A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

"Ông hội đồng” Hồ Ê Nót - Cổ tích một tấm lòng (Bài 2)

Bài 2: Cán bộ "5 trong 1"

Từ quá khứ bất hảo, đầy rẫy tội lỗi với cha mẹ, vợ con, người thân và bà con thôn bản, anh Hồ Ê Nót dần thức tỉnh, nhận ra sai lầm của mình, quyết tâm tu tâm, dưỡng tính, làm người tốt, người có ích cho xã hội, thôn bản. Sau quá trình hoàn lương, anh dần lấy lại niềm tin, được bà con yêu mến, tín nhiệm bầu đảm nhiệm tận 5 chức danh của thôn. Để rồi từ đây, với tấm lòng, chức trách người cán bộ, nghĩa vụ người đại diện cho quyền lợi của Nhân dân và bằng những việc làm của mình, anh Hồ Ê Nót đã viết nên một câu chuyện cổ tích giữa đời thường.

- Bài 1: Con đường hoàn lương

 

"Ông hội đồng" kiêm Chi hội trưởng phụ nữ

Vừa là Đại biểu HĐND xã, cán bộ y tế - dân số, Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ vốn vay, rồi lại thêm cái chức Chi hội trưởng phụ nữ của anh Nót khiến tôi vừa thú vị, vừa phân vân: “Cả thôn thiếu gì chị em mà anh phải cáng đáng luôn cái chức “quản lý chị em” ấy?”.

Nghe vậy, anh Nót xua tay phân trần: “Cực chẳng đã anh ơi. Thời điểm đó, chị em cả thôn từ già đến trẻ “nửa chữ bẻ đôi” cũng không biết. Lúc đầu, vợ miềng học hết lớp 1 được tín nhiệm bầu làm chi hội trưởng nhưng vì mải nương rẫy, lấy chồng, sinh con nên cái chữ trong đầu nó cứ “rơi rớt” dần thì sao tuyên truyền được. Trình độ lớp 6 như miềng thời điểm đấy là “đỉnh” nhất thôn rồi đấy. Thấy bà con sinh nhiều quá, khổ quá nên miềng “ôm” luôn chức đó, rồi tranh thủ nghiên cứu tài liệu, công văn của huyện, xã cấp xuống để nói cho bà con hiểu về sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình. Là người đại biểu của Nhân dân, mỗi kỳ họp Hội đồng miềng còn kiến nghị các cấp ưu tiên dành nguồn vốn vay để bà con phát triển trồng trọt, chăn nuôi…”.

Anh Nót chuẩn bị nội dung cho kỳ họp HĐND xã.

 

“Đàn ông mà lại suốt ngày tuyên truyền việc sinh đẻ chắc anh gặp không ít khó khăn?” - Tôi hỏi thì anh Nót khẳng định: “Không phải khó mà là quá khó anh à. Nhưng qua một thời gian thì miềng rút ra kinh nghiệm là người làm công tác dân số phải có 3 đức tính: “Kiên trì, nhẫn nại - Tuyên truyền mọi lúc, mọi nơi - Dí dỏm, hài hước”, may sao miềng được “trời phú” cho phần nào 3 đức tính ấy”.

Theo anh Nót thì thời điểm đó không chỉ người dân mà cả cán bộ còn sinh nhiều con. Tuy nhiên việc tiếp cận cán bộ hay nam giới không có gì đáng ngại, nhưng tiếp cận, vận động chị em thì khó hơn “lên trời”. Mỗi khi anh gặp gỡ nói chuyện “vòng kinh”, “đặt vòng”, “bao cao su”, “thuốc tránh thai”… là ai cũng ngại, xấu hổ, cho rằng đây là chuyện thầm kín rồi bỏ đi, thậm chí còn buông những lời khó nghe, như: “Ta thích thì ta đẻ”, "Đồ vô duyên", “Thằng Nót rỗi hơi à”, “Không có việc chi làm à mà suốt ngày cấm người ta sinh đẻ...”.

Không nản chí, bỏ ngoài tai mọi lời bà con đàm tiếu, anh Nót áp dụng chiến thuật “mưa dầm thấm lâu”, tuyên truyền mọi lúc, mọi nơi, tận dụng các buổi họp HĐND xã, họp thôn hay đám cưới, liên hoan... anh lại tỉ tê, nói chuyện với bà con về chuyện sinh đẻ rồi đến từng nhà phát cho họ từng viên thuốc tránh thai.

“Thật ra miềng cũng lấy hoàn cảnh gia đình miềng và các gia đình ít con để phân tích cho bà con hiểu vì sao đông con thì đói nghèo cứ bám riết, vì sao cái khổ từ đời mình cứ nối sang đời con, đời cháu. Một số bà con thấy nhà nào 2-3 đứa thì đúng là cuộc sống có dư dả hơn, dần dần nhiều người nghe và làm theo. Thấy cuộc sống khá hơn, nhiều chị em lại đến tìm miềng hỏi cách làm sao mà vợ chồng vẫn “gần gũi” mà không “thêm người” - Anh Nót cười hài hước nhớ lại. 

Hội Y tế thôn bản tỉnh Quảng Trị tặng Giấy khen anh Hồ E Nót.
Thường trực HĐND xã ĐaKrông tặng Giấy khen anh Hồ Ê Nót.
Chủ tịch UBND huyện ĐaKrông tặng Giấy khen anh Hồ Ê Nót.
Anh Hồ Ê Nót còn tích cực tham gia phát triển các dự án du lịch cộng đồng ở địa phương.

 

Từ đó trở đi, ngôi nhà sàn anh Nót chẳng khác nào nhà sinh hoạt cộng đồng của thôn. Bà con vào ra nhà anh bàn tán rôm rả chuyện sinh đẻ phải có kế hoạch, ai cũng quen với hình ảnh “Ông hội đồng” với mái tóc hoa râm và nụ cười hóm hỉnh thường xuyên “la cà” hết làng trên, xóm dưới nói chuyện sinh đẻ. Theo anh Nót thì việc sinh đẻ là chuyện tế nhị nên để tác động đến suy nghĩ, hành động của bà con, mình phải tạo không khí thoải mái, gần gũi, nói chuyện hài hước, vui vẻ.

Rồi chuyện những em bé sinh ra ở bản Cu Pua luôn kính trọng anh Nót bởi chính anh là người khuyên cha mẹ chúng thường xuyên lên trạm xá để khám thai định kỳ, để sinh nở an toàn chứ không được tự ý đỡ đẻ ở nhà, đến cả giấy khai sinh của chúng cũng do chính tay anh Nót viết chứ cha mẹ chúng nào biết chữ. Quá trình trưởng thành, anh còn khuyên bảo, dạy dỗ chúng không đi vào vết xe đổ trong quá khứ của anh… 

Ngót nghét gần 10 năm làm Chi hội trưởng phụ nữ thôn đến năm 2007, anh Nót bàn giao lại cho người khác nhưng tủ thuốc nhà anh vẫn là địa chỉ quen thuộc với chị em hơn 15 năm nay.

Anh Nót (thứ 3 phải sang) trao đổi công việc với cán bộ thôn Vùng Kho.

 

Tôi hỏi: “Chắc anh được cấp trên hỗ trợ kinh phí để duy trì tủ thuốc trong ngần ấy năm?” thì anh Nót chỉ lên bốn vách nhà sàn nơi treo dễ đến gần trăm bằng khen, giấy khen các loại cười hiền: “Địa phương cũng khó khăn lắm, cứ được đồng nào khen thưởng là miềng mua thuốc bỏ hết vào tủ, nếu thiếu nữa miềng trích thêm tiền lương. Suy cho cùng, bà con có đồng thuận ủng hộ thì miềng mới hoàn thành nhiệm vụ, mới được khen thưởng”.

"Mới chỉ “sơ sơ” chức danh “ông hội đồng” kiêm Chi hội trưởng phụ nữ mà đã ngốn gần hết quỹ thời gian, vậy thời gian đâu để anh giải quyết các việc còn lại?”. Anh Nót khẳng khái: “Ngày nào miềng cũng quay mòng mòng. Cả một núi công việc nếu không sắp xếp hợp lý, khoa học thì không xong được. Khi thì hồ sơ, tài liệu, công văn Đảng, chính quyền, HĐND; khi thì dẫn mấy chục hội viên phụ nữ đi tập huấn ở xã “oai” như một vị "tướng quân" ra trận, rồi ma chay, cưới hỏi việc gì cũng đến tay… Biết là vất vả nhưng miềng có một tâm niệm thế này: “Đã là người đại biểu đại diện cho quyền lợi của Nhân dân thì miềng cố thôi, không thì phụ sự tín nhiệm của bà con. Miềng miệng nói, tay làm nên bà con quý thôi. Họ quý rồi thì tuyên truyền, vận động gì họ cũng nghe theo, làm theo”.

Thôn không uống rượu, bia

Có một điều thú vị và khó hiểu ở Vùng Kho là đi đến đâu tôi cũng thấy dòng chữ tiếng Vân Kiều và tiếng Việt: “VIL TƠ BỬN NGUÃIQ BLĂN BIA - THÔN KHÔNG UỐNG RƯỢU, BIA” được viết trang trọng ở nhà sinh hoạt cộng đồng và nhà người dân như để nhắc nhở mọi người chấp hành quy định của thôn.

Anh Nót chỉ vị trí và kể về lần uống rượu say bị tai nạn giao thông gãy 2 chân.

 

Anh Nót họp cán bộ thôn phát động phong trào "Thôn không uống rượu, bia".

 

Anh Nót đề nghị Ban Chỉ huy Quân sự huyện ĐaKrông phối hợp tuyên truyền tác hại rượu, bia và tai nạn giao thông.

 

Khó hiểu là bởi với người dân vùng cao thì bao đời nay rượu đã gắn liền với cuộc sống của họ, kể cả ở nhà hay những lúc đi rừng, làm nương rẫy nhưng nay ở đây lại tuyệt đối nói không với rượu, bia. Phải chăng chỉ là khẩu hiệu?

Chưa vội giải thích, anh Nót liền dẫn chúng tôi ra vị trí khúc cua Quốc lộ 9 ngay phía trước nhà, kéo ống quần quá đầu gối chỉ vào hai vết mổ để lại sẹo lồi ở hai chân như hai con lươn, đỏ ngầu, dài chừng 30cm rồi nói: “Cách đây 10 năm, tôi đi ăn đám cưới trên làng Cát về, có sử dụng rượu quá nhiều, khi về không làm chủ tốc độ, đến đây do cua gấp, bị tai nạn gãy hai chân, phải nằm viện điều trị ròng rã hơn 7 tháng trời”.

Nhưng theo anh Nót thì anh còn may mắn hơn nhiều người ở trong thôn bởi tai nạn giao thông đã làm cho không ít người dân tàn phế suốt đời, trở thành gánh nặng cho gia đình. Và còn đau xót hơn có những gia đình vĩnh viễn mất đi người thân như gia đình ông Hồ Văn Thu có con trai qua đời do say rượu lái xe…

Một buổi tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho người dân thôn Vùng Kho do Ban Chỉ huy Quân sự huyện ĐaKrông tổ chức.
Anh Nót trực tiếp lấy thương tích của mình do tai nạn giao thông sau khi uống rượu để tuyên truyền bà con.

 

Trăn trở trước vấn nạn của thôn, anh chưa biết phải làm sao bởi rượu với đồng bào mình như "người bạn chí cốt, không thể thiếu". Là Trưởng thôn anh chỉ biết lăn lộn "đi từng ngõ, gõ từng nhà, tuyên truyền từng người dân" về tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe và tham gia giao thông. Anh họp thôn rồi vận động đưa quy định không uống rượu, bia say; đã uống rượu bia thì không tham gia giao thông vào quy ước, hương ước của thôn; đám ma, đám cưới hay liên hoan chỉ dùng nước ngọt, trà, nước lọc...

Anh Nót hiểu rằng quy định là vậy thôi nhưng để bà con nghe thì còn gian nan lắm. Anh phân công cho cán bộ thôn đảm nhiệm từng tổ hộ dân; đến nhờ các già làng, người có uy tín với đồng bào tuyên truyền, giải thích cho bà con hiểu nhưng thời gian đầu các già làng, người có uy tín cũng không tin Ê Nót có thể làm được bởi cái lý uống rượu, bia, lái xe là việc riêng của từng người.

Bà con Vân Kiều đồng thuận nhất trí nói không với rượu, bia.

 

Anh Nót viết lên nhà sinh hoạt cộng đồng dòng chữ "Thôn không uống rượu, bia".

 

Làm theo lời anh Nót, người dân trong thôn cam kết nói không với rượu, bia.

 

Tất cả đám vui, đám buồn, liên hoan ở thôn Cu Pua, Vùng Kho người dân đều sử nước ngọt, trà, nước lọc thay rượu, bia.

 

Trẻ em trong thôn được giáo dục nói không với rượu, bia ngay từ nhỏ.

 

Không nản chí, anh Nót như con ong rừng cần mẫn "bay" khắp bản trên, làng dưới nói bằng cái tâm, cái lý, cái tình, bằng cả bài học suýt mất mạng nhớ đời của mình và cả những người đã ra đi mãi mãi vì tai nạn giao thông. Anh Nót còn lên nhờ Công an xã, huyện; Ban Chỉ huy Quân sự xã, huyện ĐaKrông cung cấp tài liệu, video, phim tài liệu về tác hại bia rượu, tai nạn giao thông về trình chiếu phục vụ bà con chỉ mong sao lay chuyển được tư tưởng vốn ăn sâu bám rễ bao đời nay trong ý thức của đồng bào.

Dần dần nhiều người tin Hồ Ê Nót! Khi anh Nót phát động phong trào "Thôn không uống rượu, bia", 100% bà con thôn Cu Pua đồng thuận, ai cũng tự nguyện viết cam kết không uống rượu, bia. Nếu ai uống rượu, bia sẽ bị kiểm điểm trước thôn và không được đưa vào diện xét gia đình văn hóa, gia đình nào đạt văn hóa sẽ bị tước danh hiệu...

 
Gia đình anh Hồ Ê Nót nhiều năm liền đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa".

 

Minh chứng lời mình nói, anh Nót mời tôi đến đám cưới con trai ông Hồ Văn Khòn. Một đám cưới như bao đám khác đều do anh làm chủ hôn. Quả thật, tuyệt nhiên trên tất cả các bàn tiệc đều không có rượu, bia, thuốc lá mà thay vào đó là nước lọc, cà phê, trà, chè xanh và nước ngọt nhưng không vì thế mà không khí ngày vui của đôi bạn trẻ giảm đi mà ngược lại tiếng cười nói rộn ràng cả một góc thôn, vang vọng giữa đại ngàn Trường Sơn.

Ông Khòn phấn khởi cho biết: “Trước đây ma chay, cưới hỏi là gánh nặng của các gia đình khi phải mổ trâu, bò, lợn, nấu mấy chum rượu, mua thuốc lá phục vụ cả thôn ăn uống lê thê mấy ngày nhưng từ khi chú Nót kêu gọi, vận động bà con bỏ bia rượu, thuốc lá, thực hiện nếp sống văn hóa mới thì chúng tôi như cởi bỏ được gánh nặng”.

Hơn 20 năm không uống rượu bia, hơn 20 năm không có tai nạn giao thông vì rượu bia, Cu Pua trước đây và Vùng Kho ngày nay trở thành thôn có một không hai như thế, người dân vui lắm. Không uống rượu bia, đàn ông dành thời gian lên nương rẫy canh tác cùng vợ con, đôi vai người phụ nữ Vân Kiều nhẹ gánh đi nhiều, vì họ luôn có người chồng đồng hành trong công cuộc đánh đuổi "giặc" đói nghèo.

Bài 3: Cổ tích một tấm lòng

Bài, ảnh: MẠNH HÙNG


Tác giả: Mạnh Hùng
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội