Quảng Trị: Độc đáo chợ đình Bích La
Mỗi năm một lần, phiên chợ đình Bích La (Quảng Trị) với nhiều nét truyền thống độc đáo diễn ra từ mùng 2 Tết đã thu hút hàng ngàn người dân, du khách thập phương tham quan, mua sắm.
Làng Bích La, mảnh đất địa linh nhân kiệt, quê hương của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, nơi sinh ra họa sĩ tài hoa Lê Bá Đảng. Vùng quê này còn được biết đến với phiên chợ quê độc đáo, gây sự tò mò, chú ý của hàng ngàn du khách trong và ngoài tỉnh, đó là chợ đình Bích La.
Phiên chợ đình Bích La (xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, Quảng Trị) được mở họp từ mùng 2 tết Nguyên đán. Đây là phiên chợ nằm trong khuôn khổ Lễ hội chợ đình Bích La mang đậm nét văn hóa truyền thống độc đáo của người dân địa phương.
Lễ hội chợ đình Bích La diễn ra các hoạt động như nghệ thuật bài chòi truyền thống, trò chơi dân gian, thi viết chữ đẹp, đấu cờ tướng, bắt cá, gói bánh chưng, đập om. Bên cạnh đó, du khách được mua sắm những bức thư pháp, những con tò he đất và các món đồ, hàng lưu niệm. Ngoài ra, du khách còn được xem nghi lễ múa đèn cầu thần Kim Quy xuất hiện tại hồ nước trong khuôn viên đình làng cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, dân làng hạnh phúc, ấm no, hội thi văn nghệ sôi nổi của ngũ giáp Bích La và các tiết mục làng vui chơi...
Trong chuỗi hoạt động này, phiên chợ trở nên độc đáo khi người bán mong muốn bán "lộc" cho người mua nên không bao giờ nói thách. Còn người mua vốn muốn mua "lộc" cầu may đầu năm nên cũng không hề trả giá. Mặc dù phiên chợ diễn ra chính thức vào thời điểm đêm khuya nhưng ngay từ sớm, hàng ngàn người đã đổ về nơi đây để cầu tài lộc, may mắn, gia đạo, sức khỏe, bình an. Thông thường, chợ đình Bích La mỗi năm chỉ họp một lần bắt đầu từ đêm mùng 2 tết Nguyên đán. Năm nào cũng vậy, chợ họp rất đông, tấp nập người bán, kẻ mua, cứ thắm, cứ nồng, cứ rôm rả với những mặt hàng đậm chất quê.
Không ai biết chợ đình Bích La có từ khi nào. Chỉ biết phiên chợ này được kể lại bằng những giai thoại hấp dẫn. Chuyện kể rằng, thuở xưa, những ngày khai thiên lập địa, người dân làng Bích La xây một cái đình, trước đình có một hồ nước trong xanh, là nơi trú ngụ của một con rùa vàng. Mỗi năm, vào sáng mùng Ba Tết, dân làng Bích La tập trung nơi ngôi đình làng để thắp hương, cầu mong bình an, hạnh phúc, sức khỏe và mưa thuận gió hòa, mùa màng được tốt tươi. Cứ mỗi lần như vậy, rùa vàng lại nổi lên mặt nước như để chứng giám cho những lời nguyện cầu tốt đẹp ấy.
Nhưng bỗng một năm, khi hương nến đã được thắp lên mà rùa vàng vẫn không thấy đâu, nhiều người cho rằng đây là điềm báo chẳng lành. Sự việc rùa vàng không xuất hiện đã làm cho cuộc sống của người dân làng Bích La năm ấy gặp rất nhiều khó khăn, mùa màng thất bát, trồng cây gì cây đó đều không lên nổi. Từ năm sau, dân làng Bích La đã thống nhất sau khi thắp hương ở đình làng vào rạng sáng mùng 3 Tết, họ sẽ tập trung thật đông bên ao đình. Người đốt đuốc, người khua chiêng, múa trống, người hò hét để gọi rùa thần nổi lên, ban phát phúc lộc cho dân làng. Vậy là chợ đình Bích La được hình thành từ ngày đó và giữ mãi cho đến hôm nay.
Được thành lập vào năm 1527, làng Bích La ngũ giáp có một bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa lâu đời. Trong dòng chảy của 5 thế kỷ, người Bích La ngũ giáp luôn tự hào, luôn bảo lưu và tôn tạo những công trình di sản truyền thống văn hóa phi vật thể. Lễ hội truyền thống chợ đình đầu xuân của người dân Bích La đã trở thành nơi giao lưu, gặp gỡ, thăm hỏi nhau và trao đổi một số mặt hàng nông sản cây nhà lá vườn, đồng thời là dịp trao đổi bán mua lộc cầu may đầu năm của mọi người.
Theo: TẠP CHÍ KINH TẾ VÀ MÔI TRƯỜNG
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận