A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bình luận: Nỗi ám ảnh vẫn còn đó

Hôm nay (11-9) là vừa tròn 20 năm kể từ ngày xảy ra loạt vụ tấn công khủng bố kinh hoàng ngay giữa lòng thành phố New York tráng lệ của nước Mỹ. Nhiều năm trôi qua, song hình ảnh hai chiếc máy bay điên cuồng lao thẳng vào tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) ở New York vẫn là nỗi ám ảnh dai dẳng với nhiều người dân Mỹ cũng như thế giới.

 Những mất mát mà đại dịch Covid-19 đang gây ra dường như vẫn không làm vơi đi ký ức đau buồn của ngày 11-9-2001, khi những tên không tặc của nhóm khủng bố Al-Qaeda cướp 4 máy bay, gây ra các vụ tấn công liên hoàn ở Mỹ. Đó là lần đầu tiên kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai, cường quốc số 1 thế giới phải hứng chịu một cuộc tấn công được thực hiện bởi thế lực bên ngoài. Hậu quả mà cuộc tấn công ấy để lại là gần 3.000 người thiệt mạng, trong đó có 2.753 người chết sau khi hai máy bay của American Airlines bị khủng bố khống chế đâm vào hai tòa tháp của WTC; 184 người chết khi một máy bay khác lao vào Lầu Năm Góc ở Washington; và 40 hành khách, thành viên phi hành đoàn thiệt mạng sau khi dũng cảm chống trả nhóm khủng bố và để máy bay rơi xuống cánh đồng ở bang Pennsylvania. Bên cạnh những tổn thất nặng nề về sinh mạng, một tháng sau vụ tấn công, người ta ước tính nước Mỹ thiệt hại khoảng 123 tỷ USD, trong đó riêng tổng chi phí để dọn dẹp đống đổ nát ở WTC cũng lên tới 1,3 tỷ USD. Thảm kịch cũng để lại vô số hệ lụy về sức khỏe và vết thương tâm lý với người dân thành phố New York. Đến nay vẫn còn hàng trăm thi thể chưa được nhận dạng, hàng chục nghìn người vẫn nằm trong diện phải theo dõi sức khỏe do ảnh hưởng từ khói bụi, hóa chất thoát ra từ tòa tháp đôi bị sụp đổ.

Nỗi ám ảnh vẫn còn đó
Chuyến bay số hiệu 175 của hãng United Airlines đâm vào tòa tháp phía Nam của Trung tâm thương mại thế giới.
 Ảnh: Reuters. 

 

Thế nên mỗi khi nhắc về sự kiện 11-9-2001, người ta thường liên tưởng tới hình ảnh một nước Mỹ cường tráng bị tổn thương cả thể xác lẫn tinh thần chỉ bằng một đòn đánh chí mạng.

Những mất mát từ vụ tấn công đã dẫn đến sự thay đổi đáng kể trong thái độ của người Mỹ với mối đe dọa khủng bố. Không lâu sau sự kiện này, Quốc hội Mỹ thông qua hàng loạt chính sách mới, như Đạo luật cho phép sử dụng lực lượng quân sự (AUMF) để Tổng thống có quyền thực hiện tấn công những mối đe dọa khủng bố. Hay như Đạo luật Yêu nước (Patriot Act), được ra đời nhằm mục tiêu khắc phục những sai sót về tình báo và trao thêm quyền giám sát cho các cơ quan liên bang để ngăn chặn khủng bố.

Nhưng thay đổi lớn nhất có lẽ là vụ tấn công ngày 11-9-2001 đã đẩy siêu cường thế giới lao vào cuộc chiến chống khủng bố với quy mô toàn cầu, kéo dài suốt hai thập kỷ qua. “Cuộc báo thù” có một không hai này chính thức được Tổng thống George W.Bush kích hoạt ngày 20-9-2001 bằng tuyên bố chứa đầy sự uất hận trước Quốc hội Mỹ: “Cuộc chiến chống khủng bố của chúng ta bắt đầu với al-Qaeda, nhưng nó không kết thúc ở đó, nó sẽ không kết thúc cho đến khi mọi nhóm khủng bố có phạm vi toàn cầu bị phát hiện, ngăn chặn và đánh bại".

Cũng kể từ đó đến nay, guồng máy chiến tranh chống khủng bố do nước Mỹ điều khiển không ngừng quay tít, với các cuộc không kích diễn ra tối ngày tại hàng loạt các chiến trường chủ chốt, từ Afghanistan, Pakistan đến Iraq, Syria và Yemen. Ngay cả khi Tổng thống Mỹ Barrack Obama vào năm 2011 tuyên bố với giọng đầy phấn chấn rằng “Công lý đã được thực thi” sau khi các lực lượng Mỹ tiêu diệt được Osama Bin Laden-kẻ tổ chức vụ tấn công khủng bố ở New York, thì thảm kịch 11-9 vẫn như bóng ma níu giữ chân quân đội Mỹ ở lại với cuộc chiến này. Và, đã có lúc dư luận tự hỏi, người Mỹ đang chiến đấu với khủng bố vì sự an toàn của chính họ và thế giới, hay chỉ để chứng minh rằng nước Mỹ vẫn đang nắm trong tay chiếc đũa thần có khả năng đe nẹt và trừng trị bất cứ thế lực đối lập nào.

Công bằng mà nói, cuộc chiến dai dẳng ấy đã giúp Mỹ và liên minh chống khủng bố đạt được những kết quả nhất định, đó là làm gián đoạn các mạng lưới khủng bố trên toàn cầu, ngăn chặn đáng kể số vụ tấn công xảy ra trên đất Mỹ, làm suy yếu những nhóm khủng bố vốn được coi là mối đe dọa mới cho thế giới, chẳng hạn như Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Đổi lại, hàng nghìn binh sĩ Mỹ đã thiệt mạng, nhiều chiến binh trở về với những vết thương nhức nhối cả về thể chất lẫn tâm lý. Còn tính về tiền, theo kết quả khảo sát do Trường Đại học Brown (Mỹ) công bố ngày 1-9 vừa qua, nước Mỹ đã chi không dưới 8.000 tỷ USD cho các cuộc động binh dưới danh nghĩa chống khủng bố suốt 20 năm qua.

Nhưng nếu xét tổng thể, người Mỹ và liên minh chống khủng bố mà họ lập ra vẫn chưa thể hoàn thành mục tiêu “triệt tận gốc” những kẻ đã gây ra vụ tấn công năm 2001. Trái lại, chủ nghĩa khủng bố giờ đây đang lan rộng hơn và có chiều hướng cực đoan hơn, với những hình thức tinh vi hơn. Các tay súng khét tiếng của Al-Qaeda hay IS vẫn đang đốt lên những đống lửa đầy hiểm họa trước cửa ngõ xứ cờ hoa, khiến mỗi gia đình Mỹ chưa thể cảm thấy an toàn mỗi khi bước ra khỏi nhà. Vì thế, dư luận càng tỏ ra nghi ngờ về tính hiệu quả thực sự của cuộc chiến chống khủng bố mà nước Mỹ tiến hành những năm qua.

Có lẽ chừng nào người Mỹ chưa dứt nỗi ám ảnh về vụ tấn công 11-9-2001, thì chống khủng bố vẫn là một trong những mục tiêu hàng đầu của những quyết định phát đi từ Nhà Trắng. Chỉ có điều, với việc đương kim Tổng thống Joe Biden vừa qua tuyên bố chính thức khép lại kỷ nguyên sa lầy của nước Mỹ trong cuộc chiến không có hồi kết ở Afghanistan, dường như cường quốc quân sự hàng đầu thế giới đã chán cảnh ồ ạt đem tên lửa và máy bay ném bom để phục vụ cho cái gọi là “cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu”. Thay vào đó, giải quyết mối đe dọa này cần có sự phối hợp nhiều hơn của mạng lưới tình báo cũng như các đồng minh, các đối tác địa phương.

Thành phố New York nói riêng và nước Mỹ nói chung giờ đây đã có nhiều khác biệt so với năm 2001. Ngay tại vị trí của tòa tháp đôi bị sụp đổ năm nào đã mọc lên một một trung tâm thương mại mới. Song với nhiều gia đình Mỹ có thân nhân thiệt mạng cách đây đúng 20 năm, điều mà họ chờ đợi nhất vẫn là bản án thích đáng dành cho 5 nhân vật đứng sau loạt vụ tấn công. Dư luận cũng đang trông ngóng từng ngày để được nhìn thấy các tài liệu giải mật, từ đó hiểu rõ những góc khuất của thảm kịch này.

Vụ tấn công ngày 11-9-2001 và cuộc vật lộn với chủ nghĩa khủng bố suốt 20 năm sau đó quả thực vẫn là nỗi ám ảnh trên hành trình tìm lại một nước Mỹ vĩ đại và kiêu hãnh.

Theo QĐND Điện tử


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội