Khủng hoảng Ukraine tác động như thế nào đến kinh tế thế giới?
Hãng tin Bloomberg mới đây đã có bài phân tích cho rằng cuộc khủng hoảng Ukraine mang lại những rủi ro lớn cho nền kinh tế thế giới vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau cú sốc đại dịch. Giá cả tăng cao, sức ép lạm phát và chứng khoán sụt giảm là những vấn đề đang xảy đến với kinh tế thế giới.
Sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo quyết định triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Donbass, miền Đông Ukraine, hầu hết thị trường chứng khoán toàn cầu đều giảm với biên độ 2-3%.
Trong khi đó, giá của nhiều mặt hàng nhiên liệu lại “nhảy múa” với nhịp điệu hết sức khó lường. Lần đầu tiên kể từ năm 2014, giá dầu vượt ngưỡng 100USD/thùng, trong khi giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu cũng tăng tới 62%. Giá năng lượng tăng cao được cho là sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới, làm giảm hiệu quả của những gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế mà các quốc gia đang thực hiện trong năm nay.
Ngoài giá năng lượng thì giá hàng hóa cũng leo thang chóng mặt. Nga và Ukraine là hai nhà cung cấp lớn về kim loại và nhiều loại lương thực, từ lúa mì cho tới đồng, niken. Do đó, cuộc khủng hoảng quan hệ giữa hai bên có tác động rất lớn đến giá cả của nhiều mặt hàng trên thị trường thế giới.
Giá nhôm đã chạm mức kỷ lục 3.449USD/tấn, tăng 21% từ đầu năm đến nay. Niken có lúc chạm ngưỡng 25.610USD/tấn, mức cao nhất hơn 1 thập kỷ. Giá lúa mì tại châu Âu cũng tăng cao lên 344 euro (384USD)/tấn trong phiên giao dịch ngày 24-2.
Nhiều nhà phân tích lo ngại chuỗi cung ứng các mặt hàng này có thể bị gián đoạn nghiêm trọng khi cuộc khủng hoảng tiếp tục diễn biến xấu. “Ukraine được xem là vựa lúa mì của châu Âu và cuộc khủng hoảng tại đây sẽ khiến chuỗi cung ứng lương thực gánh hậu quả nặng nề", Alan Holland-người sáng lập, CEO của Keelvar, một công ty chuyên cung cấp phần mềm hỗ trợ tìm nguồn cung ứng cho doanh nghiệp, cho biết.
Thực tế, không chỉ các nước trong Liên minh châu Âu (EU), nhiều quốc gia tại Trung Đông và châu Phi cũng phụ thuộc vào lúa mì và ngô từ Ukraine. Vì vậy, gián đoạn chuỗi cung ứng có thể ảnh hưởng tới an ninh lương thực tại các khu vực này.
Riêng đối với mặt hàng kim loại, sự thiếu hụt và tăng giá mạnh của các mặt hàng này sẽ ảnh hưởng đến nhiều ngành công nghiệp như xây dựng, bao bì, ô tô và pin xe điện.
Trong đại dịch, thế giới đã chứng kiến những sự gián đoạn nhỏ tại một khu vực cũng có thể gây ra thách thức lớn ở một nơi rất xa. Từ sự việc đơn lẻ, như thiếu hụt một vài mặt hàng, cũng có thể dẫn đến những tác động bao trùm cả nền kinh tế thế giới.
Hiện nay, đa số các quốc gia vẫn đang chật vật phục hồi từ cú sốc đại dịch. Do vậy, dư chấn từ cuộc khủng hoảng Ukraine có thể dễ dàng làm trầm trọng thêm những “vết thương kinh tế” do đại dịch Covid-19 gây ra.
Theo Chủ tịch Ngân hàng thế giới (World Bank) David Malpass, cuộc khủng hoảng sẽ gây ra những tác động kinh tế-xã hội sâu rộng. Làn sóng tăng giá đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Nga như dầu, khí đốt và nguyên liệu sản xuất kim loại thô-dự kiến sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát vốn đang gia tăng và sản xuất ngừng trệ do đại dịch Covid-19. Điều này cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới những chiến lược, chính sách tiền tệ của các quốc gia trên thế giới.
Tuy nhiên, hiện tại còn quá sớm để có thể đưa ra đánh giá chính xác về tác động của cuộc khủng hoảng. Hãng tin Bloomberg nhận định mức độ của các tác động sẽ phụ thuộc vào những diễn biến tiếp theo trong cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Nếu xung đột kéo dài, kèm với phản ứng cứng rắn hơn của các quốc gia phương Tây, sự gián đoạn đối với hoạt động xuất khẩu dầu khí của Nga sẽ gây ra cú sốc năng lượng lớn hơn và là đòn giáng mạnh vào thị trường toàn cầu. Nhưng nếu xung đột sớm kết thúc, điều này sẽ giúp ngăn chặn vòng xoáy leo thang của thị trường hàng hóa toàn cầu, qua đó những biến động kinh tế cũng phần nào giảm bớt.
Theo QĐND
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận