Giới thiệu sách: Biển xanh màu lá
Trường Sa - vùng đất thiêng liêng của ông bà tiên tổ, là tấc đất nơi đầu sóng ngọn gió, tấm phên dậu chở che cho đất mẹ Việt Nam. Phải gian khổ hy sinh, thậm chí phải trả bằng máu chúng ta mới giữ gìn được. Chính vì thế, một nhà văn chiến sĩ Trường Sa đã phát hiện ra rằng, có lẽ không nơi nào nước biển mặn như Trường Sa. Mặn như máu.
Tiểu thuyết "Biển xanh màu lá" viết về các cán bộ, chiến sĩ, nhân dân đang sinh sống, làm việc và bảo vệ vùng đất thiêng Trường Sa. Chúng ta gọi những con người bình dị, quả cảm ấy bằng cái tên chung: quân dân. Bởi ngoài những người lính biển, còn có cả những người dân đảo.
Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy đã nhiều năm là lính Trường Sa. Có thể xem cuốn tiểu thuyết này như những trang nhật ký của chính cuộc đời anh… Tác giả không dùng bất cứ một mẹo mực kỹ xảo nào của nghệ thuật tiểu thuyết. Câu chuyện cũng chẳng có gì éo le, gay cấn, mà rất bình dị. Bình dị như chính đời sống hàng ngày ở trên đảo. Cảm giác như Nguyễn Xuân Thủy cứ xắn từng mảng đời sống nhân vật lên trang giấy mà không cần phải chọn lọc, hư cấu. Vì thế cuốn sách lại có sức hấp dẫn riêng. Đó chính là vẻ đẹp của sự chân thật. Với tất cả ý nghĩa ấy, Thư viện Quân khu 4 xin trân trọng giới thiệu trong cuốn sách "Biển xanh màu lá" của Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy do Nxb. Quân đội ấn hành năm 2008, Nxb. Phụ nữ tái bản lần thứ 2 năm 2011, hi vọng sẽ mang đến cho bạn đọc nhiều điều bổ ích và lý thú...
Cuốn sách dài gần 400 trang, được chia làm 28 phần. Có thể nói rằng “Biển xanh màu lá” là cuốn tiểu thuyết đầu tiên được viết về Trường Sa, về cuộc sống của những người lính, người dân, những con người tuy bình dị mà quả cảm đang ngày đêm làm việc, sinh sống và chiến đấu để bảo vệ vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc mang tên Trường Sa. Câu chuyện bắt đầu từ khi Phương, một chiến sĩ tân binh ra đảo nhận nhiệm vụ và kết thúc khi Phương trở lại đất liền. Thời gian chỉ gói gọn trong hai năm, là một khoá nghĩa vụ quân sự. Thời gian không dài nhưng cũng không quá ngắn để đến nỗi mỗi người lính vẫn thường tếu táo đùa nhau “Chỉ như một giấc ngủ trưa ấy mà”.
Rồi qua Phương, chúng ta dần làm quen với cán bộ, chiến sĩ... những người lính nơi đầu sóng ngọn gió. Đó là Trạm trưởng Tiến với câu chuyện tình yêu như tiểu thuyết, lắm ngọt ngào nhưng cũng không ít đắng cay; là Chính trị viên Vũ với giọng nói sang sảng đầy uy lực - con người toát lên vẽ nội sinh dồi dào, nhiệt huyết, tận tâm với công việc; rồi một loạt các chiến sĩ trẻ tinh nghịch khác: Tùng toác, Quang cháy, Tuân còm, Mạnh, Kiên, Phương và đặc biệt là tiến sĩ Hằng - một nhà khoa học nghiên cứu nuôi rong biển làm thực phẩm của Viện Nghiên cứu Công nghệ sinh học biển - người phụ nữ duy nhất ở lại đảo quá ba ngày...
Mỗi nhân vật một tính cách, một số phận. Không có gì éo le, gay cấn mà rất đỗi bình dị, bình dị như chính cuộc sống hằng ngày trên đảo của họ. Nói là tiểu thuyết nhưng dường như các yếu tố hư cấu lại không có nhiều. Tất cả đều rất thật, cảm giác như Nguyễn Xuân Thuỷ đang xắn từng mảnh đời sống đưa vào trang văn của mình không cần phải cầu kỳ, hoa mĩ, chọn lọc. Đó là cảnh bẫy chuột, chăm rau, học bơi, cảnh giông biển... Cả những khó khăn, bức bối về tình cảm riêng tư của người lính đảo cũng đã được Nguyễn Xuân Thuỷ đề cập đến một cách tế nhị “Tuân còm cựa quậy thế nào đã tụt xuống đuôi giường, hai tay cứ ôm ghì lấy chân Tùng toác...”.
Trường Sa là vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, là mảnh đất được nói nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trong thời gian gần đây, nhưng có mấy ai trong số gần 90 triệu người dân Việt Nam, có cơ hội ngắm nhìn trực tiếp. Chính vì vậy, những cuốn truyện vừa, truyện dài hay tiêu thuyết về người lính Trường Sa là vô cùng hiếm hoi. Để viết được, đòi hỏi người cầm bút phải có sự thâm nhập và trải nghiệm thực tế gian khổ. Nguyễn Xuân Thuỷ khi ra mắt “Biển xanh màu lá” đã rất được chú ý vì điều đó. Bởi nhà văn có hai năm trực tiệp sống và làm việc với tư cách là một người lính trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Cái vốn sống đó quả khó nhà văn nào có được.
Tận dụng tối đa vốn sống của người lính đảo, cái vốn chứa đựng những góc nhìn về thiên nhiên qua những câu văn miêu tả sống động mà phải những ai đã chứng kiên mới có thể cảm nhận được: “Chiều về. Hoàng hôn bắt đầu buông lướt thướt trên mặt biển. Mặt trời đỏ lựng như khối thép nung trong lò... Biển ánh lên một màu vàng tím rồi sậm lai, đen bầm như nước sông Tô lịch”. Hay như khung cảnh cái nắng trên đảo: “Tháng tư về, nắng pha lê trong suốt rải đều trong vắt và tinh khiết lên biển đảo, mặt trời tháng tu hiền dịu, thứ nắng chỉ đủ làm mơn man da thịt hơ là nóng, thứ nắng chỉ làm xốn xang lòng người hơn là bực bội...”. Hay đâu đó trong cuốn tiểu thuyết chúng ta lại bắt gặp những câu văn miêu tả về loài cây đất đảo: “Những cành cây phong ba tưởng như sắp mọc mộc nhĩ đến nơi, nay bỗng bật ra những chùm lá non đây lông măng trắng mơ màng trong nắng...”.
Không chỉ ngắm nhìn Trường Sa ở góc độ của vẻ đẹp tráng lệ pha chút lãng mạn, mà bằng bút pháp sắc sảo của mình, ở trang 291, trang 295, nhà văn Nguyễn Xuân Thuỷ còn đưa tới cho bạn đọc cái cảm giác đáng sợ của mùa biển động: “Và giông bão đã đến thật rồi. Cả bầu trời đổ ụp xuống. Vần vũ. Thét gào. Nước biển sôi lên, dựng thành những cột sóng đập tung vào nhau trên không. Bụi nước bay mù mịt. Mặt biển như một chảo dầu sôi cuồng bạo. Từng bụi cây trên đảo như co cụm lại, dẹp mình run rẫy, sợ hãi...”; “Biển gầm gào trong cơn cuồng nộ, mặt nước xám ngoét như sôi lên. Những con sóng hung hãn goàm vào bờ đá khào khạt hệt như những chiếc lưỡi quái vật toan ăn tươi nuốt sống dải đất nhỏ hẹp đang run lên trước giông bão...”. Tác giả cuốn ngươi đọc vào không gian có khi rạng ngời, bay bổng, đẹp lung linh, có khi lại hung dữ như một tử thần. Vùng đất hiêng liêng xa xôi cách đây mấy trăm hải lý sao giờ gần gũi, thân thương quá. Không gian rộng lớn của Trường Sa được Nguyễn Xuân Thuỷ gói bọc trong trang văn của mình một cách rất chừng mực, bởi có lẽ tất cả bút lực anh đã tập trung cho việc tái hiện hình ảnh người lính hải quân trên vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc, nhưng không vì thế mà nó mất đi phần hấp dẫn thú vị. Đây chính là điểm nổi bật của tác phẩm.
Người lính Trường Sa ngoài việc đương đầu với sự khắc nghiệt của thiên nhiên nắng gắt, mưa bão, vòi rồng, gió muối... chống chọi với khó khăn thường trực trong sinh hoạt hàng ngày và cả lúc ra trận: thiếu rau xanh, điều kiện sinh hoạt có hạn, áp lục bảo trì trang thiết bị chiến đấu trước sự ăn mòn của biển... tác giả đã miêu tả tất cả những yếu tố tinh thần đè nặng lên người lính xa nhà, xa cả mảnh đất lục địa quê hương. Đó là những góc độ mà ít tác phẩm văn học nào nhắc đến.
Với Trung đội trưởng Linh là sự khắc khoải, lo lắng cho người vợ không có công ăn việc làm. Đang cật vật nuôi thằng cu Bin - đứa con thứ nhất, nay lại chuẩn bị lâm bồn khi vắng chồng. Là nỗi đau khi mất đi người cha đáng kính nhưng không thể nào rời đảo về tận hiếu được, đành lập một bàn thờ tại đảo để đồng đội đến chia buồn. Với Trạm trưởng Tiến là nỗi cay đắng khi không giữ được mái ấm gia đình. Với Quang, với Tuân, Phương và nhiều người lính khác nữa là giấc mộng nghệ thuật không thành... Rồi còn đó, ngay giữa thời bình, những người lính giữ đảo còn phải Nguyễn Xuân Thuỷ tựa như những chia sẻ chia từ trái tim chân thành dành cho đồng chí, đồng đội mình: Đằm thắm, xúc động, chân thành...
Hẳn rằng không một ai từng đọc qua tác phẩm lại không thắt lòng, rơi nước mắt khi chứng kiến tình cảm sâu nặng của những người lính. Bất chấp nguy hiểm cận kề của mùa biển động, Quang quyết tâm lần ra vùng nước sâu tìm bắt cho được con cá thu về nấu cháo cho Phương đang ốm. Thế mới biết trong gian khó người lính lại càng thân thiết, thương yêu gắn bó với nhau hơn. Có ai lại không chạnh lòng khi chứng kiến những ngày xuân về, tết đến trên đảo. Để dân tộc mình được an lành hưởng cái không khí vui vẻ, ngập tràn Xuân mới, các chiến sĩ đã gác lại niềm riêng, tạm giấu đi nỗi nhớ nhà, nhớ người thân da diết để ở lại giữ biển đảo quê hương. Thế nhưng, họ luôn thích ứng với hoàn cảnh: Gói bánh chưng bằng những chiếc lá bàng vuông, hay sang hơn là những chiếc lá dong mũn cuống; dùng xốp ngâm xăng để vắt thành mâm ngũ quả; lấy cành cây phi lao chết làm thân đào... Đó chính là sự sáng tạo, lạc quan đầy chất lính Việt Nam. Họ luôn xác định tốt tinh thần, trách nhiệm, nghĩa vụ thiêng liêng của người lính nơi đầu sóng, ngọn gió là phải giữ vững chủ quyền biển đảo quê hương, bất chấp sự thiếu thốn, vất vả, khó khăn... Càng đọc chúng ta càng thấy được sự hấp dẫn, thú vị và hồn nhiên của tác phẩm. Dường như vì muốn phản ánh chân thực nhất, đầy đủ nhất về lính đảo, Nguyễn Xuân Thủy đã đưa tất cả những gì liên quan đến họ vào trang viết của mình. Bên cạnh những giây phút căng thẳng vì công việc, những phút khó khăn của điều kiện cuộc sống, những lắng đọng sâu thẳm trong tình cảm con người, chúng ta vẫn thấy được sự hồn nhiên, ngập tràn tiếng cười của những người lính đảo. Đó là câu chuyện của bộ ba Tuân, Hoàn, Phương bày trò “Tiên Dung - Chử Đồng Tử” với Mạnh. Là khi cánh lính trẻ nhìn trộm Tiến sĩ Hằng, là những lúc họ trêu nhau, nhại giọng nói của nhau... Có buồn, có vui, có cả hờn giỗi... Tất cả chạy vào trang văn Nguyễn Xuân Thủy
Khép lại cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy bằng buổi chia tay hoàn thành nghĩa vụ quân sự, rời đảo trở lại đất liền của Phương: “Mọi thứ trước mắt Phương nhòa đi, Phương thấy sống mũi mình cay cay... Phương đã khóc. Những vần thơ chông chênh bỗng hiện về trong gió....
Mai bạn về đất liền xa xôi
Chỉ còn đảo với người giữ đảo
Bao năm tháng nắng mưa và giông bão
Những kỷ niệm buồn vui như áng mây trôi
Bạn để lại cho tôi chiếc áo bạc màu
Đôi giày cũ in mòn trên cát
Cây đàn gỗ một thời học hát
Quên sao trời vượt qua lúc hoàng hôn.
Trường Sa - Hoàng Sa vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc vẫn luôn là một đề tài lớn để các nhà văn, nhà thơ khám phá và sáng tạo. Từ trước đến nay đã có nhiều tác phẩm có giá trị của các nhà văn, nhà thơ viết về vùng biển đảo thiêng liêng này. Nguyễn Xuân Thủy cùng tiểu thuyết đầu tiên về Trường Sa: “Biển xanh màu lá” với những dòng chữ mỏng manh, đầy giông gió đã một lần nữa, cắm thêm cột mốc chủ quyền bằng văn chương cho quần đảo thiêng liêng, bất khả xâm phạm của chúng ta.
Từ Quân khu 4, miền quê gió Lào cát trắng những người giữ đất chúng tôi luôn dõi theo từng hơi thở, nhịp đập con tim của các anh. Không xa đâu Trường Sa ơi! Vì Trường Sa, Hoàng Sa là ruột thịt của đất liền, là con của đất mẹ Việt Nam bao la. Trong sâu thẳm tâm hồn dân tộc, các anh luôn là biểu tượng của tình yêu, là sức mạnh chiến đấu mang đậm ý chí và trí tuệ của con người Việt Nam.
Với ý nghĩa đó chúng tôi xin trân trọng giới thiệu và kính mời bạn tìm đọc cuốn tiểu thuyết “Biển xanh màu lá” tại Thư viện Quân khu 4 và Thư viện Bộ CHQS tỉnh, phòng Hồ Chí Minh các cơ quan đơn vị trong lực lượng vũ trang Quân khu 4. Hy vọng cuốn sách sẽ mang đến cho bạn đọc nhiều điều bổ ích và lý thú.
THƯ VIỆN QUÂN KHU 4
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận