“Phía trước là Nhân dân”
Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn là nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình" của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Những năm gần đây, do biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết diễn biến hết sức phức tạp, cực đoan, bão, lũ, sạt lở đất diễn ra nhiều nơi, mức độ nguy hiểm ngày càng cao, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Điển hình như cơn Bão số 3 (Bão Yagi) đổ bộ vào nước ta trung tuần tháng 9 năm 2024, đã làm 344 người chết, mất tích, 1.976 người bị thương… Mặc dù đã chuẩn bị kỹ các phương án ứng phó, nhưng thiên tai xảy ra nhiều tình huống bất ngờ, khó đoán định và gây hậu quả thảm khốc, đòi hỏi lực lượng vũ trang phải “đối mặt”, giải quyết, khắc phục nhiều vấn đề cam go, phức tạp, tác động đến tâm lý, sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ và hậu phương gia đình. Vì vậy, việc xây dựng bản lĩnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong thực hiện nhiệm vụ “chiến đấu thời bình” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Bài 1: Thương bà con Làng Nủ như người thân của mình
Bên suối Vàng Kheo, thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) bao đời nay thanh bình. Vậy mà, sáng ngày 10/9/2024, sau một tiếng nổ lớn từ núi Con Voi, lũ quét, sạt lở đất đã vùi lấp 37 hộ dân với 158 nhân khẩu thôn Làng Nủ. Sau khi xảy ra thảm họa, ngay trong đêm, hơn 400 cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị: Trung đoàn 98 (Sư đoàn 316, Quân khu 2), Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai và Trường Trung cấp 24 Biên phòng đã tức tốc hành quân, vượt qua mọi địa hình hiểm trở, thời tiết bất lợi, phối hợp với các lực lượng không ngừng nghỉ ngày đêm nỗ lực tìm kiếm những người mất tích, giúp người dân khắc phục hậu quả. Trong cơn hoạn nạn, phẩm chất, bản lĩnh "Bộ đội Cụ Hồ" càng được phát huy, tỏa sáng, mặc dù trong đó có rất nhiều chiến sĩ trẻ vừa mới rời xa ghế nhà trường, xa vòng tay của bố mẹ, người thân, nhập ngũ vào Quân đội.
Tại khu vực tìm kiếm, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ dầm mình bới từng gốc cây, lật từng tảng đá, cố nhích từng bước chân giữa bùn sâu. Mỗi lúc đặt chân xuống bùn đất trộn lẫn đá nhỏ khiến bàn chân như bị từng lưỡi dao cứa vào, bỏng rát. Hay những khi lội qua khe suối, nước chảy xiết như muốn cuốn trôi tất cả.
Phát hiện có mùi lạ, nghi có người, các chiến sĩ nhanh chóng đứng thành vòng tròn quanh nơi được đánh dấu. Nhóm chiến sĩ trẻ cẩn thận, nhấc từng chiếc cọc bê tông đã vỡ, quá nửa chỉ còn trơ lại lõi thép. Rồi lần lượt những thanh gỗ, cây cối được di chuyển sang bên cạnh. Nạn nhân được tìm thấy là một cụ bà.

Đó là người đầu tiên mà Binh nhất Trần Minh Thảo (21 tuổi) và Hạ sĩ Đàm Văn Sơn (20 tuổi) trực tiếp nâng trên tay và đưa vào khu vực tập kết, nhận diện, an táng. Các chiến sĩ trẻ vừa làm vừa dặn nhau: “Nhẹ thôi nhé, đừng làm bà đau”. Đứng thẫn thờ một góc, tay ôm chặt cột, Minh Thảo dường như chưa hết bàng hoàng, phần vì sợ, phần nhiều vì thương.
Vừa tròn 20 tuổi, khi được hỏi có sợ không, Binh nhất Trần Minh Thảo, chàng chiến sĩ quê Phú Thọ quả quyết nói: “Tôi không còn tâm trí để sợ vì thấy rất thương người dân. Trong đầu chỉ có một suy nghĩ duy nhất là làm sao tìm thấy người dân càng sớm càng tốt”.

Hạ sĩ Đàm Văn Sơn, cũng vừa tròn 20 tuổi thì xung phong tiếp cận đầu tiên khi tìm thấy thi thể người dân bị đất đá vùi lấp. Trong các nhiệm vụ khác, Sơn luôn “dành phần” đi trước. Ngày hành quân vào làng, khi còn cách Làng Nủ khoảng 6 km, đường sạt lở nặng, tất cả cán bộ, chiến sĩ phải chuyển sang hành quân bộ. Dù mang ba lô cùng dụng cụ phục vụ tìm kiếm nhưng bước chân Sơn vẫn băng băng hàng đầu. Cả trung đoàn, quần áo ai cũng lấm lem bùn đất, nhưng “vì dân mà đến, mình chậm giây nào thì dân hoang mang giây đó, vào nhanh với dân là sự thôi thúc duy nhất khi đó”- Sơn nhớ lại.

“Điều khiến chúng tôi sợ là chẳng may bước mạnh quá, đạp phải người dân của mình bên dưới; sợ cả những ánh mắt đã đỏ hoe, sưng tấy vì khóc ròng nhưng vẫn đặt hy vọng vào mình của người dân. Nên chỉ biết dặn nhau, mỗi bước đi, mỗi viên đá mà mình nâng lên, hãy cố gắng thật nhẹ nhàng để tránh đau cho người dân. Vì trước đó, họ đã chịu rất nhiều đau đớn rồi” - Thảo và Sơn rưng rưng.
Cùng đơn vị với Thảo và Sơn, còn có Binh nhất Vương Văn Khải và Binh nhất Nguyễn Đức Quyến, đều vừa tròn 20 tuổi. Tuy lần đầu cùng nhau thực hiện nhiệm vụ nhưng cả hai lại phối hợp khá ăn ý. Khi phát hiện thi thể bé trai khoảng 7 tuổi đang nổi nơi gần lòng cống, cả hai đã xung phong cùng lên gầu máy cẩu để tiếp cận nạn nhân. Quyến cố rướn người để đỡ lấy nạn nhân nhưng mãi không với tay tới được. Lúc đó, Khải một tay cầm chặt gầu máy cẩu, một tay nắm chặt tay Quyền; đồng thời, vòng chân làm thành “đai bảo vệ” cho đồng đội rướn người nâng thi thể để cùng đồng đội đưa lên cáng.

Bế thi thể nhỏ bé trên tay, nghĩ về cậu bé chưa kịp tròn giấc đã bị lũ cuốn đi trong gang tấc, Quyến không kìm được lòng, đôi bàn tay rắn rỏi bỗng run lên. Thấy vậy, Khải khẽ đặt bàn tay của mình cùng Quyến đỡ thi thể và khẽ vỗ nhẹ như để động viên đồng đội. Sau khi được làm công tác khử khuẩn, cả hai lại cùng nhau lại tiếp tục làm nhiệm vụ. Dưới cái nắng gay gắt, bóng hai người sát cánh cùng đồng đội, mang theo chung một lý tưởng: “Cứu giúp người dân qua cơn hoạn nạn”.

Đang dồn sức tìm kiếm, tiếng kẻng, tiếng còi, tiếng loa cầm tay dồn dập vang lên cảnh báo có thể xảy ra lũ quét, sạt lở đất: “Tất cả chú ý, dừng tìm kiếm, nhanh chóng di chuyển lên khu vực an toàn. Tôi nhắc lại, dừng tìm kiếm, di chuyển lên đồi và kiểm tra quân số” - Trung tá Nguyễn Ngọc Ba, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 98 ra mệnh lệnh.
Sau 4 ngày trực tiếp chỉ huy bộ đội, tìm kiếm nạn nhân tại thôn Làng Nủ, Trung tá Trần Ngọc Ba liên tục di chuyển qua các khu vực, sốt ruột đứng ngồi không yên, tay luôn trực sẵn bộ đàm. Tuy giọng của anh đã khàn đặc, song vẫn cố gắng chia sẻ với chúng tôi: “Đơn vị chúng tôi đang giúp Nhân dân ở huyện Hạ Hòa, Phú Thọ chống ngập úng nhưng khi thôn Làng Nủ xảy ra sự cố, được lệnh của cấp trên, đơn vị nhanh chóng hành quân trong đêm để thực hiện nhiệm vụ”.

Nói chuyện với chúng tôi nhưng ánh mắt Trung tá Trần Ngọc Ba không ngừng quan sát, dõi theo từng động tác tìm kiếm của bộ đội. Trung tá Trần Ngọc Ba cho biết: “Chiến sĩ của đơn vị, là những thanh niên mới mười tám, đôi mươi, học xong cấp ba là vào quân ngũ. Ấy vậy mà khi tự tay xử lý, chôn cất 14 thi thể trong một buổi chiều, hay bắt gặp những thi thể biến dạng, phân hủy trong bùn đất, thậm chí chỉ còn một bộ phận, bản lĩnh "Bộ đội Cụ Hồ" ở các chiến sĩ trẻ đã phát huy rất tốt, thực hiện nhiệm vụ bằng lòng quyết tâm cao nhất. Các đồng chí ấy đã hiểu về màu áo mình đang mặc, về “mệnh lệnh từ trái tim” trong cuộc “đối đầu” đầy cam go với “giặc thiên tai” lần này”.
Từ ngày xảy ra trận lũ quét kinh hoàng, những người dân Làng Nủ sống sót rất sợ mưa. 23 giờ đêm 15/9/2024, một cơn mưa lớn bất chợt ập đến, kèm theo sấm sét vang trời. Toàn bộ lực lượng Quân đội đang thực hiện nhiệm vụ tại thôn Làng Nủ được huy động túc trực, sẵn sàng sơ tán, bảo vệ Nhân dân. Lúc này, một người đàn ông lớn tuổi, khuôn mặt đầy lo lắng, đi đến và đứng gần Đại úy Trần Văn Nam, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 98 (người trực tiếp quan sát và đánh kẻng báo động khi có lũ quét, sạt lở đất đá xảy ra).
Khi biết người đàn ông lo lắng sạt lở đất tiếp tục xảy ra, đứng bên bộ đội cho đỡ sợ, Đại úy Trần Văn Nam đã động viên ông về nghỉ ngơi, đã có bộ đội canh gác, thì ông mới yên tâm về nghỉ. “Thực sự rất thương người dân nơi này khi ký ức kinh hoàng vẫn chưa thôi ám ảnh họ, nhưng tôi cũng hiểu, họ đang tin tưởng Quân đội thế nào” - anh Nam tâm sự.

Mưa ngớt, bàn giao ca trực, Đại úy Trần Văn Nam vội cầm điện thoại, chạy lên khu đất cao để “bắt sóng” gọi về cho vợ con. Động viên vợ và thông báo là mình đã ăn no, không chút mệt mỏi nhưng thực tế suất cơm nguội lạnh anh vẫn chưa mở.
Sau cuộc điện thoại, Đại úy Nam vội quay đi, lén lau nước mắt. Có lẽ, nỗi nhớ về hậu phương vẫn luôn thường trực trong tim người lính. Anh Nam trải lòng: “Làm bộ đội là phải kiên cường, không được khóc, nhưng quả thực, tôi chẳng thể kìm lòng, thương vợ con, thương người dân, chẳng biết lấy gì bù đắp”.

Ở phía góc lán, chiến sĩ trẻ Nguyễn Đức Quyến trầm tư nhìn xa xăm. Ngày hành quân từ Phú Thọ lên thôn Làng Nủ thực hiện nhiệm vụ, xe chạy qua nhà Quyến ở thành phố Yên Bái. Nhìn từ xa, thấy nước dâng ngập gần hết tầng một nhà mình, Quyến lòng như lửa đốt vì nhà có mỗi mình mẹ. “Tôi rất lo nhưng khi tới đây, nhìn khung cảnh đau thương trước mặt, tôi gác nỗi lòng mình, khẩn trương thực hiện nhiệm vụ. Bởi tôi biết rằng, chắc chắn nơi quê nhà, cũng đã có những đồng chí, đồng đội khác đang cứu giúp gia đình mình” - Quyến tâm sự.
Kết nối điện thoại với mẹ của Quyến - chị Nguyễn Thị Loan, sau khi động viên con, chị nói với chúng tôi: “Trước khi Quyến nhập ngũ, tôi rất lo lắng, vì ở nhà cháu còn mải chơi, chưa suy nghĩ chín chắn. Khi thấy cháu cùng đồng đội giúp Nhân dân ở thôn Làng Nủ, tuy lo lắng nhưng tôi cũng rất tự hào vì con mình đã trở thành “Bộ đội Cụ Hồ”, thực sự trưởng thành, biết thương người dân như chính người thân của mình…”.

Chia sẻ của chị Loan cũng là câu chuyện của người dân Làng Nủ kể về “Bộ đội Cụ Hồ”, họ chia sẻ với chúng tôi với niềm cảm kích, xúc động khôn nguôi. Bà Hoàng Thị Pèn (65 tuổi), kể: “Trong mưa, thấy bóng dáng từng đoàn người nối nhau về. Trên đầu đội mũ cối có sao vàng, biết bộ đội về rồi, sống rồi… Bộ đội vất vả từ sáng dậy sớm đến tối muộn, nghỉ ngơi một lúc lại thay nhau gác để người dân được nghỉ ngơi. Dân làng chúng tôi không biết họ là ai, nhưng chúng tôi biết bộ đội vì ai mà đến. Vì muốn người dân vơi bớt đau thương, sẵn sàng làm những điều mà không ai dám làm, sẵn sàng đối mặt với nguy hiểm để bảo vệ người dân…”.

Điều bà Hoàng Thị Pèn kể, được chúng tôi chứng kiến trong suốt quá trình cán bộ, chiến sĩ nỗ lực tìm kiếm người dân thôn Làng Nủ đang mất tích. Họ là những người lính trẻ, thời gian vào quân ngũ chưa lâu, nhưng với phẩm chất, bản lĩnh "Bộ đội Cụ Hồ", với tinh thần “phía trước là Nhân dân”, đã không quản ngại gian khổ, hy sinh băng mình vào tâm lũ dữ, chạy đua với thời gian để bới trong từng lùm cây, đống đổ nát, hố bùn lầy, khe suối…, mong sớm tìm được người dân mất tích trở về với thôn Làng Nủ. Dù biết dưới bùn sâu là đầy rẫy mảnh thủy tinh, thanh sắt, miếng tôn, đinh nhọn… trời lúc mưa tầm tã, lúc nắng “cháy da, cháy thịt”, hiểm nguy luôn rình rập, có thể ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe nhưng tất cả không cản được bước chân của những người lính, họ trở thành điểm tựa vững chắc cho người dân trong cơn hoạn nạn.
.jpg)
Binh nhất Thào Mí Lình, Đại đội 5, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 98 trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã dẫm phải đinh rất sâu vào lòng bàn chân, máu tứa ra. Bác sĩ quân y phải trích rộng vết thương để khử trùng, tiêm phòng uốn ván và đưa về Bệnh viện Quân y 109 điều trị. Trước lúc chia tay đồng đội đi nhập viện, Lình đã không ngăn được nước mắt, Lình nói, em rất tiếc vì không được ở lại cùng đồng đội giúp bà con Làng Nủ tìm người thân.

Còn với Thượng úy QNCN Nguyễn Công Chức, huấn luyện viên Đội tìm kiếm cứu nạn, Khoa Giám biệt nguồn hơi, Trường Trung cấp 24 Biên phòng đã cùng chú chó nghiệp vụ tìm kiếm liên tục giữa đống bùn đất. Mỗi khi chú chó đánh hơi được vị trí nghi có nạn nhân, anh nhẹ nhàng dùng gậy kiểm tra và không ngại đưa lên mũi để xác định đúng vị trí có mùi bốc ra nhằm khoanh vùng chính xác, tạo thuận lợi cho đồng đội tìm kiếm nạn nhân nhanh hơn.
.jpg)
Sau những lần tiếp xúc với thi thể nạn nhân, các anh được đồng đội của mình xử lý, khử trùng cẩn thận. Thiếu tá Đào Xuân Trình, Phó Chủ nhiệm Ban Hậu cần - Kỹ thuật, Trung đoàn 98 cho biết: “Làm việc trong thời tiết thất thường, nhiều giờ ngâm mình dưới bùn, nước, môi trường ô nhiễm, độc hại, việc các cán bộ, chiến sĩ bị viêm da, nước ăn chân,... là điều khó tránh khỏi. Bên cạnh đó, công tác phòng, chống dịch, bệnh sau khi tiếp xúc thi thể là nhiệm vụ cần đặc biệt chú trọng”. Anh Trình vừa dứt lời, một chiến sĩ y tá bước vội để kịp đưa thuốc cho đồng đội bị say nắng. Đưa thuốc xong không quên dặn: “Nhớ ăn no rồi hẵng uống nhé, nếu thấy có dấu hiệu gì bất thường, đồng chí báo tôi ngay”.

Cũng như ở thôn Làng Nủ mà bất kỳ nơi đâu trên dải đất chữ S thân thương này, mỗi khi người dân gặp khó khăn, hoạn nạn, vẫn cứ thế sáng lên bản lĩnh, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, nghĩa tình quân dân, tình đồng chí, đồng đội càng thêm thắt chặt, với tinh thần “Phía trước là Nhân dân” đã tạo thành một “pháo đài” vững chắc giành chiến thắng trong thực hiện nhiệm vụ “chiến đấu" thời bình.
NHÓM PHÓNG VIÊN
Bài 2: “Phía trước là Nhân dân”
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận