Nga đánh giá cao tuyên bố của tổng thống Ukraine về trưng cầu dân ý
Ngày 22/3/2022, Hãng thông tấn RIA Novosti dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga đánh giá cao tuyên bố của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về tổ chức cuộc trưng cầu dân ý.
“Các vấn đề thảo luận với Nga về bảo đảm an ninh, về việc công nhận Cộng hòa Nhân dân Luhansk và Donetsk, về Crimea cuối cùng nên được quyết định bởi người dân Ukraine trong một cuộc trưng cầu dân ý”, ông Peskov cho hay.
Bình luận trên của ông Peskov được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Zelensky tuyên bố bất kỳ nhượng bộ nào được nhất trí với Nga trong các cuộc đàm phán cũng sẽ cần được người dân Ukraine bỏ phiếu thông qua trong cuộc trưng cầu dân ý, và ông sẵn sàng ủng hộ bất kỳ thỏa thuận nào mà người dân Ukraine chấp nhận. Trước đó, Tổng thống Zelensky cho hay, một cuộc gặp với người đồng cấp Nga Vladimir Putin "theo bất kỳ khuôn khổ nào" là cần thiết để kết thúc cuộc xung đột hiện nay. Theo đó, Tổng thống Zelensky sẵn sàng thảo luận về các điều khoản mà phía Nga đưa ra sau khi Kiev nhận được sự bảo đảm về an ninh. “Đây là một tình huống rất khó khăn đối với tất cả mọi người, đối với Crimea, đối với Donbass... Để tìm được lối thoát, cần phải thực hiện bước đầu tiên này như tôi đã đề cập: Bảo đảm an ninh, kết thúc chiến tranh", TASS dẫn tuyên bố của Tổng thống Zelensky.
Nhận định về các vòng đàm phán đã diễn ra giữa hai bên, ngày 21-3, người phát ngôn Điện Kremlin đánh giá các cuộc đàm phán hòa bình giữa Moscow và Kiev vẫn chưa đạt được kết quả đột phá nào, đồng thời kêu gọi các nước tích cực tác động để Kiev “thể hiện tinh thần xây dựng hơn” trong các cuộc đàm phán. Theo ông Peskov, cần có những tiến bộ đáng kể trong đàm phán để tạo cơ sở cho một cuộc gặp tiềm năng giữa Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Ukraine Zelensky.
Liên quan đến hoạt động quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, Zvezda đưa tin, ngày 21-3, các lực lượng vũ trang Nga đã đưa tàu đổ bộ cỡ lớn tới cảng Berdyansk nằm ở phía Tây Nam của thành phố Mariupol trên biển Azov. Theo đó, Nga đã kiểm soát gần hết khu vực duyên hải Ukraine dọc biển Azov, trừ thành phố Mariupol. Cùng ngày, trước tình hình chiến sự tiếp tục diễn biến căng thẳng, Thị trưởng Kiev Vitalii Klitschko tuyên bố lệnh giới nghiêm ở thủ đô Ukraine từ 8 giờ tối 21-3 đến 7 giờ sáng 23-3 (giờ địa phương). Lệnh giới nghiêm trước đó kéo dài 1,5 ngày đã được áp dụng ở Kiev từ tối 15-3 đến sáng sớm 17-3.
Trong một diễn biến liên quan, trước thực tế dòng người tị nạn Ukraine vào các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) ngày càng tăng, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock ngày 21-3 đã lên tiếng kêu gọi các nước EU giúp giảm tải cho các quốc gia có đường biên giới với Ukraine và đề xuất lập một cầu hàng không để phân bổ tiếp nhận số người tị nạn trong EU. Theo số liệu của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), đã có hơn 3,5 triệu người từ Ukraine sơ tán sang các nước EU, chủ yếu tới Ba Lan, Romania, Hungary và Slovakia. Việc cung cấp nơi ăn ở cho những người sơ tán đang đặt ra thách thức lớn đối với EU.
Cũng trong ngày 21-3, Reuters dẫn lời ông Josep Borrell, đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU tuyên bố khối này sẵn sàng áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Nga. Phát biểu với báo chí sau cuộc gặp các ngoại trưởng EU tại Brussels, ông Borrell cho hay: “Các biện pháp hạn chế tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong cách tiếp cận của chúng tôi và chúng tôi sẵn sàng tiến hành các biện pháp tiếp theo cùng với các đối tác của mình”.
Trước thông tin EU đang thúc đẩy một lệnh cấm vận dầu mỏ của Nga như một phần các lệnh trừng phạt bổ sung nhằm vào Moscow, đại diện Điện Kremlin tuyên bố nếu cấm vận dầu mỏ của Nga, châu Âu sẽ phải chịu thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng đến cân bằng năng lượng của châu lục này, song điều đó lại không gây ảnh hưởng tới Mỹ.
Kể từ khi triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Nga đã phải gánh chịu nhiều biện pháp trừng phạt nặng nề của Mỹ và các nước phương Tây. Tuy nhiên, Hãng thông tấn RIA Novosti ngày 22-3 dẫn nguồn Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) cho hay, các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây đã phơi bày những thiếu sót của hệ thống kinh tế và tài chính toàn cầu. Từ góc độ toàn cầu, các lệnh trừng phạt này đang làm trầm trọng thêm căng thẳng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đẩy giá năng lượng và nguyên liệu thô lên cao, đồng thời làm gia tăng tốc độ lạm phát toàn cầu vốn đã nghiêm trọng. Các biện pháp trừng phạt cũng sẽ tạo thêm rủi ro và sự không chắc chắn cho các tổ chức tài chính ở các nước thứ ba chịu nhiều ảnh hưởng của Nga. Việc đóng băng hàng trăm tỷ USD dự trữ ngoại hối của Nga đã phủ bóng đen lên sự ổn định và độ tin cậy của hệ thống và trật tự tài chính tiền tệ quốc tế. Các lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow cho thấy sự phụ thuộc quá mức của nền kinh tế thế giới vào đồng USD và hệ thống tài chính của Mỹ, đồng thời có thể khuyến khích các nước khác tìm cách đa dạng hóa dự trữ ngoại hối, tiền tệ và hệ thống thanh toán...
Trong một diễn biến khác, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Abdullah Shahid xác nhận, hôm nay (23-3), Đại hội đồng Liên hợp quốc sẽ triệu tập phiên họp đặc biệt khẩn cấp lần thứ 11 để thảo luận về hoạt động quân sự của Nga tại Ukraine. Các phiên họp đặc biệt tiếp theo có thể được tổ chức không giới hạn số lần trong trường hợp cần thiết. Trong phiên họp khẩn cấp ngày 2-3, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết yêu cầu Nga rút các đơn vị quân đội khỏi lãnh thổ Ukraine và kêu gọi các bên chấm dứt sử dụng vũ lực.
Theo QĐND
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận