: “Nhớ về một đêm với Bác”, Chương 3: “Xin có một lời ước”, Chương 4: “Đỉnh cao phía trước”. 

Tuổi xế chiều ông vẫn đam mê sáng tác.

 

Với công lao đóng góp trong hai cuộc kháng chiến và cho nền âm nhạc Việt Nam, ông được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương chiến sĩ Vẻ vang hạng Nhất.

Vào lúc 6 giờ 00 phút, ngày 08/11/2022, Nhạc sĩ Ánh Dương - Hội viên Hội nhạc sĩ Việt Nam, tác giả ca khúc đi cùng năm tháng “Chào em cô gái Lam Hồng” được các chiến sĩ trong Quân đội, người yêu âm nhạc trìu mến gọi : “Nhạc sĩ - Chiến sĩ” đã ra đi tại nhà riêng ở khối 8, phường Trường Thi, thành phố Vinh, Nghệ An, hưởng thọ 88 tuổi. An táng tại nghĩa trang Đồng Dương, xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

Nhạc sĩ Ánh Dương ra đi đất nước mất một Nhạc sĩ tài hoa. Cả cuộc đời ông sống hết mình vì âm nhạc. Ông để lại cho đời nhiều tác phẩm qúy giá, một gia tài âm nhạc đồ sộ. Rất tiếc, ước mơ của ông có một đêm nhạc cho riêng mình nhưng với nhiều lý do, vẫn không thực hiện được. Tôi viết bài này thay cho một nén hương lòng, vĩnh biệt một người anh đã ra đi, để lại tiếc thương vô hạn cho người yêu âm nhạc. Mong anh yên giấc dưới suối vàng!

HẢI HƯNG


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội