Thứ năm, 18/04/2024 - 10:41
Trung tướng Hà Thọ Bình, Tư lệnh Quân khu 4 kiểm tra Đội quy tập 589, Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình. Bộ Tư lệnh Quân khu 4: Thăm, chúc Tết Bun Pi May tại tỉnh Khăm Muồn. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình Khánh thành Bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong” Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến Bắc Kinh, bắt đầu thăm chính thức nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Trung tướng Trần Võ Dũng, Chính ủy Quân khu 4 thăm, chúc Tết Bun Pi May tại tỉnh Viêng Chăn (Lào) Trung tướng Hà Thọ Bình, Tư lệnh Quân khu 4: Kiểm tra tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh Đại học Huế Bộ Tư lệnh Quân khu 4 thăm, chúc Tết Bun Pi May lãnh đạo Đảng, Nhà nước Lào Quân khu 4: Khai giảng bồi dưỡng kiến thức Quốc phòng và An ninh Quân khu 4: Tổng kết công tác doanh trại, đầu tư xây dựng cơ bản; trường bắn, thao trường huấn luyện năm 2023 Quân khu 4: Đảm bảo tốt chế độ, chính sách thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ Chi bộ Báo Quân khu 4 lãnh đạo hoàn thành tốt các kết luận, nghị quyết của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và chỉ thị về xây dựng “chi bộ 4 tốt”, “đảng bộ cơ sở 4 tốt”
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản
Hưởng ứng Cuộc thi viết "Những kỷ niệm sâu sắc về Cục Chính trị Quân khu 4"

Bài viết kỷ niệm sâu sắc về Cục Chính trị: Bức ảnh Bác Hồ và tấm áo của Cha

Tháng 10 năm 1969, Quân khu Trị - Thiên mở Đại hội Thanh niên Quyết thắng. Lần ấy, chúng tôi từ các đơn vị về tập trung trước ngày khai mạc Đại hội một tuần. Ban tổ chức triệu tập các đại biểu sớm là để bồi dưỡng báo cáo điển hình cho một số đại diện tập thể và cá nhân đồng thời tạo điều kiện để mọi người có dịp gặp gỡ trao đổi hoặc nghỉ ngơi dưỡng sức sau những tháng ngày hoạt động, chiến đấu gian truân, thiếu thốn ở đơn vị.

Sau khi ổn định chỗ ở, nghe nói hội trường mới làm rất to và đẹp nên tôi tìm lên xem. Thật bất ngờ, ở đây tôi gặp lại anh Trung Bảy. Tôi và anh Bảy cùng học với nhau tại Trường Mỹ thuật Việt Nam đầu những năm 60 của thế kỷ XX.

Anh Bảy hiện là Trợ lý Tuyên huấn Quân khu, phụ trách mảng văn hóa, văn nghệ, đang chuẩn bị cho Đại hội. Anh bảo: “Nhiều việc mà chỉ có một mình vẽ, lu bu quá”. Đắn đo đôi chút rồi anh tiếp: “Này nếu không bận, ông “goạc” cái tranh cho dui”. Tôi nói với anh: “Nhưng vẽ cái chi? Em gác bút nghiên theo việc đao cung lâu rồi”. “Thế này nhé, ông cứ diễn cái khẩu hiệu “Thanh niên Trị - Thiên - Huế sống chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại” thành tranh là được”. Anh bảo vậy và tôi cũng không bận gì nhiều nên vui vẻ nhận lời.

Bác Hồ với các anh hùng và dũng sĩ miền Nam năm 1969.

Một buổi sáng đứng vẽ, tôi cảm giác như có ai đó đang đứng nhìn phía sau. Tôi quay lại và bắt gặp ánh mắt trong veo cùng gương mặt hồn hậu của một cô gái. Thoáng chút bối rối, cô cười bẽn lẽn. Tôi chưa kịp nói gì thì cô đã lặng lẽ lảng ra xa. Tôi tiếp tục vẽ. Theo thói quen, thỉnh thoảng tôi lùi lại phía sau để nhìn tranh được bao quát hơn, từ đó mà điều chỉnh sắc màu, hình mảng cho hài hòa. Lần này cũng vậy, tôi vừa nheo mắt vừa đi giật lùi… Bỗng ngay sau lưng tôi có tiếng kêu cứu: “Ối! Anh mần rứa gạt em bổ chừ”. Tôi giật mình quay lại. Hóa ra cô gái đã trở lại xem vẽ từ lúc nào tôi không hay nên khi lùi tôi suýt va phải cô. Tôi rất lúng túng. Còn cô lại cứ nhìn tôi mà cười khúc khích. Tôi chẳng hiểu sao, đành cười theo, kiểu cười trừ. Tôi cười, cô càng cười nhiều hơn. Mãi sau cô mới chỉ vào tôi mà rằng: “Lọ nghẹ tề, trên má đó”. Thì ra vậy, chắc là do mực tàu vương lên. Tôi định trêu cô nên mới chìa mặt nhờ cô lau giúp, nghĩ bụng: “Chắc cô sẽ lại lảng ra xa. Nhưng không, cô lấy từ túi áo một chiếc khăn màu hồ thủy khẽ lau vết nhọ cho tôi. Vừa lau, cô vừa nói: “Thanh niên miền Bắc giỏi thiệt đó, vẽ Bác Hồ giống y chang”. “Em gặp Bác khi mô mà bảo anh vẽ giống?”, tôi hỏi. Cô chưa kịp trả lời thì có tiếng gọi: “Mời o Hiền về đoàn hội ý!” Cô dạ một tiếng rồi vội vàng: “Em về đã hí”. Lúc này tôi mới biết tên cô là Hiền.

Ngày khai mạc Đại hội, Hiền đứng rất lâu trước bức tranh. Em ngắm hình Bác Hồ trong tranh lồng lộng cờ quyết chiến, quyết thắng. Bác như đang nhắn nhủ: “Không có việc gì khó...”. Bất giác, Hiền nắm chặt tay tôi, đôi mắt em ngước nhìn như muốn nói điều gì...

Hiền được chọn báo cáo điển hình tại Đại hội. Gọn gàng trong bộ bà ba, em tự tin bước lên bục nói. Em kể lại những việc mà em cùng đội du kích đã làm. Em nói về lòng dân quê em hướng về cách mạng; em nghẹn ngào xúc động mỗi khi kể về những đồng đội đã kiên cường bám trụ, chiến đấu dũng cảm và không ít người đã anh dũng hy sinh... Giọng em mộc mạc nhưng cả hội trường lắng nghe. Đến giờ giải lao (mà phần lớn thời gian là dành cho văn nghệ). Hiền xung phong hát bài “Tiếng hát trên đường quê hương”. Giọng hát em chẳng phải oanh vàng, càng không trau chuốt mà như từ cõi lòng vang lên, lạc quan phơi phới như cánh chim bay bổng giữa trời, như lửa bốc giữa trái tim, cuốn hút mọi người như có một thứ ma lực khiến cả hội trường vỗ tay hát theo, sôi nổi thiết tha không dứt.

Anh bạn tôi ngồi cạnh thán phục: “Thật lạ kỳ! nhìn o Hiền, mấy ai nghĩ với thân hình nhỏ thó, nước da sốt rét tái nhợt lại có một sức sống mãnh liệt lôi cuốn mọi người như vậy. Hẳn o Hiền phải có một niềm tin sâu sắc, trong tâm hồn ẩn chứa một điều gì thiêng liêng lắm”. Tôi nghĩ anh có lý. Tôi chợt nhớ lần đến thăm Hiền.

Đó là một buổi chiều, cái hôm Hiền đang xem tôi vẽ và có người đến báo Hiền về hội ý, tôi không thấy Hiền trở lại. Rồi có người bảo tôi: “O Hiền bị sốt! Tôi vội tìm đến lán của đoàn Quảng Trị thăm Hiền. Lúc tôi đến, Hiền vừa đứt cơn sốt, trông em thật tội. Hiền sáng ấy chắc khỏe trong sắc áo bà ba màu rêu xanh cùng chiếc quần đen, ngang hông thắt gọn gàng khẩu súng ngắn, nay nằm tong teo trong chiếc võng chằng ngang góc nhà hầm bên cạnh ba khúc củi chụm vào nhau cháy âm ỉ, tõa hơi ấm nồng. Nước da Hiền hơi tái, vành mi hơi quầng, nhưng gương mặt em không tỏ ra chút mệt mỏi. Vẫn đôi mắt hồn nhiên, em cười: “Anh vẽ tranh xong chưa? Tôi gật đầu và hỏi lại câu hỏi buổi sáng: “Em bảo anh vẽ Bác Hồ giống y chang, thế em được gặp Bác Hồ khi nào?”. “Em chưa được gặp nhưng hình Bác thì em nhớ chứ”. Ngập ngừng một chút rồi em nói tiếp: “Em cho anh coi thứ ni”. Hiền với tay lấy chiếc bòng trên giá rồi mở bòng lấy ra một bọc vải - thứ vải sơn chống thấm nước của Mỹ. Em cẩn thận mở bọc, bên trong có một tấm áo bộ đội đã bạc màu được gấp nhỏ gọn, giữa tấm áo có một gói nhỏ bằng vải đỏ em khẽ mở, một bức ảnh Bác Hồ cỡ chừng 6x9 hiện ra. Hiền bảo: “Em chỉ được gặp Bác Hồ ở đây thôi”.

Hiền kể rằng đó là tấm áo của ba Hiền cùng bức ảnh Bác Hồ mà ba để lại cho mẹ con em ngày ba ra Bắc tập kết. Ngày ấy, Hiền mới 5 tuổi. Những năm tháng sống trong kìm cặp của địch, để tránh sự xăm soi của chúng, mẹ Hiền đã bọc kỹ bức ảnh Bác bằng giấy thiếc, cất dấu trong bát hương thờ, còn tấm áo của ba, mẹ gói chung bọc áo quần của mẹ. Khi quân Mỹ vô, chúng càn quyét lùng sục khắp nơi. Trong một lần hành quân “tìm diệt” bọn lính Mỹ đã bị đội du kích của Hiền phục kích đánh cho tơi tả phải quăng cả vũ khí để tháo chạy. Hiền lượm được một chiếc hộp đạn đại liên của Mỹ, hai mẹ con Hiền liền đặt tấm áo cùng bức ảnh Bác Hồ vào đó và để dưới hầm bí mật. Mỗi khi xuống hầm, hai mẹ con lại giở ảnh Bác ra ngắm. Và mẹ thường ấp chiếc áo của ba vào ngực. Mẹ bảo: “Ngày đi tập kết, ba dặn hãy vững tin, kẻ địch tàn ác đến mấy cũng sẽ phải thua, nước nhà nhất định thống nhất!”...

Bế mạc Đại hội, chúng tôi trở về đơn vị của mình. Lúc chia tay, tôi nói với Hiền: “Liệu chúng ta có gặp lại nhau?”, “Gặp lại chứ! Nhất định gặp lại!”. Em quả quyết như vậy nhưng mắt em ngân ngấn nước...

Chiến trường Trị Thiên những năm tiếp sau đó càng quyết liệt. Tôi và Hiền chưa có dịp gặp nhau. Mãi tới năm 1972, tỉnh Quảng Trị được giải phóng, nhân một chuyến công tác tôi tìm về quê Hiền nhưng chỉ được gặp ba và mẹ của em. Mẹ Hiền tất bật với trách nhiệm của một Chủ tịch Hội phụ nữ xã. Còn Hiền, em đã được tổ chức đưa ra Bắc học tập theo một chương trình kế hoạch đào tạo cán bộ thời hậu chiến.

Từ bấy đến nay đã hơn 50 năm, tôi chưa có dịp trở lại Quảng Trị, Thừa Thiên và cũng không có tin tức về Hiền. Nhưng ấn tượng về em ở Đại hội Thanh niên quyết thắng năm ấy cùng câu chuyện về bức ảnh Bác Hồ và tấm áo người cha mà hai mẹ con Hiền gìn giữ bao năm giữa vòng vây địch vẫn còn nguyên vẹn trong tôi. Và tôi tin rằng dù cuộc sồng có bao trăn trở, Hiền vẫn giữ trọn niềm tin vào tương lai như em đã vững tin vào sự tất thắng của dân tộc trong khánh chiến, thống nhất đất nước.

NHẬT LỆ


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội