A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản
Kỷ niệm 46 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2021))

“Vui sao nước mắt lại trào!”

Trên đà thắng lợi ở khắp chiến trường miền Nam, trong tháng 2 và tháng 3-1975, quân dân tỉnh Cà Mau đã chiến thắng nhiều trận đánh quan trọng. Từ đó, vùng giải phóng được mở rộng, tạo thế liên hoàn tiến tới tự lực giải phóng thị xã Cà Mau.

Tôi tìm gặp Đại tá Lê Trung Tính (Tám Tính), nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Cà Mau, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn U Minh 2, người trực tiếp tham gia chiến dịch giải phóng thị xã Cà Mau cách đây 46 năm. Nhìn ông già ở độ tuổi 80 giản dị, minh mẫn, cần cù lao động như một nông dân chính hiệu, ít ai nghĩ rằng đây là một “pho sử sống” quý giá, hiếm hoi còn lại của Cà Mau. 

Theo lời kể của Đại tá Lê Trung Tính, từ năm 1974, lực lượng chủ lực của địch có giảm xuống nhưng hệ thống đồn bốt trong tỉnh Cà Mau còn nhiều. Đồng thời, địch cũng dồn sức nâng lực lượng cơ động lên. Thời điểm đó, tại các chi khu như: Thới Bình, Rạch Ráng, Cái Đôi, Tân Duyệt... đều có các đơn vị cơ động của địch. Chỗ nào bị ta tấn công không giữ nổi, địch chạy dồn về chi khu hoặc chốt tiểu đoàn, tổng số lực lượng hơn 10.000 tên. Về phía ta, việc kết hợp 3 mũi giáp công vũ trang, chính trị, binh vận có nhiều sáng tạo, tạo khí thế hồ hởi, phấn khởi trong toàn quân.

Trước khí thế dâng cao, chủ trương của ta là tấn công nhiều hướng, bao vây siết chặt điểm, diệt đồn chống địch tái chiếm, phát triển du kích, trang bị cho lực lượng tại chỗ cùng giữ, mở vùng, có điều kiện giải phóng xã, huyện, tiến lên giải phóng tỉnh. Từ tháng 12-1974 đến ngày 20-4-1975, ta tiêu diệt, bức hàng, bức rút 115 vị trí, 140 đồn bốt, làm tan rã 3.000 tên địch, thu giữ 1.000 khẩu súng các loại, giải phóng 30/43 xã, 81 ấp, trong đó có 4 huyện được giải phóng cơ bản gồm: Ngọc Hiển, Cái Nước, Trần Văn Thời và Thới Bình.

Đại tá Lê Trung Tính.

Nhằm chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng thị xã Cà Mau, Khu ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 9 giao nhiệm vụ cho tỉnh Cà Mau tự lực hoàn toàn giải phóng tỉnh và sẵn sàng chi viện khi có lệnh của quân khu với tinh thần “thần tốc, táo bạo, chắc thắng” với hai phương án tấn công đã được chuẩn bị. Với ông Tám Tính, trận đánh đáng nhớ nhất là vào đêm 24-4. Khi đó, Tiểu đoàn U Minh 2 do ông làm Tiểu đoàn trưởng đã bí mật về đóng quân cách thị xã Cà Mau 13km. Tiếp nhận sự huy động lực lượng, một phần quân chủ lực của tiểu đoàn hành quân về khu vực đầu lộ Tân Thành. Sự phối hợp của Tiểu đoàn U Minh 2 và Tiểu đoàn 4 tấn công vào khám Bảo An 487 (nay thuộc xã Tân Thành, TP Cà Mau) khiến quân địch không kịp trở tay. Trên thế thắng, hai tiểu đoàn nòng cốt của ta tiếp tục tiến công và nhanh chóng làm chủ đầu lộ Tân Thành, một cửa ngõ vào thị xã Cà Mau. Cùng thời điểm, ở hướng Quốc lộ 63, lực lượng của ta bao vây đồn An Xuyên (nay thuộc khu vực xã An Xuyên, TP Cà Mau). Mục đích tạo thế trận bao vây hai cửa ngõ của ta đã thành công. Chiến thắng đã làm quân địch run sợ, co cụm tại thị xã Cà Mau. Những ngày cuối tháng 4, lực lượng của địch đào ngũ mỗi lúc một nhiều.

Đến trưa 30-4-1975, bọn ngụy quyền ở Cà Mau phân hóa dữ dội, phần lớn đã tê liệt, chỉ còn một số sĩ quan chỉ huy làm ra vẻ hung hăng quyết tử thủ. Ta dùng máy thông tin vô tuyến gọi tên đại tá, tỉnh trưởng Nhan Nhựt Chương đầu hàng và ra lệnh cho các chi khu còn lại nộp vũ khí. Tuy nhiên, hắn chần chừ xin đến sáng hôm sau sẽ thực hiện. Không chờ đến sáng, Ban chỉ huy tiền phương Tỉnh đội ra lệnh cho các mũi từ 4 hướng kiên quyết tiến vào trung tâm thị xã. Rạng sáng 1-5-1975, tên tỉnh trưởng Nhan Nhựt Chương lên máy bay trốn chạy. Cùng ngày, tên tỉnh phó, tham mưu trưởng ra gặp quân ta đầu hàng. Nơi địa đầu cực Nam Tổ quốc đã hòa chung với khí thế cả nước để cùng bước sang một giai đoạn lịch sử hoàn toàn mới: Kỷ nguyên của hòa bình, độc lập và phát triển.

Giọng Nam Bộ đầy hào sảng, ông Tám Tính cho biết: “Tương quan lực lượng giữa ta và địch chênh lệch rất lớn. Ước tính địch có tổng cộng hơn 10.000 quân, lực lượng chủ chốt của ta là 3 tiểu đoàn: U Minh 2; Tiểu đoàn 4 và 13 chỉ ngót nghìn người. Nhưng chúng ta có sự quyết tâm của lực lượng chính nghĩa, cùng với đó là lòng dân. Anh em không kể ngày đêm vất vả hy sinh. Các mẹ, các chị cung cấp tất cả, những gì ăn được đều dồn cho bộ đội. Vì vậy, ta đã thắng”.

Hỏi ông Tám Tính, sau trận đánh, tâm trạng ông khi ấy ra sao, ông chậm rãi kể: “Niềm vui sướng, tự hào của ngày giải phóng thật khó diễn tả được. Cờ Tổ quốc phấp phới bay trên tòa hành chính của địch, những tiếng reo hò vang lên. Và sau đó là nước mắt vui sướng xen lẫn tiếc nhớ những đồng đội đã hy sinh không có mặt trong ngày toàn thắng. Đúng là “vui sao nước mắt lại trào!”. 

Bài và ảnh: THÚY AN


Tác giả: nguồn sự kiện nhân chứng
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan
Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội