“Phía trước là Nhân dân”
Bài 2: “Phía trước là Nhân dân”
“Phía trước là Nhân dân” là tinh thần chủ đạo, mục tiêu xuyên suốt trong thực hiện “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình” của Lực lượng vũ trang Quân khu 4. Việc xây đắp và tỏa sáng tinh thần “Phía trước là Nhân dân” gắn liền quá trình nhân lên bản lĩnh “Bộ đội Cụ Hồ” đảm bảo cho cán bộ, chiến sĩ Lực lượng vũ trang Quân khu luôn nhận và hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống.
* Bài 1: Thương bà con làng Nủ như người thân của mình
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 27/9/2024, ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) và hoàn lưu sau bão đã làm 344 người chết, mất tích (trong đó, 318 người chết, 26 người mất tích), 1.976 người bị thương... Ước tính thiệt hại khoảng 81.503 tỷ đồng. Đây là một trong những đợt thiên tai nghiêm trọng và khốc liệt chưa từng có trong rất nhiều năm qua ở khu vực Bắc Bộ; xảy ra gần như đồng thời các loại hình thiên tai đặc biệt nguy hiểm như bão rất mạnh, lũ lớn, đặc biệt lớn; ngập lụt và lũ quét, sạt lở đất xảy ra trên diện rộng...
.jpg)
Ngay sau khi bão số 3 gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, Quân khu 4 đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị cập nhật hình ảnh, video clip Quân đội phối hợp khắc phục hậu quả thiên tai để chia sẻ qua nhóm zalo, chiếu cho bộ đội, dân quân tự vệ, dự bị động viên xem. Những hình ảnh xúc động, hành động dũng cảm, hết lòng vì Nhân dân, tô thắm phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, nhất là việc tìm kiếm người mất tích ở thôn Làng Nủ, xã Phúc khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đã nhanh chóng đến với cán bộ, chiến sĩ Lực lượng vũ trang Quân khu 4, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, khơi dậy tinh thần “Phía trước là Nhân dân” trong cán bộ, chiến sĩ.
Vừa xem xong những hình ảnh của Lực lượng vũ trang Quân khu 2 tham gia tìm kiếm cứu nạn tại thôn Làng Nủ, Binh nhất Nguyễn Viết Việt, Chiến sĩ Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 19, Sư đoàn 968, Quân khu 4 không dấu được xúc động nói: “Nhìn những hình ảnh các chiến sĩ trẻ tìm kiếm các nạn nhân tại thôn Làng Nủ tôi xúc động quá. Các đồng chí ấy đã bất chấp hiểm nguy, gian khó, chạy đua với thời gian bới từng lùm cây, bãi cỏ, hố bùn lầy, khe suối để tìm kiếm các nạn nhân... Những hình ảnh ấy khắc sâu trong tâm trí tôi, nhắc nhở tôi về trách nhiệm với Nhân dân. Tôi sẽ tích cực rèn luyện, nêu cao quyết tâm, chủ động chuẩn bị tốt về mọi mặt sẵn sàng lên đường thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn khi có lệnh”.


Cùng chung quyết tâm với Binh nhất Nguyễn Viết Việt, Binh nhất Trần Anh Dũng, Chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 42, Trung đoàn 996, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình cho rằng: “Xem những hình ảnh, video clip bộ đội, dân quân tự vệ tham gia tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả bão số 3 mới thấy hết được sự hi sinh của các anh. Có hôm chỉ ăn vội gói mỳ tôm nhưng các cán bộ, chiến sĩ vẫn kiên trì bám trụ, ngâm mình trong bùn đất, nước lũ cả ngày, đêm để tìm kiếm cứu nạn, giúp Nhân dân khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống. Những hình ảnh, video clip này đã tiếp thêm động lực để chúng tôi quyết tâm hơn trong thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Ngay trong cơn bão số 4 vừa qua, tinh thần đó đã được mọi cán bộ, chiến sĩ thể hiện rất rõ”.
.jpg)
Những ngày đầu tháng 10/2024, các huyện miền núi phía Tây Nghệ An liên tục có mưa to gây sạt lở, nước dâng cao, chia cắt nhiều khu vực. Tại huyện Tương Dương, mưa lũ đã làm sạt lở núi tại bản Pủng, xã Lưu Kiền đe dọa đến tính mạng, tài sản của hàng chục hộ dân. Mặc dù trời mưa to, đường sá bị chia cắt, nhiều gia đình đang nằm trong vùng ngập lụt, song hàng chục cán bộ, chiến sĩ bộ đội thường trực, dân quân tự vệ đã kịp thời có mặt giúp các gia đình di dời khẩn cấp đến nơi an toàn. Vừa vận chuyển tài sản của người dân lên xe, anh Lương Văn Điển, Chiến sĩ Dân quân cơ động xã Lưu Kiền bộc bạch: “Ngay sau khi bão số 3 gây thiệt hại về người, tài sản ở các tỉnh phía Bắc, Ban Chỉ huy Quân sự xã liên tục cập nhật những hình ảnh, video clip của bộ đội, dân quân tự vệ tham gia tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai ở các tỉnh phía Bắc đưa lên nhóm zalo của Lực lượng vũ trang xã để cán bộ, chiến sĩ xem. Là người sống trong vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, xem những hình ảnh đó, chúng tôi càng hiểu rõ hơn tinh thần "Phía trước là Nhân dân" và trách nhiệm của lực lượng vũ trang trong thực hiện nhiệm vụ "chiến đấu trong thời bình". Vì vậy, khi nhận được lệnh giúp các hộ dân bản Pủng di dời khẩn cấp ra khỏi khu vực sạt lở chúng tôi có mặt thực hiện nhiệm vụ ngay để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân...”.


Tìm hiểu ở các đơn vị, địa phương trên địa bàn Quân khu 4 chúng tôi được biết, việc chia sẻ, chiếu cho cán bộ, chiến sĩ xem các video clip của bộ đội, dân quân tự vệ giúp Nhân dân phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ về trách nhiệm, nghĩa vụ của mình, không bị động, bất ngờ trước mọi tình huống. Đây là nội dung được các đơn vị trong Lực lượng vũ trang Quân khu 4 thực hiện thường xuyên, liên tục từ nhiều năm nay, nhất là khi có thiên tai xảy ra, các đơn vị cập nhật hình ảnh, video clip mới để chia sẻ, chiếu cho bộ đội, dân quân tự vệ xem. Hay trước mùa mưa bão, mùa nắng nóng, thời điểm xảy ra dịch bệnh... các video clip được biên tập lại phù hợp với từng thời điểm để tuyên truyền, giáo dục bộ đội, dân quân tự vệ.
Đại tá Nguyễn Thanh Hùng, Chính ủy Sư đoàn 968, Quân khu 4 cho biết: “Việc giáo dục bộ đội thông qua những hình ảnh, video clip được chúng tôi thực hiện nhiều năm nay. Thông qua những thước phim này góp phần giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, giúp cán bộ, chiến sĩ hiểu sâu sắc hơn về chức năng, nhiệm vụ của Quân đội và rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Qua đó, rèn luyện bản lĩnh, xây dựng quyết tâm cho bộ đội nên khi thực hiện nhiệm vụ anh em đều hoàn thành rất tốt. Đơn cử như sau bão số 3 ở miền Bắc, khi bão số 4 đổ bộ vào các tỉnh trên địa bàn Quân khu, 100% cán bộ, chiến sĩ đã xác định rõ nhiệu vụ, nêu cao quyết tâm, chuẩn bị tốt hơn về tâm thế cũng như vật chất, trang bị sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ...”.
Còn theo anh Nguyễn Duy, Chiến sĩ Dân quân cơ động xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế thì việc cung cấp những hình ảnh, video clip về việc làm của bộ đội, dân quân tự vệ trong giúp Nhân dân phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn có ý nghĩa rất quan trọng. Đây không chỉ là nguồn thông tin chính thống giúp cán bộ, chiến sĩ, tránh sự lợi dụng của các đối tượng xấu đưa thông tin thất thiệt gây hoang mang dự luận, mà còn tuyên truyền, giáo dục cho bộ đội, dân quân tự vệ, dự bị động viên hình thành tâm thế sẵn sàng, vững vàng thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện thiên tai, dịch bệnh, cháy rừng... ngày càng phức tạp, nguy hiểm khó lường.
(1).jpg)
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ tinh thần “Phía trước là Nhân dân” và xây dựng bản lĩnh “Bộ đội Cụ Hồ”, ngoài việc tổ chức xem các video clip về bộ đội giúp Nhân dân phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, chữa cháy rừng, phòng chống dịch bệnh..., các đơn vị còn xây dựng nội dung, lồng ghép với các chuyên đề giáo dục chính trị, đưa những hình ảnh, video clip lực lượng vũ trang tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, cháy rừng, dịch bệnh,... vào bài gảng để cán bộ, chiến sĩ hiểu, liên hệ, vận dụng sát thực tế hơn.
Trong chuyến công tác tại Trung đoàn 3 (Sư đoàn 324, Quân khu 4) mới đây, tôi rất ấn tượng khi được chứng kiến buổi giáo dục chính trị cho hạ sĩ quan, chiến sĩ của Đại đội 9, Tiểu đoàn 9 bài "Giữ vững và tăng cường đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, đoàn kết quốc tế của Quân đội nhân dân Việt Nam". Trong nội dung bài giảng của mình, đồng chí Chính trị viên Đại đội đã lồng ghép những hình ảnh xúc động của lực lượng vũ trang giúp Nhân dân khắc phục hậu quả thảm họa bão Linda năm 1997 ở các tỉnh Nam Bộ và lũ lụt năm 1999 tại Thừa Thiên Huế. Thông qua những nội dung đó, đồng chí Chính trị viên Đại đội làm rõ tinh thần “Phía trước là Nhân dân”, nhân lên bản lĩnh “Bộ đội Cụ Hồ” cho các chiến sĩ trẻ.
Cùng với công tác giáo dục chính trị, các cơ quan, đơn vị trong Lực lượng vũ trang Quân khu 4 đã xây dựng các tình huống giả định trong các phương án phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn... để đưa bộ đội vào sát thực tế, nhất là việc tìm kiếm người bị nạn trong điều kiện khó khăn, nguy hiểm. Qua đó, rèn luyện cho cán bộ, chiến sĩ bản lĩnh, tính linh hoạt trong xử trí các tình huống, nhất là trong sạt lở, ngập lụt...
(1).jpg)
Thượng tá Lô Thanh Như, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) chia sẻ: “Kỳ Sơn là huyện miền núi, nơi có địa hình phức tạp, thường xuyên xảy ra lũ lụt, sạt lở... Nhằm bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ những kỹ năng trong ứng phó với các tình huống có thể xảy ra, ngoài việc tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ, chúng tôi thường xuyên xây dựng các tình huống giả định để cán bộ, chiến sĩ xử trí. Qua đó, khi có tình huống thực tế thì việc ứng phó được triển khai kịp thời, hiệu quả, không bị lúng túng, giảm thiểu được thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và Nhân dân, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho lực lượng tham gia cứu hộ”.
Cũng theo Thượng tá Lô Thanh Như chính nhờ xử lý tốt các tình huống giả định nên những năm qua, cán bộ, chiến sĩ đã tham gia ứng cứu kịp thời, hiệu quả nhiều trận lũ quét, sạt lở đất... Trong trận lũ quét xảy ra hồi tháng 10 năm 2022 trên địa bàn xã Tà Cạ và thị trấn Mường Xén, mặc dù trong điều kiện nước lũ dâng cao, chảy xiết, tình huống xảy ra hết sức phức tạp nhưng cán bộ, chiến sĩ bộ đội thường trực và dân quân tự vệ đã chủ động xử trí tốt các tình huống. Đặc biệt, sau khi lũ quét xảy ra, liên tục nhiều ngày cán bộ, chiến sĩ phải thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện hết sức khó khăn, gian khổ, như giao thông bị chia cắt, lương thực, thực phẩm, nước uống thiếu thốn, điều kiện sinh hoạt hết sức khó khăn nhưng cán bộ, chiến sĩ đã chủ động khắc phục để ứng cứu Nhân dân, bảo đảm an toàn.

Có thể khẳng định, với việc giáo dục bằng hình ảnh trực quan giúp cán bộ, chiến sĩ thêm yên tâm thực hiện nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình”, nhất là những chiến sĩ ở trong vùng bị thiên tai luôn nhận thức được ở hậu phương các đồng đội cũng đang giúp gia đình mình khắc phục hậu quả. Qua đó đã góp phần xây đắp và tỏa sáng tinh thần “Phía trước là Nhân dân”, nhân lên bản lĩnh “Bộ đội Cụ Hồ”, chính vì vậy, khi thiên tai xảy ra cán bộ, chiến sĩ Lực lượng vũ trang Quân khu 4 không hề chùn bước trước những hiểm nguy. Điều đó đã được chứng minh trong các đợt thiên tai xảy ra trên địa bàn Quân khu những năm qua.
Tháng 10/2020, bão chồng bão, lũ chồng lũ, các địa phương trên địa bàn Quân khu 4 liên tục xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất... Tại Thủy điện Rào Trăng 3 (xã Xuân Phong, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế), mưa lũ đã làm sạt lở núi khiến 17 công nhân mất tích. Nhận được thông tin, Lực lượng vũ trang Quân khu 4 đã triển khai nhiều phương án tìm kiếm cứu nạn. Dẫu biết rằng, đường vào Thủy điện Rào Trăng 3 hết sức hiểm nguy, song với tinh thần “Phía trước là Nhân dân”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu dẫn đầu đoàn công tác vượt qua muôn trùng khó khăn, trong đêm tối, những trận mưa rừng xối xả làm cho đường đi lại càng thêm hiểm nguy... Thế nhưng, các anh luôn tâm niệm rằng, Nhân dân đang ở phía trước, chúng ta hãy đi nhanh còn kịp cứu sống người dân gặp nạn... Đường hành quân gian nan vất vả, và trong cơn phẫn nỗ của đất trời, các anh đã anh dũng hi sinh trên đường thực hiện nhiệm vụ. Sự hi sinh của các anh càng làm tỏa sáng thêm tinh thần “Phía trước là Nhân dân”, nhân lên bản lĩnh “Bộ đội Cụ Hồ”. Học tập, noi gương các anh, cán bộ, chiến sĩ Lực lượng vũ trang Quân khu 4 càng thêm quyết tâm trong giúp đỡ, bảo vệ Nhân dân trong thiên tai, thảm họa. Dẫu phải đối mặt với khó khăn, gian khổ, hiểm nguy nhưng khi tính mạng, tài sản của người dân bị đe dọa, cán bộ, chiến sĩ Lực lượng vũ trang Quân khu 4 bất chấp mọi hiểm nguy ứng cứu kịp thời trong mọi tình huống. Nhiều đồng chí nhà bị tốc mái, ngập sâu trong nước lũ, cây cối gãy đổ... chưa kịp khắc phục nhưng vẫn “gác việc nhà” tham gia tìm kiếm, ứng cứu Nhân dân. Những việc làm của các anh đã được cấp ủy, chính quyền và Nhân dân hết lòng khen ngợi, tô thắm thêm truyền thống, bản lĩnh “Bộ đội Cụ Hồ”.
.jpg)
Quân khu 4 là rốn của thiên tai, cả 6 tỉnh trên địa bàn Quân khu thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các trận bão, lũ ống, lũ quét, ngập lụt, lốc xoáy, sạt lở... Song, trong bất kỳ “cuộc chiến” nào, Lực lượng vũ trang Quân khu luôn kịp thời có mặt, là lực lượng nòng cốt, chủ công trong giúp Nhân dân phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa. Tính riêng từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn Quân khu đã xảy ra hơn 1.220 vụ liên quan đến công tác cứu hộ, cứu nạn, trong đó hơn 220 trận bão, lụt, giông, lốc, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, đá... Quân khu đã huy động hơn 295.000 lượt cán bộ, chiến sĩ và hơn 5.000 phương tiện tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, thảm họa và tìm kiếm cứu nạn. Hàng chục cán bộ, chiến sĩ bị thương, hi sinh khi làm nhiệm vụ. Những việc làm của cán bộ, chiến sĩ làm tỏa sáng tinh thần “Phía trước là Nhân dân” và nhân lên bản lĩnh “Bộ đội Cụ Hồ”, được cấp ủy, chính quyền và Nhân dân ghi nhận và đánh giá cao.
NHÓM PHÓNG VIÊN
Bài 3: Nền móng bản lĩnh “Bộ đội Cụ Hồ”
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận