A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chiến thắng Thượng Lào - Biểu tượng của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt - Lào

Thượng Lào là một địa bàn chiến lược quan trọng, được coi là hậu phương an toàn của thực dân Pháp. Sau thắng lợi của Chiến dịch Tây Bắc 1952, vùng giải phóng của cách mạng Việt Nam được mở rộng tới sát Thượng Lào, tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng hai nước đẩy mạnh phối hợp tiến công địch.

Nhận thấy nguy cơ có thể mất Thượng Lào, đầu năm 1953, tướng Xa-lăng (R. Salan) - Tư lệnh quân Pháp ở Bắc Đông Dương quyết định đặt Thượng Lào dưới quyền chỉ huy của Bộ Chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Bắc Bộ, khi bị tấn công sẽ sử dụng lực lượng cơ động của toàn Bắc Bộ ứng cứu bằng đường hàng không. Chiến trường Thượng Lào được Pháp chia thành 2 khu: Khu Mê Kông và khu Trấn Ninh (cao nguyên Cánh Đồng Chum). Khu Mê Kông có 2 phân khu Viêng Chăn và Luông Pha Băng; khu Trấn Ninh có 2 phân khu Sầm Nưa và Xiêng Khoảng. Tại Sầm Nưa, Bộ Chỉ huy quân Pháp tập trung lực lượng, phương tiện xây dựng những công sự, điểm tựa kiên cố, sửa chữa sân bay dã chiến ở Nà Thông, bãi nhảy dù ở Nà Viêng, biến Sầm Nưa - cửa ngõ của Thượng Lào thành tập đoàn cứ điểm gồm 11 vị trí với 3 tiểu đoàn trấn giữ.

“Giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”

Nhằm giữ vững và phát huy quyền chủ động chiến lược, khi phân tích hướng tiến công chiến lược ta cân nhắc giữa Lai Châu và Thượng Lào và đi đến nhận định: “Thượng Lào có ý nghĩa lớn về chiến lược, vừa phù hợp với trình độ tác chiến của ta… vừa mở được căn cứ cho bạn đứng chân, tạo nên một thế trận mới liên minh chiến đấu giữa 2 nước Việt Lào”[1]. Ở Thượng Lào, mặc dù địch đã tăng cường phòng ngự, nhưng khu vực này bộc lộ nhiều điểm yếu và sơ hở, như: Địa hình hiểm trở, dễ bị chia cắt và cô lập khi bị ta tiến công, khả năng tăng viện lực lượng, tiếp tế hậu cần khó khăn; quân ngụy Lào tinh thần yếu kém, khả năng chiến đấu thấp, ta có điều kiện tập trung lực lượng tiêu diệt lớn quân địch. Nhận thức rõ tầm quan trọng của chiến trường Thượng Lào, ngày 3/2/1953, Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Chính phủ kháng chiến Lào quyết định phối hợp mở chiến dịch Thượng Lào, nhằm mục đích tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng một phần đất đai, giúp Chính phủ kháng chiến Lào xây dựng và mở rộng khu căn cứ địa cách mạng, tạo điều kiện thúc đẩy kháng chiến của nhân dân Lào; đồng thời phá thế bố trí chiến lược của địch ở miền Bắc Đông Dương, buộc chúng phải phân tán lực lượng đối phó. Bộ Chỉ huy Chiến dịch gồm: Phía Việt Nam có Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Chỉ huy trưởng; đồng chí Nguyễn Chí Thanh - Chủ nhiệm Chính trị; đồng chí Hoàng Văn Thái - Tham mưu trưởng; đồng chí Trần Đăng Ninh - Chủ nhiệm Cung cấp. Phía Lào có Hoàng thân Xu-pha-nu-vông - Thủ tướng Chính phủ kháng chiến; đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đồng chí Xing-ca-pô Xi-khốt-chun-lama-ly - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và đồng chí Thao Ma-khảy Khăm-phi-thun - Bí thư Tỉnh ủy Sầm Nưa.

Chiến thắng Thượng Lào - Biểu tượng của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt - Lào
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (thứ ba, từ trái sang), Hoàng thân Xu-pha-nu-vông (người thứ tư, từ trái sang) và các cán bộ quân đội Việt - Lào bàn kế hoạch mở chiến dịch Thượng Lào, năm 1953.

 

Lực lượng tham gia chiến dịch, phía Việt Nam gồm: Đại đoàn 308 (3 trung đoàn), Đại đoàn 312 (2 trung đoàn), Đại đoàn 316 (1 trung đoàn) tiến công địch trên hướng chủ yếu (Sầm Nưa); Đại đoàn 304 (3 trung đoàn) tiến công địch ở hướng thứ yếu (Xiêng Khoảng) và Trung đoàn 148 tiến công địch ở hướng phối hợp (lưu vực sông Nậm Hu), cùng các đơn vị binh chủng, các đoàn Quân tình nguyện Việt Nam đang hoạt động tại Thượng Lào. Lực lượng vũ trang cách mạng Lào có 5 đại đội bộ đội địa phương và hàng nghìn dân quân du kích các tỉnh trong địa bàn chiến dịch.

Liên quân Việt - Lào giành thắng lợi có ý nghĩa chiến lược trên chiến trường Thượng Lào

Sau một thời gian khẩn trương chuẩn bị, chủ động và tinh thần, ý chí quyết tâm cao, Chiến dịch Thượng Lào diễn ra từ ngày 13/4 đến ngày 3/5/1953. Phát hiện các đại đoàn chủ lực của ta tiến sang Thượng Lào, đêm ngày 12/4/1953, quân Pháp tổ chức rút toàn bộ lực lượng khỏi Sầm Nưa để tránh nguy cơ bị tiêu diệt. Trước tình hình đó, Bộ Chỉ huy Chiến dịch kịp thời thay đổi kế hoạch tác chiến từ tiến công địch trong công sự vững chắc sang đánh vận động truy kích địch rút chạy. Ngày 13/4, liên quân Việt - Lào trên hướng chủ yếu bắt đầu tổ chức truy kích địch; đồng thời lực lượng ở hướng thứ yếu tập trung đánh mạnh trên Đường số 7, không cho địch chạy thoát về Cánh Đồng Chum.

Đêm 13/4, quân ta đuổi kịp và tiêu diệt bộ phận cuối của địch ở Mường Hàm, bắt toàn bộ lực lượng cầm đầu ngụy quyền tỉnh Sầm Nưa. Ngày 14/4, tổ chức đánh địch ở Nà Noọng (cách Sầm Nưa 30km), diệt và bắt gần 300 quân. Ngày 16/4, quân ta đuổi kịp bộ phận đi đầu của địch ở Húa Mường (cách Sầm Nưa 60km), tiêu diệt và làm tan rã 4 đại đội và tiếp tục đuổi địch đến sát Cánh Đồng Chum. Hướng Đường số 7, ta bao vây tiến công Noọng Hét, buộc địch rút chạy khỏi Bản Ban, Xiêng Khoảng về Cánh Đồng Chum. Hướng Phông Xa Lỳ - Mường Sài, ta giải phóng Mường Ngòi, Bản Sẻ, Pắc Sàng, Nậm Bạc, uy hiếp Luông Pha Băng. Bộ Chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương chỉ đạo Bộ Chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Bắc Bộ đưa lực lượng từ Bắc Việt Nam sang Lào, gấp rút xây dựng phòng tuyển bảo vệ Luông Pha Băng và Cánh Đồng Chum. Ngày 2 và 3/5/1953, Bộ Chỉ huy Chiến dịch tổ chức hội nghị tổng kết chiến dịch tại Sầm Nưa. Chiến dịch Thượng Lào kết thúc thắng lợi.

Sau 3 tuần vận động tiến công, truy kích địch, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 2.800 quân địch (1/5 tổng số quân địch ở Lào), đánh tan 3 tiểu đoàn và 3 đại đội ở Sầm Nưa, 8 đại đội ở khu vực sông Nậm Hu và hàng trăm địch ở Mặt trận Đường 7 - Xiêng Khoảng; giải phóng 5 vị trí và bức rút 25 vị trí khác; giải phóng khoảng 40.000km²[2], gồm toàn bộ tỉnh Sầm Nưa, một phần tỉnh Xiêng Khoảng và một số huyện dọc sông Nậm Hu thuộc các tỉnh Luông Pha Băng và Phông Xa Lỳ.

Chiến thắng Thượng Lào 1953 thể hiện tình đoàn kết chiến đấu gắn bó giữa quân và dân hai nước Việt - Lào, góp phần quan trọng trong việc mở rộng địa bàn đứng chân cho lực lượng kháng chiến Lào, nối liền vùng giải phóng và tạo thế chiến lược có lợi cho cách mạng hai nước, buộc lực lượng cơ động của Pháp trên chiến trường Bắc Đông Dương phải bị động đối phó. Đây là chiến dịch vận động truy kích dài ngày và lớn nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với lực lượng vũ trang cách mạng Lào kể từ ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Thắng lợi của chiến dịch khẳng định sức mạnh của liên minh chiến đấu, tình hữu nghị đoàn kết đặc biệt giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào; tạo tiền đề cho sự phối hợp chiến đấu giữa quân đội và nhân dân hai nước ngày càng chặt chẽ, hiệu quả, đưa sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp của hai dân tộc vững bước tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.

Nguồn: Báo QĐND

[1] Bộ Tổng tham mưu, Ban Tổng kết - Biên soạn lịch sử, Lịch sử Bộ Tổng tham mưu trong kháng chiến chống Pháp 1945-1954, Bộ Tổng tham mưu xuất bản năm 1991, tr. 643.

[2] [2] Bộ Quốc phòng, Bách khoa toàn thư quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội. 2015, tr.296.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội