“Chung sức” cùng đồng bào miền Tây Nghệ An xóa nghèo bền vững
Bài 2: “Trao cần câu” xóa nghèo bền vững
Xác định giúp đồng bào xóa nghèo bền vững nơi miền Tây xứ Nghệ là cuộc chiến lâu dài, cần có bước đi, cách làm phù hợp. Xuất phát từ đặc thù địa bàn, phong tục tập quán và tư tưởng của một số người dân không muốn thoát nghèo nên trong hành trình vươn lên thoát nghèo, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Nghệ An và Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 luôn trăn trở tìm hướng xóa nghèo cho bà con sao cho hiệu quả nhất. Theo đó, thay vì việc “cho con cá”, các đơn vị “trao cần câu” bằng việc hỗ trợ các công trình, xây dựng các mô hình chăn nuôi trồng trọt, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho đồng bào. Từ những cách làm phù hợp, đã góp phần giúp bà con thay đổi tư duy, lối nghĩ, cách làm trong công cuộc thoát nghèo, qua đó góp phần giảm mạnh tỷ lệ hộ nghèo ở các địa phương miền núi Nghệ An.
Chọn mô hình hợp lòng dân
Trong chuyến công tác lên huyện Kỳ Sơn mới đây, đến với các bản làng đồng bào người Mông, Thái, Khơ Mú… bên dãy Phu Xai Lai Leng, chúng tôi được chứng kiến nhiều mô hình phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo của đồng bào, như mô hình nuôi gà đen, lợn đen bản địa, mô hình trồng cây dong riềng, chè san tuyết, dưa lưới… Những mô hình này không chỉ góp phần giúp bà con giảm bớt khó khăn trong cuộc sống mà còn thay đổi cách nghĩ, cách làm của đồng bào. Đi cùng tôi, Đại tá Vi Hiểu, nguyên Đoàn trưởng Đoàn Kinh tế - Quốc phòng (KT-QP) 4, người con của núi rừng Kỳ Sơn nói với tôi rằng: “Để có được những mô hình và sự thay đổi tư duy trong phát triển kinh tế, chăn nuôi sản xuất ở các bản làng là một cuộc chiến kiên cường, bền bỉ của cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 4 và lực lượng vũ trang Nghệ An”.
Trong câu chuyện với Đại tá Vi Hiểu, chúng tôi hiểu rõ hơn sự gian truân, vất vả của cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 4 trong công cuộc xây dựng, duy trì và nhân rộng những mô hình chăn nuôi, trồng trọt nơi miền biên viễn này. Theo Đại tá Vi Hiểu, vùng đất Kỳ Sơn điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng hết sức khắc nghiệt, đi cùng với đó là thói quen canh tác lạc hậu vốn tồn tại đối với đồng bào từ hàng ngàn đời nay. Đặc biệt, tư tưởng trông chờ ỉ lại vào sự hỗ trợ của các cấp và không muốn thoát nghèo ở một số người dân đã ăn sâu bám rễ bao đời nay. Những năm đầu triển khai các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, khi hỗ trợ cây, con giống, kinh phí xây dựng chuồng trại cho bà con, rất nhiều gia đình không triển khai mà bán lấy tiền phục vụ cuộc sống hàng ngày. Qua rút kinh nghiệm thực tế, Đảng ủy, chỉ huy Đoàn xác định cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm cho bà con hiểu về chủ trương, ý nghĩa, hiệu quả của các mô hình phát triển kinh tế thì thay vì cấp con giống, kinh phí, Đoàn trực tiếp phân công cán bộ, nhân viên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương chọn một số hộ dân triển khai xây dựng mô hình. Theo đó, cùng với việc, hỗ trợ cây con giống và vật liệu, ngày công làm chuồng trại, các đồng chí được phân công chịu trách nhiệm hướng dẫn kỹ thuật và giám sát cả quá trình thực hiện mô hình. Cách làm này đã khắc phục và chấm dứt việc “cho con cá” dẫn đến việc thoát nghèo là không thể đối với nhiều hộ dân.
Cùng với đó, qua nghiên cứu và rút kinh nghiệm, Đoàn KT-QP4 nhận thấy rằng để mô hình thành công và bà con tin, làm theo phải gắn với thực tế của đồng bào. Theo đó, Đoàn ưu tiên, phát huy các giống cây con bản địa trước đây bà con đã từng chăn nuôi, sản xuất như trồng ngô, nuôi gà đen, lợn đen… Nhưng để đạt hiệu quả cao hơn, đơn vị hỗ trợ kinh phí, ngày công giúp Nhân dân xây dựng chuồng, trại nuôi nhốt và áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng. Từ đó, các sản phẩm truyền thống của bà con hiệu quả năng suất cao hơn. Đồng thời, việc bảo đảm lương thực cho bà con là việc làm trước mắt đối với "cuộc chiến" xóa nghèo. Do vậy, Đoàn đã khai thác một số diện tích trồng lúa nước và xây đập trữ nước, thi công đường ống dẫn nước về tưới tiêu cho lúa. Từ những cách làm, bước đi vững chắc đã “nuôi sống” các mô hình, góp phần giải quyết khó khăn trước mắt cho bà con. Bước tiếp theo, Đoàn khai thác các dự án, triển khai xây dựng một số mô hình mới, cho thu nhập cao như: Trồng, chế biến cây dong riềng, chè san tuyết và trồng sả Za Va để chế biến tinh dầu, nuôi cá nước ngọt, nuôi ếch thương phẩm…
Ông Mùa Chồng Chà, Bí thư Chi bộ bản Phù Khả 2, xã Na Ngoi kể lại, cách đây chừng 15 năm, khi bộ đội Đoàn KT-QP4 vận động bà con trồng cây dong riềng rất nhiều gia đình không tin. Bởi bao đời nay, cây dong riềng chỉ mọc trên đồi nay trồng đại trà thì việc tiêu thụ thế nào. Thế nhưng, sau một thời gian từ diện tích cây dong riềng do Đoàn KT-QP4 và một số do cán bộ, đảng viên trong bản trồng được Đoàn 4 thu mua, chế biến mang lại thu nhập cao rất nhiều gia đình đến đề nghị Đoàn 4 hỗ trợ, triển khai. Hay như, mô hình trồng lúa nước cũng là một minh chứng cụ thể cho việc treienr khai các mô hình hợp lòng dân nơi miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, ở Kỳ Sơn gia đình nào có diện tích trồng cây lúa nước thì không lo thiếu lương thực và hộ nào thực hiện các mô hình phát triển kinh tế theo Đoàn KT-QP4 hướng dẫn, hỗ trợ thì đều vươn lên thoát nghèo.
Đại tá Lê Văn Thắng, Đoàn trưởng Đoàn KT-QP4 cho biết: Để triển khai các mô hình hiệu quả, hợp lòng dân, việc đầu tiên là phải nghiên cứu khí hậu, thổ nhưỡng để đưa vào nuôi trồng những cây, con phù hợp. Bước tiếp theo, quá trình triển khai phải phân công cán bộ, nhân viên giám sát, hướng dẫn, kỹ thuật, giúp ngày công lao động. Đồng thời, để các mô hình phát triển bền vững phải triển khai xen kẻ, lồng ghép đa dạng các mô hình, giống cây, con và giải quyết đầu ra sản phẩm cho bà con. Theo đó, đơn vị đã thu mua, chế biến các sản phẩm của bà con sản xuất, chăn nuôi như, dong riềng, chè Shan tuyết, sá Za Va…. Từ việc bà con đắn đo khi đơn vị vận động, hỗ trợ triển khai các mô hình như trồng dong riềng, chè san tuyết, nuôi cá nước ngọt… đến nay sản phẩm đồng bào làm ra không đủ cung cấp cho thị trường. Thu nhập từ các mô hình do Đoàn KT-QP4 triển khai, hỗ trợ góp phần nâng cao đời sống Nhân dân trong Khu KT-QP Kỳ Sơn.
Không chỉ ở Khu KT-QP Kỳ Sơn mà từ các mô hình do Đoàn KT-QP 4 và Ban CHQS các huyện: Kỳ Sơn, Quế Phong, Tương Dương… triển khai thực hiện như mô hình “Giúp dân no đủ, tự chủ bản làng” của Ban CHQS Kỳ Sơn; mô hình “Chung sức cùng Nậm Giải thoát nghèo” của Bộ CHQS Nghệ An… đã góp phần giúp đồng bào các địa phương nơi miền Tây xứ Nghệ vươn lên chiến thắng đói nghèo.
Những công trình “chung sức” xóa nghèo
Sau 15 năm cơn lũ quét lịch sử tàn phá, đến nay các bản làng ở xã Nâm Giải, huyện Quế Phong đã từng bước vươn lên xây dựng đời sống mới. Ngay từ Quốc lộ 48 tuyến đường bê tông phẳng lì dẫn tới các bản tạo điều kiện thông thương cho đồng bào. Cùng với đó, hệ thống nước sạch, điện lưới phục vụ sinh hoạt của bà con, điện chiếu sáng đã vào tận các bản làng.
Bà Ngân Thị Phượng, Trưởng bản Pục, xã Nậm Giải cho biết: “Trước đây, đường vào bản là đường đất, lởm chởm đá, vào mùa mưa trơn trượt, đi lại rất khó khăn. Đã có trường hợp người dân và các cháu nhỏ bị ngã gãy tay, gãy chân, rất nguy hiểm. Nhờ có bộ đội đến nổ mìn phá đá, hỗ trợ hơn 35 tấn xi măng làm đường bê tông, Bộ CHQS tỉnh Nghệ An làm tặng 20 đèn chiếu sáng năng lượng mặt trời, giúp việc đi lại của bà con thuận tiện, an toàn hơn”.
Theo Thượng tá Trần Vũ Bình, Chính trị viên Ban CHQS huyện Quế Phong: Nậm Giải là xã biên giới phía Tây của tỉnh Nghệ An, người dân trong xã hầu hết là đồng bào dân tộc Thái; nhiều phong tục tập quán lạc hậu, kinh tế chậm phát triển, giao thông đi lại khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo hơn 60%. Trước đây, người dân chủ yếu săn bắt, trồng trọt, chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ. Thực hiện Phong trào thi đua “LLVT tỉnh Nghệ An chung sức xây dựng nông thôn mới”, năm 2012, Bộ CHQS tỉnh Nghệ An đã khảo sát và quyết định nhận đỡ đầu xã Nậm Giải. Từ đó đến nay, Bộ CHQS tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo Ban CHQS huyện Quế Phong và các đơn vị trực thuộc huy động hàng chục nghìn ngày công giúp nhân dân vệ sinh môi trường, làm hàng chục ki-lô-mét đường giao thông nông thôn; kéo ống nước, xây dựng hệ thống điện chiếu sáng, sửa sang nhà cửa; xây dựng, nâng cấp trường học, trạm y tế xã, công trình dân sinh... Cùng với đó, vào các dịp lễ, tết, Ban CHQS huyện Quế Phong đều cử lực lượng tham gia các đoàn công tác của tỉnh đến khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí, trao hàng trăm suất quà tặng bà con có hoàn cảnh khó khăn. Sự giúp đỡ thiết thực, hiệu quả của bộ đội đã giúp xã Nậm Giải “thay da đổi thịt”, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giảm mạnh từ 80% xuống còn dưới 60%.
Tạm biệt bà con xã Nậm Giải, chúng tôi đến với đồng bào huyện biên giới Kỳ Sơn. Trở lại huyện Kỳ Sơn lần này chúng tôi hết sức bất ngờ về sự đổi thay mạnh mẽ nơi đây. Tuyến đường từ ngã ba Khe Kiền vào các xã Na Ngoi, Nậm Càn, Mường Ải, Mường Típ được mở rộng, rải nhựa phẳng lỳ không còn gồ ghề như trước nữa. Hai bên đường những ruộng lúa nước bạt ngàn màu xanh. Đi cùng tôi, đồng chí Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Kỳ Sơn nói: Có được sự đổi thay như hôm nay là sự chung sức bằng cả trái tim của cán bộ, nhân viên Đoàn KT-QP4. Không chỉ hỗ trợ bà con các mô hình chăn nuôi sản xuất mà những năm qua, Đoàn KT-QP4 còn giúp địa phương nhiều công trình hết sức giá trị. Từ những công trình này đã góp phần giúp địa phương đẩy nhanh công cuộc xóa đói, giảm nghèo.
Bản Ca Nọi, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn trước đây bà con chủ yếu phụ thuộc vào việc phát rừng làm rẫy. Vì thế, việc thiếu lương thực dường như đã quen với đồng bào. Vậy nhưng, từ năm 2013 đến nay, khi đập thủy lợi Huồi Phừng do Đoàn KT-QP4 xây dựng, hỗ trợ đã tưới tiêu cho 20 héc ta lúa nước. Nhờ vậy, bà con bản Ca Nọi đã giải quyết việc thiếu lương thực.
Bà Lô Thị Tái, ở bản Ca Nọi nói: Đời sống bà con dân bản mình không còn đói khổ như trước nữa. Từ các công trình, dự án, mô hình phát triển kinh tế - xã hội do Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 hỗ trợ đến nay đời sống bà con dân bản mình đã bớt đói nghèo. Không chỉ làm cho dân bản con đường bê tông; hệ thống điện lưới, điện chiếu sáng mà những công trình như đập thủy lợi… đã giúp bà con với bớt khó khăn trong cuộc sống.
Điều dễ nhận thấy ở các huyện miền núi Nghệ An hôm nay, đó là hệ thống giao thông được mở rộng và xe ô tô vào tới các trung tâm xã. Các công trình dân sinh như, nhà văn hóa thôn; hệ thống điện lưới; trường, trạm… được đầu tư xây dựng cơ bản góp phần nâng cao đời sống cho Nhân dân.
Từ những mô hình, công trình thiết thực, hiệu quả đã góp phần giúp Nhân dân các địa phương miền Tây Nghệ An vơi bớt đói nghèo. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm của các địa phương trung bình giảm 2,4%/năm. Đây cũng là tín hiệu đáng mừng đối với các địa phương miền Tây xứ Nghệ, nơi cuộc sống đồng bào còn lắm gian truân vất vả.
Bài 3: Cần sự vào cuộc đồng bộ cả hệ thống chính trị
NHÓM PHÓNG VIÊN
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận