Mặt trận
Ai đã từng là lính trận hẳn không quên được những ngày đầu tiên ở chiến trường, dẫu dọc đường vào đã được bom pháo thử thách, rèn luyện. Bao nhiêu háo hức mang theo từ hậu phương nhường cho những cảm xúc hồi hộp, lo lắng và cả sợ hãi. Cánh lính mới chúng tôi được xé lẻ, bổ sung cho các đơn vị để các cựu binh kèm cặp. Hồi ấy, người ta ngại nhất đi đánh trận với lính mới, đặc biệt anh nào vừa cưới vợ, chẳng hiểu sao rất hay thương vong. Chỉ huy vừa từ trường quân chính vào cũng thế bởi chưa có kinh nghiệm nên rất dễ hi sinh hoặc bị thương. Với lính cũ, đặc biệt dân đặc công, trinh sát, chỉ cần nghe tiếng thở lúc trườn bò hay nằm ém chờ lệnh tấn công rồi cách “điểm xạ” khi kéo cả tràng, lúc lại “tắc cú” phát một, biết ngay đó là lính tò te. Lính mới có muôn vàn cái ngớ ngẩn, dễ làm mồi cho hỏa lực của địch nên chiến đấu cùng cũng dễ bị vạ lây. Chẳng thế mà người ta bảo rằng, sẵn sàng đổi mười lính mới lấy một anh lính cũ. Lúc đầu, nghe vậy tôi cũng rất mặc cảm, nhưng chỉ qua mấy trận tôi hiểu đó là sự thật và vài tuần sau có đợt bổ sung quân mới, mình đã lại thành lính cựu...
Trận đánh đầu tiên của tôi rất buồn cười, cứ như đánh giặc giả. Mới bổ sung vào đơn vị, chưa kịp nhớ hết tên anh em thì đại đội nhận lệnh đánh một cụm địch mới nống chiếm. Các lính cựu nói chuyện với nhau như đùa, người thì bảo, đang giữa tháng, trăng sáng thế có thánh cũng chẳng ngụy trang được, có mà nướng quân; người khác lại nói, thì tùy tình hình, ta chọn cách phù hợp mà chơi... Đang hóng “những điều lạ” chiến trường thì đại đội trưởng bảo, cho mấy thằng lính mới đi luôn vì trận này ngon ăn.
Theo anh em xuất kích, đi kẹp giữa hai cựu binh người xứ Nghệ mà tim tôi cứ run lên, vừa háo hức, vừa hồi hộp lo sợ. Tiến “Nam Đàn” (sau này hi sinh ở Thượng Đức) đi sát tôi, thì thầm, mi làm chi mà căng thẳng rứa, trận ni ngon mà. Địa hình quen nên đơn vị vòng qua một cao điểm gần mục tiêu, vừa quan sát, vừa giao nhiệm vụ. Mục tiêu là trung đội bộ binh địch vừa từ Tích Tường kéo lên, chiếm vội một quả đồi, mới kịp rải mấy vòng dây thép gai bùng nhùng và cũng chưa kịp triển khai được công sự, hầm hào kiên cố, cài mìn bẫy như những trận địa khác. Dưới ánh trăng, chẳng cần ống nhòm, tôi vẫn thấy rõ bóng bọn địch lố nhố trên ngọn đồi có các lán, nhà bạt vừa dựng, hai ổ hỏa lực vừa triển khai, thỉnh thoảng một nhóm ba bốn tên đi tuần phía trong hàng rào. Mấy anh chỉ huy thì thầm bàn tính, phân công đơn vị chia làm hai mũi, luồn theo các rãnh đồi, áp sát mục tiêu. Tiến là “mũi trưởng” của tôi, bảo, khi có súng lệnh thì tôi sẽ bắn vào một hỏa điểm, chỉ cần vài nhịp là chạy theo nó rút lui. Tôi không hiểu đánh kiểu gì lạ thế nhưng không dám hỏi, chỉ việc chấp hành. Tôi nằm sau ụ đất cách hàng rào bùng nhùng chừng ba mét, sẵn sàng nhả đạn vào mục tiêu ổ hỏa lực địch đắp vội bằng bao cát cách khoảng hơn năm chục mét. Lúc bò, trườn tiếp cận hàng rào, tôi cũng hồi hộp, nhưng sao lúc đó tôi thấy bình tĩnh lạ, cảm giác như không phải đi đánh trận. Bỗng từ mũi chính do đại đội trưởng chỉ huy, quả đạn B40 bắn trúng ổ hỏa lực. Liền sau đó, những tiếng B40, B41, thủ pháo, lựu đạn, AK rền lên. Bọn địch bị phủ đầu bất ngờ, hầu như không có sự phản ứng. Tôi chưa kịp bắn thì ổ hỏa lực tôi được phân công cũng bị quả đạn B41 của ai đó bắn trúng. Kệ, tôi cứ bóp cò, loạt đạn đầu tiên của đời lính trên mặt trận chẳng biết bay đi đâu, nhưng mồm tôi bị cả đuôi súng AK báng gập thối lại, đau điếng. Chạy! Chạy! Tiến vỗ vào vai tôi rồi chạy tuột theo hẻm đồi. Tôi bám theo, bị ngã mấy lần vì trượt sỏi. Chúng tôi xuống khỏi quả đồi thì địch bắt đầu bắn trả. Lúc đầu là tiếng tiểu liên cực nhanh AR15, đại liên M60. Đạn bắn thẳng chỉ thị uy chứ chúng tôi đã ở dưới rãnh đồi. Khi anh em chạy xuống thung lũng thì mới nghe rộ lên những tiếng “cạch... oành” của phóng lựu M79... Tôi nghĩ đã ngoài tầm đạn phóng lựu, nhưng sao thấy mọi người vẫn chạy thục mạng xuống khe cạn. Tôi chợt hiểu ngay bởi tiếng cối 61 và sau đó pháo kích từ xa bắt đầu bắn chặn đường rút. Nhưng khi đó chúng tôi đã yên ổn, đang tranh nhau hút thuốc lào trong những căn hầm của đơn vị nào đó đào từ trước, chờ khi có tiếng máy bay trực thăng đến chở xác và những tên bị thương, cũng là lúc hết pháo kích thì trở về.
Về đến cứ, tôi hỏi Tiến, sao đặc công mà đánh kiểu lạ thế? Chẳng giống tập chút nào cả, lại cứ như... Như, như cái chi, Tiến quại lại, mi mới tò te biết chi! Trận ni chỉ đánh kiểu “càn lướt”, anh em vẫn còn đủ mà lại “xơi tái” được chúng nửa trung đội, hiệu quả chưa? Bịa! Làm sao ông biết diệt nửa trung đội... Tiến chẳng buồn nói lại mà quay sang nói chuyện khác. Hôm sau, tiểu đoàn trưởng xuống khen ngợi thông báo diệt và làm bị thương 13 tên, quan trọng hơn là làm địch phải dè chừng, chưa dám lấn chiếm tiếp. Tôi lại hỏi Tiến, làm sao biết diệt 13 tên? Nó ghé vào tai tôi, đài kĩ thuật lấy tin từ phía địch bố ạ. Mà hỏi ít thôi... Quả lúc đó tôi chưa hiểu vì thấy khác với thao trường quá, nhưng sau này chính tôi cũng tham gia “sáng chế” những trận đánh “chẳng giống ai”. Đúng là lính mình “thiên biến vạn hóa”, linh hoạt đến khó tin. Đến khi “bình công”, chia thành tích, Tiến đề nghị cho những “bố” lính mới mỗi người diệt một tên. Tưởng hắn kháy, tôi cự lại, tôi bắn được một loạt chẳng trúng cái chi cả, đừng có mà đểu. Nhưng Tiến bảo, vì toàn lính mới “bị thương” nên cũng được tính công trạng làm cả trung đội cười dồn mắt nhìn cái mồm sưng vều của tôi và mấy người mới bổ sung. Tôi ngượng, vì đã sơ suất khi bắn loạt đạn trong trận đầu. Súng AK báng gập, lúc đánh trận để di chuyển và thao tác linh hoạt, không được mở báng, nên khi ngắm xong, phải lùi mặt ra mới bóp cò. Tôi quên động tác đó, dù đã tập lì vai ở thao trường nên bị cả đuôi súng thối lại, đập vào mồm, sứt một góc răng cửa. “Chiến ích” ấy vẫn được bảo tồn đến bây giờ. Cái tật này hồi tân binh, khi kiểm tra bắn đạn thật ban đêm, tuy cả đơn vị tôi đều điểm khá - giỏi, nhưng ai cũng sưng vều mồm (có đứa còn “bay cả hàng tiền đạo”) nhìn rất buồn cười.
*
* *
Đầu tháng bảy, Chiến dịch 1972, trong lúc các trung đoàn thuộc Sư đoàn 304 đang gồng mình chống bọn địch tập trung nống chiếm ở Quảng Trị thì Tiểu đoàn 19 chúng tôi bí mật rút qua sông Mĩ Chánh, cắm sâu vào huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Lúc bấy giờ, Tiểu đoàn chỉ còn 3 đại đội là C40, C41 và C43, còn C42 đã bị xóa sổ sau trận đánh thọc sâu một sân bay dã chiến hồi đầu chiến dịch vì bị lộ, toàn bộ anh em hi sinh trong hàng rào địch. Sau trận đó, tư tưởng anh em có vẻ chùng, cứ nghe thọc sâu đánh sân bay hay trận địa pháo là thấy gai gai. Sợ bị quy mất lập trường, chúng tôi nói tránh với cấp trên là sợ đánh lại bị xóa sổ thì mất lực lượng, lấy đâu quân mà để hoàn thành nhiệm vụ những trận tiếp. Chính trị viên tiểu đoàn rất vui tính, cười bảo: “Yên tâm đi, bọn mình hi sinh thì cấp trên lại bổ sung quân, đang tuyển nhiều lắm, lo gì”. Quả thực, sau đó cấp trên lại bổ sung cho hẳn đại đội hỏa lực đi kèm, có cối 82, cao xạ vác vai 12,7 li và ĐKZ 82 nên vào sâu, anh em cũng thấy an tâm. Với lại, tư tưởng lính trận thay đổi theo từng thời kì, vui đó, buồn đó, vừa nhụt chí chút xíu, thì ngay trận sau đã hùng dũng, sẵn sàng xả thân vì nhiệm vụ.
Chúng tôi chọn cửa rừng, sát chân cao điểm 156 làm “kiềng” trú quân, để từ đây xuất quân đi đánh các trận địa pháo binh, sở chỉ huy và các cầu trên dọc đường một cách chỉ mấy cây số. Gọi là nơi trú quân, nhưng chỉ khi vào hẳn địa bàn mới biết vì cực kì bí mật, đến nỗi cả đại đội địch đóng trên cao điểm 156, cách đó chỉ khoảng 300m đường chim bay nhưng suốt mấy tháng trời chưa phát hiện ra, vì chúng không thể ngờ tới. Địa điểm trú quân sát địch, hạn chế được bom pháo của chúng. Nói vậy, nhưng đừng nghĩ rằng chúng tôi sống chui lủi, mò mẫm và quá căng thẳng, có chăng cũng chỉ một số thời điểm. Ngay cả khi mới đến, anh em sửa hầm, chặt cây lấy gỗ và biết bao hoạt động khác ngay trước mũi địch mà chúng đâu mảy may biết được. Không hiểu sao lính hồi ấy chịu khó, kiên trì đến thế. Muốn có cây gỗ to làm đòn nóc hầm cho kiên cố phải dùng cưa, cưa nhẹ, có khi cả tiếng đồng hồ mới đứt, lại phải tỉa từng nhánh nhỏ mới ròng dây xuống để không gây tiếng động, không làm rung lá hoặc lộ cành cây chết, địch sẽ nghi, sau đó mới hạ từng đoạn bằng cưa và dây giữ. Chúng tôi nhằm khi địch pháo kích gần, bọn địch trên cao điểm 156 sẽ chui xuống hầm, tha hồ mà hạ cây. Bếp “Hoàng Cầm” cũng cải tiến, không chỉ một, hai hầm chứa khói mà làm thêm gấp đôi, đường dẫn khói cũng chia chi chít nên dù mưa gió, củi ướt vẫn không có sợi khói nào bay lên. Ngay cả ban đêm, dù thay gác, hay ai đi vệ sinh, cũng đều dùng mật khẩu (lời nói) hoặc hiệu lệnh (tiếng động) để nhận biết nhau, nếu không muốn bị hi sinh oan... Bí mật là chuyện sống còn của cánh lính chúng tôi hồi đó.
Thời gian đóng quân ở đây có lẽ là những ngày tháng “ổn định” nhất ở mặt trận của đơn vị tôi. Hơn hai tháng ròng chỉ trụ lại một địa bàn, của hiếm nơi chiến trận nên chúng tôi thuộc địa bàn, các cứ điểm, tọa độ các cao điểm, trận địa như bàn tay. Đến cả hang cùng góc hẻm nào có cá, có rau, có măng chúng tôi đều mò ra để cải thiện. Hẳn mọi người không hình dung nổi, đóng quân sát nách địch mà cánh lính chúng tôi vẫn có những bữa liên hoan khá xôm xả. Lính mình chịu khó, hành quân đến đâu cũng mang theo dụng cụ “bếp núc”, ngoài các xoong nồi còn có thêm mũ sắt của địch dùng để làm cối giã cua, nghiền gạo. Nguồn thực phẩm thì thất thường, có khi đói dài, có khi dồi dào vì mới được du kích huyện Phong Điền tiếp tế hay là sau đánh trận thu được nhiều chiến lợi phẩm. Muốn làm bún, chỉ cần ngâm gạo vài hôm rồi cho vào mũ sắt nghiền nhuyễn, sau đó cho vào một ống tay áo được bịt một đầu bằng vỏ hộp thịt đục nhiều lỗ nhỏ, bóp thật lực bột gạo vào nồi nước đang sôi, những sợi bún khi chín sẽ nổi lên, ngon và đẹp chẳng khác gì bún nhà hàng. Lấy thịt hộp hòa vào nước, có chút ớt đã có bữa tươi. Khi có điều kiện như sau trận thắng lớn, anh em an toàn, hay sự kiện ngày lễ lớn mà đơn vị không phải xuất quân, anh em còn làm cả đồ nhậu, đơn giản có thịt hộp, cá hộp, chất hơn có cá tươi hấp. Hôm nào có ít rượu của du kích tặng anh em còn làm cả nộm bằng cây vòi voi bóc ra, chẻ nhỏ, trộn với lương khô loại BA 70 thì còn hơn cả cao lương mĩ vị. Chưa kể, hôm nào hứng chí be bờ, chặn suối bắt cá, mò ốc thì còn tuyệt hơn, chỉ có điều, tát rất khẽ, chỉ múc từng thùng rồi nhẹ nhàng đổ nước khỏi gây tiếng động. Cá cũng đâu dám nướng vì sợ mùi bay lên theo gió, trêu ngươi địch trên 156 thì mất liên hoan.
Từ nơi trú quân, đi bộ năm phút như thoát ra một thế giới khác. Án ngữ ngay cửa rừng là cao điểm 156, vì gần biển nên trông lừng lững, cao nhất trong tất cả các đồi xung quanh. Nhiệm vụ trước mắt là nhổ được đài quan sát trên 156, vì đây là “con mắt” của cả vùng lớn, chỉ điểm, căn chỉnh bom pháo của địch tiêu diệt lực lượng của ta.
Sau khi trinh sát, lên kế hoạch tác chiến, cấp trên quyết định “nhổ” 156. Bọn địch đóng ở cao điểm này có một đại đội hỏa lực khá mạnh. Hai ụ đại liên M60 với mấy khẩu cối 61 chẳng mấy khi nghỉ, thường xuyên bắn thị uy, cối vu vơ vào những nơi chúng khả nghi, có khi buồn buồn chúng cũng giã vài tràng... Giữa đồi có hầm to, luôn có cần ăng ten và... đặc biệt có “lính cái”, chắc là báo vụ viên. Thỉnh thoảng “lính cái” chui ra ngoài cùng một tên như là chỉ huy chỉ trỏ gì đó xung quanh. Lần nào qua ống nhòm phát hiện thấy, đám lính chúng tôi thường xuýt xoa “sao mà ngon quá zậy...”. Chúng tôi theo dõi thấy cứ vài ba ngày một lần có bốn chiếc trực thăng chở nước, đồ ăn và thay quân. Sườn Bắc và Tây cao điểm 156 dốc đứng, là triền núi hướng về phía quân ta, địch chăng rào dây thép gai, cài mìn dày đặc, bố trí các hỏa lực và canh phòng rất cẩn mật, khó tiếp cận vô cùng. Nhưng triền Đông và Nam dốc thoải, lại nối liên hoàn với các điểm chúng chiếm đóng, nên chúng thường chủ quan.
Hôm đó, đầu tháng, chờ trăng non lặn, tôi cùng phân đội “mở đường” gồm sáu người xuất quân. Chúng tôi chia làm hai tổ để mở hai đường vào. Mỗi tổ có một người nằm phục ngoài hàng rào, sẵn sàng yểm trợ khi bất trắc xảy ra, còn hai người nằm thành hàng dọc để mở đường. Tôi lúc ấy mới được phân công làm phân đội phó, chỉ huy một mũi. Qua những lần trinh sát trước, chúng tôi đã biết hướng này, bọn địch bố trí hơn tám lớp hàng rào dưới chân đồi thưa và sơ sài, nhưng càng lên đến gần đỉnh đồi càng dày, rất lắm mìn và bẫy. Khác với những cứ điểm lớn kiên cố bố trí nhiều hàng rào cũi, hàng rào vướng chân được chôn cọc sắt rất chắc, ở những cứ điểm như 156 chủ yếu là hàng rào bùng nhùng (còn gọi là hàng rào lò xo) có lõi thép rất cứng, gai chi chít mỏng như cánh bướm và sắc lẹm, kìm cộng lực khí mới cắt nổi. Trời tối, nhưng lợi dụng nền trời khi nhìn từ dưới hắt lên cũng thấy mờ mờ, thỉnh thoảng tranh thủ pháo sáng, đèn pha địch quét để quan sát và định hướng. Toàn người và trang bị đều đã được nhuộm đen, đến những vật kim loại dễ phát sáng như họng súng, dao lê, chúng tôi cũng bôi đen vì chỉ cần đèn pha địch chiếu qua sẽ ánh lên, rất dễ bị lộ.
Tôi nằm trước, úp người sát xuống mặt đất ram ráp cỏ trườn nhẹ lên, bắt đầu dò mìn. Da thịt tôi cũng là dụng cụ cực ki nhạy cảm để phân biệt đâu là ngọn cỏ, sỏi đá, đâu là miểng gang, đâu là râu mìn. Cần câu bằng tre mỏng mảnh lướt phía trước để phát hiện dây mìn, sau đó dùng cảm giác của hai bàn tay ấn nhẹ lên mặt đất, rồi dùng thuốn kiểm tra xem có phát hiện mìn chôn trên đường cửa mở không. Nếu phát hiện có thì phải vô hiệu hóa. Thời kì này, những loại mìn của địch đã cải tiến lên mức tinh xảo, nguy hiểm. Cuộc chiến tranh ở Việt Nam là nơi thử nghiệm và sử dụng những vũ khí tối tân nhất của Mỹ và cả khối NATO, trong đó có các loại mìn. Mìn râu tôm (M18), chỉ cần lực nhẹ sẽ bay lên hai mét mới nổ, sát thương một khu lớn. Loại anh em tôi ngán nhất mỗi lần phát hiện ra là mìn điện. Hai mạch nằm trong dây nhỏ như dây sol của đàn ghi ta, cắt là chập mạch, nổ ngay, nhưng ác nhất ở chỗ cái bẫy, một mạch điện là vòng tròn nhỏ như chiếc nhẫn cưới, mạch điện khác như dây đàn đi qua tâm nhẫn, nên kéo căng cũng nổ, làm chùng cũng nổ vì chập mạch ngay. Mìn này rất nhạy, con vật nhỏ vướng cũng nổ chứ nói chi người. Gặp mìn, nếu nằm bên ngoài đường tiến thì dùng tiêu tre, mặt tối hướng về địch, mặt sáng hướng về ta để người sau dễ thấy, rồi vượt qua, nếu nằm trong đường tiến, sẽ khắc phục bằng cách rất đơn giản, quấn lớp cách điện quanh dây mìn rồi cắt bỏ. Cái vòng tròn xinh xinh bỏ túi đùa với nhau làm nhẫn cưới sau này. Không biết anh em đặc công, trinh sát đã bao nhiêu người hi sinh vì nó bởi chưa có ai còn sống nếu sơ sẩy để về “rút kinh nghiệm”. Mìn RIP, mìn phát sáng, mìn Clây-mo (M-18 Claymore)..., nhiều khi chúng cũng sử dụng kiểu bẫy “nhẫn đính hôn” rất sợ. Đã thế, chúng lại làm mấy lớp bẫy, khóa được ngòi quả trên, còn quả dưới, có lúc là một lựu đạn “mỏ vịt” đã tháo chốt, bật nổ ngay...
Ngay hàng rào thứ hai, tôi đã phát hiện ra dây mìn nhỏ, nhưng quả mìn nằm phía ngoài nên tôi dí dí mũi chân ra hiệu cho người bò sát sau rồi nghiêng người, lấy chỗ cho đồng đội lên phối hợp, cùng cắm hai cọc tre hai đầu, cố định dây mìn và tách hai mạch nhỏ như hai sợi tóc ra, vô hiệu hóa. Những hàng rào phía ngoài bọn địch cài nhiều mìn phát sáng và treo ống bơ khắp nơi, chỉ sơ suất nhẹ sẽ kêu lên như chuông báo. Nghĩ cũng thấy kì, vô hiệu hóa những vũ khí hiện đại, tinh xảo mà kẻ thù đã tập trung bao nhiêu trí tuệ, kiến thức văn minh nhất lại là những thứ quá ư thô sơ, giản đơn, nhưng lại rất hiệu quả. Đó là những dụng cụ bằng tre như thuốn, cần, tiêu, lạt tre. Với hàng rào dây thép gai là những mẩu dây thép (toàn lấy từ dây thép gai của địch) uốn hình chữ S cài chúng vào nhau để rộng đường chui, hình chữ U để găm dây thép gai địch xuống đất... rồi dùng cọc chống lên để trườn qua. Có khi cả đêm chỉ làm được dăm bảy lớp rào, lại phải hạ xuống, tạm “cho tồn tại”, trả về nguyên trạng rồi chui ra, đêm sau làm tiếp, tất nhiên những chỗ đã vượt qua hôm trước thì chỉ kiểm tra xem địch đã phát hiện được chưa thôi. Việc này cũng không đùa được, ban ngày bọn địch hay đi kiểm tra, đi tuần giữa các lớp hàng rào, chỉ cần mình bỏ sót thứ gì, hay làm cỏ rạp xuống mà không dựng lên, thì sẽ lãnh đủ với chúng, có khi chúng bẫy để “gậy ông lại đập lưng ông”...
Đêm đó, cả hai phân đội mở cửa đều suôn sẻ, nói đúng ra, phân đội tôi có gặp sự cố, vì không may trong lúc lui ra, hạ một hàng rào xuống làm một ống bơ gần đấy rơi (chắc là dây treo bị mục ải), kêu loong coong, lập tức bọn địch xổ đạn ra, nhưng chúng cũng không biết chính xác tiếng động từ nơi nào nên bắn bừa bãi rồi quét đèn chiếu khắp nơi. Những lúc như thế, chúng tôi nằm bất động, chờ cho chúng bắn chán lại tiếp tục lui ra...
Đêm hôm sau, sáu anh em chúng tôi lại dẫn đơn vị theo hai mũi, luồn qua hàng rào đã được “khắc phục” mìn, chỉ cần chống dây thép gai lên là tiếp cận các mục tiêu đã được phân công, chờ hiệu lệnh sẽ đồng loạt “nở hoa trong lòng địch”. Trận đánh được chuẩn bị rất kĩ, lại gặp may lúc chui rào đúng thời điểm pháo địch bắn cấp tập vào khu rừng cách đó không xa nên tiếng nổ át hết các âm thanh khác, bọn địch lại đang tập trung quan sát, chỉnh tọa độ cho pháo nên đơn vị vào rất gọn.
Đài quan sát trên cao điểm 156 địch bố trí chủ yếu dưới hầm, hỏa lực bảo vệ khá dày với những trận địa cối, đại liên được xây dựng kiên cố bằng bê tông, ngoài ra còn nhiều đường hào, hố chiến đấu chìm và nổi. Lực lượng thường xuyên là một đại đội, ban đêm, trừ thỉnh thoảng nhóm ba, bốn tên đi tuần, hai tên gác phía tây và phía đông, còn hầu như lẩn dưới đất. Cổng chính nằm trên sống quả đồi nhưng hầu như đóng kín bằng những lớp dây thép gai chạy thoải xuống phía đông, cách đó khoảng 500m có hai cụm địch ở chân dãy Cánh Dơi. Phía ta hẳn hai đại đội đặc công, sau khi chiếm cao điểm sẽ giao lại cho đại đội bộ binh chốt giữ lâu dài. Đây là trận đánh quan trọng, không những triệt “đài quan sát”, mà còn nhổ được chốt án ngữ của địch ngay cửa rừng phía tây bắc Thừa Thiên.
Trận đánh ban đầu diễn ra đúng với dự đoán của ta. Địch bị bất ngờ, cụm lại ở hầm chỉ huy, chống trả quyết liệt. Sau này chúng tôi mới biết chúng đào hầm thông nhau, nên một số tên thoát chết, tập trung hỏa lực chống cự, chờ tiếp viện. Tiểu đoàn phó chỉ huy mũi chính đánh hầm chỉ huy, theo nhiệm vụ là bắt sống chỉ huy và báo vụ, thu máy điện báo về khai thác nên không cho ném thủ pháo vào hầm chúng. Bị bất ngờ, cả tiểu đoàn phó và ba đồng chí hi sinh, anh em lúng túng giây lát. Đại đội trưởng ra hiệu anh em bắn yểm trợ, thu hút hỏa lực địch còn anh tiếp cận từ phía sau, lẳng hẳn cả trái US vào hầm.
Anh em nhanh chóng thu hồi trận đánh, chuyển thương binh, tử sĩ xuống theo con đường mới mở. Những tên địch bị thương, trong đó có tên nữ báo vụ lúc này trông rúm ró vì quá khiếp đảm đang ôm chân khóc, anh em định giải bộ. Không được, dốc thế làm sao đi được? Một người không nói không rằng vần chiếc thùng phi của địch trữ nước đổ đi. Làm chi vậy? Tôi hỏi. Còn làm chi, cho tù binh vô đây lăn xuống. Không được, thế thì chúng toi hết. Toi thì toi, bay thương chúng à, nhìn anh em mình thương vong không xót à. Mấy tên tù binh bị thương ngồi bên cạnh nghe bộ đội ta bốp chát co rúm người lại vì sợ. Đại đội trưởng (lúc này là chỉ huy cao nhất trận đánh) vội gạt đi, yêu cầu thực hiện chính sách tù binh, giữ báo vụ viên còn sống để khai thác. Chiếc thùng phi được dùng đựng chiến lợi phẩm thay cho tù binh. Sườn dốc đứng, thùng phi vừa lăn được mấy vòng đã nẩy lên chạy theo hướng khác, trúng mìn, bay tít lên cao rồi rơi xuống hố bom rãnh núi.
Chúng tôi về đến “kiềng”, làm xong công tác tử sĩ thì trời sáng. Tiếng trực thăng quần đảo, xe tăng từ bên Cánh Dơi bắt đầu gầm... Lại thấy lo cho đại đội bộ binh chốt trên đài quan sát. Liệu họ trụ được bao lâu?
VNQĐ
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận