A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thượng tướng Trần Sâm - Con người và sự nghiệp

Thượng tướng Trần Sâm, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng (khóa IV), nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Phó tổng Tham mưu trưởng, nguyên Cục trưởng Cục Nghiên cứu kỹ thuật quân sự, sinh ngày 5-4-1918, tại làng Duân Kinh, xã Hải Xuân, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị-một miền quê gian khó, kiên cường, giàu truyền thống cách mạng.

Đồng chí Trần Sâm.

 

Tiểu sử và những năm tháng cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi

Ông sinh ngày 5 tháng 4 năm 1918, tuổi Mậu Ngọ, trong một gia đình nông dân, thợ thủ công, hiếu học và nền nếp. Quê hương ông soi bóng bên bờ sông Vĩnh Định trong xanh. Đó là làng Duân Kinh, xã Hải Xuân, huyện  Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, một miền quê có truyền thống cách mạng kiên cường, bất khuất và yêu nước. Song thân ông là cụ Trần Tước và cụ Lê Thị Cun. Cụ Trần Tước có năm người con trai: Hầu (Sâm), Khanh, Phán, Thừa, Thống. 

Trong kháng chiến chống Pháp, các ông: Trần Sâm, Trần Khanh, Trần Phán, Trần Thừa đều tham gia quân đội. Ông Trần Phán gia nhập Trung đoàn 95, chiến đấu bị thương, đơn vị cho về gia đình dưỡng thương. Ngày 10 - 4 - 1947, giặc Pháp đi càn đã cho lính dã man xả súng bắn chết 115 người dân ở xóm Đò, làng Qui Thiện, huyện Hải Lăng, trong đó có hai anh em Trần Phán (18 tuổi) và Trần Thống (13 tuổi). Ông Trần Thừa làm Đại đội trưởng quân báo của Trung đoàn 95 đã anh dũng hy sinh ngày 1 - 2 - 1948 trong một trận chiến đấu quyết liệt với kẻ thù. Quá đau đớn khi bị mất ba người con trai trong vòng một năm, cụ bà Lê Thị Cun bị sụp bệnh và từ trần ngày 20 - 4 - 1948.

Năm 1951, khi Quảng Trị nằm trong vùng địch tạm chiếm, thân sinh của ông - cụ Trần Tước - không còn ai nương tựa, được tổ chức chuyển ra ở với ông (lúc này ông đang là Tư lệnh kiêm Chính ủy Liên khu 4) đóng quân trong nhà ông Lê Nam Thắng (tức Nguyễn Đình Khiếng, lúc đó là Phó Tư lệnh Liên khu 4), tại xã Thanh Tường, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Tại đây, năm 1953, cụ Trần Tước từ trần. Lúc này, ông Trần Sâm đã chuyển ra công tác tại Bộ Tổng Tham mưu trên chiến khu Việt Bắc không thể về được. Gia đình ông Lê Nam Thắng và bà con địa phương đã giúp lo hậu sự cho cụ. Ngót 40 năm sau, tháng 4 năm 1991, ông Trần Sâm cùng cậu Trần Hùng và tôi vào Nghệ An cất bốc đưa hài cốt của cụ Trần Tước về an táng tại quê nhà. 

Thời trẻ, Thượng tướng Trần Sâm học tiểu học ở làng Duân Kinh, trường phủ, huyện Triệu Phong rồi Trường Kỹ nghệ thực hành (còn gọi là Trường Bách nghệ) ở Huế. Ông là người ham học, lấy tự học làm chính. Trong lý lịch của ông ghi trình độ văn hóa chưa hết bậc trung học. Nhưng trên thực tế, bằng con đường tự học, ông có kiến thức khá sâu trên nhiều lĩnh vực. Về ngoại ngữ, ngoài tiếng Pháp học được khi còn là học sinh, sau này trong công việc ông còn tự học biết thêm tiếng Nga, tiếng Hán. Với ông, làm bất cứ việc gì, đều phải nghiên cứu học tập.

Sự học tại trường của ông có thêm một lần nữa. Đó là năm 1960, ông cùng các ông: Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng, Trần Văn Trà, Trần Văn Quang, Lê Đức Anh, Lê Trọng Tấn, Đồng Sĩ Nguyên, Cao Văn Khánh, Trần Độ, Nguyễn Quyết, Nguyễn Đôn, Lê Trọng Nghĩa, Thanh Quảng… tham dự lớp thứ nhất “Khóa đặc biệt” dành riêng cho cán bộ chỉ huy cấp chiến lược tại Học viện Bộ Tổng Tham mưu quân đội Liên Xô. Thời gian học tập nghiên cứu là 6 tháng.

Là một thanh niên giác ngộ cách mạng từ rất sớm trong phong trào học sinh, năm 20 tuổi, ông được kết nạp vào Đảng, làm giao liên bí mật vận chuyển tài liệu và đưa đón cán bộ của Đảng trên tuyến đường sắt từ miền Trung vào Sài Gòn. Năm 1939, do có người cùng hoạt động phản bội khai báo, nên ông bị địch bắt tra tấn, thậm chí treo lên xà nhà hành hạ dã man nhưng ông một lòng trung kiên, chí cốt, không khuất phục.

Chính quyền thực dân xử án ông tại Nha Trang, lúc ấy ông mới 21 tuổi. Đứng trước vành móng ngựa, ông đã dõng dạc tố cáo sự áp bức bóc lột của chế độ thực dân đế quốc, đanh thép tuyên bố quyết tâm chí hướng làm cách mạng của một người cộng sản. Tòa án thực dân kết án ông năm năm tù giam và đưa đi lưu đày ở nhà lao Buôn Ma Thuột.

Ông thường kể, trong nhà tù đế quốc, chi bộ Đảng vẫn tranh thủ mọi điều kiện tổ chức học tập. Người giảng về lý luận chính trị là ông Hồ Tùng Mậu (quê Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An) - cán bộ cựu trào, trung kiên, xuất sắc của Đảng. Người dạy về quân sự và võ thuật là ông Trương Văn Lĩnh (quê Nghi Phương, Nghi Lộc, Nghệ An) - người đã từng tốt nghiệp Trường võ bị Hoàng Phố (Trung Quốc), là đảng viên Đảng ta đồng thời là đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc, hoạt động trong hàng ngũ Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch, giữ chức Cảnh sát trưởng Quảng Châu, bị chính quyền Tưởng Giới Thạch phát hiện bắt trao cho thực dân Pháp đưa về Việt Nam giam giữ.

Năm 1943, thượng tướng Trần Sâm được mãn hạn tù. Ra tù nhưng ông vẫn bị quản thúc ở quê nhà. Sau một thời gian tìm bắt liên lạc, ông lại bí mật tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng. Kiến thức và kinh nghiệm học được trong tù đã giúp ông rất nhiều điều trong vận động quần chúng, xây dựng cơ sở cách mạng ở địa phương.

Năm 1945, ông tham gia lãnh đạo giành chính quyền ở tỉnh Quảng Trị. Khi tỉnh Quảng Trị giành được chính quyền, Ủy ban kháng chiến tỉnh thành lập, do ông Trần Hữu Dực làm Chủ tịch, ông Đặng Thí làm Phó chủ tịch, ông Trần Sâm được cử làm Ủy viên.  Bố mẹ đặt tên ông là Trần Hầu. Thời kỳ hoạt động cách mạng trước năm 1945, ông lấy tên là Trần Bá, Trần Sam. Năm 1945, khi tham gia Ủy ban kháng chiến tỉnh Quảng Trị có hai người tên Sam: Nguyễn Bá Sam và Trần Sam. Để thuận tiện trong giao tiếp, tổ chức đề nghị ông thêm dấu đổi chữ “a”, thành chữ “â” thành Sâm. Và danh xưng Trần Sâm gắn với ông đến trọn đời.

Ngày 23 - 8 - 1945, tại Quảng Trị, Chi đội Giải phóng quân Thiện Thuật thành lập, sau đó đổi tên thành Trung đoàn 95. Đầu năm 1946, ông được giao giữ chức Chính ủy Trung đoàn cùng ông Hùng Việt (tức Đinh Huy Phan), Trung đoàn trưởng chỉ huy chiến đấu bảo vệ Quảng Trị.

Ngày 25 - 1 - 1947, quân Pháp ào ạt đánh chiếm đèo Vân Thủy rồi tràn vào chiếm vùng Cùa. Trước lực lượng vượt trội của quân Pháp, bộ đội ta với trang bị vũ khí thô sơ, lại chưa quen trận mạc, Tiểu đoàn 14 Trung đoàn 95 đã bỏ Cùa chạy về phía sau. Trung đoàn trưởng Hùng Việt đùng đùng nổi giận, lệnh cho cán bộ từ Trung đội trưởng đến Tiểu đoàn trưởng xếp hàng trước sân vận động và lăm lăm khẩu súng lục trong tay, tuyên bố sẽ bắn những cán bộ chỉ huy vô kỷ luật, nhát gan, dẫn quân chạy địch. Lập tức, Chính ủy Trần Sâm ra trước hàng quân, nói to như ra lệnh: “Đồng chí Hùng Việt không được làm thế! Khuyết điểm của cán bộ, tổ chức sẽ tùy mức độ mà kỷ luật với từng người. Đồng chí cho anh em về tổ chức lại bộ đội. Tôi và đồng chí cùng vào Cùa đánh địch”. Nghe ông Trần Sâm nói tổ chức sẽ kỷ luật, ông Hùng Việt hạ cơn nóng cho súng lục vào bao, nói: “Hôm nay, may có Chính ủy Trần Sâm, không thì các anh ăn đạn tôi rồi đấy. Tất cả về tổ chức bộ đội chuẩn bị đánh chiếm lại Cùa”. 

Năm 1948, cấp trên điều động ông vào Thừa Thiên giữ chức Trung đoàn trưởng Trung đoàn 101, tham gia Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên. Trên cương vị Trung đoàn trưởng Trung đoàn 101, ông đã trực tiếp chỉ huy chiến đấu nhiều trận. Đặc biệt là trận Hội Mít Lăng Cô, diễn ra ngày 12 - 1 - 1949, do ông trực tiếp chỉ huy phục kích tiêu diệt gọn cả đoàn tàu địch, bắt tù binh, thu vũ khí. Trận đánh đó có sức cổ vũ mạnh mẽ quân dân toàn Liên khu 4. Sau này, được Từ điển Quân sự Việt Nam xếp vào những trận đánh tiêu biểu trong thời kỳ chống Pháp.

Tháng 10 - 1949, Bộ Tổng tư lệnh quyết định thành lập Mặt trận Bình Trị Thiên - Trung Lào do ông Hà Văn Lâu làm Tư lệnh, ông Trần Quý Hai làm Chính ủy và ông Trần Sâm làm Phó Tư lệnh.

Tháng 12 năm 1950, khi mới 32 tuổi, ông được bổ nhiệm giữ chức Tư lệnh kiêm Chính ủy Liên khu 4. Năm 1953, cấp trên điều động ông lên Bộ Tổng Tham mưu, lúc này đang ở chiến khu Việt Bắc, giữ chức Cục trưởng Cục Quân lực. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông là Cục trưởng Quân lực kiêm Trưởng ban Quân lực mặt trận, trong Sở Chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Kiến trúc sư xây dựng lực lượng

Năm 1953, lúc 35 tuổi, đang là Tư lệnh kiêm Chính ủy Liên khu 4, đồng chí Trần Sâm được điều động về Bộ Tổng Tham mưu giữ chức Cục trưởng Cục Quân lực. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông kiêm chức Trưởng ban Quân lực mặt trận, thuộc cơ quan tham mưu Sở chỉ huy mặt trận.

Sau năm 1954, Cục trưởng Cục Quân lực Trần Sâm được giao nhiệm vụ giúp Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng soạn thảo Đề án xây dựng lực lượng quân đội trong thời bình (1955-1960). Năm 1957, ông được bổ nhiệm giữ chức Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần.

Đầu năm 1960, đồng chí Trần Sâm được Chủ tịch Hồ Chí Minh bổ nhiệm giữ chức Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Trên cương vị này, ông được giao nhiệm vụ giúp Tổng Tham mưu trưởng chỉ đạo công tác xây dựng lực lượng, tổ chức biên chế, bảo đảm vũ khí và trang bị kỹ thuật của các binh chủng, quân chủng, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ ở miền Bắc. Đồng thời, tham gia chỉ đạo công tác xây dựng lực lượng, tổ chức biên chế, bảo đảm quân số, vũ khí và trang bị kỹ thuật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu của chiến trường miền Nam, chiến trường Lào.

Thượng tướng Trần Sâm: Cuộc trường chinh hơn 70 năm không ...
Đồng chí Trần Sâm (thứ 2 từ trái sang) cùng các tướng lĩnh quân đội tại Học viện Quân sự Liên Xô (năm 1961).

 

Ngày 25-2-1961, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về nhiệm vụ quân sự trong 5 năm (1961-1965). Nghị quyết xác định: Để đủ sức hoàn thành nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam và làm nhiệm vụ quốc tế, phải ra sức xây dựng lực lượng vũ trang, lấy xây dựng lục quân làm chủ yếu, đồng thời tăng cường xây dựng thêm cơ sở và lực lượng cho Quân chủng Hải quân và Quân chủng Phòng không-Không quân, kiện toàn các binh chủng, bảo đảm các cơ sở hậu cần kỹ thuật, xây dựng lực lượng hậu bị mạnh mẽ, tổ chức dân quân rộng rãi vững chắc.

Chấp hành nghị quyết của Bộ Chính trị, Bộ Tổng Tham mưu đề xuất phương hướng tổ chức các lực lượng bộ đội thường trực gọn, mạnh, cơ động nhanh. Theo phương hướng tổ chức lực lượng được xác định, ngày 17-4-1961, đồng chí Trần Sâm thay mặt Bộ Tổng Tham mưu trình và được Quân ủy Trung ương thông qua Đề án kế hoạch bảo đảm vũ khí và trang bị kỹ thuật cho lực lượng vũ trang từ năm 1961 đến năm 1965. Theo đó, việc cải tiến trang bị và bổ sung trang bị hằng năm cho các binh chủng thuộc khối lục quân, hải quân và phòng không-không quân sẽ tiến hành từng bước có trọng điểm. Về tổ chức, quân đội hình thành 3 loại biên chế: Đủ quân, thiếu biên chế và biên chế khung. Cách tổ chức đó vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, huấn luyện chính quy sẵn sàng chiến đấu, vừa bảo đảm sẵn sàng khôi phục và mở rộng lực lượng trong giai đoạn đầu chiến tranh.

Đến năm 1962, lực lượng dân quân và hậu bị ở miền Bắc đã phát triển rộng khắp, tổ chức biên chế dựa trên cơ sở sản xuất và được huấn luyện theo quy định từng thời gian. Việc huấn luyện quân sự ở các trường đại học, trung học chuyên nghiệp bước đầu được triển khai.

Sau hơn hai năm đảm nhiệm chức vụ Phó tổng Tham mưu trưởng, đồng chí Trần Sâm được Chủ tịch nước bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần; được Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ định giữ chức Bí thư Đảng ủy Tổng cục Hậu cần. Thời gian này, được sự viện trợ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước anh em, ngành hậu cần quân đội đã tạo ra lượng dự trữ về vũ khí, trang bị kỹ thuật rất lớn. Trong đó, có hàng vạn tấn vũ khí, đạn dược các loại, trên 7.000 xe vận tải, tăng thêm cơ số dự trữ xăng dầu, thuốc quân y, lương thực, thực phẩm. Hệ thống kho tàng các loại được xây dựng tại các căn cứ.

Thiếu tướng, Phó tổng Tham mưu trưởng Trần Sâm kiểm tra sẵn sàng chiến đấu tại một đơn vị pháo phòng không
bảo vệ Hà Nội năm 1972. Ảnh tư liệu

 

Tháng 8-1963, Quân ủy Trung ương ra nghị quyết giao cho Tổng cục Hậu cần phụ trách Đoàn 559, đảm nhiệm việc tổ chức vận chuyển vũ khí, lương thực, quân số cho chiến trường miền Nam. Theo sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, tuyến vận tải Trường Sơn bắt đầu triển khai mở đường vận chuyển bằng cơ giới trong điều kiện địch đánh phá ác liệt. Từ phương thức vận tải thô sơ kết hợp với cơ giới nhỏ, đến năm 1965, Đoàn 559 được tăng cường lực lượng lấy phương tiện vận chuyển bằng xe cơ giới làm chính. Từ vận chuyển bí mật là chủ yếu, trên tuyến vận tải 559 bắt đầu hình thành phương thức vận tải bằng lực lượng binh chủng hợp thành, lấy lực lượng vận chuyển ô tô làm trung tâm. Thời gian này, Đoàn 559 được tổ chức lực lượng tương đương cấp quân khu, trực thuộc Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng.

Cuối năm 1965, đồng chí Trần Sâm thôi giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, trở lại cương vị Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm chức Phó tổng Tham mưu trưởng. Ông tiếp tục giúp Tổng Tham mưu trưởng chỉ đạo công tác xây dựng tổ chức biên chế, vũ khí trang bị kỹ thuật, công tác động viên lực lượng, công tác đối ngoại, phụ trách nội bộ cơ quan Bộ Tổng Tham mưu; chỉ đạo công tác nghiên cứu kỹ thuật quân sự; trực tiếp phụ trách Cục Quân lực, Cục Đối ngoại, Cục Quản lý giáo dục và Phòng Chính trị (nay là Cục Chính trị, Bộ Tổng Tham mưu)... Công việc nhiều, nhiệm vụ nào cũng cần thiết, cấp bách.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngoài nhiệm vụ được phân công, có thời gian đồng chí Trần Sâm trực chỉ huy tác chiến ở Sở chỉ huy Bộ Tổng Tham mưu, đồng thời trực tiếp đi kiểm tra chỉ đạo một số đơn vị chiến đấu. Nhiều lần trong nhiều năm, ông thay mặt lãnh đạo Bộ Quốc phòng tham gia đoàn đại biểu của Chính phủ ta đi ký kết hiệp định viện trợ kinh tế, quân sự với các nước Liên Xô, Trung Quốc và các nước anh em. Đó là nguồn viện trợ to lớn về vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự và các mặt hàng thiết yếu, góp phần quan trọng tạo nên sức mạnh chiến đấu và chiến thắng của Quân đội ta.

Suốt thời gian dài trên cương vị Phó tổng Tham mưu trưởng, đồng chí Trần Sâm là một cán bộ lãnh đạo có tầm nhìn toàn diện, năng lực chỉ huy-tham mưu giỏi, luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Ông có thân hình cao to, gương mặt quắc thước phương phi, hàng lông mày rậm, mắt sắc sảo, cương nghị. Ở ông toát lên nhân cách trong sáng, phẩm chất đạo đức mô phạm. Trong lãnh đạo, chỉ huy và xử lý công việc, ông luôn giữ vững tính nguyên tắc. Trong đời sống sinh hoạt, ông là người đức độ, một vị tướng hiền, sống tình cảm, tác phong giản dị, khiêm tốn, dân chủ, sâu sát, lối sống thanh liêm. Ông là người ham nghiên cứu, học hỏi, thích thể thao. Là người đảm trách công tác tổ chức lực lượng quân đội, ông luôn nghiên cứu nắm vững chức năng nhiệm vụ của các loại hình tổ chức trong quân đội và tính năng của các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật trong biên chế. Ông luôn được mọi người tin tưởng, quý trọng.

T.H


Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội