A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trung tướng Phạm Tuân: Người anh hùng bình dị

Trong cảm nhận của rất nhiều người Việt Nam, Trung tướng Phạm Tuân không chỉ là người Việt Nam đầu tiên bước vào vũ trụ mà còn là một trong những biểu tượng tiêu biểu về chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong cuộc chiến đấu của chúng ta chống lại giặc ngoại xâm trong thế kỷ 20. Với cá nhân tôi, ông luôn là một người lính chân chính, trong bất cứ tình huống nào vẫn luôn bảo tồn được đúng tính cách và phong độ "Bộ đội Cụ Hồ": Bình dị, nhân nghĩa, hướng thiện, luôn biết thực hiện nhiệm vụ của mình một cách đủ đầy và trọn vẹn nhất, đúng phẩm chất thiên phú của mình.

Cách đây hơn một năm, Trung tướng Phạm Tuân trong cuộc trò chuyện với tôi, đã tâm sự về “cái thuở ban đầu” trở thành người chiến sĩ: “Tôi có ngày nhập ngũ đặc biệt, đúng ngày 2-9-1965. Lúc đó cả nước ra quân, mình cũng trong đoàn quân chung thế thôi. Tôi không bao giờ nghĩ mình trở thành một phi công. Ngày xưa ở nông thôn có biết không quân là gì đâu, mơ ước trở thành một phi công nó khó lắm. Tôi chỉ nghĩ mình thành một người chiến sĩ. Khi đó tôi còn trẻ, chỉ nghĩ mình theo đoàn quân chiến đấu thế thôi, không nghĩ gì về sống chết cả. Ngày nhập ngũ cũng là kỷ niệm sâu sắc. Tôi không nghĩ sau này mình trở thành anh hùng, trở thành một vị tướng, lúc đó sẽ thế nào...”.

Con đường trở thành anh hùng của mỗi con người thường không ai giống ai. Có thể đôi khi người ta trở thành anh hùng như một sự tình cờ, do thiên thời bất chợt. Tuy nhiên, để không bỏ lỡ thiên thời thì chắc chắn vẫn phải cần những tố chất bẩm sinh, những yếu tố rèn luyện nào đấy. Cuộc đời ai cũng có cơ hội, nhưng không có những yếu tố bên trong mà mình chuẩn bị trước thì không thể nào tận dụng được cơ hội đó. Với Trung tướng Phạm Tuân, không hẳn số phận đã tạo cho ông những yếu tố ban đầu để ông có thể dễ dàng trở thành một phi công. Vào bộ đội rồi, khi dự thi tuyển phi công năm 1965 thì ông đã không được chọn do bị hở van tim bẩm sinh, nên đã phải sang Liên Xô học thợ máy ở thành phố Krasnodar.

Trong thời gian đó, Phạm Tuân vẫn không ngừng rèn luyện và tự hoàn thiện sức khỏe của mình đến mức, năm 1966, khi tổ chức cần tuyển chọn thêm một người đi học làm phi công lái máy bay, Phạm Tuân đã được chọn vì các bác sĩ Xô viết đã chứng thực rằng, cho tới thời điểm đó, sức khỏe của ông đã đạt chuẩn mực. Không nhiều người có thể hoàn thiện sức khỏe của mình như ông.

Trung tướng Phạm Tuân: Người anh hùng bình dị
Tác giả và Trung tướng Phạm Tuân trong một cuộc gặp gỡ. 

 

Sau này, khi tuyển phi công Việt Nam để đào tạo trở thành phi công vũ trụ, Phạm Tuân cũng không có tên trong danh sách ban đầu. Thế nhưng, khi được đưa vào để dự tuyển thì ông lại là người được chọn sau những vòng khám rất kỹ từ phía bạn. Trong quá trình tập bay vũ trụ, Phạm Tuân đã rèn luyện thêm cho mình tính kiên trì và tỉ mỉ. Ông kể: “Khi còn là phi công chiến đấu, thì phong cách hành xử lúc nào cũng sôi động. Khi học làm phi công vũ trụ, phải tự rèn luyện mình quy củ, ngăn nắp trở lại”. 

Câu chuyện về những chiến công của Trung tướng Phạm Tuân trong Chiến dịch phòng không 12 ngày đêm năm 1972 đã được phổ cập rộng rãi từ nhiều năm nay. Vào đêm 27-12-1972, ông đã bắn rơi một máy bay B-52 của Mỹ, trở thành người đầu tiên bắn hạ được loại máy bay này từ trên không và trở về an toàn. Với thành tích này, ngày 3-9-1973, Thượng úy Biên đội trưởng Phạm Tuân đã được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Khi đó, ông thuộc quân số của Đại đội 5, Trung đoàn 921, Sư đoàn 371.

Tháng 7-1980, Phạm Tuân cùng với nhà du hành vũ trụ Xô viết Viktor Gorbatko bay vào không gian trên tàu Soyuz từ sân bay Baikonur (nay thuộc nước Cộng hòa Kazakhstan). Ông đã thực hiện nhiệm vụ của mình cho tới ngày 31-7 mới trở về, sau 142 vòng bay quanh trái đất. Trong toàn bộ thời gian trên quỹ đạo, Phạm Tuân đã tiến hành nhiều thí nghiệm khoa học. Ông cũng chụp ảnh Việt Nam từ quỹ đạo trái đất. Với thành tích này, ngay trong năm 1980, ông được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động Việt Nam, kèm theo Huân chương Hồ Chí Minh. Khi đó, Trung tá Phạm Tuân đang ở tuổi 33. Và cũng trong năm 1980, Phạm Tuân đã vinh dự trở thành một trong những người nước ngoài đầu tiên được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô, kèm theo Huân chương Lênin.

Cuối năm 2021, trong cuộc trò chuyện với tôi, trước câu hỏi “Làm sao để được trở thành Anh hùng?”, Trung tướng Phạm Tuân vẫn nói một cách rất giản dị: “Thì tôi vẫn nói rằng tôi may. Nhưng có lẽ may ở đây là nói theo cách đơn sơ, đúng ra là thời cơ. Thời cơ cho mọi người là như nhau, gặp địch như nhau, nhưng anh nào bản lĩnh tốt hơn thì tìm được chiến thắng. Cùng một trận chiến, có người đánh được có người không. Đó là do bản lĩnh. Bản lĩnh gồm ý chí và biết làm. Có ý chí, mong lắm, phải bắn được địch, nhưng làm thế nào bắn được nó? Anh chỉ có ý chí, quyết tâm thì không làm được. Ngược lại, anh tài thật nhưng không có ý chí, gặp địch sợ rồi thì làm sao được? Hai yếu tố kết hợp với nhau, ý chí và cách làm là hai yếu tố then chốt thể hiện bản lĩnh. Tôi nghĩ bản lĩnh đơn giản như thế thôi. Ý chí và cách làm, biết đánh và biết thắng”.

Trung tướng Phạm Tuân: Người anh hùng bình dị
Vợ chồng Trung tướng Phạm Tuân trọn vẹn hạnh phúc bên nhau ở tuổi xế chiều. 

 

Trong cảm nhận của tôi, đã mấy chục năm nay, Trung tướng Phạm Tuân luôn kiên định đúng với nhận thức và tình cảm của ông, đón nhận mọi vinh quang và thách thức với sự bình tĩnh, điềm đạm tốt bụng đến lạ thường. Tới gần ông, không ai cảm thấy đó là một nhân vật lớn lao xa cách. Rất thông tuệ và hiểu biết sâu sắc công việc chuyên môn, nhưng Trung tướng Phạm Tuân không bao giờ có ý định làm cho người khác phải lóa mắt vì những kiến thức vũ trụ và không quân siêu đẳng của mình. Trong các câu chuyện kể với công chúng, từ ông luôn toát lên một phong cách bình dị và tự nhiên, như một sự dĩ nhiên phải làm, phải biết. Là Trung tướng, từng là lãnh đạo cao cấp trong Quân đội nhân dân Việt Nam, ông không làm cho ai cảm thấy mình trở nên nhỏ bé hơn khi ở gần ông. Trái lại, ngay cả những người bình thường như tôi khi ở gần ông cũng bất giác cảm thấy mình có thể tự tin mà sống, một khi mình cố gắng làm đúng với chức năng, nhiệm vụ và tâm tính hướng thiện của mình.

Cũng phải nói thêm rằng, Trung tướng Phạm Tuân đã luôn có được một gia đình hạnh phúc. Người phi công có sức hấp dẫn rất lớn trên phương diện xã hội đã luôn biết cách đối xử đầy gượng nhẹ và nâng niu với phu nhân của mình, một nữ bác sĩ quân y. Đã đi cùng nhau những chặng đường dằng dặc như thế, không phải lúc nào cũng chỉ là mật ngọt, hai con người này có lẽ tới lúc đã ngộ ra một điều căn bản nhất trong hôn nhân: Họ thực sự là những đồng đội cốt tử nhất của nhau. Tiếp xúc với bạn bè khi tuổi đã xế chiều, Trung tướng Phạm Tuân luôn có câu cửa miệng mỗi khi vui: “Các cậu ạ, bây giờ tớ mới hiểu ra rằng, vợ nói cái gì cũng phải!”. 

Theo QĐND


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội