Thứ ba, 16/04/2024 - 22:19
Trung tướng Hà Thọ Bình, Tư lệnh Quân khu 4 kiểm tra Đội quy tập 589, Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình. Bộ Tư lệnh Quân khu 4: Thăm, chúc Tết Bun Pi May tại tỉnh Khăm Muồn. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình Khánh thành Bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong” Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến Bắc Kinh, bắt đầu thăm chính thức nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Trung tướng Trần Võ Dũng, Chính ủy Quân khu 4 thăm, chúc Tết Bun Pi May tại tỉnh Viêng Chăn (Lào) Trung tướng Hà Thọ Bình, Tư lệnh Quân khu 4: Kiểm tra tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh Đại học Huế Bộ Tư lệnh Quân khu 4 thăm, chúc Tết Bun Pi May lãnh đạo Đảng, Nhà nước Lào Quân khu 4: Khai giảng bồi dưỡng kiến thức Quốc phòng và An ninh Quân khu 4: Tổng kết công tác doanh trại, đầu tư xây dựng cơ bản; trường bắn, thao trường huấn luyện năm 2023 Quân khu 4: Đảm bảo tốt chế độ, chính sách thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ Chi bộ Báo Quân khu 4 lãnh đạo hoàn thành tốt các kết luận, nghị quyết của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và chỉ thị về xây dựng “chi bộ 4 tốt”, “đảng bộ cơ sở 4 tốt”
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đảng viên trên mặt trận xóa đói, giảm nghèo ở Quân khu 4

LTS: Con người trên dải đất 6 tỉnh Bắc Trung bộ, từ Tam Điệp đến Hải Vân kiên cường, bất khuất trong chiến tranh nay lại cần cù, chịu thương, chịu khó trong xây dựng cuộc sống mới. Nhưng hậu quả mà chiến tranh để lại hết sức nặng nề; khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, thiên tai, bão lũ thường xuyên xảy ra; vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng xâu, vùng xa còn nhiều tập quán, hủ tục lạc hậu, đó là những "rào cản", trở ngại lớn trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Là Bộ đội Cụ Hồ học tập công tác trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, bằng tình cảm, trách nhiệm, tấm lòng tri ân đồng bào dù gian khổ vẫn một lòng đi theo Đảng, Bác Hồ, cán bộ, đảng viên Lực lượng vũ trang Quân khu 4 luôn tiên phong trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo với những việc làm sâu nặng nghĩa tình, mô hình sáng tạo. Họ thực sự là động lực, điểm tựa để Nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, gian khổ nơi những bản làng xa xôi, hẻo lánh đuổi đói, đuổi nghèo vươn lên trong cuộc sống.

Nhằm làm rõ vai trò của đảng viên tiên phong công tác xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn Quân khu, phóng viên Báo Quân khu 4 điện tử đã đi sâu tìm hiểu thông qua vệt bài “Đảng viên Lực lượng vũ trang Quân khu 4 trên mặt trận xóa đói, giảm nghèo”.

Bài 1: Tìm lời giải cho bài toán "Xóa đói, giảm nghèo"

Những địa danh Sài Khao, Poọng, Piềng Tặt (Mường Lát, Thanh Hóa); Thông Thụ, Nậm Giải (Quế Phong), Nậm Càn, Na Ngoi, Pục (Kỳ Sơn, Nghệ An); Cuôi, Cu Vơ (Quảng Trị); A Đớt, A Roàng (Thừa Thiên Huế)… chỉ nghe thôi đã thấy xa xôi, khó khăn, cách trở. Vậy mà, hàng ngày, hàng giờ, nơi biên cương Tổ quốc vẫn luôn có mặt những người lính trên mặt trận kinh tế, quốc phòng, xa hậu phương, gia đình để chung tay cùng đồng bào đẩy lùi đói nghèo, lạc hậu.

Người "Đoàn trưởng 4 cùng"

Mở đầu cho chuyến công tác tìm hiểu kết quả xóa đói, giảm nghèo, chúng tôi tìm gặp Đại tá Lê Thế Soái, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 341. Anh Soái giờ đây đã nhận nhiệm vụ mới, không còn “cầm tay chỉ việc” cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Mường Lát, nơi miền Tây xứ Thanh, một trong những huyện nghèo nhất cả nước nhưng là người con của quê hương Thanh Hóa, lại có gần 10 năm lăn lộn cùng bà con khi làm Đoàn trưởng, Phó Bí thư Đảng ủy Đoàn Kinh tế - Quốc phòng (KT-QP) 5 (Quân khu 4), anh vẫn luôn hướng về đồng bào, những người anh luôn xem như người thân của mình. Những bản làng xa xôi, heo hút nhất ở Mường Lát, không nơi nào không in dấu chân anh. Anh am hiểu tường tận những khó khăn, vất vả của đồng bào, vì vậy, anh luôn đau đáu, trăn trở: “Làm sao để giúp đồng bào thoát khỏi đói nghèo? Làm sao đẩy đuổi “con ma rừng” đeo bám trong nhận thức của đồng bào để không còn hủ tục lạc hậu… Muốn làm được điều này, theo anh Soái thì phải triển khai có hiệu quả các dự án phát triển kinh tế mà Đảng, Nhà nước đầu tư thông qua nhiều chính sách an sinh xã hội, mà muốn triển khai hiệu quả, không có cách nào khác là phải phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Cán bộ, đảng viên phải tâm huyết, trách nhiệm, lăn lộn với đồng bào mới mong hết đói nghèo, lạc hậu.

Đồng chí Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Đại tá Lê Thế Soái, nguyên Đoàn trưởng Đoàn 5 và đoàn công tác kiểm tra tiến độ xóa đói giảm nghèo vùng dự án Khu KT-QP Mường Lát năm 2016.

 

Cán bộ, nhân viên Đoàn KT-QP 5 cùng bà con khắc phục sự cố sạt lở đường do mưa lũ.

Anh Soái tâm sự: “Đất nước đã độc lập 75 năm, hòa bình đã hơn 45 năm, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách xóa đói, giảm nghèo, tỉnh Thanh Hóa cũng quyết liệt đầu tư, vậy mà Mường Lát vẫn chậm thoát nghèo. Vùng dự án Khu KT-QP Mường Lát trải rộng trên địa bàn 5 xã (Pù Nhi, Tén Tằn, Tam Chung, Quang Chiểu, Mường Chanh) cũng nằm trong số đó. Đoàn KT-QP 5 về đứng chân ở Mường Lát từ năm 2002 với nhiệm vụ chính trị trọng tâm là xóa đói, giàm nghèo, đẩy lùi lạc hậu, nâng cao mức sống người dân. Gần 20 năm đồng hành cùng bà con, cuộc sống người dân đã có nhiều thay đổi tích cực nhưng tỷ lệ đói nghèo vùng dự án vẫn cao, Mường Lát vẫn là một trong những huyện nghèo nhất nước. Là Bộ đội Cụ Hồ, cùng ăn, cùng ở, cùng nói tiếng dân tộc, cùng làm với đồng bào, không trăn trở sao được”.

Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Soái nói đói nghèo ở Mường Lát cứ như một cái vòng luẩn quẩn không có điểm cuối, cấp ủy, chính quyền, đơn vị và người dân cứ loay hoay mãi trên con đường thoát đói, giảm nghèo. Ngày Đoàn về đứng chân, cuộc sống người dân bị bao trùm bởi đói nghèo, ma túy và những hủ tục lạc hậu. Những mái nhà sàn xiêu vẹo vắt vẻo trên sườn núi, “cái bao tử” của đồng bào quằn quại, lay lắt đi qua cái đói mùa giáp hạt. Những ngọn đồi trồng nhiều cây anh túc, không có chỗ cho cây lúa, cây ngô sinh sôi phát triển. Nhiều cái “không” khiến Mường Lát như tách biệt khỏi xã hội. Nhưng với nhiều nỗ lực của huyện và lực lượng vũ trang, nhất là nhờ Nghị quyết 30a và Chương trình 135 hỗ trợ 130 xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 81,6% năm 2010 xuống còn 71% năm 2016 và 57,9% năm 2017, nhưng 5 xã vùng dự án giáp biên tỷ lệ hộ nghèo vẫn duy trì mức 70% - 80%, thu nhập bình quân đầu chưa đến 10 triệu đồng/người/năm.

Đảng viên các đội sản xuất thuộc Đoàn KT - QP 5 đến từng hộ gia đình vận động, hướng dẫn người dân học chữ.

Chuyến công tác đầu tiên, cách đây gần chục năm, tôi ngỡ ngàng khi biết nhiều thôn ở huyện Mường Lát hầu hết là hộ nghèo, nếu không được hỗ trợ thì các hộ này thiếu đói triền miên. Nhắc đến những con số này, anh Soái ngậm ngùi: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo đói trên địa bàn Đoàn phụ trách, trong đó mù chữ, không biết cách làm ăn, tư tưởng trông chờ, ỷ lại, “trời sinh voi ắt sinh cỏ”, hủ tục lạc hậu là những nhân tố chính khiến tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Một nguyên nhân không thể không nhắc đến nữa đó là hậu quả nặng nề do thiên tai, mưa lũ. Điển hình là trận lũ quét lịch sử năm 2018 đã xóa sổ toàn bộ nỗ lực hàng chục năm trời xóa đói giảm nghèo không chỉ vùng dự án mà còn cả huyện Mường Lát. Một số thôn bản hoang tàn đổ nát bởi tính mạng, tài sản, vật nuôi, hoa màu đều bị cuốn trôi theo dòng lũ hoặc nằm vùi dưới lớp đất đá,.., người dân chưa kịp gượng dậy thì cơn lũ năm 2019 lại ập đến, kéo vùng dự án thụt lùi nhiều năm trời. Nếu không có sự chung sức của toàn xã hội, không biết đến khi nào Mường Lát mới được hồi sinh. Khó khăn là vậy nhưng không còn cách nào khác chúng tôi chỉ biết nỗ lực động viên nhau, động viên đồng bào rũ bùn đứng dậy tiếp tục tái thiết cuộc sống”.

Trải qua nhiều cương vị, đơn vị công tác nhưng thời gian đồng hành cùng bà con vùng biên luôn để lại trong Đại tá Lê Thế Soái những tình cảm sâu đậm. Với vai trò là cán bộ chủ trì, “đứng mũi chịu sào”, anh thường xuyên đi khảo sát, gặp gỡ cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương, tìm hiểu phương thức canh tác sản xuất của người dân để tìm cách giúp đỡ đồng bào nơi đây thoát nghèo. Anh đến từng thôn bản, từng hộ gia đình để tìm hiểu về phong tục, tập quán, sinh hoạt văn hóa. Mỗi lần đi bám nắm, tìm hiểu như vậy đều để lại trong anh nhiều băn khoăn, trăn trở, đó là nên triển khai mô hình gì, đưa con gì về nuôi, cây giống gì về trồng để hướng dẫn người dân làm theo, nâng cao thu nhập. Khi các mô hình được triển khai, vừa chỉ đạo, anh vừa trực tiếp cùng cán bộ, nhân viên các đội sản xuất kiên trì bám dân, bám bản để hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Với quan điểm “Còn mù chữ là còn đói nghèo”, anh đề xuất với Đảng ủy Đoàn, địa phương làm tốt công tác xóa mù chữ, tái mù chữ. Gần 10 năm làm Đoàn trưởng cũng chừng ấy năm anh được bầu làm chiến sĩ thi đua cấp cơ sở cùng nhiều Bằng khen của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Quân khu, tỉnh Thanh Hóa, là chiến sĩ thi đua toàn quân. Anh bảo đừng viết về những thành tích của mình vì đồng bào còn khó khăn vất vả lắm nhưng thành tích cán bộ chủ trì luôn gắn với tập thể đơn vị mà trong thành tích chung đó là sự nỗ lực không ngừng nghỉ, tinh thần tiên phong trên mặt trận xóa đói giảm nghèo.

Bệnh xá Đoàn KT - QP 5 khám bệnh, cấp phát thuốc cho người dân xã Mường Chanh.

Đó là sự ghi nhận cho những tâm huyết, cống hiến không ngừng nghỉ của anh, nhưng sự ghi nhận lớn nhất là bà con đồng bào các dân tộc nơi biên giới Mường Lát luôn gọi anh bằng cái tên trìu mến “Đoàn trưởng bốn cùng”. Do yêu cầu nhiệm vụ, anh nhận nhiệm vụ mới trong sự tiếc nuối, tiếc nuối bởi đồng bào vẫn còn nghèo đúng như lời anh bộc bạch: “Ngày Đoàn KT-QP 5 hoàn thành nhiệm vụ ở vùng dự án chắc còn xa lắm nhưng hơn 1 năm sau trận lũ quét kinh hoàng, những tín hiệu tích cực đã trở lại với đồng bào, các anh cứ lên sẽ thấy”.

Còn chúng tôi thiết nghĩ, mù chữ, không có kiến thức canh tác, thiếu đất, không vốn, hủ tục, thiên tai lũ lụt như những “sợi thép gai” quấn chặt và cào mòn cuộc sống không chỉ người dân Mường Lát mà còn đồng bào ở những địa bàn biên giới phía Tây Trường Sơn, nơi các Đoàn KT-QP của Quân khu đóng quân.

Xóa mù chữ - "chìa khóa" xóa đói, giảm nghèo

Đón chúng tôi ở cổng trời Mường Lát là ông Lầu Thanh Va, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy. Khi chúng tôi đề cập đến công tác xóa đói giảm nghèo, anh Va chia sẻ những trăn trở của mình: “Nói thì dễ lắm nhưng làm thì khó lắm đồng chí à. Mười mấy năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Mường Lát cùng với lực lượng vũ trang kiên trì bám bản, bám dân, vận động để thay đổi nhận thức của đồng bào về xóa đói, giảm nghèo nhưng hiệu quả vẫn thấp cho đến khi Đoàn KT-QP 5, Bộ đội Biên phòng phối hợp cùng Phòng Giáo dục huyện triển khai chương trình xóa mù chữ, tái mù chữ theo tinh thần Chỉ thị 12 của UBND tỉnh Thanh Hóa. Suy cho cùng muốn xóa đói, giảm nghèo thì căn cơ là phải xóa mù chữ, bởi khi bà con biết đọc, biết viết rồi thì nói gì, làm gì bà con cũng dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo. Trong đó Đoàn KT-QP 5 là một “điểm sáng” trong công tác xóa mù của huyện”. 

Anh Va nói đến đây, tôi sực nhờ tới lần được dự lớp xóa mù, tái mù chữ cho bà con do Đoàn KT-QP 5 mở tại xã Tam Chung đợt tháng 9/2019. Đứng lớp là cán bộ, đảng viên từ chỉ huy Đoàn như Thượng tá Nguyễn Đình Tấn, Phó Chính ủy đến các đội sản xuất, TTTTN. Học sinh phần lớn là chị em đã luống tuổi. Được học con chữ, họ vui như trẻ em được đến trường. Khoe với tôi xem quyển vở có nhãn tên “Sùng Thị Mỵ”, người phụ nữ 65 tuổi, lớn tuổi nhất lớp tươi cười tự tin: “Hẹn bộ đội ngày trở lại, mình sẽ biết đọc, biết viết, sẽ “bắt” bằng hết con chữ “bỏ” đầy quyển vở này nhé”.

Cán bộ, trí thức trẻ tình nguyện Đoàn KT - QP 5 hướng dẫn người dân học chữ.

Nhớ lời hẹn đó, trở lại công tác Đoàn KT-QP 5 lần này, tôi đặt vấn đề với anh Va và về việc muốn đến thăm bà con. Đến nhà chị Mỵ, khi tôi nhắc lại lời hẹn, chị hào hứng lấy viên gạch viết lên sân ba chữ “Sùng Thị Mỵ” rồi ngại ngùng: “Khổ nhất vẫn là khi xuống chợ xã, chợ huyện bán con gà, con lợn, hay mua cây, con giống, lại phải nhờ người biết cái chữ đi cùng để nhờ tính giá cho đúng giá. Lại thêm chuyện, khi được cán bộ bàn giao vật chất, tiền do Nhà nước, Đoàn 5 hỗ trợ nhưng vì không biết viết tên mình nên phải điểm chỉ vào giấy tờ. Nhưng giò thì khác rồi, đúng là biết chữ lợi đủ đường, bộ đội nói gì cũng dễ hiểu, trồng cây lúa trĩu hạt hơn, nuôi con lợn cũng béo hơn

52 học viên cùng lớp với chị Mỵ có độ tuổi từ 13 đến 65, có người chưa một lần biết đến cái chữ, cũng có người đã từng được đi học nhưng rồi cuộc sống vất vả mưu sinh nơi nương rẫy nên vội quên mất cả mặt chữ… Giờ đây, họ lại viết được tên của mình, biết làm phép tính trong niềm vui bất tận. Bạn Lê Đức Long, Đội viên Đội TTTTN chia sẻ: “Có hôm, bà con đi rẫy về muộn, lo hết việc nhà thì trời đã về khuya, sương núi giăng kín bốn bề nhưng “các trò” vẫn không quên đến lớp, điều tôi mừng nhất là đến lớp dường như trở thành nhu cầu tự thân của bà con, cũng chính là động lực để chúng tôi đồng hành với bà con tìm lại con chữ”.

Đoàn KT-QP 5 làm công tác dân vận, xây dựng chính trị cơ sở ở bản Pù Ngùa, xã Pù Nhi.

Từng là Trưởng ban Dân vận Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa nay là Phó Chính ủy Đoàn KT-QP 5, từ lâu Thượng tá Nguyễn Đình Tấn được đồng bào coi như “người thân trong gia đình”. Anh Tấn chia sẻ: “Ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn nên đồng bào dân tộc thiểu số cho rằng chỉ cần no cái bụng, ấm cái thân là đủ, không cần học, không cần biết chữ. Do đó, việc tuyên truyền điều hay, việc tốt đến với người dân gặp rất nhiều trở ngại, hiệu quả “cầm tay chỉ việc” vì thế cũng không cao”. Xuất phát từ thực tế đó, anh Tấn đã chủ động tham mưu cho Đảng ủy Đoàn phối hợp chính quyền địa phương, Phòng Giáo dục huyện Mường Lát khảo sát và mở lớp xóa mù chữ.

Với tâm huyết đó, những năm qua, mặc dù trình độ dân trí vùng dự án đã được nâng cao nhưng đây vẫn là một trong những địa bàn có tỉ lệ mù chữ, tái mù chữ cao nhất của tỉnh Thanh Hóa. Đầu năm 2019, tỷ lệ mù chữ và tái mù chữ ở độ tuổi từ 15-60 của các xã vùng dự án Khu KT-QP Mường Lát là gần 50%. Riêng 5 xã vùng dự án Khu KT-QP Mường Lát tỷ lệ mù chữ khá cao, trong đó, xã Tam Chung hơn 70%; Tén Tằn gần 65%; Quang Chiểu 68%; Pù Nhi hơn 15%; Mường Chanh 17,7%. Nhưng với tinh thần quyết tâm nâng cao dân trí cho đồng bào vùng biên, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là tinh thần vượt khó, quyết tâm giúp đồng bào tìm lại con chữ của cán bộ, đảng viên Đoàn KT-QP 5, đến đầu năm 2020, theo thống kê, số người mù chữ, tái mù chữ trong độ tuổi từ 15-60 trên địa bàn 5 xã vùng dự án Khu KT-QP Mường Lát đã giảm xuống còn hơn 17.800 người, chiếm tỷ lệ 37% dân số 5 xã vùng dự án.

Bệnh xá Đoàn KT-QP 337 (Quân khu 4) khám, cấp phát thuốc cho bà con thôn Tri, xã Hướng Lập.

Vì không biết chữ nên vợ chồng anh Ngân Văn Nguyên và chị Lương Thị Lan ở bản Hủa Na, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, Nghệ An rất ngại, không muốn tiếp xúc với người lạ, chân tay thì cứng, cầm cuốc, cầm rựa chắc hơn cầm bút khiến việc vận động anh chị đi học là điều không dễ dàng. Cho đến một ngày anh đưa vợ đi khám ở Bệnh xá Đoàn KT-QP 4 (Quân khu 4), cầm trên tay phiếu khám, được quân y hướng dẫn đến phòng này, phòng kia, anh cứ lóng ngóng, gặp ai anh cũng hỏi đến ngượng chín mặt bởi anh và chị đều không biết đọc biển bảng để đến đúng phòng khám. Sau lần xấu hổ đó hiểu được việc học chữ rất có ích, được Trung tá Nguyễn Đình Văn, Phó chủ nhiệm Chính trị Đoàn KT-QP 4 và bộ đội vận động, anh động viên chị quyết tâm học chữ. “Mưa dầm thấm lâu”, lớp học do Đoàn 4 tổ chức luôn ổn định sỹ số. Ai cũng nói đi học để biết chữ, biết tính toán để giao lưu, tiếp xúc được với mọi người.

Cùng tâm trạng với chị Mỵ, anh Nguyên, chị Lan, chị Hồ Thị Mai, ở thôn Tri, xã Hướng Lập, Hướng Hóa, Quảng Trị chi sẻ: “Mặc dù thôn đã có điểm trường, nhưng mình lớn tuổi rồi ai lại ngồi học với trẻ con. Được bộ đội Đoàn KT - QP 337 (Quân khu 4) mở lớp dạy chữ, mình đã biết đọc sách, báo để học cách trồng trọt, chăn nuôi sao cho năng suất...”. Theo Bí thư chi bộ thôn Tri Hồ Khun thì trước đây 34 hộ gia đình ở vị trí thấp trũng, sau khi được Đoàn chuyển lên vị trí tái định cư mới cuộc sống rất khó khăn, thiếu cái ăn, cái mặc chứ chưa nói tới chuyện học con chữ, vì vậy, việc xóa mù chữ cho người dân gặp nhiều khó khăn.

Lớp học xóa mù cho trẻ em vùng cao của Đoàn KT-QP 337.

Là người nặng tình với người dân thôn Tri, đảng viên, Đội trưởng Đội TTTTN Võ Văn Cảnh, quê ở huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị sau khi tốt nghiệp Cao đẳng, được tuyển dụng tham gia Dự án 174, mặc dù hết thời gian 2 năm tham gia dự án nhưng anh tình nguyện đăng ký ở lại “ba cùng” với bà con. Chẳng quản trời mưa hay nắng, ngày hay đêm tối, các TTTTN nơi đây với kiến thức được trang bị trên giảng đường cao đẳng, đại học, bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ miệt mài truyền “con” chữ đến với người dân, giúp bà con biết đọc, biết viết để có thêm kiến thức xóa đói, giảm nghèo. Nhờ đó, 34 hộ dân ở thôn tri với 191 nhân khẩu thì gần 90% người dân đã biết chữ.

Khi người dân "nghiêng" về “chiếc cần câu”

Theo Đại tá Hoàng Văn Sơn, Chính ủy Đoàn KT-QP 5 thì lâu nay, khi bàn về công tác xóa đói, giảm nghèo người ta vẫn thường ví von bằng hình tượng “cho con cá” hay “cấp cần câu”. Tuy nhiên khi tỷ lệ mù chữ giảm, dân trí ngày càng cao, người dân dần tiếp cận được với tri thức thì chuyện “cấp cần câu” đã thể hiện rõ tính ưu việt vượt trội của nó và tỷ lệ đồng bào “nghiêng” về phương án “cấp cần câu” ngày một tăng. Nhiều hộ dân không còn trông chờ, ỷ lại mà chủ động học hỏi, làm theo những mô hình bộ đội làm mẫu có hiệu quả.

Để chứng minh cho điều mình nói, anh Sơn và anh Tấn dẫn chúng tôi đến một điển hình thoát nghèo nhờ “chiếc cần câu” từ các mô hình của Đoàn KT-QP5 và sự tiên phong của cán bộ, đảng viên Đội sản xuất 3. Đó là anh Lò Văn Ún, sinh năm 1982, người dân tộc Thái, Trưởng bản Piềng Tặt, xã Mường Chanh. Gia đình anh Ún gồm người mẹ già yếu, anh trai và chị gái bị khiếm khuyết về trí tuệ, cả 4 miệng ăn trông chờ vào mấy sào ruộng thu hoạch bếp bênh. Trước đây, gian nhà đất tuềnh toàng, tài sản chỉ có vài bao lúa, bao ngô, cuộc sống gia đình hết sức khó khăn, tưởng chừng như không có lối thoát...

Để vực dậy cuộc sống người dân địa bàn phụ trách, Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ năm 2014 của chi bộ Đội sản xuất 3 xác định, muốn dân bản làm theo thì “đảng viên phải đi trước”, tập trung vào đội ngũ đảng viên là cán bộ thôn bản. Trung tá Trần Hữu Khoa, Đội trưởng, Phó bí thư Chi bộ được cấp ủy phân công giúp đỡ đồng chí Lò Văn Ún. Gặp chúng tôi giữa vườn rừng xanh tốt, chuồng, trại chăn nuôi kiên cố, anh Ún khoe: “Trước đây, mình thường xuyên nhận hỗ trợ gạo hộ nghèo. Năm 2014, được bộ đội Khoa hướng dẫn khai hoang đất ven suối, chỉ cho cách trồng lúa nước, tận dụng đất đồi trồng cây gỗ xoan. Sau khi Đoàn 5 hỗ trợ 2 con bò sinh sản, 3 con lợn nái, bộ đội Khoa và cán bộ Đội 3 trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật làm chuồng trại, cách chăm sóc. Thời gian như gió thổi nơi đầu núi, sau 3 năm mình có 10 con bò, 4 con trâu, 200 con gà, vịt, gần 20 héc ta xoan, 2 héc ta ao nuôi cá, thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Giờ thì thoát nghèo thật rồi”. Nhanh tay đổ những bì cỏ voi tự tay mình trồng cho đàn cá trắm, trôi, chép dưới ao, anh bấm ngón tay nhẩm tính: “Đàn cá này mình thả từ giữa năm ngoái, bây giờ ước chừng được khoảng 6 tạ, giá 55.000 đồng/kg, “sơ sơ” cũng bằng ba con bò giống rồi đấy”. 

Thượng tá Nguyễn Đình Tấn, Phó Chính ủy Đoàn KT - QP 5 (thứ 2 trái sang) và cán bộ Đội sản xuất 3 hướng dẫn anh Lò Văn Ún cách chăm sóc đàn trâu. 

 

Cán bộ, đảng viên Đoàn KT-QP 92 giúp dân thu hoạch lúa.

Bên cạnh các yếu tố như không còn tâm lý thích nghèo, dựa vào đói nghèo để nhận hỗ trợ; thay đổi được nhận thức trông chờ vào chế độ, chính sách... của người dân thì không thể không kể đến vai trò của đảng viên ở các Đội sản xuất thuộc Đoàn KT-QP 5. Đơn cử Đội sản xuất 3 đã lựa chọn những hộ khó khăn nhất rồi cắt cử đảng viên trong chi bộ giúp đỡ, hộ nào thoát nghèo, đảng viên đó lại chuyển sang kèm cặp một hộ khó khăn mới. Kết quả là tại xã Mường Chanh, năm 2016 có 537 hộ nghèo, đến nay giảm còn 358 hộ. Tại xã Quang Chiểu, nơi Đội 2 đứng chân, năm 2016 có 795 hộ nghèo (chiếm 69,6%) thì đến nay hộ nghèo chỉ còn 349 hộ.

Bài, ảnh: MẠNH HÙNG - ĐÌNH TRUNG

(Còn tiếp)

BÀI 2: Đảng viên tiên phong với những mô hình xóa đói giảm nghèo hiệu quả - Thực tiễn ở các Đoàn KT-QP Quân khu 4


Tác giả: mạnh hùng - đình trung
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội