A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản
chào mừng kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống LLVT Quân khu 4 (15/10/1945-15/10/2020))

Những tướng lĩnh Khu 4 được Bác Hồ đặt tên

Trong suốt 75 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự thương yêu đùm bọc, giúp đỡ của Nhân dân, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, lực lượng vũ trang (LLVT) Quân khu 4 đã vượt qua muôn vàn thử thách, hy sinh, vừa xây dựng vừa chiến đấu, không ngừng trưởng thành, “càng đánh, càng mạnh, càng thắng lớn”, lập nên những chiến công oanh liệt, mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc. Quá trình đó, xuất hiện nhiều tướng lĩnh tài ba, văn võ song toàn; vinh dự hơn cả là những tướng lĩnh Khu 4 được Bác Hồ đặt tên.

* LÊ THIẾT HÙNG VỊ TƯỚNG ĐẦU TIÊN CỦA QUÂN ĐỘI

Thiếu tướng Lê Thiết Hùng, vị Tư lệnh đầu tiên của LLVT Quân khu 4, sinh năm 1908 tại xã Thông Lạng (nay là Hưng Thông), Hưng Nguyên, Nghệ An trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Thân sinh ông đã từng là nghĩa quân của Phan Đình Phùng.

Thiếu tướng Lê Thiết Hùng.

Tên thật của ông là Lê Văn Nghiệm (còn có tên khác là Lê Trị Hoàn). Mùa thu 1923, được sự giới thiệu của chí sỹ Võ Trọng Đà, ông cùng 12 bạn đồng môn trong đó có Lê Hồng Phong (anh em con chú bác với ông) sang Thái Lan rồi sang  Quảng Châu hoạt động cách mạng. Ông được gặp Lý Thụy (Bác Hồ, lúc đó đang ở Quảng Châu theo sự phân công của quốc tê cộng sản về đây để xây dựng phong trào vô sản cho Đông Nam Á). Ông được Bác đặt tên mới là Lê Quốc Vọng (nhớ về Tổ quốc) và gửi vào học ở Trường Quân sự Hoàng Phổ. Tốt nghiệp Trường Quân sự Hoàng Phổ, ông được Bác Hồ giao nhiệm vụ gia nhập vào Quân đội quốc dân Đảng để hoạt động. Ông được Bác Hồ đặt cho bí danh là “Cây gỗ Mun” để bí mật liên lạc với tổ chức của ta. Ngày 15/10/1945 Chiến khu 4 được thành lập, ông được Bác Hồ giao nhiệm vụ làm Chỉ huy trưởng Chiến khu gồm 6 tỉnh: Thanh Hoá, Nghệ An , Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.

Cách mạng tháng 8 thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thù trong giặc ngoài. Theo Hiệp định sơ bộ (6/3/1946), Chính phủ ta tổ chức “Tiếp phòng quân” để thay thế cho quân Tưởng và cùng với quân Pháp giám sát việc “rút lui trong danh dự” của quân Tưởng. Thường vụ Trung ương Đảng và Bác Hồ chọn Lê Quốc Vọng làm chỉ huy trưởng Tiếp phòng quân. Ngày tiễn ông lên đường nhận nhiệm vụ mới, Bác Hồ đặt cho ông cái tên mới Lê Thiết Hùng với mong muốn: chất “thép”, chất “hùng” trong con người ông được phát huy cao độ để hoàn thành trọng trách mới. Để tương đương với thiếu tướng chỉ huy Tiếp phòng không quân của Pháp, Thường vụ TW Đảng và Bác Hồ đã quyết định phong quân hàm Thiếu tướng cho Lê Thiết Hùng (Quyết định số 185 ngày 24/9/1946, Bộ trưởng nội vụ Huỳnh Thúc Kháng ký). Và đến tháng 8/1948 Quân đội ta mới phong quân hàm cấp Tướng lần thứ nhất vì thế lịch sử Quân đội gọi Lê Thiết Hùng là vị tướng đầu tiên của Quân đội ta.                

*LƯỠNG QUỐC TƯỚNG QUÂN NGUYỄN SƠN

Thiếu tướng Nguyễn Sơn, Tư lệnh kiêm Chính uỷ Liên khu 4, trong hai năm 1948 – 1949 tên thật là Vũ Nguyên Bắc, sinh ngày 1/10/1908, mất ngày 21/10/1956. Quê ở làng Kiêu Kỵ, Gia Lâm, Hà Nội.

Thiếu tướng Nguyễn Sơn.

Năm 1925, ông được Nguyễn Công Thụ do Nguyễn Ái Quốc cử về nước vận động sang Trung Quốc hoạt động cách mạng. Đến Quảng Châu, ông được gia nhập vào “đại gia đình họ Lý” của Lý Thụy (Hồ Chí Minh), Lý Tống (Phạm Văn Đồng), Lý Tự Trọng (Lê Văn Đài), Lý Quý (Trần Phú), Lý Trí Phương (Nguyễn Thị Minh Khai). Ông được Bác đặt tên cho là Lý Anh Tự.

Tháng 11/1945, theo yêu cầu của Bác Hồ, ông trở về Việt Nam tham gia kháng chiến. Ông được Bác đặt cho tên mới là Nguyễn Sơn, ý Bác là: “Giang Sơn, Tổ quốc là trên hết”. Hai năm 1948 - 1949, ông là Tư lệnh kiêm Chính uỷ Liên khu 4. Trong đợt phong quân hàm Tướng đầu tiên của Quân đội ta (8/1948), ông được phong Thiếu tướng. Năm 1950, ông trở lại Trung Quốc và được bổ nhiệm làm Phó Cục trưởng Cục điều lệnh Tổng Giám bộ Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc, kiêm Tổng biên tập tạp chí “Huấn luyện chiến đấu”. Tháng 9/1956 ông được Nhà nước CHND Trung Hoa phong quân hàm Thiếu tướng. Vì thế, ông được gọi là “Lưỡng quốc Tướng quân” (tướng của hai nước).

*NGƯỜI CẬN VỆ CỦA BÁC HỒ Ở TÂN TRÀO

Thượng tướng Đàm Quang Trung tên thật là Đàm Ngọc Lưu, dân tộc Tày, sinh ngày 12/9/1921 tại bản Nà Nghiềng, xã Sơn Hà, huyện Hà Quảng tỉnh Cao Bằng trong một gia đình truyền thống cách mạng. Đàm Ngọc Lưu tham gia hoạt động cách mạng từ khi 14 tuổi. Tháng 2/1939, ông được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương . Năm 1940 bị địch bắt giam quản thúc tại địa phương.

Thượng tướng Đàm Quang Trung.

Tháng 3/1941, ông được tổ chức giúp đỡ thoát khỏi sự quản thúc sang Tĩnh Tây (Trung Quốc) làm liên lạc cho cơ quan lãnh đạo Đảng cộng sản Đông Dương. Tại đây ông đã được gặp Nguyễn Ái Quốc, được Người đặt cho cái tên mới Đàm Quang Trung và cử đi học ở Trường Quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc) cùng với các đồng chí Hoàng Văn Thái, Hoàng Sâm, Hoàng Minh Thảo, Vũ Lập... 

Tháng 7/1944 ông trở về Tổ quốc, tham gia huấn luyện quân sự cho các đội du kích ở vùng biên giới và được tín nhiệm cử làm Đội trưởng Đội bảo vệ Trung ương Đảng và Chủ tich Hồ Chí Minh ở  Tân Trào.

Tháng 4/1958, ông được bổ nhiệm Phó tư lệnh Quân khu Tả Ngạn và được phong quân hàm Đại tá. Tháng 3/1961 ông được điều động về giữ chức Tư lệnh Quân khu Việt Bắc. Chiến sự ở miền Nam ngày càng quyết liệt, tháng 8/1966 ông được điều ra mặt trận trong cương vị Tư lệnh tiền phương Bộ quốc phòng tại Mặt trận B5 Bắc Quảng trị kiêm Phó Tư lệnh Quân khu 4. Ở nơi đụng đầu quyết liệt này ông đã lập nhiều chiến công, là người trực tiếp chỉ huy tập kích Thành cổ Quảng Trị, Tư lệnh pháo binh mặt trận, Tư lệnh xe tăng mặt trận, ông đã đóng góp vào kho tàng nghệ thuật Quân sự Việt Nam những kinh nghiệm bước đầu về tác chiến hiệp đồng quân binh chủng trên quy mô lớn.

Tháng 1/1973 đến tháng 6/1976 ông là Phó Bí thư Đảng uỷ, kiêm Tư lệnh Quân khu 4. Là một người chỉ huy toàn năng, công thức “VAC” và kế hoạch phủ kín vành xanh lương thực, thực phẩm vòng quanh doanh trại, điểm trú quân của ông đã góp phần giúp bộ đội ta “ăn no, đánh thắng” không những trong điều kiện kinh tế khó khăn ngày ấy mà ngay cả thời bình. Những “ao cá Quang Trung” ngày ấy bây giờ vẫn phát huy tác dụng to lớn trong xây dựng môi trường sống, cải thiện bữa ăn cho bộ đội.

*CỦ SÂM VÀNG

Thiếu tướng Hoàng Sâm tên thật là Trần Văn Kỳ. Ông sinh năm 1915 tại Lệ Sơn, Tuyên Hoá, Quảng Bình trong một gia đình nông dân nghèo, phải bỏ quê tha hương, cầu thực sang tận Na Khon, Chiềng Mai (Thái Lan) làm thuê, làm mướn.

Thiếu tướng Hoàng Sâm.

Năm 1927, Nguyễn Ái Quốc từ Châu Âu về Thái Lan hoạt động. Với cái tên Thầu Chín người lưu lại trong nhà lương y Đặng Văn Cáp cạnh nhà bố mẹ Trần Văn Kỳ nên Kỳ sớm trở thành người dẫn đường cho Thầu Chín khi đi ra ngoài gặp gỡ bà con Việt Kiều. Công việc của Thầu Chín ngày càng phải đi xa, thấy Kỳ tuy mới 12 tuổi nhưng to khoẻ, nhanh nhẹn, thông minh nên cụ Cáp đã chọn Kỳ đi theo Thầu Chín, vừa đi vừa học, vận động bà con Việt Kiều tham gia phong trào yêu nước. Khi Thầu Chín rời Thái Lan, Trần Văn Kỳ được Người chọn làm liên lạc chắp nối các tổ chức Việt Kiều yêu nước ở Thái Lan. Năm 1933, Trần Văn Kỳ được kết nạp vào Đoàn Thanh niên cộng sản và sau đó được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương. Năm 1934, Trần Văn Kỳ bị mật thám ở Thái Lan bắt và giao cho lãnh sứ quán của Pháp ở Thái Lan tra xét. Sau gần một năm giam giữ, vì không tìm ra chứng cứ, chúng phải thả và trục xuất ông về nước. Ông được tổ chức ở Thái Lan bí mật tạo điều kiện cho sang Quảng Châu (Trung Quốc). Năm 1940, ông gặp lại Thầu Chín và được Người gửi vào Trường Quân sự Bội Công. Người còn đặt cho Trần Văn Kỳ cái tên mới là Hoàng Sâm (củ sâm vàng) để ghi nhớ những ngày sống trong nhà thuốc  lương y Trần Văn Cáp ở Thái Lan vừa mong muốn Trần Văn Kỳ sẽ như vị thuốc quý cứu rỗi đồng bào đang lầm than nô lệ.

Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập. Hoàng Sâm được chỉ định làm Đội trưởng trực tiếp chỉ huy giành chiến thắng Phai Ngắt, Nà Ngần, Đồng Mu.

Năm 1948 Hoàng Sâm được phong quân hàm cấp Thiếu tướng (đợt đầu tiên của quân đội ta).

Cuối năm 1967, trước sự phát triển của chiến trường miền Nam, ông được bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân khu Trị Thiên - Huế.

Tháng 12/1968, ông đã anh dũng hy sinh tại chiến trường Trị Thiên - Huế ở tuổi đời 53.

* TÊN CHÚ CỐNG HIẾN CHO NGÀY MAI

 Trung tướng Lê Hiến Mai (thứ nhất từ trái sang), Đại tướng Văn Tiến Dũng, Thượng tướng Song Hào tại kỳ họp Quốc hội hóa VI, ngày 1/7/1976.

Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 4 từ 1965 đến 1967, cố Trung tướng Lê Hiến Mai còn có tên khác là Dương Quốc Chính và tên thật là Nguyễn Văn Phường, sinh ngày 23/11/1918 ở xã Mỹ Lộc, huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây cũ nay là xã Mỹ Lộc, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội.  Ông là một trong những cán bộ được phong quân hàm Thiếu tướng đợt đầu tiên của Quân đội (tháng 8/1948). Trong lễ phong Quân hàm, Bác Hồ vừa trao Quyết định vừa nói với ông và mọi người: Bác cải lại tên chú là Lê Hiến Mai là cống Hiến thật nhiều cho ngày Mai tươi sáng của đất nước.

  * DANH TƯỚNG HAI MẠNH

  Đại tướng Chu Huy Mân, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, tên thật là Lê Văn Điều. Ông sinh năm 1913 tại xã Yên Lưu, tổng Yên Trường phủ Hưng Nguyên (nay là xã Hưng Hòa, TP Vinh). Ông tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1929 trong phong trào Xô - Viết Nghệ - Tĩnh, là đội trưởng đội tự vệ Đỏ Yên Lưu. Ông được kết nạp vào Đảng tháng 5/1930 vì thế ông là tướng lĩnh Quân đội đầu tiên được nhận huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.

Đại tướng Chu Huy Mân.

Cuộc đời binh nghiệp của Đại tướng Chu Huy Mân gắn bó với chiến trường Việt Bắc, chiến trường Lào, chiến trường Quân khu 4, chiến trường Quân khu 5.

Với chiến trường Quân khu 4 ông hai lần đảm nhiệm trọng trách Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu. Lần 1, từ 1/1957 đến 12/1957, lần 2 từ tháng 2/1961 đến tháng 1/1962 ông còn kiêm chức Tư lệnh Quân khu.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng ông mang nhiều cái tên khác nhau nhưng cái tên mà ông và đồng đội ông yêu quý nhất là "Hai Mạnh" - cái tên Bác đặt cho ông. Cuối tháng 6/1967, trong lúc triển khai chuẩn bị chiến dịch Đắc Tô, cấp trên gọi ông ra Hà Nội kiểm tra sức khỏe vì sốt rét nhiều, gan có vấn đề. Từ Tây Nguyên, ông sang Nông Pênh với hộ chiếu Hồ Thạch Châu - doanh nhân, bay sang Quảng Châu, về Hà Nội. Mấy hôm sau báo cáo tình hình với Bác Hồ.        

Sau khi nghe ông báo cáo, Bác Hồ hỏi: Chú ở Tây Nguyên làm cả nhiệm vụ chỉ huy và công tác chính trị phải không?

Ông thưa với Bác: Quân ủy Trung ương và Tổng cục Chính trị chưa có cán bộ thay, cháu phải làm tạm cả hai nhiệm vụ.

Bác Hồ nói với tinh thần khẳng định và động viên: Chú chịu khó gánh cả hai vai cho khỏe càng tốt.

Về đến Tây Nguyên, sau khi nghe ông nói lại câu chuyện, đồng chí thư ký Trần Quế liền nói đổi bí danh của ông từ Hồ Thạch Châu sang “Hai Mạnh”. Từ đó trong các điện và công văn, ông đều ký tên “Hai Mạnh".

Cái tên Hai Mạnh đã trở thành mục tiêu rèn luyện, phấn đấu không ngơi nghỉ của Đại tướng Chu Huy Mân. Là vị tướng nhiều lần được giao nhiệm vụ vừa là người lãnh đạo vừa là người chi huy nhưng Ông đã không phụ lòng tin của Bác. Trên các cương vị Bí thư Đảng đoàn Ban cán sự kiêm đoàn trưởng ở Lào Tư lệnh (Quân sự) kiêm chính ủy (Chính trị) ở Quân khu 4 ở mặt trận B5 Tây Nguyên (8/1965 – 2/1975), Quân khu 5 (1975 – 1976) ông và đồng đội ông luôn “mạnh về chính trị” trung thành vô hạn, chiến đấu kiên cường, “mạnh về quân sự”, dũng cảm, mưu trí, dám đánh, quyết đánh và luôn đánh thắng.

NGUYỄN KHẮC THUẦN (tổng hợp)

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội