A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đại tướng Lê Đức Anh với quân dân Khu 4

Những ngày này, quân dân Khu Bốn nói chung, quân dân tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng đang tích cực trang hoàng đường làng, ngõ xóm, dọn dẹp lại Nhà văn hóa Đại tướng Lê Đức Anh (làng Bàn Môn, xã Lộc An, huyện Phú Lộc) để chào đón đồng bào cả nước đến viếng thăm nhân dịp 100 năm ngày sinh của Đại tướng (1/12/1920 - 1/12/2020); cùng nhau kể lại những câu chuyện, kỉ niệm về một vị tướng, nhà lãnh đạo tài năng, người con nặng tình, nặng nghĩa với quê hương.

Vị tướng, người lãnh đạo gần gũi, sâu sát

Đại tướng Lê Đức Anh (bí danh Nguyễn Phú Hoà, còn gọi là Chín Hòa, Sáu Nam), sinh ngày 1/12/1920 tại làng Trường Hà, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế; quê quán xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Năm 16 tuổi, cơ duyên tiếp xúc những người yêu nước tiến bộ đã giúp người thiếu niên Lê Đức Anh được giác ngộ lý tưởng cách mạng. Ở tuổi 17, chàng thanh niên xứ Huế chính thức đi theo cách mạng và vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) năm 18 tuổi. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi trải qua nhiều thử thách, trưởng thành từ người chiến sĩ đến người chỉ huy cao nhất của Quân đội, rồi Chủ tịch nước, đồng chí Lê Đức Anh luôn hoàn thành xuất sắc trọng trách mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu và lãnh đạo các tỉnh trên địa bàn Quân khu đón Đại tướng Lê Đức Anh,
Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng vào thăm, làm việc tại Quân khu.

Những năm tháng trên cương vị là Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, rồi Chủ tịch nước, dù bận rộn với công việc nhưng đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với dải đất Quân khu 4, địa bàn chiến lược, đòn gánh hai đầu đất nước, nơi trong chiến tranh vừa là tiền tuyến đánh Mỹ, vừa là hậu phương lớn chi viện sức người, sức của cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; thường xuyên chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai.

Trong tiềm thức của Đại tá Nguyễn Khắc Thuần, ở phường Hà Huy Tập, thành phố Vinh, Nghệ An, nguyên cán bộ Cục Chính trị Quân khu 4, người nhiều lần được tiếp xúc với Đại tướng Lê Đức Anh thì Đại tướng luôn dành tình cảm sâu nặng với quê hương của Bác Hồ kính yêu, thể hiện nhận thức văn hóa rất cao, xứng tầm một nhà lãnh đạo lớn. Ông nhớ lại: “Một đêm mưa bão năm 1986, khoảng 4 giờ sáng tôi nhận được lệnh đi công tác gấp. Vì trực chiến mưa bão nên quân tư trang đã sẵn sàng, tôi lập tức lên đường đến cơ quan. Đến nơi, mới hay đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gọi điện cho Trung tướng Hoàng Cầm, Tư lệnh Quân khu 4 hỏi: “Nghệ An bão to như thế, nhà Bác Hồ có bị làm sao không? Nhân dân có thiệt hại nhiều không?”.  

Khi nghe đồng chí Tư lệnh Quân khu báo cáo tình hình bị ảnh hưởng và công tác khắc phục, tổng dọn vệ sinh trả lại cảnh quan sạch đẹp cho Khu di tích Kim Liên, phục vụ đồng bào cả nước tham quan, Đại tướng Lê Đức Anh vui mừng, biểu dương cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu 4 nhưng không quên nhắc ngay rằng Quân khu 4 là địa bàn chịu ảnh hưởng nhiều bởi mưa bão, Bộ Tư lệnh Quân khu cần nắm chắc tình hình để chủ động giúp dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa bão, lũ lụt gây ra. Đồng chí Bộ trưởng cũng chỉ thị Quân khu phải kiểm tra đến nơi đến chốn, không để gia đình nào phải chịu cảnh đứt bữa do thiên tai, kịp thời xuất gạo cứu trợ khẩn cấp cho đồng bào các vùng mất trắng sau bão. Sau đó, mỗi khi đến thăm LLVT Quân khu, đồng chí đều đến dâng hương lên anh linh Bác Hồ, thăm hỏi cán bộ, nhân viên và trồng cây xanh tại Khu di tích Kim Liên.

Những năm tháng tiến hành công cuộc đổi mới dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội VI của Đảng (12/1986), trên cương vị là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng rồi Chủ tịch nước, đồng chí Lê Đức Anh luôn chỉ đạo toàn quân, cả nước, đặc biệt là LLVT Quân khu 4 phải làm tốt công tác chính sách, bởi Quân khu 4 là một trong những địa bàn có nhiều đối tượng chính sách nhất cả nước. Kết quả, trong đợt đầu phong trào giúp đỡ, nhận phụng dưỡng “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, thương binh nặng chuyển về địa phương dịp kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống, các đơn vị Quân khu đã nhận phụng dưỡng 67 mẹ; các địa phương trên địa bàn Quân khu nhận phụng dưỡng hơn 540 mẹ…

Đại tướng Lê Đức Anh dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham quan, trồng cây xanh tại Khu di tích Kim Liên.

Những năm cuối thập niên 90 thế kỷ 20, các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô khủng hoảng, suy thoái nghiêm trọng khi chính trị không ổn định, nội bộ chia rẽ, tan rã, rồi sụp đổ, kinh tế đời sống trong nước, nhất là đời sống quân nhân gặp vô vàn khó khăn. Các thế lực thù địch ra sức tuyên truyền chống phá, xuyên tạc về chủ nghĩa xã hội, về con đường chính trị ở Việt Nam, tìm mọi cách vô hiệu hóa lực lượng vũ trang. Địa bàn Quân khu 4 trở thành trọng điểm chống phá của địch, tác động tiêu cực đến tư tưởng chính trị, tâm lý cán bộ, chiến sĩ, gây hoang mang, dao động trong quần chúng Nhân dân. Trước tình hình đó, đồng chí Lê Đức Anh trong những lần về thăm và làm việc với Bộ Tư lệnh Quân khu đã yêu cầu lãnh đạo chỉ các cấp tăng cường lãnh đạo chính trị tư tưởng, bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, chấp hành nghiêm chế độ quy định, loại trừ mọi sơ hở, không để kẻ địch, phần tử xấu lợi dụng hoạt động chống phá.

Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 324 hồi đó vẫn nhớ mãi dịp kỷ niệm 43 ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1987), trong đó có Thiếu tướng Võ Văn Chót, nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 4, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 324, hiện trú ở phường Trường Thi, thành phố Vinh. Lần đó, Quân khu vinh dự được đón Đại tướng Lê Đức Anh, lúc đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về thăm, làm việc. Sau đó đồng chí thăm cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn đóng quân ở xã Hội Sơn, Anh Sơn. Đồng chí đã biểu dương những thành tích vẻ vang của Sư đoàn trong thời gian làm nhiệm vụ quốc tế ở nước bạn Lào, đồng thời nhắc nhở nhiệm vụ của Quân đội, nhiệm vụ của Sư đoàn trong thời kỳ mới là: “Xây dựng chính quy, sẵn sàng chiến đấu cao, sẵn sàng có lệnh là lên đường” (1). Không chỉ trên cương vị người chỉ huy cao nhất của Quân đội mà khi đã là Chủ tịch nước, Đại tướng vẫn luôn quan tâm đến Sư đoàn. Ngày 1/7/1995, Sư đoàn tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm ngày truyền thống trong niềm vinh dự được Chủ tịch nước Lê Đức Anh gửi lẵng hoa chúc mừng.

Đại tướng Lê Đức Anh làm việc với Bộ Tư lệnh Quân khu.
Chủ tịch nước Lê Đức Anh và phu nhân chụp ảnh lưu niệm với Bộ Tư lệnh Quân khu năm 1995.

Ngày 15/10/1995, cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 4 long trọng tổ chức Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống. Mặc dù bận công việc không về dự lễ được nhưng Chủ tịch nước Lê Đức Anh vẫn gửi lẵng hoa chúc mừng cán bộ, chiến sĩ.

Quê hương nghĩa trọng tình sâu

Đối với quê hương, Đại tướng Lê Đức Anh luôn gần gũi, chân tình, sâu sắc và nặng nghĩa tình. Mặc dù, tham gia hoạt động cách mạng từ thời niên thiếu, xa quê, nhưng Đại tướng luôn nhớ về quê hương với một tình cảm rất sâu đậm. Mỗi lần về quê, Đại tướng thường đi thăm bà con lối xóm, ân cần thăm hỏi cuộc sống, tình hình lao động sản xuất; động viên bà con, họ hàng, con cháu quê nhà chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật Nhà nước; tích cực lao động sản xuất để phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Những lần trở về quê hương, Đại tướng Lê Đức Anh thường ghé thăm trụ sở chính quyền xã, huyện, trò chuyện với cán bộ, nhân dân. Năm 1994, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh Thừa Thiên Huế vinh dự đón Đại tướng, Chủ tịch nước Lê Đức Anh về thăm. Đồng chí dặn dò các cán bộ, chiến sĩ phải nỗ lực trong công việc, đi đầu trong các phong trào, gần dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân để giúp dân vượt khó vươn lên, giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai. Đồng thời hướng dẫn Nhân dân ứng dụng khoa học công nghệ vào lao động sản xuất, nâng cao thu nhập, từng bước xây dựng cuộc sống mới.

Đại tướng, Chủ tịch nước Lê Đức Anh và phu nhân thăm hỏi, trò chuyện thân mật với
cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh Thừa Thiên Huế trong chuyến về thăm quê năm 1994.

Theo Thượng tá Ngô Nam Cường, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS Thừa Thiên Huế thì nhớ những lời căn dặn ấy, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh không quản hiểm nguy, sẵn sàng xông pha lên tuyến đầu, luôn một lòng vì dân phục vụ, nhất là trong đợt dịch bệnh bệnh Covid-19, mưa bão, lũ lụt, sạt lở núi lịch sử vừa qua và thành tựu 10 năm chung tay xây dựng nông thôn mới. Từ một địa phương còn nhiều khó khăn nhưng với sự chung sức của lực lượng vũ trang tỉnh, đến nay toàn tỉnh đã gần hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.

Lời chia sẻ của người Chỉ huy trưởng, người vừa tham gia cùng đoàn công tác cứu nạn các nạn nhân mất tích ở Thủy điện Rào Trăng 3 là minh chứng rõ nhất cho tinh thần sẵn sàng xả thân vì bình yên, hạnh phúc của Nhân dân như lời căn dặn lúc sinh thời của Đại tướng Lê Đức Anh.

* (1) Theo cuốn lịch sử Sư đoàn 324, Nhà xuất bản QĐND, trang 316

Bài: MẠNH HÙNG; Ảnh: TƯ LIỆU


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội