A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chiến thắng Ấp Bắc - bước trưởng thành của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam

 Sau những thất bại trong các cuộc càn quét cuối năm 1962, khi phát hiện lực lượng chủ lực của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam trú quân tại Ấp Bắc, xã Tân Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Tân Phú, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang), Mỹ và ngụy quân tay sai cấp tốc điều động lực lượng, phương tiện chiến tranh, tổ chức cuộc hành quân càn quét mang mật danh “Đức Thắng 01-63” nhằm tiêu diệt lực lượng của ta.

Ngày 2-1-1963, từ nhiều mũi, bằng đường bộ, đường thủy, đường không, quân địch tổ chức càn quét Ấp Bắc. Với tinh thần chiến đấu dũng cảm, gan dạ, mưu trí, không hề nao núng trước sức mạnh uy hiếp của quân địch, LLVT và nhân dân Ấp Bắc đã kiên quyết bám trụ đánh địch, chống càn. Dựa vào hệ thống công sự, trận địa, hầm hào chuẩn bị sẵn, với mọi vũ khí trong biên chế, quân và dân Ấp Bắc lần lượt đánh bại tất cả các đợt tiến công của địch, loại khỏi vòng chiến đấu 450 tên (trong đó có 11 cố vấn và nhân viên kỹ thuật Mỹ), bắn rơi 5 máy bay trực thăng, bắn hỏng nhiều chiếc khác; phá hủy 3 xe bọc thép M-113, đánh chìm 1 tàu chiến, làm thất bại hoàn toàn cuộc hành quân càn quét đầy tham vọng của địch.

Chiến thắng Ấp Bắc đã cổ vũ phong trào đấu tranh cách mạng và mở ra khả năng mới cho cách mạng miền Nam tiến lên đánh bại hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ xâm lược; đồng thời, đánh dấu bước phát triển của LLVT miền Nam, được thể hiện trên một số nội dung sau:       

Một là, xây dựng và giữ vững quyết tâm chống càn, khắc phục tư tưởng sợ địch, sợ “trực thăng vận”, “thiết xa vận” của địch.      

Kể từ sau phong trào Đồng khởi năm 1960, mặc dù ta tích cực, chủ động chuyển sang chuẩn bị tiến hành chiến tranh cách mạng, song về nhiều mặt chưa đáp ứng được yêu cầu. LLVT miền Nam, nhất là bộ đội chủ lực của Quân khu 8 còn ít về số lượng, thiếu về trang bị, lại chưa được huấn luyện theo yêu cầu chiến đấu mới, chưa được chuẩn bị đối phó với phương tiện chiến tranh hiện đại và những chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” của địch. Bên cạnh đó, lợi dụng địa hình trống trải của chiến trường đồng bằng, địch đã áp dụng và phát huy đến mức cao nhất ưu thế các phương tiện chiến tranh, chiến thuật mới, gây cho LLVT miền Nam nhiều tổn thất. Hoạt động của máy bay địch làm cho tình hình nông thôn căng thẳng, ăn ở, sản xuất của nhân dân bị đảo lộn, đi lại của cán bộ gặp khó khăn... Nguyên nhân chủ yếu, một phần do công tác quán triệt đường lối, chủ trương, nhiệm vụ chống càn của các LLVT chưa đầy đủ; đánh giá về địch-ta chưa đúng; công tác nắm và giải quyết công tác tư tưởng chưa tốt, nên xuất hiện tư tưởng sợ địch, đánh giá địch quá cao, nhất là sợ phi pháo, cơ giới, máy bay trực thăng của địch; một số cán bộ, chiến sĩ (CBCS) thiếu quyết tâm và chưa tích cực chống càn.

Chiến thuật "trực thăng vận" của Mỹ trong trận Ấp Bắc. Ảnh tư liệu 

 

Để khắc phục tình trạng đó, kịp thời động viên bộ đội quyết tâm chống càn, trong 6 tháng cuối năm 1962, cấp ủy các cấp, nhất là ở chi bộ đã đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Cán bộ chính trị được cử xuống các đơn vị, địa phương để triển khai công tác Đảng, công tác chính trị. Các Tiểu đoàn 261 và 514 còn được cán bộ chính trị của Quân khu 8 xuống trực tiếp quán triệt và triển khai nghị quyết, chú trọng xây dựng chi bộ 3 tốt, đại đội chiến đấu tốt, nhằm nâng cao sức mạnh lãnh đạo của chi bộ, xây dựng đại đội trở thành pháo đài kiên cố đánh bại chiến thuật mới của Mỹ. Nhờ vậy, công tác chính trị, giáo dục tư tưởng được tiến hành đến từng chiến sĩ, đã biến quyết tâm của đơn vị thành quyết tâm của từng chiến sĩ, đoàn kết chặt chẽ, dũng cảm, chấp hành nghiêm kỷ luật và sáng tạo trong chiến đấu. Bên cạnh đó, các chi bộ đại đội đều có nghị quyết lãnh đạo bộ đội bám trụ chống càn quét. Do vậy, dù đóng quân bất kỳ ở đâu, CBCS đều nêu cao quyết tâm chiến đấu, hăng hái đào đắp, củng cố công sự, trận địa, giữ nghiêm kỷ luật trú quân, dũng cảm, kiên cường trong chiến đấu.

Thực tiễn khi bước vào trận Ấp Bắc, mặc dù phải chiến đấu trong điều kiện quân địch có số lượng áp đảo, lại có phi pháo, xe thiết giáp, trực thăng và các trang bị kỹ thuật hiện đại chi viện, nhưng CBCS của ta vẫn kiên cường bám trận địa, quyết tâm chống càn. Sau một ngày kiên cường bám trụ, chiến đấu, quân và dân Ấp Bắc đã đánh bại 5 đợt tiến công của địch, giữ vững trận địa. Thắng lợi trong trận chống càn Ấp Bắc thể hiện rõ vai trò của công tác giáo dục chính trị tư tưởng, khẳng định truyền thống quyết chiến, quyết thắng của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam; đó còn là ý thức giác ngộ cách mạng, bản lĩnh chiến đấu, lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng và sự chịu đựng gian khổ, khó khăn, dám đánh, biết đánh và đánh thắng kẻ thù xâm lược của quân và dân miền Nam.

Hai là, công tác huấn luyện sát với yêu cầu nhiệm vụ; trình độ vận dụng chiến thuật phòng ngự, bố trí đội hình, sử dụng lực lượng ngày càng hoàn thiện.

Sau hội nghị tổng kết rút kinh nghiệm Phong trào du kích chiến tranh và phá ấp chiến lược lần thứ nhất (11-1962), Quân khu ủy và Bộ tư lệnh (BTL) Quân khu 8 triển khai nhiều biện pháp tích cực, chuẩn bị về tinh thần, vật chất và phương pháp chống địch càn quét, quyết tâm đánh bại các biện pháp chiến thuật mới của địch. BTL Quân khu 8 yêu cầu LLVT tích cực huấn luyện chiến thuật, kỹ thuật tiêu diệt các loại phương tiện chiến tranh hiện đại của địch, nhất là kỹ thuật bắn máy bay và xe thiết giáp M-113 bằng vũ khí thông thường. Đối với Tiểu đoàn 261 và Tiểu đoàn 514, Quân khu chỉ đạo cơ quan tham mưu cử cán bộ tác chiến và những cán bộ được đào tạo cơ bản tại Trường Sĩ quan Lục quân, khóa 10 ở miền Bắc về miền Nam từ đầu năm 1961 phụ trách các đơn vị và tổ chức huấn luyện cho CBCS về chiến thuật chống địch càn quét, cách bố trí trận địa phòng ngự và kỹ thuật bắn máy bay, xe bọc thép của Mỹ bằng hỏa lực sẵn có. Chỉ sau thời gian ngắn, bộ đội đã có nhiều tiến bộ, các kỹ thuật, chiến thuật được luyện tập một cách bài bản, sát với yêu cầu nhiệm vụ chống càn; đồng thời, có kế hoạch phối hợp, hiệp đồng 3 thứ quân và phương án chiến đấu cụ thể ở những xã, ấp đơn vị đóng quân.

Việc bố trí đội hình, công sự, trận địa, hỏa khí và triệt để vận dụng các hình thức chiến thuật trong chiến đấu có nhiều bước tiến quan trọng. Từ kinh nghiệm trong các trận chống càn năm 1962, CBCS thấy rõ tác dụng và giá trị của công sự, nêu cao tinh thần khắc phục khó khăn, quyết tâm bám trụ công sự để tiêu diệt địch, bảo tồn lực lượng. Thực tiễn tại Ấp Bắc, khi về đứng chân tại đây, các đơn vị đã tích cực hiệp đồng chặt chẽ với cơ sở đảng, chính quyền, lực lượng du kích và nhân dân địa phương, thống nhất kế hoạch phối hợp tác chiến và làm tốt công tác chuẩn bị, nhất là đào đắp, tu sửa công sự, bố trí đội hình, trận địa, hỏa lực và dự kiến đánh địch trên các hướng. Do địa hình ở đây trống trải, địch có thể càn quét vào từ nhiều hướng, nên các đơn vị được bố trí thành đội hình phòng ngự vòng tròn, dễ chi viện cho nhau bằng hỏa lực bắn thẳng và cầu vồng; các công sự cá nhân và tập thể liên tục được củng cố và ngụy trang chu đáo, sẵn sàng đánh địch từ nhiều phía. Mô tả việc xây dựng công sự bí mật tại Ấp Bắc, địch phải thừa nhận: “Các sĩ quan đã kiểm soát, hướng dẫn nông dân và chiến sĩ đào hố cá nhân mà không đụng đến tán lá xung quanh. Phần đất thừa được mang đi phân tán. Ở những nơi tán lá không đủ che, họ chặt những cành tươi cắm quanh hố cá nhân, ngay cả trực thăng và máy bay quan sát L-19 bay thấp cũng không phát hiện được họ”. Điều đó cho thấy, dù phải chiến đấu trên địa hình không thuận lợi, nhưng do bố trí đội hình, trận địa, hỏa khí hợp lý; đồng thời, biết vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức chiến thuật trong chiến đấu; lấy thế trận chiến tranh nhân dân chủ động của hai lực lượng, 3 mũi giáp công, nên ta đã giành thắng lợi trong trận chống càn Ấp Bắc.

Ba là, khả năng phối hợp, hiệp đồng giữa LLVT và nhân dân trên địa bàn tác chiến có sự phát triển.

Chiến thắng Ấp Bắc thể hiện bước phát triển trong phối hợp chiến đấu nhịp nhàng giữa các đơn vị chủ lực Miền với LLVT và nhân dân địa phương; là điển hình của một phương thức tác chiến trong chiến tranh nhân dân. Lực lượng tham gia trận đánh không chỉ có bộ đội chủ lực Quân khu 8, mà có cả bộ đội địa phương tỉnh Mỹ Tho và du kích trên địa bàn; không chỉ có lực lượng bộ binh mà cả công binh, đặc công; không chỉ đánh bằng súng đạn mà còn sử dụng công tác binh, địch vận. Trận đánh không những diễn ra ở Ấp Bắc, mà các mặt trận phối hợp được mở rộng ra toàn tỉnh với nhiều hình thức đánh đồn bốt, giao thông, bắn máy bay, kìm chân và uy hiếp địch. Do đó, khi các đơn vị đánh địch tại Ấp Bắc, bộ đội địa phương, du kích và nhân dân trong tỉnh đã đồng loạt phối hợp tiến công địch. Trong ngày 2-1-1963, một tổ công binh của tỉnh đã tổ chức đánh chìm một tàu, làm bị thương một số tàu khác trên kênh Nguyễn Tấn Thành. Đại đội 2, Tiểu đoàn 514 phối hợp chặt chẽ với du kích các xã Tân Lý Đông, Tân Lý Tây và Tân Hiệp bao vây các bốt Bến Lội, nhà thờ Tân Lý Đông, đột nhập Trường Huấn luyện Lam Sơn. Một bộ phận của Đại đội 2, Tiểu đoàn 514 phối hợp với du kích xã Tam Hiệp và xã Thân Cửu Nghĩa (huyện Châu Thành) bắn rơi máy bay trực thăng tại sân bay Thân Cửu Nghĩa; Đại đội 211 kiên quyết giữ chùa Phật Đá, sẵn sàng chi viện cho Ấp Bắc.

Tại Cai Lậy, trong hai đêm (2 và 3-1-1963), được sự giúp đỡ của các đơn vị bộ đội, du kích các xã Long Tiên, Long Khánh và Tam Bình liên tiếp bao vây bốt Long Tiên, phá ấp chiến lược Ba Dừa, bao vây các bốt Long Khánh, Tam Bình, phá ấp chiến lược Hòa Mỹ... Du kích hai xã Mỹ Hạnh Trung và Mỹ Phước Tây đánh tập kích xe vận chuyển quân từ Mộc Hóa về Cai Lậy. Cùng thời gian này, tại thị xã Mỹ Tho, phối hợp chặt chẽ với Ấp Bắc, bộ đội địa phương và du kích đột nhập căn cứ thiết giáp ở Tân Mỹ Chánh. Đội biệt động của thị xã phối hợp với du kích mật đánh một lô cốt đóng ven Khu 4 thị xã.

Phối hợp với tiến công quân sự, trên mặt trận chính trị và binh vận, ta đẩy mạnh đấu tranh, gây cho địch nhiều lúng túng. Trưa 2-1-1963, hơn 200 gia đình có chồng, con, anh em là binh sĩ địch tham gia cuộc hành quân càn quét vào Ấp Bắc, đã kéo vào bệnh viện thị xã đòi thăm người thân bị thương, đòi bồi thường tính mạng cho những người chết trận, đòi địch chấm dứt ngay cuộc hành quân... gây náo loạn tinh thần và làm đảo lộn mọi hoạt động của địch. Tại Cai Lậy, hơn 700 người dân các xã Mỹ Hạnh Đông, Mỹ Hạnh Trung, Mỹ Phước Tây bơi xuồng “tản cư ngược” lên khu trù mật Mỹ Phước Tây bao vây các trận địa pháo, không cho địch bắn vào xóm làng. Riêng Mỹ Tho, trong ngày 2 và 3-1-1963, đã có gần 130.000 lượt người khắp các đô thị, nông thôn nổi dậy đấu tranh với địch nhằm chia lửa với Ấp Bắc. Điều đó cho thấy, Ấp Bắc tuy là trận chống càn quét, nhưng là trận đánh có sự hiệp đồng nhịp nhàng giữa 3 thứ quân, giữa lực lượng ở khu vực trực tiếp đương đầu chống càn quét với lực lượng ở khu vực các xã, ấp lân cận; phối hợp nhuần nhuyễn giữa đấu tranh quân sự và chính trị, đánh địch tại chỗ và đấu tranh đánh địch trên bình diện rộng để căng kéo, phân tán quân địch, tạo điều kiện cho các lực lượng tại Ấp Bắc tổ chức chống càn giành thắng lợi.

Bốn là, trình độ tổ chức chỉ huy, tổ chức hiệp đồng, phán đoán địch và xử trí các tình huống có nhiều tiến bộ.

Trước khi diễn ra trận càn ở Ấp Bắc, trên địa bàn tỉnh Mỹ Tho, từ tháng 7 đến tháng 9-1962, địch liên tục sử dụng trực thăng đánh sâu vào vùng giải phóng và các căn cứ của tỉnh, gây nhiều thiệt hại, làm cho tinh thần một số CBCS và nhân dân hoang mang, dao động. Trước tình hình đó, Quân khu ủy và BTL Quân khu 8 đã tổ chức nhiều hội nghị để phân tích, đánh giá tình hình; đồng thời tìm ra các biện pháp đối phó với chiến thuật càn quét mới của địch. Sau khi nhất trí chủ trương chung, BTL Quân khu 8 quyết định sáp nhập Đại đội 1, Tiểu đoàn 514 tỉnh Mỹ Tho và Đại đội 1, Tiểu đoàn 261 (chủ lực Quân khu 8) thành một đơn vị, do đồng chí Hai Hoàng (Nguyễn Văn Điều), Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 261 chỉ huy, về đứng chân tại Ấp Bắc, cùng bộ đội địa phương và nhân dân chuẩn bị mọi mặt, sẵn sàng đánh các cuộc hành quân càn quét.

Sáng 2-1-1963, quân địch bắt đầu cơ động tiến công vào Ấp Bắc, một tiểu đoàn bảo an theo đường Tân Hội chia thành hai cánh, một cánh đánh vào cầu Trường Gà, một cánh đánh vào Cầu Sao. Cả hai cánh quân của địch đều bị du kích chặn đánh và dẫn dụ vào địa hình đã được chuẩn bị sẵn. Nắm chắc thời cơ, chỉ huy các đơn vị lệnh nổ súng ngăn chặn, kết hợp tổ chức lực lượng cơ động đánh vào bên sườn đội hình tiến công của địch. Bị đánh bất ngờ, hai cánh quân này nhanh chóng bị tiêu diệt. Cùng chung số phận với hai mũi tiến công trên bộ, mũi đường thủy theo kênh Nguyễn Tấn Thành, gồm 13 tàu chiến chở quân địch đánh vu hồi vào sau đội hình phòng ngự của ta, cũng bị chặn đánh quyết liệt và thiệt hại nặng.

Sau đợt tiến công bằng đường bộ và đường thủy vào Ấp Bắc không thành công, chỉ huy cuộc hành quân của địch quyết định sử dụng chiến thuật “trực thăng vận”. Rút kinh nghiệm những lần trước, chúng dùng một bộ phận nhảy xuống trước để thăm dò phản ứng, phát hiện lực lượng của ta. Phán đoán được ý đồ của địch, các đơn vị của ta nhanh chóng triển khai kế hoạch nghi binh, kiên quyết giữ bí mật, tuyệt đối không nổ súng. Sau khi không thấy ta phản ứng, chúng liên tục cho máy bay chở quân đổ xuống các vị trí đã được tính toán. Nắm chắc thời cơ và phán đoán các tình huống, chờ khi trực thăng của địch vừa hạ xuống bãi đáp, hỏa lực các loại của bộ đội, du kích đồng loạt phát hỏa, gây cho chúng nhiều tổn thất.

Bị thất bại và không đạt được mục đích, quân địch thay đổi hướng tiến công, chúng đánh vào ấp Tân Thới. Mặc dù được hỏa lực của pháo binh và trực thăng vũ trang yểm trợ, nhưng do bị ám ảnh bởi những thiệt hại trước đó, tinh thần quân địch càng hoang mang cực độ, tiến quân chậm và thận trọng. Trên quãng đường hơn 1km nhưng phải mất hơn một giờ đồng hồ, chúng mới đến được ấp Tân Thới. Đợi cho quân địch lọt vào trận địa mai phục sẵn, bộ đội và du kích bất ngờ nổ súng đánh đòn áp đảo, sau đó tổ chức nhiều mũi xuất kích chia cắt đội hình tiến công, đánh lui các đợt xung phong của chúng.

Sau khi dùng bộ binh, thiết giáp tiến công từ nhiều hướng, nhiều mũi đều thất bại, địch sử dụng quân dù đổ bộ, kết hợp với bộ binh, thiết giáp tiến công vào trận địa của ta. Với sự chỉ huy kiên quyết và lòng quả cảm chiến đấu của bộ đội, các đơn vị đã kìm chặt các mũi tiến công đường bộ, thu hút hỏa lực của xe thiết giáp và pháo cối, tập trung đánh quân dù, đánh ngay khi chúng đang đổ bộ và vừa đổ bộ; tạo thế xen kẽ, chia cắt, tiêu diệt, làm cho địch lúng túng, không kịp trở tay. Với hai phần ba số quân dù đổ xuống khu vực ấp Tân Thới bị thương vong nặng, lực lượng thiết giáp và bộ binh xung phong vào Ấp Bắc cũng bị tổn thất lớn, quân địch buộc phải kết thúc cuộc hành quân càn quét sau một ngày thảm bại trên địa bàn Ấp Bắc.

Thực tiễn đã khẳng định, chiến thắng Ấp Bắc là sự vận dụng tài tình nghệ thuật quân sự của người chỉ huy, của phân đội đã được huấn luyện qua một thời gian ngắn; chất lượng của LLVT miền Nam có sự thay đổi rõ rệt, hiệu suất tiêu diệt địch được nâng cao, bộ đội dần thích nghi với địa hình, xác định cách đánh phù hợp, buộc địch phải tác chiến theo cách đánh của ta. Kết quả trận đánh là sự kết hợp chặt chẽ giữa tác chiến cụ thể của bộ đội, của người chỉ huy, hiệp đồng của các đơn vị và xử trí các tình huống trong quá trình chiến đấu.

Chiến thắng Ấp Bắc là chiến thắng của sức mạnh tổng hợp chính trị, quân sự, binh vận được kết hợp một cách sáng tạo và tài tình. Chiến thắng đó để lại nhiều bài học kinh nghiệm có giá trị về lý luận và thực tiễn sâu sắc, cần tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng và phát huy trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) hiện nay, đó là:

Thứ nhất, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với QĐND Việt Nam. Lịch sử xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của QĐND Việt Nam luôn gắn liền với sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó vừa là quy luật, nguyên tắc cao nhất, nhằm bảo đảm cho Quân đội không ngừng lớn mạnh, trưởng thành; là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu, tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách “phi chính trị hóa” Quân đội, nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội. Do đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân cần quán triệt, nắm vững đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng và BVTQ trong tình hình mới. Tập trung xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch, vững mạnh, mẫu mực, tiêu biểu cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng trong Đảng bộ Quân đội; thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến dịch, chiến lược có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu “phi chính trị hóa” Quân đội của các thế lực thù địch, phản động; phòng ngừa, ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, bảo đảm cho Quân đội luôn là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp xây dựng và BVTQ dưới sự lãnh đạo của Đảng.    

Thứ hai, thường xuyên chăm lo xây dựng QĐND Việt Nam vững mạnh, có cơ cấu tổ chức và quân số hợp lý; chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu ngày càng cao. Toàn quân tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả Nghị quyết của Bộ Chính trị “Về tổ chức QĐND Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo”; phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành cơ bản điều chỉnh tổ chức, biên chế Quân đội “tinh, gọn, mạnh”, tạo nền tảng vững chắc để đến năm 2030 xây dựng Quân đội hiện đại, có cơ cấu cân đối, đồng bộ, hợp lý giữa các thành phần, lực lượng; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, giảm đầu mối trung gian, tạo sự đồng bộ giữa vũ khí, trang bị với nhân lực và công tác bảo đảm. Chú trọng xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, chất lượng ngày càng cao, được quản lý chặt chẽ, sẵn sàng huy động trong mọi tình huống. Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp trên các vùng, miền, trên biển. Cùng với đó, tăng cường đổi mới công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; đẩy mạnh nâng cao chất lượng huấn luyện, giáo dục-đào tạo, chú trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát thực tế chiến đấu; huấn luyện làm chủ vũ khí, trang bị, nhất là vũ khí, khí tài mới, hiện đại cho lực lượng thường trực, dự bị động viên và dân quân tự vệ. Coi trọng chất lượng công tác hậu cần, kỹ thuật, công nghiệp quốc phòng... bảo đảm nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của Quân đội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và BVTQ trong tình hình mới.

Thứ ba, tập trung mọi nguồn lực xây dựng khu vực phòng thủ (KVPT) vững chắc, tạo nền tảng tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh, BVTQ trong tình hình mới. KVPT là bộ phận hợp thành của nền quốc phòng toàn dân, giữ vị trí chiến lược trong sự nghiệp BVTQ. Xây dựng KVPT vững chắc là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước. Sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó cốt lõi nhất là thế trận và lực lượng. Việc xây dựng KVPT vững chắc là một nội dung quan trọng trong xây dựng thế trận, nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và BVTQ. Do vậy, toàn quân cần quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 22-9-2008 của Bộ Chính trị khóa X “Về tiếp tục xây dựng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành KVPT vững chắc trong tình hình mới”; Nghị định số 21/2019/NĐ-CP, ngày 22-2-2019 của Chính phủ về KVPT. Trên cơ sở đó, tập trung mọi nguồn lực xây dựng KVPT vững chắc, tạo cơ sở vật chất cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: Có cơ chế huy động nguồn lực từ địa phương và nguồn lực xã hội cho xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh tại các KVPT. Theo đó, trong thời gian tới cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo bước đột phá trong xây dựng các tiềm lực của KVPT, nhất là tiềm lực chính trị-tinh thần; tăng cường xây dựng tiềm lực kinh tế, tiềm lực thế trận quân sự trên các địa bàn chiến lược, xung yếu; kết hợp phát triển kinh tế, xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh, tạo nguồn lực vật chất, kỹ thuật xây dựng KVPT ngày càng vững chắc.

Thứ tư, tăng cường hợp tác quốc tế, mở rộng các hoạt động đối ngoại quân sự-quốc phòng, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế để BVTQ từ sớm, từ xa. Đây là nội dung quan trọng nhằm tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, góp phần phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, tạo sức mạnh tổng hợp, nền tảng vững chắc để BVTQ từ sớm, từ xa. Thời gian tới, để chủ động, linh hoạt trong đối ngoại quốc phòng phục vụ xây dựng Quân đội, góp phần BVTQ từ sớm, từ xa; toàn quân quán triệt sâu sắc đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh theo tư duy mới về BVTQ; triển khai thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng và hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI đã xác định. Trong điều kiện đối tượng, đối tác đan xen, công tác đối ngoại quốc phòng thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực; kiên trì chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ theo phương châm “tích cực, chủ động, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả”; gắn đối ngoại quân sự-quốc phòng với chiến lược tổng thể của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân; nâng cao hiệu quả đối ngoại quốc phòng song phương, đưa quan hệ hợp tác với các nước đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả; tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin chiến lược, hiểu biết lẫn nhau, “thêm bạn, bớt thù”, nhằm tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế; kiên trì giải quyết các bất đồng và xung đột bằng các biện pháp hòa bình, trên tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Quân đội và đất nước trên trường quốc tế, chủ động bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Chiến thắng Ấp Bắc là một trong những chiến công vẻ vang, oanh liệt, thể hiện nghệ thuật, sức mạnh của hình thái chiến tranh nhân dân trong lịch sử kháng chiến chống xâm lược của quân và dân ta. Những bài học kinh nghiệm rút ra trong trận Ấp Bắc cần tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng và phát huy sáng tạo trong xây dựng Quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân BVTQ hiện nay.

Thượng tướng, TS LÊ HUY VỊNH (Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng)


Nguồn: Báo QDND
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội