A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nỗ lực hòa giải xung đột Nga - Ukraine

Khi chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine vẫn tiếp diễn, cộng đồng quốc tế đang không ngừng nỗ lực đưa hai bên xích lại gần nhau, tháo gỡ bất đồng để hòa giải xung đột.

Theo Reuters, ngày 21-3, Thủ tướng Israel Naftali Bennett, người đang cố gắng làm trung gian hòa giải xung đột Nga-Ukraine cho biết, mặc dù các cuộc đàm phán giữa Moscow và Kiev đã đạt một số bước tiến, song vẫn còn những khoảng cách lớn giữa hai bên. Trong một phát biểu, ông Bennett nhấn mạnh: “Israel cùng với những người bạn khác trên thế giới sẽ tiếp tục cố gắng thu hẹp khoảng cách và đưa chiến sự đến hồi kết”.

Tuyên bố của ông Bennett được đưa ra sau khi Mocow và Kiev đều nhận định, các cuộc đàm phán giữa hai bên đã đạt được một số tiến bộ. Theo Izvestia, ông Mykhailo Podolyak, Cố vấn của người đứng đầu Văn phòng Tổng thống Ukraine xác nhận rằng, phái đoàn nước này và phái đoàn Nga nối lại đàm phán vào ngày 21-3. Một nguồn tin trong phái đoàn Nga cũng cho biết, Moscow và Kiev tiếp tục làm việc về một thỏa thuận hòa bình.

Thủ tướng Israel Naftali Bennett (giữa) đã nhiều lần trao đổi với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (bên trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AP 

 

Về khả năng tổ chức cuộc đàm phán giữa lãnh đạo Nga và Ukraine, cùng ngày, ông Dmitry Peskov, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga nhấn mạnh, điều này đòi hỏi phái đoàn hai bên phải thống nhất về thỏa thuận tại các cuộc đàm phán hiện nay. Ông Peskov lưu ý, Nga cảm ơn tất cả các nước đã nỗ lực thúc đẩy đàm phán giữa Moscow và Kiev.

Trước đó, ngày 20-3, phát biểu trên CNN, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tiếp tục đề nghị đàm phán với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, đồng thời cho rằng đàm phán là cách duy nhất để chấm dứt xung đột. Theo ông Zelensky, hai nhà lãnh đạo Ukraine và Nga là những người đóng vai trò quan trọng để đạt được thỏa thuận chấm dứt chiến sự. “Nếu chỉ có 1% cơ hội để kết thúc chiến sự, chúng ta cần nắm bắt nó để đàm phán và trao đổi với Tổng thống Nga. Đối thoại là lối thoát duy nhất. Chỉ có hai chúng tôi, tôi và ông Putin, có thể đạt thỏa thuận về điều này", ông Zelensky nhấn mạnh. Ông Zelensky cũng ra tín hiệu rằng sẽ đưa ra “lằn ranh đỏ” về vấn đề toàn vẹn lãnh thổ.  

Bên cạnh đó, trong bài phát biểu hằng ngày gửi đến người dân Ukraine, ông Zelensky cũng đề xuất tổ chức đàm phán tại Israel. Theo Reuters, Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết, Israel đang thực hiện nhiều nỗ lực để tổ chức cuộc đàm phán hòa bình cấp cao nhất giữa Ukraine và Nga. Ông Zelensky nhận định, Thủ tướng Israel Bennett đã tăng cường nỗ lực để đưa hai bên xích lại gần nhau và đã nhiều lần nói chuyện với cả ông và ông Putin.

Israel là một trong số ít quốc gia có quan hệ hợp tác tốt đẹp với cả Ukraine và Nga. Thủ tướng Israel Bennett là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên có cuộc gặp với Tổng thống Nga Putin sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Tờ Financial Times nhận định, ông Bennett là nhà hòa giải quốc tế chính trong việc thúc đẩy các cuộc đàm phán giữa Ukraine và Nga. Cũng theo Financial Times, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cũng có đóng góp vào các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine.

Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine, phái đoàn hai nước đã tổ chức vài vòng đàm phán. Tuy nhiên, hai bên mới chỉ thống nhất được về vấn đề lập hành lang nhân đạo sơ tán dân thường, chưa nhất trí về lệnh ngừng bắn. Trưởng đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinsky nhấn mạnh, phái đoàn hai nước cần hoàn tất dự thảo hiệp định hòa bình trước khi bàn đến cuộc đàm phán giữa hai tổng thống.

Cùng ngày, trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình CBS, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Tần Cương khẳng định, Bắc Kinh sẽ tiếp tục thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình về tình hình Ukraine, cũng như nỗ lực thúc đẩy lệnh ngừng bắn ngay lập tức tại nước này. Nhà ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh cần có lý trí, sự can đảm và tinh thần ngoại giao để tháo gỡ cuộc khủng hoảng Ukraine. “Trung Quốc có quan hệ tốt với Nga và Ukraine. Trung Quốc có quan hệ chặt chẽ với Mỹ và châu Âu. Điều đó cho phép Trung Quốc liên lạc với tất cả các bên trong cuộc khủng hoảng. Vì vậy, Trung Quốc có thể giúp giải quyết cuộc khủng hoảng một cách hòa bình”, ông Tần Cương nhấn mạnh. Ngoài ra, ông Tần Cương cũng bác bỏ những thông tin sai lệch về việc Trung Quốc gửi vũ khí cho Nga, nhấn mạnh Bắc Kinh chỉ gửi thực phẩm, thuốc thang, túi ngủ và đồ ăn trẻ em, không gửi vũ khí cho bất kỳ bên nào. “Mối quan hệ đáng tin cậy giữa Trung Quốc và Nga là tài sản quý giá trong nỗ lực quốc tế nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng một cách hòa bình. Trung Quốc là một phần của giải pháp, không phải là một phần của vấn đề”, ông Tần Cương lưu ý.

Về tình hình tại Ukraine, Tổng thống Zelensky đã ký ban hành luật gia hạn tình trạng thiết quân luật ở nước này trong 30 ngày bắt đầu từ 5 giờ 30 phút ngày 26-3 (theo giờ địa phương). 

Trong một diễn biến liên quan, theo CNN, khi được hỏi liệu Washington có ủng hộ việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đến Ukraine hay không, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield đã loại trừ khả năng Mỹ đưa quân đội tới Ukraine. “Chúng tôi không muốn tình hình leo thang thành cuộc chiến với Mỹ”, bà Thomas-Greenfield nhấn mạnh.

Theo QĐND


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội