Ước nguyện chưa thành của Liệt sĩ Cao Văn Thắng
“Ước nguyện tiết kiệm tiền để đưa mẹ đi Hà Nội chữa bệnh và xây ngôi nhà mới còn dang dở mà Thắng đã ra đi... Giờ đây, gia đình tôi mong sao có được ngôi nhà vững chãi để làm nơi thờ tự cháu”. Đó là tâm sự, chia sẻ của ông Cao Văn Sơn khi nhắc đến ước nguyện của người con trai út, Liệt sĩ, Trung sĩ Cao Văn Thắng hi sinh tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị khi làm nhiệm vụ giúp Nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ.
Sau 5 tháng kể từ ngày 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337, Quân khu 4 hi sinh tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị khi làm nhiệm vụ giúp Nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ hồi tháng 10 năm 2020, chúng tôi đến thăm gia đình ông Cao Văn Sơn ở thôn 7, xã Hương Đô, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, bố của Liệt sĩ, Trung sĩ Cao Văn Thắng, Chiến sĩ thuộc Phòng Tham mưu - Kế hoạch, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337. Trong căn nhà cấp 4 tềnh toàng nằm cạnh bờ sông Ngàn Sâu, ông Sơn rưng rưng nước mắt khi nói về người con út hiếu thảo của mình: “Thắng là đứa con ngoan và học giỏi nhất nhà. Tốt nghiệp cấp 3 xong vợ chồng tôi khuyên cháu thi vào đại học nhưng thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn, tôi bị bệnh tim, mẹ cháu thì bị viêm đa khớp có thời gian dài phải nằm một chỗ; các chị đi làm ăn xa nên cháu đành gác lại việc học để ở nhà giúp bố mẹ...”.
Liệt sĩ Cao Văn Thắng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ với những ước mơ còn dang dở. |
Nằm trên giường bệnh, bà Nguyễn Thị Vân, mẹ Thắng đôi mắt thâm quầng, già đi trước tuổi, nghẹn ngào nói: “Trước ngày lên đường nhập ngũ cháu hứa với tôi là vào bộ đội con sẽ tiết kiệm để sau này ra quân lấy tiền đưa mẹ đi Hà Nội chữa bệnh. Thế rồi, tháng nào cháu cũng gửi tiền về cho tôi mua thuốc. Lần cuối cùng là ngày 15/10/2020, cháu tiết kiệm 2 tháng phụ cấp được 3 triệu đồng gửi về. Thương con, mỗi tháng phụ cấp chỉ được 1,8 triệu đồng, tôi nhắc cháu giữ lại mà bồi dưỡng sức khỏe nhưng cháu cứ khăng khăng rằng ở đơn vị con không phải lo gì nữa, ăn uống đầy đủ, sướng hơn ở nhà nên bố mẹ cứ yên tâm. Thế mà...!”. Nói đến đây, bà Vân nghẹn lại, đôi mắt nhìn xa xa...
Nhắc tới khoảng thời gian cuối cùng khi gặp con trước khi lên đường thực hiện nhiệm vụ, ông Sơn cho biết, chiều trước hôm hi sinh, cháu Thắng gọi điện kể về chuyện đi giúp Nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ, không quên nhắn nhủ gia đình, hàng xóm cần cảnh giác với những cơn mưa rừng, lũ quét. Sau này cháu nó sẽ cố gắng làm ăn, có tiền xây cho bố mẹ căn nhà mới để gia đình ta không còn lo lắng mỗi khi bão đến, lũ về...
Nói về Liệt sĩ, Trung sĩ Cao Văn Thắng, Thượng tá Đậu Văn Hữu, Trưởng phòng Tham mưu - Kế hoạch, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 cho biết, Liệt sĩ, Trung sĩ Cao Văn Thắng sinh ra trong gia đình có 5 anh em (2 trai, 3 gái). Ông nội là cựu chiến binh, tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước; bố cũng tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc; anh trai là quân nhân xuất ngũ... Vì thế, sau khi tốt nghiệp cấp 3, ở nhà chăm sóc bố mẹ một thời gian, khi bệnh tình của bố mẹ có phần thuyên giảm, Thắng đã viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện chiến sĩ mới ở Trung đoàn 3, Sư đoàn 324, anh xung phong lên vùng biên ải thuộc huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị với mong muốn góp sức trẻ của mình giúp đồng bào phát triển kinh tế, xây dựng biên cương.
Đại diện đơn vị nơi Liệt sĩ Cao Văn Thắng từng công tác cùng chính quyền địa phương thăm hỏi, động viên gia đình. |
Chia sẻ với những khó khăn của đồng bào địa phương, hàng ngày bên cạnh thực hiện nhiệm vụ chuyên môn ở đơn vị, Thắng luôn xung phong cùng đồng đội đến với những hộ gia đình khó khăn nhất để giúp bà con xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt... Dù thời gian chưa dài nhưng bước chân của người lính trẻ Cao Văn Thắng đã trở nên quen thuộc với bà con nơi núi rừng biên cương. “Không chỉ có hiếu với bố mẹ mà ở đơn vị từ việc nhỏ, đến việc to đồng chí Thắng rất xông xáo, tận tình, chu đáo. Đặc biệt, là người có năng khiếu văn nghệ, Thắng luôn đem lời ca, tiếng hát đến với đồng đội và bà con Nhân dân trên địa bàn, làm cho không khí đơn vị lúc nào cũng sôi động, anh em đồng đội càng thêm gắn bó với nhau... Vì thế, cán bộ, chiến sĩ đơn vị và bà con Nhân dân càng yêu quý Thắng” - Thượng tá Đậu Văn Hữu cho biết thêm.
Trước tấm gương hy sinh dũng cảm của Liệt sĩ, Trung sĩ Cao Văn Thắng, cùng với sự quan tâm, giúp đỡ của Bộ Tư lệnh Quân khu 4, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 và cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài Quân đội nên vừa qua ông Cao Văn Sơn, bố đẻ Liệt sĩ Cao Văn Thắng vừa được hỗ trợ toàn bộ chi phí phẫu thuật tim ở Bệnh viện Bạch Mai, còn bà Vân thì có thêm điều kiện mua thuốc điều trị.
Tuy nhiên, mong muốn, ước nguyện tiết kiệm tiền để đưa mẹ đi Hà Nội chữa bệnh và xây ngôi nhà mới còn dang dở mà Liệt sĩ Cao Văn Thắng đã ra đi vẫn còn dang dở. Hy vọng, các cấp chỉ huy đơn vị nơi Liệt sĩ Cao Văn Thắng cùng các cấp chính quyền địa phương, đoàn thể sớm vào cuộc để góp phần thực hiện ước nguyện của Liệt sĩ Cao Văn Thắng, một tấm gương dũng cảm, hết mình trong thực hiện nhiệm vụ cứu giúp Nhân dân vượt qua hoạn nạn./.
Bài, ảnh: ĐẶNG HUY CƯỜNG
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận