A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chủ động phòng, chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất

Dải đất Khu Bốn có địa hình dài và hẹp, núi rừng hiểm trở, hệ thống sông suối nhiều; thời tiết khí hậu khắc nghiệt; hàng năm, có nhiều cơn bão đổ bộ gây mưa lớn, lũ lụt tại nhiều địa phương; các địa bàn miền núi thường xuyên xảy ra hiện tượng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất... Để chủ động ứng phó với loại hình thiên tai này trước mùa mưa lũ năm 2021, Quân khu 4 đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương trên địa bàn chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống giảm thiểu thiệt hại.

Bài 1: Thực trạng và nguyên nhân

Lũ ống, lũ quét, sạt lở đất là loại hình thiên tai thường xảy ra ở địa bàn trung du, miền núi vào mùa mưa lũ. Có nhiều nguyên nhân xảy ra hiện tượng thiên tai trên. Trong đó, từ đặc điểm địa hình các tỉnh trên địa bàn Quân khu phức tạp, thời tiết khắc nghiệt, hiện tượng thiên tai cực đoan, trái quy luật gây ra nhiều thách thức, khó khăn trong phòng, chống, ứng phó với các vụ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét.

Theo báo cáo của Liên hợp quốc, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất xảy ra ở hầu hết các nước trên thế giới, đặc biệt ở vùng trung du, miền núi và các lưu vực sông chịu ảnh hưởng của gió mùa, bão, áp thấp và hội tụ nhiệt đới. Mỗi năm trên toàn thế giới lũ ống, lũ quét, sạt lở đất gây thương vong khoảng 30.000 người, làm thiệt hại hàng tỉ USD. Các khu vực thường xảy ra sạt lở đất tập trung chủ yếu ở Châu Á và Đông Nam Á, nơi có mùa mưa kéo dài và thường xuyên chịu tác động của các cơn bão nhiệt đới.

Ở Việt Nam, tình hình lũ ống, lũ quét, sạt lở đất xảy ra có cường độ, quy mô ngày càng phức tạp. Theo thống kê, trước những năm 2000, cả nước đã xảy ra 448 trận lũ quét va sạt lở đất, trung bình 7 trận/năm. Còn trong giai đoạn từ 2000 - 2015 đã có tổng số 250 trận lũ quét va sạt lở đất (trung bình 15-16 trận/năm), làm 779 người thiệt mạng, 426 người bị thương...

Bản Sa Ná, xã Na Mèo,huyện Quan Sơn,Thanh Hóa bị thiệt hại nặng nề 
do trận lũ ống năm 2019. Ảnh: CTV

 

Những năm gần đây, tình hình lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn các tỉnh miền Trung xảy ra dồn dập với cường độ lớn, mức độ tàn phá càng cao hơn. Theo thống kê, chỉ tính riêng từ năm 2018 đến năm 2020, các tỉnh trên địa bàn Quân khu 4 xảy ra 10 trận lũ ống, lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng, làm thiệt mạng hơn 300 người dân và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu. Điển hình là đợt lũ quét ở xã Trung Thành, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa vào tháng 9 năm 2018 cuốn trôi 2 bản, 18 người thiệt mạng. Năm 2019, trận lũ ống kinh hoàng cuốn trôi cả bản Sa Ná, xa Na Mèo, huyện Quan Sơn, khiến 10 người thiệt mạng. Dịp tháng 10, 11 năm 2020 liên tiếp những vụ sạt lở đất xảy ra ở Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3, tỉnh Thừa Thien Huế và Đoàn 337 khiến 50 cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu cùng cán bộ, Nhân dân thiệt mạng, hy sinh. Trên thực tế, hình thái thiên tai sạt lở đất diễn ra rất phức tạp va không theo quy luật. 

Những khu vực sạt lở đất lớn tại Trạm kiểm lâm 67 ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế và ở Đoàn 337 đều không nằm trong những điểm cảnh báo nguy cơ sạt lở. Đây đều la nơi đã được khảo sát kỹ về địa chất để xây dựng nơi ở, làm việc ổn định từ hàng chục năm nay, nhưng sạt lở vẫn xảy ra. Theo Đại tá Nguyễn Xuân Hùng, Phó Đoàn trưởng Đoàn 337 thì quả núi bị sạt lở cách đơn vị 1,6 km đổ xuống khu vực doanh trại của đơn vị gần 2 triệu m3 đất, đá có nơi vùi lấp đến gần 10m. Đây là thảm họa bất ngờ, bởi Đoàn 337 đã đóng quân yên bình ở khu vực này hơn 20 năm và chưa bao giờ xảy ra hiện tượng trên. Khoảng cách từ doanh trại tới khu vực núi khá xa, đường đi của dòng lũ, sạt lở phức tạp, vượt xa so với logic khi nghiên cứu địa hình.

Nhận định về hiện tượng thiên tai cực đoan, trái quy luật của Đại tá Nguyễn Xuân Hùng cũng là đánh giá chung của các đại biểu tham dự Hội nghị rút kinh nghiệm công tác phòng, chống lụt bão năm 2020 do Bộ Tư lệnh Quân khu 4 tổ chức. Các ý kiến đều cho rằng, nguyên nhân cơ bản gây ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất là do địa hình có độ dốc lớn, mưa lớn kéo dài làm đất bị bão hòa nước, mất dần liên kết... Hơn nữa, mưa lớn kéo theo đất đá bồi lấp các khe suối nhỏ, các cống qua đường gây tắc nghẽn dòng chảy, tạo những khối nước lớn dần trên lưu vực sông, suối và tới hạn quy định, sẽ tạo ra lũ ống, lũ quét đổ xuống hạ du. Ngoai ra, do tac động của con người khiến hàng chục nghìn hec ta rừng nguyên sinh biến mất. Mất rừng tự nhiên cũng là nguyên nhân dẫn tới sạt lở đất. Nhiều nơi tỉ lệ che phủ của rừng lên tới 70-80%, nhưng chủ yếu là rừng tái sinh hoặc rừng trồng, do đó khả năng giữ nước của rừng hạn chế, khiến liên kết đất yếu…

Trước thực trạng đó, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã cử các đoàn công tác khảo sát doanh trại của các đơn vị đóng quân ở địa bàn miền núi; lập sơ đồ những địa bàn có thể xảy ra sạt lở đất trong thời gian tới. Trong đó, lập danh sách những đơn vị đóng quân ở địa bàn có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét đề nghị Bộ Quốc phòng phối hợp với các địa phương sớm có phương án di dời đến vị trí an toàn. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng và địa phương tính toán các nguy cơ, xây dựng các kế hoạch, phương án, triển khai các biện pháp phòng, chống thiên tai. Tính đến tháng 6 năm 2021, qua khảo sát, toàn Quân khu có tới hơn 40 điểm có thể gây ra nguy cơ sạt lở đất ảnh hưởng đến các cơ quan, đơn vị đóng quân. Đến nay, điểm sạt lở Đoàn 5 vào năm 2019 đã cơ bản khắc phục xong. Còn tại Đoàn 337 đang trong quá trình triển khai xây dựng doanh trại ở vị trí mới. Ở Kho K2, Cục Kỹ thuật đã triển khai gia cố các điểm sạt lở. Đồng thời, Bộ Tư lệnh Quân khu phối hợp với Bộ Quốc phòng và các địa phương nâng cao năng lực dự báo như phát triển hệ thống đo mưa tự động, xây dựng hệ thống cảnh báo lũ quét, sạt lở. Xây dựng bản đồ phân vùng nguy cơ xảy ra lũ quét sạt lở đất với tỷ lệ thích hợp (1/5000 với cấp huyện, 1/1000 - 1/2000 cấp xã) nhằm sắp xếp lại dân cư, di dời người dân trong vùng nguy cơ cao xảy ra thiên tai đến định cư ở nơi an toàn; quy hoạch phát triển dân sinh, kinh tế, xã hội và cơ sở hạ tầng. Tăng cường đảm bảo an toàn hồ đập chứa nước, đặc biệt đối với các hồ chứa đã xuống cấp; kiểm tra phương án bảo vệ dân cư vùng hạ lưu khi hồ chứa phải xả lũ khẩn cấp hoặc nguy cơ xảy ra sự cố vỡ đập. Chủ động xây dựng các nhà chống lũ, ke, tường chắn, công trình thoát lũ, trồng rừng. Kịp thời hỗ trợ thiệt hại và ổn định sản xuất cho người dân...

Các giải pháp đưa ra khá đồng bộ, nhưng trong điều kiện nguồn lực hạn chế, thời tiết biến đổi bất thường, Bộ Tư lệnh Quân khu tiếp tục chủ động phối hợp với cơ quan chức năng và các địa phương trên địa bàn nghiên cứu, thực hiện những giải pháp căn cơ, lâu dài, phù hợp với từng khu vực nhằm giảm thiểu thiệt hại thấp nhất của lũ ống, lũ quét, sạt lở đất thời gian tới.

(Còn nữa)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội