A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dân bản Cu Pua "ưng cái bụng" (Bài 2)

 Bài 2: Đàn ông làm Chi hội trưởng phụ nữ

Từ quá khứ không mấy tốt đẹp, là người xấu với cha mẹ, vợ con, người thân và bà con thôn bản, anh Hồ Ê Nót dần thức tỉnh, nhận ra sai lầm của mình, quyết tâm tu tâm, dưỡng tính, làm người tốt, người có ích cho xã hội, thôn bản. Sau quá trình thay đổi bản thân, anh dần lấy lại niềm tin, được bà con yêu mến, tín nhiệm bầu đảm nhiệm tận 5 chức danh quan trọng của thôn, trong đó có chức danh thật đặc biệt với một người đàn ông: "Chi hội trưởng phụ nữ".

 - Bài 1: Cán bộ "5 trong 1"

Vừa là Đại biểu HĐND xã, cán bộ y tế - dân số, Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ vốn vay, rồi lại thêm cái chức Chi hội trưởng phụ nữ của anh Nót khiến tôi vừa thú vị, vừa phân vân: “Cả thôn thiếu gì chị em mà anh phải cáng đáng luôn cái chức “quản lý chị em” ấy?”.

Nghe vậy, anh Nót xua tay phân trần: “Cực chẳng đã anh ơi. Thời điểm đó, chị em cả thôn từ già đến trẻ “nửa chữ bẻ đôi” cũng không biết. Lúc đầu, vợ miềng học hết lớp 1 được tín nhiệm bầu làm chi hội trưởng nhưng vì mải nương rẫy, lấy chồng, sinh con nên cái chữ trong đầu nó cứ “rơi rớt” dần thì sao tuyên truyền được. Trình độ lớp 6 như miềng thời điểm đấy là “đỉnh” nhất thôn rồi đấy. Thấy bà con sinh nhiều quá, khổ quá nên miềng “ôm” luôn chức đó, rồi tranh thủ nghiên cứu tài liệu, công văn của huyện, xã cấp xuống để nói cho bà con hiểu về sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình. Là người đại biểu của Nhân dân, mỗi kỳ họp Hội đồng miềng còn kiến nghị các cấp ưu tiên dành nguồn vốn vay để bà con phát triển trồng trọt, chăn nuôi…”.

Anh Nót chuẩn bị nội dung cho kỳ họp HĐND xã.

 

“Đàn ông mà lại suốt ngày tuyên truyền việc sinh đẻ chắc anh gặp không ít khó khăn?” - Tôi hỏi thì anh Nót khẳng định: “Không phải khó mà là quá khó anh à. Nhưng qua một thời gian thì miềng rút ra kinh nghiệm là người làm công tác dân số phải có 3 đức tính: “Kiên trì, nhẫn nại - Tuyên truyền mọi lúc, mọi nơi - Dí dỏm, hài hước”, may sao miềng được “trời phú” cho phần nào 3 đức tính ấy”.

Theo anh Nót thì thời điểm đó không chỉ người dân mà cả cán bộ còn sinh nhiều con. Tuy nhiên việc tiếp cận cán bộ hay nam giới không có gì đáng ngại, nhưng tiếp cận, vận động chị em thì khó hơn “lên trời”. Mỗi khi anh gặp gỡ nói chuyện “vòng kinh”, “đặt vòng”, “bao cao su”, “thuốc tránh thai”… là ai cũng ngại, xấu hổ, cho rằng đây là chuyện thầm kín rồi bỏ đi, thậm chí còn buông những lời khó nghe, như: “Ta thích thì ta đẻ”, "Đồ vô duyên", “Thằng Nót rỗi hơi à”, “Không có việc chi làm à mà suốt ngày cấm người ta sinh đẻ...”.

Không nản chí, bỏ ngoài tai mọi lời bà con đàm tiếu, anh Nót áp dụng chiến thuật “mưa dầm thấm lâu”, tuyên truyền mọi lúc, mọi nơi, tận dụng các buổi họp HĐND xã, họp thôn hay đám cưới, liên hoan... anh lại tỉ tê, nói chuyện với bà con về chuyện sinh đẻ rồi đến từng nhà phát cho họ từng viên thuốc tránh thai.

“Thật ra miềng cũng lấy hoàn cảnh gia đình miềng và các gia đình ít con để phân tích cho bà con hiểu vì sao đông con thì đói nghèo cứ bám riết, vì sao cái khổ từ đời mình cứ nối sang đời con, đời cháu. Một số bà con thấy nhà nào 2-3 đứa thì đúng là cuộc sống có dư dả hơn, dần dần nhiều người nghe và làm theo. Thấy cuộc sống khá hơn, nhiều chị em lại đến tìm miềng hỏi cách làm sao mà vợ chồng vẫn “gần gũi” mà không “thêm người” - Anh Nót cười hài hước nhớ lại. 

Hội Y tế thôn bản tỉnh Quảng Trị tặng Giấy khen anh Hồ E Nót.
Thường trực HĐND xã ĐaKrông tặng Giấy khen anh Hồ Ê Nót.
Chủ tịch UBND huyện ĐaKrông tặng Giấy khen anh Hồ Ê Nót.
Anh Hồ Ê Nót còn tích cực tham gia phát triển các dự án du lịch cộng đồng ở địa phương.

 

Từ đó trở đi, ngôi nhà sàn anh Nót chẳng khác nào nhà sinh hoạt cộng đồng của thôn. Bà con vào ra nhà anh bàn tán rôm rả chuyện sinh đẻ phải có kế hoạch, ai cũng quen với hình ảnh “Ông hội đồng” với mái tóc hoa râm và nụ cười hóm hỉnh thường xuyên “la cà” hết làng trên, xóm dưới nói chuyện sinh đẻ. Theo anh Nót thì việc sinh đẻ là chuyện tế nhị nên để tác động đến suy nghĩ, hành động của bà con, mình phải tạo không khí thoải mái, gần gũi, nói chuyện hài hước, vui vẻ.

Rồi chuyện những em bé sinh ra ở bản Cu Pua luôn kính trọng anh Nót bởi chính anh là người khuyên cha mẹ chúng thường xuyên lên trạm xá để khám thai định kỳ, để sinh nở an toàn chứ không được tự ý đỡ đẻ ở nhà, đến cả giấy khai sinh của chúng cũng do chính tay anh Nót viết chứ cha mẹ chúng nào biết chữ. Quá trình trưởng thành, anh còn khuyên bảo, dạy dỗ chúng không đi vào vết xe đổ trong quá khứ của anh… 

Ngót nghét gần 10 năm làm Chi hội trưởng phụ nữ thôn đến năm 2007, anh Nót bàn giao lại cho người khác nhưng tủ thuốc nhà anh vẫn là địa chỉ quen thuộc với chị em hơn 15 năm nay.

Anh Nót (thứ 3 phải sang) trao đổi công việc với cán bộ thôn Vùng Kho.

 

Tôi hỏi: “Chắc anh được cấp trên hỗ trợ kinh phí để duy trì tủ thuốc trong ngần ấy năm?” thì anh Nót chỉ lên bốn vách nhà sàn nơi treo dễ đến gần trăm bằng khen, giấy khen các loại cười hiền: “Địa phương cũng khó khăn lắm, cứ được đồng nào khen thưởng là miềng mua thuốc bỏ hết vào tủ, nếu thiếu nữa miềng trích thêm tiền lương. Suy cho cùng, bà con có đồng thuận ủng hộ thì miềng mới hoàn thành nhiệm vụ, mới được khen thưởng”.

- "Mới chỉ “sơ sơ” chức danh “ông hội đồng” kiêm Chi hội trưởng phụ nữ mà đã ngốn gần hết quỹ thời gian, vậy thời gian đâu để anh giải quyết các việc còn lại?”

Anh Nót khẳng khái: “Ngày nào miềng cũng quay mòng mòng. Cả một núi công việc nếu không sắp xếp hợp lý, khoa học thì không xong được. Khi thì hồ sơ, tài liệu, công văn Đảng, chính quyền, HĐND; khi thì dẫn mấy chục hội viên phụ nữ đi tập huấn ở xã “oai” như một vị "tướng quân" ra trận, rồi ma chay, cưới hỏi việc gì cũng đến tay… Biết là vất vả nhưng miềng có một tâm niệm thế này: “Đã là người đại biểu đại diện cho quyền lợi của Nhân dân thì miềng cố thôi, không thì phụ sự tín nhiệm của bà con. Miềng miệng nói, tay làm nên bà con quý thôi. Họ quý rồi thì tuyên truyền, vận động gì họ cũng nghe theo, làm theo”.

Bài 3: Lo cho dân như lo việc nhà mình

Bài, ảnh: MẠNH HÙNG


Tác giả: Mạnh Hùng
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội