Hành hương về Đất Tổ cùng những bài thơ trường tồn theo năm tháng
Lễ hội Đền Hùng và Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức hằng năm vào ngày mùng 10-3 (Âm lịch), được bắt nguồn từ thời đại Hùng Vương dựng nước.
Sự ra đời và tồn tại lâu dài của Đền Hùng và lễ hội Đền Hùng cùng với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là sự khẳng định niềm tin vào bản sắc truyền thống văn hóa đối với các thế hệ cha ông đi trước, những người đã đổ biết bao công sức và xương máu để dựng nước và giữ nước.
Chính từ ý nghĩa tâm linh thiêng liêng ấy mà lễ hội Đền Hùng đã trường tồn với thời gian, trường tồn cùng lịch sử dân tộc trong suốt mấy nghìn năm. Giỗ Tổ Hùng Vương, lễ hội Đền Hùng là một trong những đề tài hấp dẫn của các nhà thơ Việt Nam qua nhiều thế kỷ.
Cảm nhận về các Vua Hùng và thơ viết về Đền Hùng, nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã viết: “Về Đất Tổ, chúng ta xúc động chiêm bái công ơn khai quốc, lập thiên hạ của các Vua Hùng. Đồng thời chúng ta cũng có niềm hạnh phúc được thưởng ngoạn vẻ đẹp tâm hồn thi nhân qua các thời đại. Về Đền Hùng là hành hương với sử và hành hương cùng với thơ. Thơ ấy, dù hàm súc, đường bệ hay nồng nàn, phóng khoáng thì nền tảng vẫn là cảm hứng lịch sử, hồn cốt vẫn là tôn vinh quá khứ thăng hoa ở đó và đồng điệu cũng từ đó”. (*)
Sưu tầm, tuyển chọn hàng trăm bài thơ viết về thời đại Hùng Vương và Đền Hùng từ xưa đến nay có thể chia làm 3 phần chính: Thơ chữ Hán; thơ chữ Nôm và Quốc ngữ trước 1945; thơ từ 1945 đến nay.
Trong phần thơ chữ Hán có một số tác giả như: Nguyễn Sĩ Cố, Đặng Minh Khiêm, Ngô Chi Lan, Lê Hiển Tông, Nguyễn Quang Bích, Cao Bá Quát...
Đặng Minh Khiêm, nguyên quán huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), trú quán: Mạo Phổ (nay là xã Lương Lỗ, huyện Thanh Ba, Phú Thọ), đỗ Tiến sĩ năm 1487 triều Lê Thánh Tông, làm tới thượng thư bộ lễ. Một trong những bài thơ nổi tiếng của Đặng Minh Khiêm ngợi ca thời đại Hùng Vương được nhiều người nhắc nhớ:
Đô định Văn Lang, tự lạc Long,
Đương thời thập bát hiệu danh Hùng.
Kiến hầu thu đỉnh, quy mô đại,
Vụ bản, cần nông chính hóa long.
Thế vị cạnh tranh tề thịnh trị,
Dân vô tập ngụy đắc thuần phong.
Giả nhiên hậu tự truy quang chí,
Thục đế hà duyên khỉ ngoại nhung?
Dịch thơ:
Vua nước Văn Lang hiệu Lạc Long,
Mười tám đời vua vẫn gọi Hùng.
Lập hầu dựng nghiệp quy mô lớn,
Vun gốc chăm nông chính hóa sùng.
Đời chẳng tranh giành, mà thịnh trị,
Dân không gian dối, bởi thuần phong.
Ví sau con cháu noi đời trước,
Vua Thục sao đà dám tiếc công.
Vua Lê Hiển Tông (1715-1786), khi về thắp hương tưởng niệm các Vua Hùng đã có bài thơ nổi tiếng viết về các Vua Hùng và thời kỳ Hùng Vương lịch sử:
Quốc tịch Văn Lang cổ,
Vương thư Việt sử tiên.
Hiển thừa thập bát đại,
Hình thắng nhất tam xuyên
Cựu trưng cao phong bán
Sùng từ tuấn lĩnh biên
Phương dân ngung trắc giáng
Hương hỏa đáo kim truyền.
Dịch thơ:
Nước cũ Văn Lang mở
Vua đầu nước Việt xưa
Mười tám đời tiếp nối
Ba sông họp một bờ
Mộ Tổ trên đỉnh núi
Đền thiêng, non tỏ mờ
Dân chúng chăm thờ phụng
Khói hương mãi tận giờ.
“Hương hỏa đáo kim truyền”, dịch nghĩa là: Hương hỏa còn truyền tới ngày nay. Hương hỏa còn có nghĩa là gia sản của cha ông để lại.
Phần thơ chữ Nôm và chữ Quốc ngữ trước 1945, độc giả được thưởng thức nhiều bài thơ đặc sắc của các tác giả: Lê Ngô Cát, Phạm Đình Toái, Bùi Thiên Căn, Ngô Quang Đoan, Dương Mạnh Huy, Đào Văn Long, Trần Mỹ, Dương Tự Nhu, Nguyễn Nhược Pháp, Vũ Mạnh Phương, Lê Đình Sán...
Bài thơ “Hùng Vương kỷ niệm Hội” (Dương Tự Nhu) sáng tác năm 1918 đã miêu tả sinh động hình ảnh Đền Hùng và lễ hội Đền Hùng trong những năm đầu thế kỷ XX :
Sông kia một dải Hồng Hà
Núi kia cao ngất gọi là Hùng Sơn...
Dấu thơm từ trước chẳng mòn
Tiên Rồng lại nở ra con Tiên Rồng
Ai ơi đến hội mà trông
Nơi tung diều sáo, nơi giồng đu tiên
Nào cờ nào trống nào đèn`
Nào xe nào ngựa như nêm chật đường
Leo dây múa rối đủ phường
Đánh cờ treo giải lạ nhường vui thay...
Văn minh kết quả sau này
Hỏi ai ăn quả nhớ cây ai giồng...
Bài thơ “Nghìn năm nước cũ” của tác giả Đào Văn Long thể hiện niềm tự hào dân tộc và truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam:
Mở trời dựng nước một Vua Hùng
Mười tám đời liền giống Lạc Long.
Trăm họ sinh sôi con cháu khắp,
Muôn đời hương khói tổ tiên chung.
Trải bao thành quách, bao dâu biển
Vẫn giống nòi này, vẫn núi sông.
Ai kẻ trèo non lên yết miếu
Nghìn năm nước cũ nhớ hay không?
Phần thơ từ 1945 đến nay là phần thơ phong phú, đặc sắc có hàng trăm tác giả, hàng trăm tác phẩm viết về thời đại Hùng Vương, Giỗ Tổ Hùng Vương và lễ hội Đền Hùng. Những tác phẩm hay để lại ấn tượng sâu sắc với đông đảo bạn đọc như: “Đất Nước” (trích trường ca “Mặt đường khát vọng” - Nguyễn Khoa Điềm); “Truyền thuyết về hạt giống” (Hữu Thỉnh); “Vào thăm đền Giếng” (Nguyễn Đình Ảnh); “Trống đồng” (Lâm Thị Mỹ Dạ); “Chim Lạc bay” (Phạm Tiến Duật); “Đón em về đất Tổ” (Kim Dũng); “Nghĩa Lĩnh lúc không giờ” (Nguyễn Hưng Hải); “Ai về miền cổ tích với ta không”? (Nông Thị Ngọc Hòa), Khúc hát cội nguồn (Nguyễn Đức Mậu), Trước một vùng đất cố hương tôi...
Phạm Tiến Duật – nhà thơ xuất sắc của nền thơ ca chống Mỹ cứu nước gắn liền với con đường Trường Sơn huyền thoại, người con ưu tú của Đất Tổ Vua Hùng; từng đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật. Với hình tượng tiêu biểu “Chim Lạc bay”, chỉ với năm câu thơ ngắn gọn, nhà thơ đã khái quát truyền thống lịch sử rạng ngời của dân tộc Việt Nam từ buổi ban đầu vua Hùng dựng nước :
Năm công nguyên thứ nhất là cái trụ xoay
Một nghìn chín trăm bảy mươi lăm năm sau
là năm tháng chúng ta đang sống
Một nghìn chín trăm bảy mươi lăm năm trước
là niên đại Hùng Vương
Dân tộc ta là con chim Lạc ấy
Hai cánh thời gian đập sáng một con đường...
“Đón em về Đất Tổ” là bài thơ lục bát đặc sắc của nhà thơ Kim Dũng viết về Đền Hùng. Mở đầu bài thơ là những hình ảnh đặc trưng tràn đầy sức sống về miền quê trung du Phú Thọ:
Đón em về hội Đền Hùng
Xốn xang Đất Tổ - một vùng trung du
Nghiêng nghiêng dáng cọ cần cù
Chè tơ nẩy búp, chim gù xanh cây.
“Qua Thậm Thình” của nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi là một trong những bài thơ hay, sâu xa, lắng đọng viết về nơi “cội nguồn dân tộc” bốn ngàn năm.
Bài thơ mở đầu bằng hình ảnh đẹp trong buổi bình minh của lịch sử dân tộc và kết thúc bằng hình ảnh hiện tại tươi sáng của quê hương:
Không còn dấu cũ lầu son
Phía sau, thành phố khói vờn trong mây
“Uống nước nhớ nguồn”, tri ân tổ tiên, “chiêm bái công ơn khai quốc, lập thiên hạ của các Vua Hùng” là yếu tố quan trọng nhất của văn hóa, là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, đúng như nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã viết :
Nhưng ai đã khuất
Những ai bây giờ
Yêu nhau và sinh con đẻ cái
Gánh vác phần người đi trước để lại
Dặn dò con cháu chuyện mai sau
Hàng năm ăn đâu làm đâu
Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ...
(Đất Nước - trích trường ca “Mặt đường khát vọng”).
Có thể nói, những bài thơ hay viết về Đền Hùng, về quê hương Đất Tổ đã đem lại cho độc giả những xúc cảm thẩm mỹ, làm trỗi dậy trong lòng con dân đất Việt niềm tự hào và tình yêu Tổ quốc.
Nguồn: QĐND
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận