A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản
Nhật ký đối mặt Covid - 19

Bà ơi!...

Dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có nhiều ca nhiễm. Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Quế Phong, Bộ CHQS tỉnh Nghệ An đảm nhiệm phục vụ cách ly công dân từ vùng có dịch trở về địa phương và các trường hợp F1 trên địa bàn tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Quế Phong. Là người lính, nhân viên quân y, tôi nhận rõ đây là trách nhiệm của mình nên đã xung phong lên tuyến đầu chống dịch.

Thượng úy QNCN Lô Văn Thanh đo thân nhiệt cho công dân tại khu cách ly.

Công việc hằng ngày của tôi là cùng với hai nhân viên y tế của huyện Quế Phong tổ chức theo dõi, thăm khám sức khỏe, đo thân nhiệt cho công dân; vệ sinh, phun khử khuẩn, kiểm tra nhắc nhở mọi người làm tốt công tác vệ sinh phòng dịch và đưa cơm cho công dân trong khu cách ly. Tưởng chừng công việc chỉ đơn giản vậy nhưng chúng tôi làm luôn tay không hết việc, nhiều đêm ngủ không ngon giấc. Có những đêm thức trắng để tiếp nhận, cách ly công dân từ vùng dịch trở về rồi thăm khám, điều trị cho những trường hợp ốm đau bất thường khác. Đơn cử như lúc 3 giờ sáng một ngày nọ, khi mọi người đang chìm trong giấc ngủ thì ông Lương Văn Kỉnh, 79 tuổi, ở xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong, người dân tộc Thái, có dấu hiệu mệt mỏi, khó thở, huyết áp tăng cao. Lập tức anh em chúng tôi có mặt, vừa thăm khám, cấp thuốc, vừa động viên để ông ổn định tâm lý, vượt qua khó khăn. 

Rồi một đêm khác khi đã rất khuya, chuông điện thoại của tôi réo liên hồi. Tỉnh giấc, tôi nghĩ chắc có công dân đau ốm đang cần giúp đỡ. Cầm điện thoại lên, hóa ra là số điện thoại của mẹ tôi. “Sao mẹ lại gọi giờ này?”, tôi chợt nghĩ. Linh tính mách bảo có điều bất thường, bắt máy điện thoại thì đầu dây bên kia mẹ tôi vừa nói vừa khóc: “Bà nội mất rồi con ạ!”. Tôi lặng đi vài giây mới trả lời được... Tôi thương bà nội vô cùng. Từ nhỏ, tôi đã được bà yêu quý và chăm bẵm. Bà luôn tự hào có cháu nội là đảng viên, là bộ đội. Bà luôn dặn dò tôi không ngừng phấn đấu rèn luyện, xứng đáng với niềm tin yêu của bà con người dân tộc Thái. Nghe tin bà mất, tôi như đứt từng khúc ruột, nước mắt cứ thế trào ra... Mẹ hỏi tôi: “Con có thể thu xếp công việc để về đưa tang bà được không?”. Tôi nghẹn lời, xin lỗi mẹ và gia đình vì nhiệm vụ, vì sức khỏe của nhân dân mà tôi không thể rời vị trí vào lúc này. "Bà ơi, bà hãy hiểu cho cháu, vì nhiệm vụ nên không thể về nhìn bà lần cuối"...

Biết tin bà nội tôi mất, đồng đội, công dân trong khu cách ly đều động viên tôi. Khi được tôi kiểm tra sức khỏe, ông Lương Văn Kỉnh nói với tôi: “Bà nội qua đời là nỗi đau thương, mất mát. Phong tục của người Thái chúng ta là con cháu phải về ngay nhà... nhưng vì sức khỏe của nhân dân, cháu đã nén đau thương ở lại chăm sóc sức khỏe cho người dân khiến ai cũng xúc động...”. Lời động viên của ông như tiếp thêm động lực cho tôi nén đau thương, vững vàng trên tuyến đầu chống dịch.

Thượng úy QNCN Lô Văn Thanh, Nhân viên Quân y, Ban CHQS huyện Quế Phong, Bộ CHQS tỉnh Nghệ An


Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội