Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam: Đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm vào văn kiện Đại hội
Chiều 1/12/2023, trong khuôn khổ chương trình ngày làm việc thứ nhất, Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam đã chia thành các tổ thảo luận đóng góp ý kiến vào các văn kiện Đại hội.
Tại các trung tâm thảo luận, hầu hết các đại biểu đều thể hiện sự đồng tình, nhất trí cao với Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội cũng như Dự thảo Báo cáo sửa đổi bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Bên cạnh đó, phát huy trí tuệ và tinh thần trách nhiệm trước đoàn viên, người lao động và tổ chức Công đoàn, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết sâu sắc vào các văn kiện đại hội, trong đó chủ yếu là đóng góp cho phần chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chăm lo bảo vệ người lao động, thu hút, tập hợp đoàn viên vào tổ chức Công đoàn.
Trao đổi về các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn trong nhiệm kỳ tới, bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho rằng, các giải pháp chăm lo cho người lao động cần phải căn cơ, không chỉ là chăm lo chung chung, chăm lo về phúc lợi mà cần tập trung vào việc đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động để họ có thể giữ được việc làm, ổn định thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống. Bởi lẽ, bối cảnh hiện nay mặc dù có nhiều khó khăn nhưng những người lao động qua đào tạo vẫn giữ được việc làm.
Bà Bùi Thị Ngọc Trang, Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh Long An cho rằng: Việc phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở hiện nay gặp nhiều khó khăn không chỉ do chủ sử dụng lao động chưa hiểu và ủng hộ mà còn do nhận thức của người lao động về vai trò, vị thế của tổ chức công đoàn có những hạn chế. Do đó, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thì một trong những giải pháp tập hợp thu hút đoàn viên vào tổ chức công đoàn là tổ chức công đoàn phải đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, trong đó hướng hoạt động về cơ sở, chăm lo, bảo vệ tốt đoàn viên người lao động bằng những hoạt động thiết thực.
Theo bà Bùi Thị Ngọc Trang, bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho người lao động thể hiện ở thương lượng ký kết Thỏa ước lao động tập thể. Trước đây, quyền lợi của người lao động trong thỏa ước lao động tập thể thường là những quyền lợi nhỏ, thì giờ đây Công đoàn cơ sở phải thương lượng được những quyền lợi lớn hơn như phải được tăng lương hơn mức lương tối thiểu vùng, lao động nữ mang thai khi hết hợp đồng lao động không bị chấm dứt hợp đồng lao động.
Tâm đắc với 3 khâu đột phá đề ra trong dự thảo báo cáo chính trị Đại hội, ông Nguyễn Hữu Quang, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Sakurai Việt Nam (Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa) cho rằng, cán bộ Công đoàn cơ sở phải thể hiện được vai trò cầu nối giữa người lao động và chủ doanh nghiệp, phải linh hoạt hài hòa lợi ích giữa hai bên bởi lợi ích của người lao động và doanh nghiệp có mối quan hệ tương hỗ. Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn cơ sở hết sức quan trọng. Nếu thủ lĩnh công đoàn cơ sở nắm vững kiến thức pháp luật, kỹ năng hoạt động công đoàn thì sẽ có khả năng đàm phán thương lượng những quyền lợi tốt hơn cho người lao động và từ đó cũng sẽ có sức thu hút, tập hợp người lao động vào tổ chức công đoàn.
Góp ý dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội, đại biểu Đỗ Đức Thiện, Trưởng ban Chính sách pháp luật Liên đoàn Lao động tỉnh Lâm Đồng cho rằng, trong phần đánh giá chung Ban soạn thảo nên bổ sung thêm một số kết quả hoạt động tiêu biểu trong nhiệm kỳ để khái quát và toàn diện hơn. Tiêu biểu như các cấp công đoàn đã làm tốt công tác tham gia xây dựng chính sách pháp luật; tổ chức đối thoại với lãnh đạo từ chính phủ đến các cấp chính quyền; tổ chức các hoạt động chăm lo như tổ chức chương trình Tết sum vầy, đưa công nhân về quê đón Tết; chương trình phúc lợi đoàn viên…
Góp ý kiến về công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, ông Nguyễn Minh Sơn, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH SWCC SHOWA Việt Nam (đoàn đại biểu thành phố Hà Nội) cho rằng, 3 năm trở lại đây nhu cầu về lao động đang ngày một thay đổi, có doanh nghiệp sử dụng tới 80% tự động hóa. Một dây chuyền có thể tăng 2,5% công suất mà không cần nhiều người. Các ông chủ chỉ sử dụng các lao động ngắn hạn hoặc thời vụ và đây là thiệt thòi của người lao động. Từ thực tiễn đó, ông Sơn kiến nghị tổ chức công đoàn cần quan tâm hơn nữa đến chế độ, chính sách dành cho cán bộ công đoàn, nhất là cán bộ công đoàn cơ sở.
Cùng với các kiến nghị, đề xuất về tăng cường các giải pháp, cơ chế, chính sách, chăm lo đời sống cho cán bộ công đoàn, người lao động, các đại biểu cũng kiến nghị, đề xuất nhiều vấn đề liên quan như giữ nguyên tuổi nghỉ hưu của người lao động (nam là 60 tuổi, nữ là 55 tuổi); đầu tư nguồn lực cho công đoàn cơ sở để thúc đẩy công tác chuyển đổi số trong công đoàn; có giải pháp đột phá trong xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới…
Theo chương trình, sáng mai (2-12) Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam khai mạc phiên trọng thể. Tham gia phiên trọng thể có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ ngành Trung ương, địa phương và đại diện các tổ chức công đoàn quốc tế. Tại phiên trọng thể, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ phát biểu chỉ đạo Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.
Theo QĐND Điện tử
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận