A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tôn vinh những nữ 'chiến sỹ' áo trắng

Đại dịch Covid – 19 bùng phát, lây lan toàn cầu trong hơn 2 năm qua. Cùng với cả nước kiên cường chống dịch, trong 2 năm qua chưa bao giờ thiếu vắng bóng dáng của những chiến sĩ áo trắng, từ y tế cơ sở đến tuyến tỉnh.

Những “bông hồng” mặc áo Blouse trắng

Trong 12.468 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Y của tỉnh Nghệ An, nữ chiếm tỷ lệ 71,1%. Người đảm nhận việc này, người đảm nhận việc khác, nhưng họ đã tạo nên mắt xích chặt chẽ, từ cơ sở đến tỉnh để tham gia vào công tác phòng chống dịch bệnh, góp phần bảo vệ sức khỏe Nhân dân và sự bình an của đất nước. “Nữ chiến sĩ áo trắng” là lực lượng nòng cốt có mặt trên khắp trận tuyến: Điều trị, chăm sóc bệnh nhân, lấy mẫu, xét nghiệm, tiêm chủng, truy vết, khoanh vùng dập dịch.

Những ngày dịch bùng phát, các chị tham gia đội quân lấy mẫu xét nghiệm, bất kể ngày hay đêm cứ có lệnh là lên đường. Trong bộ đồ bảo hộ kín mít thấm đẫm mồ hôi, dưới thời tiết khắc nhiệt của gió Lào nắng rát, những cơn mưa giông bất chợt, trong những ánh đèn khuya, đi từng ngõ, gõ từng nhà, để kịp thời truy vết, khoanh vùng dập dịch.

Nữ y, bác sỹ ngành Y tế Nghệ An lấy mẫu xét nghiệm test nhanh kháng nguyên cho cộng đồng dân cư.

 

Thời gian đối với họ chỉ là cảm giác, nhiều đêm dài thức trắng, những suất cơm hộp nguội lạnh ăn vội, những góc phố là nơi họ có thể tranh thủ ngả lưng vài phút đỡ mỏi mệt lại tiếp tục công việc, nhiều cán bộ đã ngã quỵ vì kiệt sức.

Chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An kể: Biên chế có 4 người, ngày thường cũng đã vất vả, thế nhưng có những thời điểm cao điểm dịch, cũng chừng đó con người, các chị phải làm đủ các việc từ tham mưu kế hoạch, lấy mẫu, truy vết, tiêm chủng, phối hợp giám sát, xử lý vi phạm, chăm sóc bệnh nhân F0...

Chị Hồ Thị Gương, Chuyên trách các chương trình mục tiêu quốc gia, Trạm Y tế xã Quỳnh Thanh, thuộc Trung tâm Y tế huyện Quỳnh Lưu cho biết: “22h giờ đêm, nhận được thông tin trên địa bàn có trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19. Dù mưa gió, chị vẫn gửi con cho người thân rồi cùng chồng chạy ngay đến địa bàn cần truy vết để lấy mẫu xét nghiệm. Chồng đi cùng, bởi không an tâm khi đêm hôm mưa gió vợ phải đi một mình. Cả đêm chị làm nhiệm vụ, anh thức cùng để động viên. Xong việc, 2 vợ chồng lại vội vã ra về để anh kịp ca dạy sáng, 2 con kịp đi học, chị lại chuẩn bị buổi làm việc mới…”. 

Từ lãnh đạo, đến đội ngũ cán bộ y tế luôn thể hiện trách nhiệm nêu gương, sẵn sàng nhận nhiệm vụ xác định tốt tâm lý 3 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng chung tay phòng, chống dịch), đặc biệt khi đi vào tâm dịch, đứng giữa ranh giới sự sống và cái chết, không hề làm nao núng tinh thần của các "chiến binh áo trắng", nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân. Chị Đặng Thị Mai Anh, Trạm trưởng Y tế phường Trường Thi, thành phố Vinh nói: “Trong phòng, chống dịch không còn phân biệt trạm trưởng hay nhân viên, ai cũng làm việc và việc gì cũng phải làm, không nề hà, câu nệ, thậm chí là cán bộ thì phải biết hy sinh cho anh em nhân viên, nên luôn nhận phần vất vả, khó khăn nhất về mình.

Nhiều nữ y, bác sỹ tình nguyện bước vào cuộc chiến chống dịch bằng tinh thần dấn thân cống hiến.

 

Phòng, chống dịch ở các huyện đồng bằng đã vất vả, đối với những huyện núi cao, vùng sâu, vùng xa như ở Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu càng vất vả hơn. “Có nơi phải đi bằng thuyền, bè, trèo đèo, lội suối cả ngày trời mới vào được nơi cần đến. Ở đó còn có biết bao là khó khăn, vất vả, thiếu thốn nhưng các chị vẫn bám trụ cùng dân để xét nghiệm, tuyên truyền, tư vấn, tiêm vắc xin, thống kê, tổng hợp... 1-2 tuần mới trở về nhà” - chị Lương Thị Đông, Phó Khoa Xét nghiệm và Chẩn đoán hình ảnh, Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn kể lại.

Không chỉ vất vả tham gia chống dịch trên địa bàn, khi bước vào cuộc chiến cam go, khốc liệt tại các tỉnh phía Nam, với tinh thần quả cảm, bất chấp hiểm nguy, 151/327 nữ chiến sĩ áo trắng dũng cảm xung phong vào tâm dịch tại thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và trước đó là Đà Nẵng, Hà Tĩnh.

Gác lại tình riêng, hoàn thành tốt nhiệm vụ

Những nữ chiến sỹ áo trắng đã “không chọn việc nhẹ nhàng”, dù ở đâu, lúc nào họ cũng sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Họ xác định: Đau không nghỉ, mệt không dừng, tất cả với mục đích vì sức khỏe cộng đồng, vì sự sống còn của người bệnh.

Vì trách nhiệm của người thầy thuốc, vì sức khỏe Nhân dân nên đến cả những lo toan về gia đình nhiều khi phải gác lại. Gác lại những công việc riêng tư, những nỗi niềm trăn trở, lo âu khi không thể làm tròn bổn phận của người con lúc cha mẹ ốm đau; chẳng thể ở bên để chăm sóc, động viên con trước bước ngoặt cuộc đời trong kỳ thi quan trọng, trong ngày lễ khai giảng đầu đời. Nhiều chị nuốt nước mắt vào trong gửi con nhờ người thân chăm sóc, trong số đó nhiều chị có hoàn cảnh đặc biệt khó  khăn.

Đó là chị Nguyễn Thị Ngọc Ngà, Điều dưỡng viên Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Tây Bắc: có 2 con nhỏ dưới 5 tuổi, chồng công tác ở xa, nhưng phải gửi con cho ông bà ngoại, tình nguyện lên đường chi viện cho miền Nam, trực tiếp làm việc tại Bệnh viện Trưng Vương - nơi thu dung những bệnh nhân nặng. Là chị Lê Thị Nhung, Bệnh viện Mắt Nghệ An, hai con nhỏ, chồng mắc bệnh động kinh, bố mẹ già yếu  nhưng vẫn tình nguyện tham gia tăng viện cho Bệnh viện dã chiến số 13 của quận Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh.

Công việc truy vết ở các huyện vùng cao vô cùng vất vả.

 

Đó còn là trường hợp nữ nhân viên y tế, 2 lần hoãn đám cưới để tham gia chống dịch; nhiều chị khi làm nhiệm vụ tiếp xúc F0, phải đi cách ly tập trung, xa con thơ đang còn bú mẹ, biết bao đêm vắt từng cốc sữa đổ đi, nước mắt tuôn rơi bởi bầu ngực còn căng, mà ngoài kia con thơ đang khóc vì khát sữa. Là những người, dù nhà gần, nhưng 2 - 3 tháng trời vẫn không được gặp người thân. Nhiều người bỏ dở bữa cơm gia đình mỗi khi nhận được điện thoại có điểm nóng dịch...  

Đồng chí Phạm Quốc Dương, Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế tỉnh Nghệ An cho biết: “Hai năm qua là 2 năm vô cùng khó khăn và đầy thử thách với ngành Y tế Nghệ An. Khó có thể đong đếm hết được những hy sinh thầm lặng của nữ y, bác sĩ, họ đã phải vượt qua tất cả mọi áp lực cuộc sống và những yêu cầu khắt khe trong nghiệp vụ, chuyên môn, còn phải vẹn toàn thiên chức của người vợ, người mẹ trong điều kiện thời gian eo hẹp, khối lượng công việc lớn và hết sức căng thẳng nhưng họ đã không ngừng cống hiến công sức, trí tuệ, thậm chí hy sinh cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân”.

Cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục, lực lượng y tế mà đại diện tiêu biểu là các chị tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, những kinh nghiệm quý thời gian qua được các chị trau dồi nhằm cống hiến tích cực cho công tác phòng, chống dịch cũng như công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Các chị - những bông hoa xinh đẹp khoác áo Blouse trắng đang làm đẹp thêm hình ảnh người phụ nữ Việt Nam duyên dáng mà giỏi giang, sẵn sàng hy sinh khi Tổ quốc cần.

Nguồn: BÁO NGHỆ AN


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan
Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội