A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

"Phía trước là Nhân dân"

Bài 3: Nền móng bản lĩnh “Bộ đội Cụ Hồ”

Lực lượng chủ công trong thực hiện các nhiệm vụ nói chung và nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình” nói riêng của Quân đội phần lớn là các chiến sĩ trẻ. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, luôn có đội ngũ cán bộ nêu gương, đi trước làm “điểm tựa”. Tuy vậy, yếu tố quyết định để chiến thắng “kẻ thù” trong “cuộc chiến thời bình” nhiều cam go, ác liệt vẫn là bản lĩnh của từng chiến sĩ trẻ. Do đó, việc xây dựng “nền móng” để bồi đắp bản lĩnh “Bộ đội Cụ Hồ” là hết sức cần thiết.

* Bài 1: Thương bà con làng Nủ như người thân của mình

* Bài 2: “Phía trước là Nhân dân”

Phẩm chất, bản lĩnh Bộ đội Cụ Hồ là kết tinh những giá trị, chuẩn mực nhân cách người quân nhân cách mạng, được xây đắp từ truyền thống văn hóa dân tộc, quá trình giáo dục, rèn luyện của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ sự tin tưởng, giúp đỡ của Nhân dân và từ những cống hiến, hy sinh của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ… được lưu giữ, kế thừa và phát triển qua thực tiễn chiến đấu và trưởng thành của Quân đội ta.

Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nỗ lực cứu tài sản của người dân trong mưa lũ.
                                                                                                                Ảnh: C.T.V

 

Quá trình chiến sĩ nhập ngũ vào Quân đội là quá trình bồi đắp bản lĩnh, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Qua thực tiễn huấn luyện, học tập, công tác trong môi trường quân ngũ, rèn luyện cho các chiến sĩ trẻ phẩm chất, bản lĩnh, “ý chí thép”, không nao núng, chùn bước trước gian khổ, khó khăn, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Tuy nhiên, “kẻ thù” mà cán bộ, chiến sĩ Quân đội phải đối mặt trong cuộc “chiến đấu thời bình” rất đa dạng, cực kỳ nguy hiểm, lúc hữu hình, lúc vô hình, diễn ra trên phạm vi rộng, diễn biến phức tạp, khó lường, khó đoán định, luôn rình rập, “tiến công” bất ngờ, như: Dịch bệnh, thiên tai, cháy rừng, ô nhiễm môi trường… Điển hình như những đợt bão chồng bão, lũ chồng lũ diễn ra ở các tỉnh miền Trung vào những năm 1999, 2016, 2020; hay sự khốc liệt mà cơn Bão số 3 đổ bộ vào trung tuần tháng 9 năm 2024, gây ra thiệt hại rất lớn về người và tài sản của người dân một số tỉnh thành phía Bắc; hoặc đại dịch Covid - 19 gây thiệt hại nặng nề trên các lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội và tính mạng người dân… Mỗi lúc “kẻ thù” xuất hiện, tàn phá, đe dọa tính mạng, tài sản người dân, cán bộ, chiến sĩ Quân đội luôn là lực lượng nòng cốt, có mặt sớm nhất, đông nhất ở nơi tuyến đầu những nơi nguy hiểm nhất, như một “lá chắn thép”, “vành đai” vững chắc nhất để bảo vệ Nhân dân.

Thực tế, nhiều người vẫn nghĩ vào Quân đội là huấn luyện để đánh giặc, khi có tình huống chiến tranh xảy ra thì mới có thử thách thực sự và nhiều gian khổ, hy sinh nhất. Điều đó đúng nhưng chưa đủ, vì chức năng của Quân đội là đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất. Nghĩa là cùng với việc luyện quân chuẩn bị kỹ lưỡng, sẵn sàng đánh thắng kẻ thù khi có chiến tranh xảy ra, thì trong thời bình, cũng liên tục xuất hiện những “kẻ thù” hữu hình có, vô hình có, cũng rất cam go, nguy hiểm, ác liệt. Thực tiễn cho thấy, trong những năm gần đây, tình hình thiên tai diễn biến ngày càng bất thường, khiến “cuộc chiến” này diễn ra ngày càng gian khổ, hy sinh. Hằng năm, mặc dù đã chuẩn bị kỹ các phương án nhưng trong cuộc “chiến đấu” ác liệt này đã có nhiều cán bộ, chiến sĩ anh dũng ngã xuống vì hạnh phúc, bình yên của Nhân dân.

Lực lượng vũ trang Quân khu 4 đưa người dân ra khỏi vùng ngập lụt đến nơi an toàn.

 

Chúng ta không thể nào quên, hình ảnh 33 cán bộ, chiến sĩ Quân khu 4 hy sinh vào tháng 10 năm 2020 khi thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3 (ở xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) và tại Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 (ở xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị). Hay gần đây nhất, trong cơn cuồng phong của Bão số 3 (Bão Yagi), Đại úy Nguyễn Đình Khiêm, Đại đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 513, Quân khu 3 và Thiếu tá QNCN Tăng Bá Hưng, Nhân viên lái xe Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 653, Quân khu 3 đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả mưa bão gây ra… Hay hình ảnh hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ xuyên ngày, trắng đêm dầm mình trong mưa lũ, không quản ngại hiểm nguy, gian khổ, hy sinh để bảo vệ tính mạng, tài sản, tìm kiếm cứu nan, khắc phục hậu quả cho Nhân dân, đã làm lay động lòng người và càng tỏa sáng lung linh phẩm chất, bản lĩnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong cuộc “chiến đấu thời bình”.

Giữa tâm lũ luôn tỏa sáng hình ảnh "Bộ đội Cụ Hồ".
                                                                                                            Ảnh: C.T.V

Tuy vậy, cuộc chiến cam go, khốc liệt với “kẻ thù” trong thời bình, Quân đội luôn là lực lượng đông nhất, trong đó phần lớn là những chiến sĩ trẻ, có nhiều chiến sĩ mới nhập ngũ vào đơn vị chưa đến 1 năm, nên thời gian bồi đắp, tôi luyện bản lĩnh “Bộ đội Cụ Hồ” chưa được nhiều. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Đại tá Nguyễn Văn An, Chính ủy Sư đoàn 324 cho biết: “Là đơn vị chủ lực đủ quân của Quân khu 4, cùng với việc huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, hằng năm, đơn vị cơ động lực lượng giúp Nhân dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Trong đó, lực lượng phần lớn là các chiến sĩ trẻ mới nhập ngũ vào đơn vị. Thực tế đó đặt ra việc phối hợp với cấp ủy, chính quyền, ban, ngành đoàn thể địa phương, các cấp, các ngành và Nhân dân trong việc xây dựng “nền móng”, bản lĩnh “Bộ đội Cụ Hồ”, trước khi thanh niên nhập ngũ vào Quân đội là hết sức cần thiết và phải tiến hành thường xuyên, liên tục…”.

Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh Nghệ An vận chuyển lương thực tiếp tế cho người dân xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn bị cô lập bởi mưa lũ, tháng 10 năm 2022. 

 

Từ thực tế đặt ra, chúng tôi đã thực hiện tìm hiểu tại các trường học phổ thông trung học (PTTH), trường cao đẳng, đại học trên địa bàn các tỉnh Quân khu 4 đóng quân, các nhà quản lý giáo dục và giáo viên đều thống nhất nhận định việc lồng ghép các nội dung, hình ảnh, những tấm gương bộ đội dũng cảm thực hiện nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình” vào các môn học giáo dục công dân, quốc phòng, an ninh là rất cần thiết.

Thầy giáo Nguyễn Văn Lộc, Hiệu trưởng Trường PTTH Nguyễn Chí Thanh, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế nói: “Việc lồng ghép các nội dung, hình ảnh bộ đội giúp Nhân dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh vào các môn học rất bổ ích cho học sinh. Bởi vì qua đó, học sinh không chỉ hiểu biết thêm lịch sử, thêm niềm tự hào về dân tộc, về Quân đội anh hùng, bồi dưỡng lòng yêu nước mà các em có thêm những dự định cho sự hướng nghiệp của mình trong tương lai. Đặc biệt, những hình ảnh của bộ đội quên mình, sẵn sàng hy sinh vì Nhân dân sẽ là tấm gương sáng để các em soi vào mà tự ý thức rèn luyện, học tập phẩm chất, ý chí, tác phong của người lính…”.

Lực lượng vũ trang thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An di chuyển tài sản của người dân ra khỏi vùng bị ngập úng.

 

Qua trao đổi với giáo viên các trường học trên địa bàn, họ cho biết, hằng năm, mỗi lúc xảy ra thiên tai, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” giúp Nhân dân được giáo viên, học sinh, sinh viên thường xuyên chứng kiến. Tuy nhiên, từ những hình ảnh, tấm gương của bộ đội để đúc rút ra nội dung giáo dục, bài học, định hướng cho học sinh một cách bài bản, khoa học vào trong các tiết học, môn học thì thực tế chưa nhiều.

Cô giáo Nguyễn Thị Phương Thảo, Giáo viên Trường PTTH Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị cho biết: “Trên địa bàn mỗi khi xảy ra thiên tai, cán bộ, chiến sĩ Quân đội lại phải dầm mình trong mưa lũ, bùn đất, nhiều khi thấy rất nguy hiểm nhưng các anh không chút nao núng, chùn bước, luôn có mặt kịp thời, kề vai sát cánh, làm điểm tựa cho Nhân dân trong cơn hoạn nạn. Chúng tôi rất khâm phục, cảm kích trước những việc làm của bộ đội. Những hình ảnh đó thật đẹp và có ý nghĩa giáo dục học sinh sâu sắc nhưng hiện nay trong chương trình giảng dạy về nội dung này còn rất ít. Tôi nghĩ các cơ quan chức năng cần phối hợp nghiên cứu để sớm đưa những nội dung này vào chương trình giảng dạy cho học sinh, sinh viên là rất bổ ích...”.

Cán bộ Quân đội hướng nghiệp cho học sinh phổ thông trung học.
                                                                                                      Ảnh: C.T.V

 

Còn em Phan Quang Minh, học sinh lớp 11A3, Trường PTTH Hà Huy Tập, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An kể: “Năm 2019, lúc đó, em đang học lớp 6, mưa lớn kéo dài khiến nhiều điểm ở thành phố ngập sâu trong nước. Tan trường, chúng em được các chú bộ đội đến để đưa về nhà an toàn. Đến giờ em vẫn còn ấn tượng mãi nên thường xuyên theo dõi trên mạng xã hội, ti vi về hình ảnh bộ đội giúp Nhân dân để đến lớp kể cho các bạn nghe. Tốt nghiệp PTTH em sẽ thi vào trường Quân đội để thực hiện ước mơ khoác lên mình màu xanh áo lính…”.

Cùng với việc lồng ghép vào chương trình giáo dục cho học sinh, sinh viên thì hình ảnh bộ đội trong “cuộc chiến thời bình” cần được quan tâm tuyên truyền thường xuyên, lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp trong toàn xã hội. Đặc biệt là những gia đình có con em trong độ tuổi nhập ngũ để họ hiểu hơn về nhiệm vụ của Quân đội trong thời bình. Từ đó, giáo dục, định hướng cho con em mình hình thành tâm thế, xây dựng kỹ năng sống phù hợp trước lúc nhập ngũ vào Quân đội thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc.

Cán bộ Quân đội hướng nghiệp cho học sinh phổ thông trung học.
                                                                                                      Ảnh: C.T.V

Để lan tỏa, tuyên truyền hiệu quả về nhiệm vụ “chiến đấu thời bình” của Quân đội phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của nhiều cấp, nhiều ngành, trong đó phát huy vai trò của quân nhân xuất ngũ, lực lượng dân quân tự vệ, là một trong những giải pháp thiết thực. Đối với quân nhân xuất ngũ, trong thời gian tại ngũ, phần lớn đã từng tham gia vào "cuộc chiến" phòng, chống thiên tai nên đã thể hiện rất rõ phẩm chất, bản lĩnh “Bộ đội Cụ Hồ” và họ hiểu rõ nhất những cam go, ác liệt trong thực hiện nhiệm vụ “chiến đấu thời bình”. Mặt khác, quân nhân xuất ngũ phần lớn trong độ tuổi thanh niên, họ hiểu về tâm lý, sở thích của tuổi trẻ. Do đó, dễ chia sẻ những kinh nghiệm, hiểu biết của mình với học sinh, sinh viên chưa từng trải qua môi trường quân ngũ. Cùng với đó, sự chững chạc, trưởng thành của quân nhân xuất ngũ sau khi rời môi trường Quân đội, đối với học sinh, sinh viên như một “tấm gương phản chiếu” để học tập, rèn luyện theo.

Anh Trịnh Đình Thành, ở thị trấn Quán Lào, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa nói: “Rời quân ngũ, chúng tôi lập nhóm Zalo thường xuyên liên lạc với nhau và cũng tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương. Có dịp chúng tôi thường kể cho các em trong độ tuổi nhập ngũ về những kinh nghiệm, cuộc sống, rèn luyện trong môi trường quân ngũ…”.

Huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh giao lưu, gặp mặt thành niên trước lúc lên đường nhập ngũ.

 

Là những người được giáo dục, rèn luyện môi trường Quân đội, thông qua các buổi sinh hoạt Đoàn, giao lưu văn nghệ, thể thao, các quân nhân vừa xuất ngũ về địa phương tuyên truyền cho các thanh niên về cuộc sống, sinh hoạt của người lính, công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; về tình đồng chí, đồng đội, sự quan tâm giúp đỡ của cán bộ với chiến sĩ; những câu chuyện xúc động thắm đượm tình quân dân trong các lần làm công tác dân vận, giúp Nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai... Cùng với đó là sự chững chạc, tự tin và trưởng thành hơn sau hai năm thực hiện nghĩa vụ quân sự đã tạo niềm tin cho các thanh niên hăng hái đi khám tuyển nghĩa vụ quân sự, công an.

Tiễn thanh niên lên đường nhập ngũ.
                                                                                                          Ảnh: C.T.V

 

Đồng chí Trần Ngọc Duy, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Hương Hữu, huyện Nam Đông cho biết: “Các quân nhân xuất ngũ là những nhân chứng sống nên khi tuyên truyền cho Nhân dân rất hiệu quả. Chính sự chững chạc, trưởng thành và những câu chuyện nói về cuộc sống, sinh hoạt của các quân nhân trong thời gian tại ngũ đã phản bác lại các luận điệu xuyên tạc, bịa đặt của các thế lực thù địch, phản động về môi trường Quân đội; đồng thời giúp các thanh niên tự tin lên đường nhập ngũ...”.

Có thể khẳng định, việc hình thành “nền móng” bản lĩnh “Bộ đội Cụ Hồ” là đặc biệt quan trong, rất cấp thiết hiện nay và mai sau. Bởi vì, phần lớn thế hệ trẻ hiện nay được sinh ra, lớn lên trong môi trường, cuộc sống tốt hơn, phần lớn thuận lợi, ít gặp khó khăn, vất cả. Khi vào môi trường quân ngũ việc chịu gian khổ, dễ rơi vào hoang mang, chùn bước… ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện nhiệm vụ của Quân đội trong “cuộc chiến thời bình”. Các biện pháp nói trên nhằm hình thành, đặt “nền móng” ban đầu làm cơ sở xây dựng, bồi đắp, tỏa sáng bản lĩnh “Bộ đội Cụ Hồ” luôn sẵn sàng tâm thế, tinh thần “Phía trước là Nhân dân” cho mỗi quân nhân, bảo đảm cho Quân đội "nhiệm vụ nào cũng hoàn thành" xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

                                             NHÓM PHÓNG VIÊN


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội