Hoàn thành sứ mệnh hồi sinh quốc gia-dân tộc Campuchia, “Đội quân nhà Phật” rút về nước
Từ cuối năm 1978, đáp lời kêu gọi chính đáng của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia và khắc sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “giúp nhân dân nước bạn tức là tự giúp mình”, kết hợp nhiệm vụ dân tộc với nghĩa vụ quốc tế, lực lượng Quân tình nguyện Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân Campuchia, mở cuộc phản công trên nhiều hướng, đẩy quân Pol Pot chạy sâu vào vùng rừng núi ở biên giới Campuchia - Thái Lan.
Ngày 7-1-1979, Thủ đô Phnom Penh được giải phóng, tạo nền tảng tiến tới giải phóng tất cả các thành phố, thị xã, thị trấn và vùng nông thôn rộng lớn của Campuchia trong thời gian ngắn. Ngày 8-1-1979, Hội đồng nhân dân cách mạng Campuchia được thành lập và tuyên bố xóa bỏ hoàn toàn chế độ diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary, thành lập chế độ Cộng hòa nhân dân Campuchia. Từ đây, nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng và bước vào thời kỳ hồi sinh đất nước, khôi phục tình đoàn kết truyền thống Campuchia - Việt Nam.
1. Sau chiến thắng ngày 7-1-1979, đất nước Campuchia đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách. Tàn quân Pol Pot tiếp tục nhận được sự nuôi dưỡng, hỗ trợ của các thế lực bên ngoài, gây nhiều tội ác với nhân dân trong nước cũng như các nước láng giềng. Sau hơn một năm rút lực lượng còn lại lên biên giới giáp Thái Lan, Pol Pot tiến hành bổ sung quân số, vũ khí, trang bị cho các sư đoàn chủ lực và sử dụng khoảng 1/3 lực lượng vào các địa bàn xung yếu của 7 tỉnh biên giới phía Tây, nhằm xây dựng các “căn cứ lõm” và đẩy mạnh hoạt động du kích ở 12 tỉnh nội địa, gây khó khăn cho công cuộc tái thiết đất nước. Ở nước ngoài, các thế lực thù địch tiếp tục lợi dụng vấn đề Quân tình nguyện Việt Nam để vu cáo, gây sức ép và can thiệp vào công việc nội bộ của Campuchia. Trước tình hình đó, ngày 18-2-1979, Chính phủ Cộng hòa nhân dân Campuchia và Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký Hiệp định Hòa bình, Hữu nghị và Hợp tác. Hai bên tiếp tục khẳng định tăng cường đoàn kết chiến đấu, hợp tác hữu nghị lâu dài và giúp đỡ lẫn nhau về mọi mặt để củng cố nền độc lập, xây dựng đất nước phồn vinh và cuộc sống hạnh phúc của nhân dân mỗi nước.
Thực hiện những cam kết ghi trong hiệp định, Việt Nam đã để lại một bộ phận Quân tình nguyện, đồng thời, cử các đoàn chuyên gia (bao gồm cả chuyên gia quân sự, dân, chính, đảng) sang giúp cách mạng và nhân dân Campuchia. Đây là việc làm phù hợp nguyện vọng của Đảng, Nhà nước, nhân dân Campuchia, thể hiện sâu sắc tinh thần quốc tế cao cả, trong sáng của Đảng, Chính phủ, nhân dân Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế. Trong giai đoạn 1979-1982, Quân tình nguyện Việt Nam đã cùng Lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia liên tiếp mở các cuộc tiến công truy quét tàn quân Pol Pot ở khu vực biên giới phía Tây, Tây Nam và trong nội địa. Trên các mặt trận 479, 579, 779 và 979, ta và bạn cơ bản xóa xong các ổ phản động ở địa bàn trọng điểm, đưa phong trào cách mạng Campuchia phát triển mạnh mẽ lên nấc thang mới. Những năm 1983-1985, nhờ sự giúp đỡ đắc lực của Quân tình nguyện Việt Nam, bạn đã tự bảo vệ, quản lý được Thủ đô Phnom Penh, cảng Kampong Som, 4 tỉnh (Svay Rieng, Prey Veng, Kampong Cham, Kandan), một số khu vực trọng điểm và cơ bản đã kiểm soát được tuyến biên giới phía Tây.
Sau khi đánh đuổi được tàn quân Pol Pot, theo đề nghị của bạn, Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam đã phối hợp với quân và dân Campuchia triển khai xây dựng tuyến phòng thủ (gọi tắt là K5) dài hơn 600km giáp với biên giới Thái Lan. Cuối năm 1987, tuyến phòng thủ K5 cơ bản hoàn thành; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, đẩy lùi các cuộc tiến công của tàn quân Pol Pot. Ngoài ra, còn tổ chức nhiều đợt đánh địch trên tuyến hành lang và các “căn cứ lõm” ở khu vực phía Bắc và Đông Nam thị xã Kracheh.
2. Bên cạnh nhiệm vụ giúp Campuchia truy quét tàn quân Pol Pot, Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam còn giúp Campuchia xây dựng, củng cố lực lượng vũ trang, chính quyền cách mạng, giúp đỡ nhân dân khôi phục sản xuất, ổn định đời sống và phát triển đất nước. Trong xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, từ 22 tiểu đoàn bộ binh, 69 đội công tác vào cuối năm 1978, đến tháng 1-1989, cách mạng Campuchia đã xây dựng được lực lượng vũ trang ba thứ quân, gồm các sư đoàn, lữ đoàn, trung đoàn chủ lực, các đơn vị binh chủng với tổng quân số khoảng 130.000 người, trong đó bộ đội chủ lực hơn 48.000 người, bộ đội địa phương hơn 80.000 người... Không chỉ giúp bạn xây dựng lực lượng vũ trang, Quân tình nguyện Việt Nam còn cùng với đội ngũ chuyên gia giúp bạn xây dựng hệ thống chính quyền cách mạng từ Trung ương xuống địa phương và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cấp ở 21 tỉnh, thành phố, 169 huyện, thị trấn, hơn 1.500 xã, phường và trên 12.000 ấp; đồng thời, xây dựng các tổ chức công đoàn, phụ nữ, đoàn thành niên từ Trung ương đến cơ sở, góp phần bảo vệ và xây dựng đất nước.
3. Với sự giúp đỡ chí nghĩa, chí tình của Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam, trực tiếp là Quân tình nguyện và đội ngũ chuyên gia giỏi của Việt Nam, tình hình kinh tế, chính trị, y tế, giáo dục... từng bước được khôi phục và phát triển. Trong bối cảnh Việt Nam cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, nhưng vì một đất nước Campuchia hòa bình, ổn định và phát triển, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, nhất là chính quyền và nhân dân các tỉnh ven biên giới đã nhường cơm, sẻ áo với bạn. Quân tình nguyện Việt Nam giúp bạn mở cảng biển Kampong Som và khôi phục tuyến đường sắt từ cảng đến Phnom Penh, góp phần vận chuyển hàng chục vạn tấn lương thực do các nước viện trợ (trong đó Việt Nam giúp khoảng 45.000 tấn) về phân phối đến từng người dân. Đến cuối năm 1980, đầu năm 1981, Campuchia cơ bản đã ngăn chặn được nạn đói.
Để đưa người dân chạy nạn trở về quê hương, Quân tình nguyện Việt Nam đã sử dụng mọi phương tiện vận chuyển, đưa hơn 1 triệu dân đang chịu cảnh màn trời, chiếu đất, xáo trộn chỗ ở trở về quê cũ - nơi mà chế độ Pol Pot đã buộc họ phải rời bỏ trước đây - sớm ổn định cuộc sống. Đối với những nơi chưa có điều kiện, ta động viên bà con tạm ở lại làm ăn, khi tình hình cho phép sẽ đưa họ trở về. Quân tình nguyện đã đóng góp công sức, vật liệu giúp xây dựng lại nhà cửa, trường học, bệnh xá, phân phát dụng cụ gia đình, công cụ sản xuất, hạt giống, con giống để nhân dân bạn khôi phục sản xuất. Đồng thời, để khắc phục dịch bệnh đang hoành hành khắp nơi ở Campuchia, các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam nhanh chóng cử đội ngũ quân y cùng chuyên gia y tế Việt Nam sang, giúp bạn từng bước khôi phục hệ thống chăm sóc sức khỏe, tổ chức khám chữa bệnh cho nhân dân; giúp nhân dân vệ sinh thôn, bản, làng, xã, phố, phường thực hiện phòng, chống dịch bệnh… “Bộ đội nhà Phật” đã giúp nhân dân Campuchia thực hiện cuộc hồi sinh dân tộc vĩ đại, góp phần củng cố và phát triển tình đoàn kết truyền thống giữa hai dân tộc Việt Nam - Campuchia.
Đến tháng 4-1988, căn cứ vào tình hình thực tế trong nước, khu vực và nội bộ nước bạn, Bộ Chính trị Việt Nam quyết định bàn giao các công việc và đẩy nhanh tiến độ rút Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam ở Campuchia về nước. Sau khi Đoàn 478 Chuyên gia quân sự Việt Nam rút về nước (tháng 6-1988), từ ngày 21 đến ngày 26-9-1989, các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam tổ chức đợt rút quân cuối cùng về nước, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ quốc tế giúp cách mạng Campuchia. Ngày 29-9-1989, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra tuyên bố về việc hoàn thành rút toàn bộ Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia về nước. Hơn 10 năm trên đất nước chùa tháp, Quân tình nguyện Việt Nam đã ghi dấu ấn sâu sắc về bản chất cách mạng và truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam, góp phần tô thắm tình đoàn kết chiến đấu giữa quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia.
Ngài Hun Sen, hiện đang là Chủ tịch Thượng viện Campuchia đã nhiều lần khẳng định, nếu không có sự giúp đỡ của Việt Nam thì Campuchia không có ngày hôm nay. Tại Lễ khánh thành Khu Di tích lịch sử Địa điểm thành lập Đoàn 125 - Tiền thân Quân đội nhân dân cách mạng Campuchia tại Đồng Nai (tháng 1-2012), ông Hun Sen (khi này là Thủ tướng Chính phủ Campuchia) đã khẳng định rằng: "Chúng ta có thể hỏi rằng trên thế giới này, có đất nước nào đã giúp nhân dân Campuchia, đặc biệt là giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot và ngăn cản sự quay lại của chúng? Câu trả lời chính là nhân dân và Quân đội Việt Nam. Nhân dân Campuchia có niềm tin, chỉ có Tiên, có Phật mới cứu giúp được những phận người khi gặp khó khăn khốn cùng. Đúng vào lúc người dân Campuchia sắp chết, chỉ còn biết chắp tay khẩn cầu Tiên, Phật tới cứu thì bộ đội tình nguyện Việt Nam xuất hiện. Bộ đội Việt Nam chính là “Đội quân nhà Phật”.
Theo qdnd.vn
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận