A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những ngày cuối cùng của chế độ Khmer Đỏ

Ngày này 44 năm trước (7-1-1979 / 7-1-2023), các chiến sĩ Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia (KUFNS) (nay là Mặt trận Đoàn kết phát triển Tổ quốc Campuchia) cùng Quân tình nguyện Việt Nam đã tiến vào giải phóng Thủ đô Phnom Penh, lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ bạo tàn.

Đã 44 năm trôi qua, chiến thắng ngày 7-1-1979 là sự kiện lịch sử đánh dấu ngày Vương quốc Campuchia được giải cứu khỏi “thời kỳ đen tối nhất” - ngày quân và dân Campuchia với sự giúp đỡ của Quân tình nguyện Việt Nam đã lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ.

Những ngày cuối cùng của chế độ Khmer Đỏ
Người dân Campuchia chào đón các chiến sĩ KUFNS và Quân tình nguyện Việt Nam tại Phnom Penh sau khi chế độ Khmer Đỏ bị lật đổ. Ảnh: Khmertimes.

Và dưới đây là lời kể của 4 nhân chứng sống về những ngày cuối cùng của chế độ tàn bạo Khmer Đỏ.

Những ngày cuối cùng của chế độ Khmer Đỏ
Ông Nop Sokha, nhà sử học Campuchia. Ảnh: Khmertimes.​​​​​​

Nhà sử học Nop Sokha, 53 tuổi, chia sẻ: "Những ngày đầu tháng 1-1979, chúng tôi giật mình bởi tiếng súng và tiếng nổ lớn mà chưa từng nghe trước đó. Ngày 5-1, tôi nhận thấy lực lượng Khmer Đỏ rất hoang mang, chạy tán loạn và tiến hành các cuộc họp bí mật. Hôm sau, mẹ đánh thức tôi dậy và nói các lực lượng Khmer Đỏ đang rời khỏi thành phố. Tất cả người dân ở Phnom Penh phải đi theo chúng. Trong vài tuần tiếp đó, chúng tôi khổ sở phải di chuyển với binh lính Khmer Đỏ cho đến khi đến được một doanh trại ở tỉnh Kampong Speu. Quãng đường đi dài khiến chúng tôi bị mất sức vì đói khát do không có đủ thức ăn và phải di chuyển liên tục.

Tôi còn nhớ, lần đầu tiên được gặp những người lính Việt Nam sau khi thoát khỏi Khmer Đỏ, chúng tôi rất sợ, bởi trước đây bọn Khmer Đỏ đã tuyên truyền với chúng tôi rằng bộ đội Việt Nam sẽ mổ bụng chúng tôi, nhét cỏ vào và khâu bụng chúng tôi lại. Nhưng khi tất cả những người lính đó đến gần chúng tôi và hỏi chúng tôi bằng tiếng Khmer, “các anh chị Campuchiakhỏe không?”- lúc đó tất cả chúng tôi cùng òa lên, reo hò vì sung sướng".

Những ngày cuối cùng của chế độ Khmer Đỏ
Chhay Lyhour, nhân viên một nhà hàng ở Campuchia. Ảnh: Khmertimes.

Bà Chhay Lyhour, 58 tuổi, hiện làm việc tại một nhà hàng ở Campuchia hồi tưởng về nỗi đau mất mát người thân: "Hồi đó tôi sống ở Koh Along Chen, dưới sự cai trị tàn bạo của chế độ Khmer Đỏ. Chúng tôi trải qua những gian khổ cùng cực, cái đói đang giết dần chúng tôi. Dù tôi không nhớ hết chuyện gì đã xảy ra vào ngày 7-1-1979, nhưng nỗi đau đớn tôi không thể nào quên là cha mẹ tôi đã bị Khmer Đỏ giết hại. Thời kỳ 3 năm 8 tháng 20 ngày (17-4-1975 / 7-1-1979) là khoảng thời gian đau khổ nhất trong cuộc đời tôi. Tôi bị ép phải ly tán khỏi gia đình của mình, phải “ăn nhờ, ở đợ” nhà bà con đến ngày đất nước được giải phóng", cuộc đời tôi quá bất hạnh".

Những ngày cuối cùng của chế độ Khmer Đỏ
Ông Hong Kiet, 75 tuổi, thợ cơ khí đã về hưu. Ảnh: Khmertimes.​​​​​​

Ông Hong Kiet, 75 tuổi, một thợ cơ khí đã về hưu xúc động nhớ lại: "Cũng chính nhờ kỹ năng của mình mà tôi đã thoát khỏi sự sát hại của Khmer Đỏ. Tôi được bọn chúng đưa vào làm việc tại một đơn vị sản xuất gạch ở một ngôi làng hẻo lánh thuộc tỉnh Kampong Cham. May mắn thay, chỉ huy đơn vị là một người đàn ông tốt bụng. Ngày 7-1-1979, sau khi nghe đài phát thanh thông báo Phnom Penh đã được giải phóng, ông ấy cho phép tất cả chúng tôi về nhà hoặc đi bất cứ nơi nào chúng tôi có thể đi. Để có thể lên đường, chúng tôi cần thực phẩm, vì vậy chúng tôi đã giết gia súc của tập thể và chia cho nhau làm thực phẩm đi đường. Một mình với ít thực phẩm mang theo, tôi đi bộ đến Phnom Penh. Trên đường đi, tôi nhìn thấy hàng ngàn xác chết, cảnh tượng thật khủng khiếp. Tiếng súng vẫn vang lên cả ngày lẫn đêm. Tôi vẫn tiếp tục hành trình của mình, không hề sợ hãi. Tất nhiên, nếu bạn sống sót sau nạn diệt chủng Khmer Đỏ thì không có gì có thể khiến bạn sợ hãi cả. Trên đường đi, tôi cũng thấy người ta bán nhiều thứ, chẳng hạn như thực phẩm, quần áo và dĩ nhiên "tiền tệ" duy nhất cho chúng tôi sử dụng chính là gạo. Đó là lúc tôi chắc chắn rằng chúng tôi không còn nằm dưới sự kiểm soát bạo tàn, khát máu của Khmer Đỏ nữa. Khi tôi trở về nhà ở Russey Keo, Phnom Penh, trong nhà trống không, chẳng còn thứ gì đáng giá ở đó nữa, kể cả 3 con cá sấu do cha tôi nuôi cũng chẳng còn. Những ngày sau đó, tôi tìm thấy được dì của mình, bà nói với tôi rằng 6 thành viên trong gia đình tôi đều đã chết. Vậy là gia đình đã bỏ lại tôi một mình trên thế giới này!. Đau khổ nhưng tôi cũng đã chuẩn bị tinh thần cho những tin tức xấu nhất như vậy".

Những ngày cuối cùng của chế độ Khmer Đỏ
Ông Vong Sotheara, nhà sử học Campuchia. Ảnh: Khmertimes.

Ông Vong Sotheara, 51 tuổi, một nhà sử học Campuchia nói: "Khi đó, tôi chỉ khoảng 8 tuổi và sống cùng gia đình tại khu vực 42, tỉnh Kampong Cham trong những ngày cuối cùng của chế độ Khmer Đỏ. Vài ngày trước ngày 7-1-1979, chúng tôi nghe thấy tiếng súng và tiếng pháo kích liên tục. Tiếng súng và tiếng nổ lớn ngày càng tới gần hơn, đến ngày 7-1 thì toàn bộ lực lượng Khmer Đỏ kiểm soát khu vực tôi ở đã biến mất, chắc chúng sợ chúng tôi trả thù. Mẹ tôi nói rằng một cuộc chiến khác chắc chắn đã nổ ra, vì vậy chúng tôi quyết định trốn chạy vào trong rừng. Chúng tôi tìm kiếm thực phẩm từ các nhà kho và nhà bếp của tập thể để mang theo. Tôi vẫn nhớ như in, trên đường chạy vào rừng, một quả đạn pháo rơi xuống ruộng lúa, cách chỗ tôi không xa lắm. Tiếng nổ của nó làm tôi choáng váng và ngã xuống đất, làm đổ hết gạo trong chiếc ấm đồng mà tôi đang mang theo. Nhưng, may mắn không bị thương tích nghiêm trọng.

Vài ngày sau, chúng tôi bắt gặp một nhóm lính Khmer Đỏ, tất cả chúng đều trông yếu ớt và vẻ mặt đầy thất vọng. Với giọng mệt mỏi chúng hỏi đường chúng tôi rồi nhanh chóng bỏ đi. Với sự uất hận của người dân thì hành vi trả thù không phải là bất thường vào thời điểm đó. Một chỉ huy Khmer Đỏ không kịp trốn thoát đã bị dân làng tôi giết chết. Thật xót xa, nhưng cũng không thể đổ lỗi cho người dân sau tất cả những đau khổ của họ. Ngày nay, một số sinh viên của tôi nghĩ rằng chiến tranh và hỗn loạn thật ly kỳ. Nhưng tôi luôn nhắc nhở họ rằng chiến tranh chẳng mang lại gì ngoài tang thương và đau khổ".

Theo QĐND điện tử


Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội