A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Chung sức” cùng đồng bào miền Tây Nghệ An xóa nghèo bền vững

Miền Tây Nghệ An có gần 1,2 triệu người, trong đó chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống tại 10 huyện miền núi, gồm 5 huyện vùng cao 30a là Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong và Quỳ Châu; 5 huyện miền núi thấp là Anh Sơn, Thanh Chương, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn và Tân Kỳ. Mặc dù có những cố gắng và luôn được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự đầu tư của tỉnh Nghệ An và các cấp, các ngành nhưng tỷ lệ hộ nghèo các địa phương miền núi vẫn còn cao. Nguyên nhân một phần do thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng khó khăn, khắc nghiệt và thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt, đặc biệt do trình độ dân trí có phần hạn chế; lối canh tác còn lạc hậu... vì thế, việc xóa đói giảm nghèo ở các huyện miền Tây Nghệ An hết sức khó khăn. Xác định rõ nguyên nhân, nhằm giúp đồng bào miền Tây Nghệ An xóa nghèo bền vững, những năm qua cùng với các ban, ngành, đoàn thể, các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang Quân khu 4 và Bộ đội Biên phòng đã có những chủ trương, giải pháp căn cơ, phù hợp “chung sức” cùng đồng bào.

Bài 1: Xóa mù chữ để xóa nghèo

Xác dịnh, muốn đánh thắng "giặc" đói nghèo, trước tiên phải tập trung nâng cao dân trí cho đồng bào - đây là chủ trương xuyên suốt của các đơn vị Quân đội đứng chân trên địa bàn các huyện miền Tây Nghệ An. Với những mô hình, cách làm phù hợp như, mở các lớp xóa mù chữ, xây dựng các mô hình “Nhận đỡ đầu học sinh nghèo học giỏi”; “Nâng bước em tới trường”… đã góp phần nâng cao trình độ dân trí của đồng bào. Từ đó, bà con đã từng bước cụ thể hóa nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và áp dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển chăn nuôi sản xuất với quyết tâm thoát nghèo bền vững.

Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 tổ chức Lễ khai giảng lớp xóa mù chữ cho  bà con bản Kẽm Đôn, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong.

 

Lớp học dưới ánh đèn đêm

Những con đường xuyên qua bản làng, rừng núi dẫn chúng tôi đến với lớp học ban đêm để xóa tái mù chữ cho bà con đồng bào Thái huyện Quế Phong. Đó là lớp học do Đoàn Kinh tế - Quốc phòng (KT-QP) 4, tổ chức, với đội ngũ giáo viên nòng cốt là cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ tình nguyện (TTTTN). Học sinh là chị em đã luống tuổi và đàn ông quanh năm chỉ biết đến nương rẫy mà quên mất con chữ… Họ cặm cụi viết, rồi đánh vần từng chữ như con trẻ học vỡ lòng. Cứ mỗi đêm về, bản xa lại vọng tiếng ê a đọc bài...

Cũng như thường lệ, đêm đó, cán bộ, nhân viên, TTTTN cùng Thượng tá Nguyễn Như Hồng, Phó Chính ủy Đoàn KT-QP 4 lại vượt những con dốc cao, trơn trượt và khấp khểnh sau đợt mưa lớn để đến với lớp học xóa tái mù chữ ở bản Kẽm Đôn. Trời tối, sương núi thấm ướt vai áo. Mới hơn 19 giờ nhưng đã có nhiều người đến lớp. Chị Nguyễn Thị Tâm, TTTTN, giáo viên đứng lớp nói: “Trời vừa mưa, bà con không đi rẫy nên đến sớm. Cũng có hôm tới 20 giờ mới vào học được. Nhiều khi, lớp học xong, chúng tôi về đơn vị đã gần sáng, nhưng phải kiên trì mới mang lại hiệu quả”.

Hướng dẫn bà con đọc chữ.

 

Sương núi lan vào cửa lớp, quanh quẩn bên ánh điện mờ. Tiếng đánh vần, tiếng đọc đồng thanh, tiếng viết bảng loẹt xoẹt của những học trò “đặc biệt” đã xua tan không gian tĩnh lặng chốn rẻo cao. Những đứa trẻ theo bố mẹ đi học quấn quýt dưới chân bàn, vô tư chơi đùa. Trong số họ, có người chưa một lần biết đến cái chữ, cũng có người đã từng được đi học nhưng rồi việc nương rẫy, những mùa giao duyên mải mê thổi khèn, say đắm trong điệu múa đến quên mất đường đến lớp… Quay trở lại với con chữ, họ lại viết được tên mình, đọc được tên bản, tên xã với những niềm vui bất tận. Giơ cho chúng tôi xem trang giấy có dòng chữ ngay ngắn chị Lô Thị Bằng, người phụ nữ đứng tuổi khoe: “Bản mình ngày xưa con gái độ tuổi 17, 18 đã lo lấy chồng rồi sinh con đến quên cả cái chữ rồi. Bộ đội thấy mình viết có đẹp không!?”.

Học sinh của lớp học chủ yếu là phụ nữ người Thái ở độ tuổi 15-60. Chị em lấy chồng từ khi 17, 18 tuổi, sinh liền vài đứa con, rồi quanh năm lam lũ với ruộng nương nên già trước tuổi, khuôn mặt hằn lên vất vả, đôi tay gầy guộc và đen đúa. Với họ, việc cầm bút khó khăn hơn nhiều so với cầm liềm cắt lúa hay xe sợi, nhuộm vải. Một số đàn ông cũng chăm chỉ đi học. Chị Hà Thị Hoa ở bản Kẽm Đôn nói với tôi: “Phải đi học thôi. Nếu không, xuống chợ bán con lợn, con gà lại phải nhờ người biết cái chữ đi cùng để tính cho đúng giá. Rồi giấy tờ nhà, đất, không biết viết tên mình mà phải điểm chỉ thì xấu hổ lắm”.

Những lớp học ban đêm do Đoàn KT-QP4 mở xóa mù chữ cho đồng bào.

 

Được biết, Đoàn KT-QP 4 thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn 8 xã: Nậm Càn, Na Ngoi, Mường Típ, Mường Ải (huyện Kỳ Sơn) và Tri Lễ, Nậm Giải, Thông Thụ, Hạnh Dịch (huyện Quế Phong) thuộc vùng dự án Khu KT-QP Kỳ Sơn. Những năm qua, bên cạnh việc tích cực triển khai các dự án giúp Nhân dân địa phương xóa đói, giảm nghèo, Đoàn KT-QP còn mở các lớp xóa mù chữ và tái mù chữ cho bà con Nhân dân, góp phần nâng cao dân trí nơi vùng biên giới còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Kết quả, 5 năm qua, Đoàn KT – QP 4 đã mở được 7 lớp xóa mù chữ với gần 300 người dân tại hai huyện Kỳ Sơn và Quế Phong.

Đại tá Chu Huy Lương, Chính ủy Đoàn KT-QP 4 cho biết: Muốn giúp Nhân dân xóa đói, giảm nghèo, điều quan trọng trước hết là phải “nói cho dân hiểu”. Mà muốn dân hiểu thì bộ đội phải nói được tiếng đồng bào và đồng bào phải hiểu được tiếng phổ thông (tiếng Kinh). Do đó, cùng với việc bồi dưỡng tiếng dân tộc cho cán bộ, nhân viên, Đoàn đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền, Phòng Giáo dục và đào tạo địa phương mở các lớp xóa mù chữ trên địa bàn hai huyện Quế Phong và Kỳ Sơn.

Từ nhận thức và chủ trương đúng đắn, nhiều lớp học xóa mù chữ và tái mù chữ cho người dân hai huyện Quế Phong và Kỳ Sơn đã được mở. Ngày cầm cuốc lên nương, lên rẫy, tối băng rừng, lội suối đến lớp học để được các thầy, cô giáo bộ đội và trí thức trẻ tình nguyện Đoàn KT-QP 4 dạy cho con chữ. Chăm chỉ, miệt mài, kiên trì suốt 6 tháng ròng, chị Lữ Mẹ Khương cùng 38 học viên lớp học của bản Pủng (xã Mường Ải, huyện Kỳ Sơn) đã biết đọc, biết viết. Khoe với chúng tôi Chứng nhận xóa mù chữ do địa phương cấp, chị Khương hồ hởi: “Học được cái chữ, giờ đi làm giấy tờ ở Ủy ban xã mình không phải điểm chỉ nữa mà đã ký được cái tên của mình. Biết đọc làm cái gì cũng thuận lợi, bán con gà, hạt ngô, củ sắn cho người ta cũng biết tính toán, không bị nhầm như trước nữa. Biết tiếng phổ thông, mình hiểu được bộ đội nói, nhất là khi bộ đội về tuyên truyền, hướng dẫn trồng trọt, chăn nuôi để làm theo, hiệu quả lắm!”.

Cũng như bản Pủng, Huổi Nhao, xã Nậm Càn là bản vùng sâu, vùng xa của huyện Kỳ Sơn. Người dân ở bản, đặc biệt là chị em phụ nữ có tỷ lệ mù chữ và tái mù chữ rất cao. Nhờ lớp xóa mù chữ và chống tái mù chữ của Đoàn KT-QP 4 tổ chức, 46 chị em người dân tộc Mông đã biết đọc, biết viết và áp dụng được những kiến thức được học vào cuộc sống hằng ngày.

Khen thưởng các học sinh có thành tích xuất sắc tại lớp xóa mù chữ do Đoàn KT-QP4 tổ chức.

 

Theo chị Vừ A Tình - một người dân trong bản, được đi học con chữ chị em ai cũng mừng. Vì không học không biết gì, bán gà, bán rau cũng không biết tính lấy tiền. Nay đi học chị em biết chữ, biết tính toán, do đó đi chợ cũng dễ dàng hơn. Còn chị Mùa Thị Nong thì chia sẻ: “Suốt ngày trên nương rẫy có được học hành chi. Nay đi học thấy vui hơn, lại biết chữ. Giờ mình có thể đọc sách, báo để theo dõi tin tức, xem tivi cũng hiểu hơn, biết cách người ta làm ăn mình học hỏi, giờ hết khổ, hết lạc hậu rồi”.

Không chỉ giúp bà con nâng cao dân trí, thoát “nghèo” con chữ; trong các buổi học, giáo viên còn lồng ghép tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về tàng trữ, sử dụng trái phép ma túy, vũ khí, vật liệu nổ; vấn đề chủ quyền biên giới quốc gia, di canh, di cư tự do; hôn nhân và gia đình; cách chăm sóc sức khỏe, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh và kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, sao cho hiệu quả…, nhờ đó, nếp nghĩ, cách làm trong đời sống của bà con cũng có nhiều thay đổi, đặt nền móng quan trọng cho mục tiêu tuyên truyền, vận động, hướng dẫn Nhân dân xóa đói, giảm nghèo.

Đồng chí Vi Hòe, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn nhấn mạnh: “Việc mở lớp xóa mù chữ là nỗ lực của ngành giáo dục đào tạo huyện nhà, cùng với sự tham gia đầy nhiệt tình của bộ đội và trí thức trẻ tình nguyện Đoàn KT-QP 4. Lớp học xóa mù chữ không những giúp bà con Nhân dân biết đọc, biết viết, nâng cao trình độ dân trí, mà còn thể hiện trách nhiệm của bộ đội và trí thức trẻ tình nguyện với Nhân dân trên địa bàn. Qua chương trình này, nhiều người đã biết đọc, biết viết, biết học tập cách làm ăn, nhờ đó đời sống được nâng lên, tự tin hơn trong giao tiếp cũng như trong cuộc sống”.

Trao quà hỗ trợ cho học sinh nhận đỡ đầu.

 

Chung tay nâng bước em tới trường

Cùng với mở các lớp xóa mù chữ cho đồng bào, những năm qua Đoàn KT- QP4 và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ CHQS tỉnh Nghệ An và Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An còn thực hiện có hiệu quả phong trào nhận đỡ đầu, giúp đỡ các học sinh nghèo học giỏi, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tiếp tục đến trường. Căn cứ vào điều kiện đơn vị và tình hình địa phương, các đơn vị đã có những chủ trương, cách làm cụ thể như: Phân công các chi bộ; cán bộ, đảng viên, nhân viên nhận đỡ đầu, giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; vào đầu năm học mới hỗ trợ quần áo, sách vở, xe đạp… Từ các phong trào này, những năm qua đã góp phần tiếp sức cho hàng trăm em học sinh  có  hoàn cảnh khó khăn ở các huyện miền núi Nghệ An có nguy cơ phải nghỉ học tiếp tục tới trường.

Ban CHQS huyện Quỳ Châu trao quà hỗ trợ học sinh đơn vị nhận đỡ đầu.

 

Đầu năm học 2021 – 2022, em Lương Thị Viên, ở bản Na Cà, xã Châu Hạnh quyết định nghỉ học. Bởi hoàn cảnh của Viên hết sức éo le. Mẹ không may bị qua đời, em phải ở với bà ngoại đã già yếu nên em đành phải nghỉ học ở nhà giúp đỡ bà. Hưởng ứng phong trào đỡ đầu học sinh nghèo do Huyện ủy phát động, Ban CHQS huyện Quỳ Châu nhận đỡ đầu, giúp em tiếp tục tới trường. Ngoài trích Quỹ “Tiết kiệm bản thân, để phần người khó” hỗ trợ gia đình một khoản tiền và mua sách vở tặng em, cán bộ, nhân viên Ban CHQS Quỳ Châu còn giúp bà cháu sửa lại nhà ở, cải tạo vườn… Được biết, không chỉ nhận đỡ đầu giúp đỡ em Lương Thị Viên, năm học 2021 – 2022, Ban CHQS Quỳ Châu còn nhận giúp đỡ thêm hai em học sinh nghèo vượt khó.

Đoàn KT-QP4 phối hợp tổ chức Ngày sách cho học sinh trên địa bàn.

 

Còn em Mùa Bá Tếnh người dân tộc Mông ở bản Phù Khả 1, xã Na Ngoi, Kỳ Sơn tưởng chừng con đường đến trường đã khép lại năm 2015. Lúc đó em vừa lên lớp 2 thì bố không may qua đời, một mình mẹ nuôi 4 anh em Tếnh ăn học nên em quyết định nghỉ học ở nhà lên rẫy giúp mẹ. Qua nắm tình hình và từ sự phân công của Đảng ủy Đoàn KT-QP 4, Chi bộ Bệnh xá Đoàn đã nhận đỡ đầu, giúp đỡ em. Theo đó, ngoài việc mỗi tháng cán bộ, đảng viên, nhân viên Chi bộ Bệnh xá Đoàn KT-QP 4 hỗ trợ em 300.000 đồng và phân công cán bộ kèm cặp, giúp em trong học tập. Nhân các dịp đầu năm học mới , Chi bộ Bệnh xá còn hỗ trợ Tếnh sách vở, quần áo...

Theo số liệu thống kê, tại 5 huyện vùng cao 30a là Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong và Quỳ Châu với sự chung tay, hỗ trợ của các đơn vị lực lượng vũ trang đã có hơn 800 em học sinh có nguy cơ nghỉ học giữa chừng tiếp tục tới trường. Với sự chung tay, góp sức của cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang đã góp phần nâng cao dân trí cho đồng bào. Đây chính là cơ sở tiên quyết, nền tảng góp phần giúp đồng bào xóa nghèo bền vững.

Bài 2: “Trao cần câu” xóa nghèo bền vững

NHÓM PHÓNG VIÊN


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội