A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đảng viên trên mặt trận xóa đói, giảm nghèo ở Quân khu 4

Bài 2: Đảng viên tiên phong với những mô hình xóa đói giảm nghèo hiệu quả - Thực tiễn ở các Đoàn KT-QP Quân khu 4

Những ngày này có dịp trở lại các địa bàn vùng biên giới, nơi các Đoàn KT-QP đứng chân, được chứng kiến những bản làng vùng cao nơi đây đang từng ngày thay da đổi thịt, chúng tôi lại nhớ về những ngày đầu khi nhiều dự án, mô hình, cách làm bắt đầu được triển khai trong muôn vàn khó khăn đến nay đã mang lại nhiều tín hiệu tích cực.

 Mường Lát ngày mới

Nhớ lại lời tâm sự của Đại tá Lê Thế Soái và những đổi thay dọc những cung đường nơi con sông Mã uốn lượn hiền hòa chảy về xuôi chúng tôi thấy quãng đường hơn 240km từ thành phố Thanh Hóa lên cổng trời Mường Lát như gần lại. Đem những trăn trở cũng như tín hiệu đáng mừng mà Đại tá Lê Thế Soái trao đổi cùng những điều mắt thấy, tai nghe dọc đường trò chuyện với các anh trong Ban chỉ huy Đoàn KT-QP 5, tôi được Đại tá Hoàng Văn Sơn, Chính ủy Đoàn phấn khởi chia sẻ:

- Trước đây, trong canh tác, bà con chỉ biết “chọc lỗ, tra hạt, chờ thu hoạch” nên mỗi năm chỉ một vụ, hiệu quả rất thấp. Những năm gần đây, bà con đã biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác nên mỗi năm thu hoạch 2-3 vụ lúa. Vụ Hè Thu này dự báo lại bội thu nên bắt đầu từ cuối tháng Bảy, đồng bào H’Mông đã rộn ràng chuẩn bị mừng lúa mới. Thấm thoắt đến nay đã gần 20 năm Đoàn KT-QP 5 về đứng chân, gian nan gắn bó với đồng bào vùng biên. Nói là thấm thoắt bởi dù cuộc sống đồng bào có nhiều đổi thay nhưng Mường Lát vẫn là huyện nghèo của cả nước. Còn gian nan là bởi gần 20 năm “ba bám, bốn cùng” với bà con cũng là chừng ấy năm cán bộ, chiến sĩ của Đoàn luôn trăn trở tìm hướng đi mới cho đồng bào bớt nghèo, bớt khổ. Để rồi theo năm tháng, mỗi công trình đường giao thông, hệ thống nước sạch, kênh mương, đập thủy lợi, điện chiếu sáng, mô hình chăn nuôi, trồng trọt, mỗi việc làm của cán bộ, đảng viên nơi vùng biên đầy gian khó này luôn đồng hành cùng các bản làng vùng cao, làm cho đời sống nhân dân ngày càng khởi sắc, cái đói, cái nghèo dần được đẩy lùi, chính trị ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Cán bộ, đảng viên Đoàn KT-QP 5 tuyên truyền chủ trương xóa đói, giảm nghèo cho người dân vùng dự án.  
Ảnh: HỒ VIỆT

Tiếp lời anh Sơn, Thượng tá Nguyễn Đình Tấn, Phó Chính ủy không giấu được niềm vui, nói: “Trong niềm vui của bà con, cán bộ, chiến sĩ toàn đơn vị thêm phấn khởi, tự hào bởi năm 2018 Đoàn được Bộ Quốc phòng tặng Cờ thi đua, năm 2019, được Bộ Tư lệnh Quân khu tặng Cờ đơn vị xuất sắc trong Phong trào Thi đua quyết thắng giai đoạn 2014 - 2019… Tuy nhiên, điều phấn khởi nhất đó là cán bộ, đảng viên đơn vị đã làm tốt công tác tuyên truyền “nói cho dân hiểu”, đồng thời đẩy mạnh “làm cho dân tin” bằng cách vận động nhân dân xóa bỏ phương thức canh tác cũ, lạc hậu, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, chủ động “4 cùng”, giúp đỡ đồng bào bằng những việc làm cụ thể, mô hình thiết thực nhất. Nhờ đó, “lời nói hay, việc làm tốt” của bộ đội càng làm cho đồng bào thêm tin tưởng và làm theo. Trong đó dấu ấn sâu đậm nhất đó là việc cán bộ, đảng viên tiên phong đỡ đầu bản Piềng Mòn nâng cao thu nhập, trở thành bản nông thôn mới của xã Tén Tằn”.

Vượt cầu Suối Xim, “đón” chúng tôi là con đường bê tông còn mới màu xi măng dẫn thẳng tới Nhà văn hóa bản Piềng Mòn. Dọc hai bên đường, những ngôi nhà mới có, nhà sàn có, nhà kiến trúc kiểu mới có; trường mầm non, nhà văn hóa của bản cũng vừa khánh thành, tất cả được tô điểm rực rỡ bởi màu đỏ rực của cờ Tổ quốc, cờ Đảng chào mừng Quốc khánh 2/9… Lời của Bí thư bản Piềng Mòn Lương Văn Đào lộ rõ niềm phấn chấn: “Ngày thành lập, có nằm mơ người dân chúng tôi cũng không nghĩ bản được như ngày hôm nay. Nhớ lại thời điểm bắt tay xây dựng NTM (tháng 3/2016), Piềng Mòn có 61 hộ, 275 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Thái. Chi bộ bản có 12 đảng viên. Bước vào thực hiện chương trình xây dựng NTM, bản mới chỉ đạt 8/14 tiêu chí, các nguồn lực đầu tư còn hạn hẹp, cơ sở hạ tầng yếu kém, tư duy trong sản xuất còn manh mún. Song nhận được sự đỡ đầu của Đoàn KT-QP 5, đến đầu năm 2018, bản đã đạt 14/14 tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 26,35 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,56%, một “kỷ lục” của xã và huyện”.

Bản Piềng Mòn khởi sắc nhờ nông thôn mới.

Khi được hỏi về quá trình xây dựng, Bí thư Lương Văn Đào cho biết: “Bản Piềng Mòn thành lập năm 2007 từ chủ trương di dân của huyện. Thời điểm ấy, điện đường, trường, trạm… có thể nói là con số không, cộng thêm vấn đề nan giải là thu nhập”. Tôi băn khoăn: “Quá nhiều khó khăn vậy mà vẫn về đích NTM trong thời gian hơn hai năm?”. Trưởng bản Lương Văn Trợi liền giải thích cặn kẽ: “Được Nhà nước ưu đãi nhiều chính sách nhưng để trở thành bản NTM, bấy nhiêu là chưa đủ. Khi được Đoàn KT - QP 5 nhận đỡ đầu, hỗ trợ hơn 500 ngày công, hàng trăm khối cát, 100 tấn xi măng, sắt thép, các dự án phát triển chăn nuôi, trồng trọt, dạy nghề… thì chúng tôi xác định đây là cơ hội để giảm nghèo. Chính nhờ sự hỗ trợ kịp thời ấy mà Piềng Mòn mới có cơ sở hạ tầng đầy đủ như hiện nay”.

Giảm nghèo nhanh nhưng phải bền vững

Dẫn chúng tôi vào Nhà văn hóa bản còn mới màu sơn, anh Đào không giấu được niềm vui khoe: “Nhà văn hóa này do Đoàn KT - QP 5 thi công và bàn giao cho bản cuối năm 2017, cùng với đường giao thông nông thôn là nơi ghi dấu ấn đậm nét công lao của bộ đội Đoàn 5 đối với dân bản chúng tôi. Bởi ngoài giải quyết được một tiêu chí cơ bản trong xây dựng NTM thì cái nhà này còn giúp chúng tôi tháo gỡ một tiêu chí rất khó đạt được đó là thu nhập của người dân”.

“Nhà văn hóa là nơi sinh hoạt chung thì có liên quan gì đến nâng cao thu nhập cho người dân”, hiểu thắc mắc ấy của tôi, anh Trợi tiếp lời: “Đất tự nhiên ở đây phần lớn là đất rừng phòng hộ nên diện tích đất sản xuất nông nghiệp ít. Để đáp ứng tiêu chí thu nhập, chúng tôi vận động người dân chuyển đổi, tìm kiếm việc làm mới, nâng cao thu nhập bằng nhiều nghề như: chăn nuôi, làm nghề mộc, thợ xây… Ví như thợ xây là nghề đã làm thay đổi cuộc sống nhiều gia đình. Những ngày thi công đường bê tông, nhà văn hóa và nhiều công trình xây dựng trên địa bàn, bên cạnh cùng làm với bà con, cán bộ, đảng viên, trí thức trẻ tình nguyện còn hướng dẫn đàn ông, trai bản cách trộn vữa, kỹ thuật làm móng nhà, đi mạch, da trát tường... Khi biết làm, họ lập thành các tốp thợ và tỏa đi khắp các nơi trong huyện xây dựng công trình, tạo thu nhập ổn định cho gần 80% số hộ gia đình, góp phần để Piềng Mòn đáp ứng được tiêu chí thu nhập với gần 20 triệu/người/năm”.

Cán bộ Đoàn KT-QP 5 trao đổi với Bí thư bản Piềng Mòn Lương Văn Đào và Trưởng bản Lương Văn Trợi cùng cán bộ ban cán sự bản.

Đây chính là vấn đề người dân cần lắm những “chiếc cần câu” như chúng tôi đã đề cập ở bài 1 vệt bài này. Tuy nhiên, theo Bí thư Đào thì khó khăn nhất vẫn là giảm hộ nghèo đáp ứng tiêu chí thu nhập, nhiều khó khăn vô hình và hữu hình khiến ban đầu anh và cấp ủy chưa định hình được phải làm như thế nào. Xóa nghèo đã khó, giữ vững để không tái nghèo hay nói cách khác là thoát nghèo bền vững càng khó hơn. Anh chia sẻ: “Lo lắng lắm vì đất ít, vốn ít, nhận thức của dân bản chưa cao. Anh Tấn và các đảng viên ở Đội 1 phải trải qua một quá trình vận động kiên trì, ngoài hàng trăm buổi tuyên truyền, cán bộ, nhân viên của Đoàn còn lồng ghép nhiều nội dung NTM tại các lớp học xóa mù chữ do Đoàn mở. Từ đây, bà con hiểu rằng, học cái chữ để làm chủ “chiếc cần câu” mà Nhà nước, bộ đội đã dày công “uốn” cho mình để trồng cây lúa nhiều hạt hơn; nuôi con lợn, con bò béo hơn… còn xây dựng NTM mới là để có cái đường mà đi, cái chợ mà bán con lợn, con bò mình nuôi được; mới có tiền cho con cái đến trường”.

Đảng viên tiên phong xây dựng mô hình

Để cảm nhận rõ hơn những đổi thay ở Khu KT-QP Asho A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, địa bàn có thể nói là phát triển nhất trong các Khu KT-QP và Đoàn KT-QP 92 cơ bản đã hoàn thành tiến độ triển khai các dự án, tôi được Đại tá Nguyễn Trọng Phương và Trung tá Dương Văn Trung, Trợ lý Phòng Hậu cần – Kỹ thuật Đoàn KT-QP 92 dẫn đi thăm mô hình sản xuất cây giống keo, tràm của Đội sản xuất 1, đóng quân ở thôn Tru Chai, xã Đông Sơn. Hai bên đường con đường dài hơn 10 km từ Sở chỉ huy Đoàn đến Đội 1 được trải nhựa, đổ bê tông phẳng lỳ. Thấy tôi mải ngắm những vạt rừng keo, tràm xanh tốt, anh Phương cho biết: “Nhận thấy cây keo, tràm rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây, giá trị kinh tế cao, nhu cầu trồng ngày càng lớn, Đoàn đầu tư cho Đội sản xuất 1 làm thí điểm vườn ươm giống keo lai tai tượng. Đồng chí Dương Văn Trung là kỹ sư lâm nghiệp, từng 10 năm công tác ở Đội sản xuất 1 với kiến thức của mình đã tham mưu triển khai thành công mô hình này”.

Trung tá Dương Văn Trung hướng dẫn người dân kỹ thuật làm vườn ươm cây keo giống.

Trên đoạn đường dẫn vào Đội 1, chúng tôi thấy một màu xanh trải dài từ doanh trại đến chân núi, đồng thời cảm nhận được niềm vui của các chị, các mẹ dân tộc Pa Kô xúng xính trong trang phục truyền thống, trên vai những chiếc gùi nặng trĩu keo giống. Gặp lại bộ đội Trung, ai cũng dành cho anh những lời chào trìu mến, lời cảm ơn chân thành. Anh Trung cho biết: “Cách đây hơn 10 năm, với hơn 1 héc ta đất, bằng phương pháp ươm hạt, cắt hom giâm cành, keo của đơn vị cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân trên địa bàn. Hiện nay, nhờ áp dụng đúng kỹ thuật, keo giống của đội thấp hơn giá thị trường 30% nên giải quyết việc làm cho hàng trăm bà con. Vốn đầu tư ít, nhanh cho thu hoạch nên chúng tôi đã chuyển giao thành công kỹ thuật, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu”. Chị Hồ Thị A Kô người dân thôn Tru Chai góp vui: “Được bộ đội hướng dẫn làm vườn ươm tại nhà thì mình yên tâm không lo nghèo nữa. Ngoài ra, tranh thủ thời gian rỗi, tôi đi làm công cho vườn ươm của bộ đội, vừa không vất vả, vừa được trả công 150.000/người/ngày”.

Với mô hình này, hàng năm, các vườn ươm của Đoàn KT-QP 92 ở các Đội sản xuất ươm được 100.000 cây giống để cung cấp cho nhân dân “phủ xanh” được hàng chục héc ta rừng, góp phần cải thiện môi trường sinh thái vùng dự án.

Gặp chúng tôi, mệ NguyễnThị Sương, ở thôn A Đớt, xã Lâm Đớt phân trần: “Trước đây lúa tuốt xong, mệ đem ra suối rửa, đãi hạt lép rồi mới đem phơi. Khi bộ đội Đội 3 nhận đỡ đầu gia đình tôi đến tuyên truyền, làm như vậy dòng chảy mạnh làm trôi cả hạt chắc, lúa ngâm nước lại dễ hỏng. Bộ đội hướng dẫn cách thổi bằng quạt hoặc dưới gió lớn, lúa dễ bảo quản còn hạt lép đưa vào chăn nuôi nên ai cũng tự giác bỏ, còn đàn gà, đàn lợn của mệ thì lớn nhanh như thổi, nhờ đó có thêm thu nhập”.

Trung tá Trương Công Bình, Đội trưởng Đội sản xuất 1, Đoàn KT-QP 92 hướng dẫn mệ Nguyễn Thị Sương cách đãi thóc trước gió. 

Theo Đại tá Nguyễn Trọng Phương, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Đoàn KT-QP 92 thì những năm trở lại đây, cuộc sống của đồng bào Tà Ôi, Cơ-Tu, ở các xã biên giới, đặc biệt khó khăn của huyện A Lưới đang chuyển biến tích cực, đặc biệt là nhận thức về xóa đói giảm nghèo. Sự thay đổi này là nhờ vào mô hình phân công đảng viên kết nghĩa hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo. Chính anh Phương là khởi xướng mô hình và là người nhận đỡ đầu trực tiếp gia đình bà Kăn Tơi, ở thôn Chi Lanh-A Ro, xã A Đớt. Được bộ đội hỗ trợ phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, gia đình bà Tơi đã thoát nghèo. Nhiệm kỳ 2015-2020, với mô hình: “Đảng viên kết nghĩa với hộ gia đình; chi bộ kết nghĩa với thôn bản”, 40 hộ nghèo thuộc vùng dự án đã thoát nghèo nhờ sự đồng hành của cán bộ, đảng viên Đoàn KT-QP 92. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo bình quân của cả 5 xã vùng dự án Khu KT-QP Asho A Lưới chỉ còn hơn 20%, thấp nhất trong các khu KT-QP trên địa bàn Quân khu 4.

Với ông Hồ Tùng, Trưởng thôn Tri, xã Hướng Lập, Hướng Hóa, Quảng Trị thì người dân thôn ông có được cuộc sống hôm nay có sự đóng góp không nhỏ của cán bộ, đảng viên Đoàn KT-QP 337, trong đó có bàn tay, bước chân không mệt mỏi của Thiếu tá Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng ban Tham mưu Trung đoàn 52, Đoàn KT-QP 337. Cùng ông Hồ Tùng đến gia đình anh Hồ Đài, tuy mới đầu giờ buổi sáng nhưng tôi thấy Thiếu tá Nguyễn Văn Tuấn đã có mặt hướng dẫn gia đình cách ủ phân chuồng, cách chăm sóc các loại rau và hướng dẫn anh Đài về kỹ thuật chăm sóc hai con dê vừa mới sinh. Nghe anh Tuấn hướng dẫn, tôi cứ ngỡ anh là một cán bộ nông nghiệp hay bác sĩ thú y thực thụ...

Nhớ lại những ngày hướng dân người dân thôn Tri kỹ thuật trồng lúa nước khi họ vừa tái định cư xong, anh Tuấn khi đó là Đội trưởng Đội sản xuất 3 cho biết: “Ban đầu một số hộ dân không mạnh dạn khai hoang trồng lúa nước, tôi cùng anh em trong đội đã chọn một gia đình để khoai hoang làm mẫu với diện tích 1 héc ta. Từ chỗ sản xuất 1 vụ đến nay đã sản xuất 2 vụ/năm, năng suất bình quân đạt 3,5 tấn/ha. Từ đó, người dân nhận thấy được lợi ích từ việc thâm canh lúa nước rồi làm theo và nhân rộng ra các hộ khác trong thôn. Từ sản xuất bằng sức người là chính, đến nay người dân trong thôn đã đưa máy vào làm đất, đầu tư hệ thống thủy lợi đảm bảo việc tưới tiêu cho cây trồng. Hiện trong thôn đã có máy xay xát, xe công nông, máy cày, máy tuốt lúa… Người dân đã tự túc được lương thực, có dư lúa để bán, đời sống ngày càng được cải thiện, bộ mặt nông thôn từng bước khởi sắc”.

Cán bộ, đảng viên, nhân viên Trung đoàn 52, Đoàn KT-QP 337 giúp thôn Tri làm đường giao thông ở khu tái định cư.

Không chỉ có vậy, bằng những kiến thức của mình, Thiếu tá Nguyễn Văn Tuấn là một trong những người tiên phong giúp người dân thôn Tà Păng, xã Hướng Lập triển khai mô hình trồng rừng bằng giống cây bời lời đỏ do các đảng viên hiến kế xây dựng. Anh giải thích về công dụng cũng như giá trị kinh tế mà cây bời lời đỏ mang lại một cách cặn kẽ cho dân bản hiểu bời lời đỏ là giống cây dễ trồng, chỉ mất 1 năm đầu chăm sóc rồi cây bời lời tự phát triển, 3-4 năm tiếp có thể thu hoạch dần bằng cách tỉa cành, sau 5 - 7 năm thì thu hoạch lớn và thu hoạch cây tái sinh. Đặc biệt, trong thời gian cây chưa phủ bóng, đang tái sinh có thể trồng xen thêm nhiều loại ngắn ngày như sắn, khoai để tăng thêm thu nhập. Hằng năm, vườn ươm của các đội sản xuất cấp gần 20 vạn cây bời lời giống và 5 vạn cây lấy gỗ để bà con trồng rừng.

Còn Đại úy QNCN Nguyễn Quốc Chiến, Nhân viên, đảng viên Chi bộ Đội sản xuất 1, Trung đoàn 52 lại tiên phong, sát cánh cùng bà con triển khai mô hình nuôi cá. Anh khảo sát các địa điểm có diện tích rộng, sâu có nguồn nước chảy vào, hướng dẫn bà con kỹ thuật đào ao rồi trực tiếp làm mẫu cách rải vôi, ủ phân xanh để khử trùng, làm sạch ao… Sau đó đưa nguồn nước mới vào, tiến hành thả cá các loại cá chép, trắm, mè hoa… theo tỉ lệ 7-8 con giống/1m2 nước… Đối với bờ ao, anh hướng dẫn bà con tận dụng đất trống trồng cỏ voi xung quanh làm thức ăn cho cá. Anh Hồ Trung, thôn Ra Ly - Rào cho biết: “Được bộ đội Chiến tận tình hướng dẫn cách nuôi nên ao cá của gia đình phát triển tốt, mỗi năm thu hoạch gần 2 tấn cá, trừ chi phí lãi gần 70 triệu đồng”.

“Lục lạc vàng” ở biên cương "xóa từng hộ đói, giảm từng hộ nghèo" ở vùng “lõi nghèo”

Vùng dự án mà các Đoàn KT-QP của Quân khu đứng chân thực hiện nhiệm vụ tập trung trên 50% hộ nghèo, cận nghèo, với hộ nghèo dân tộc thiểu số là chủ yếu. Đây chính là những “vùng trũng”, “lõi nghèo” của các địa bàn khó khăn. Vì vậy, công tác xóa đói, giảm nghèo phải tiến hành đến từng hộ dân, phải xóa từng hộ đói, giảm từng hộ nghèo, không thể dàn trải dẫn đến hiệu quả thấp.

Đoàn KT-QP 5 cấp bò giống cho người dân vùng dự án.

Để tìm hiểu chủ trương “Xóa từng hộ đói, giảm từng hộ nghèo”, chúng tôi tìm đến bản Poọng, xã Tam Chung, nơi từng bị “xóa sổ” bởi cơn lũ năm 2018 và 2019, đây cũng là địa bàn đứng chân của Đội sản xuất 5, Đoàn KT-QP 5. Với sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước và toàn xã hội, trong đó 2 lần trực tiếp đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương lên thị sát, kiểm tra, đôn đốc xây dựng khu tái định cư, giờ đây, sau hơn một năm vượt lên những mất mát, đau thương, bản Poọng đang từng ngày hồi sinh, dần mang dáng dấp một bản văn minh với những ngôi nhà san sát. 

Trên đường dẫn chúng tôi đến thăm các gia đình mới chuyển đến khu tái định cư của bản Poọng, đồng chí Lò Thị Khiết, Bí thư Đảng ủy xã Tam Chung chia sẻ: “Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, người dân bản Poọng đã thoát cảnh màn trời chiếu đất nhưng khó khăn lúc này là kế mưu sinh khi mọi thứ bị nhấn chìm bởi lũ. Khu ở mới cách nơi canh tác cũ gần 2km, những ruộng nương màu mỡ gần sông suối đã bị lũ dữ bào mòn, rửa trôi, chỉ còn trơ lại mỗi đá hộc. Trong muôn vàn khó khăn, chương trình tặng bò, dê, gia cầm của Đoàn 5 đã giúp bà con phấn khởi làm ăn”.

Cán bộ, đảng viên Đội sản xuất 1, Đoàn KT-QP 4 hướng dẫn bà con xã Na Ngoi, Kỳ Sơn, Nghệ An cách chăm sóc vịt đẻ.

Trò chuyện với chúng tôi dưới mái nhà sàn thoáng mát, anh Hà Văn Pán, người dân bản Poọng say sưa kể về những tháng gian nan thoát nghèo: “Năm 2011, theo dõi chương trình Lục lạc vàng phát sóng trên kênh VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam, tôi chỉ ao ước một ngày nào đó, chương trình sẽ về với gia đình tôi, về với bà con trong thôn. Nào ngờ, năm 2018, ước mơ đó trở thành hiện thực khi Đoàn 5 tổ chức tặng bò giống cho các hộ nghèo và gia đình tôi là một trong những hộ nằm trong số đó”. Vuốt ve “cơ ngơi” của mình một cách trìu mến, anh Pán vui lắm, tự nhủ sẽ chăm sóc thật tốt, mong sao bò sớm đẻ để thoát nghèo.

Gia đình ông Hà Văn Quần, Hà Văn Bồ, Vi Văn Thời ở bản Poọng cuộc sống vốn khó khăn, thu nhập chủ yếu nhờ vào làm thuê, cuốc mướn, tất cả đều thuộc diện hộ nghèo. Nhằm giúp đỡ các hộ gia đình từng bước vươn lên thoát nghèo, cuối năm 2018, Đoàn đã hỗ trợ mỗi gia đình một con bò giống sinh sản trị giá 10 triệu đồng/con. Ông Vi Văn Thời thổ lộ: “Hôm dắt bò về nhà, tôi ngỡ như đang mơ còn bà con chòm xóm thì không ngớt lời chúc mừng. Thế rồi, không ai bảo ai, mỗi người một tay cùng cán bộ Đội sản xuất 3 đến dựng chuồng giúp tôi. Đến nay, nhờ được bộ đội hướng dẫn chăm sóc đúng kỹ thuật, bò đã chuẩn bị sinh lứa đầu tiên. Lục lạc vàng VTV tuy đã dừng phát sóng nhưng người dân bản Poọng vẫn có “lục lạc vàng” của bộ đội Đoàn 5”.

Được biết, sát cánh với các hộ gia đình là Trung tá Nguyễn Văn Dương, Đội trưởng đội sản xuất 3 cùng cán bộ đảng viên trong đội. Sau trận lũ lịch sử, 100% hộ dân bản Poọng đều thuộc diện đói nghèo. Vì vậy, Trung tá Nguyễn Văn Dương cùng với cấp ủy, chi bộ đã đưa vào nghị quyết hàng năm là giúp ít nhất 2 hộ thoát nghèo. Trong  hai năm 2018, 2019, lần lượt các hộ gia đình ông Hà Văn Quần, Hà Văn Bồ, Vi Văn Thời nhận được 1 con bò giống trong số 10 con bò giống mà Đoàn 5 cấp tặng và cũng trong hai năm đó 4 hộ gia đình này không còn trong danh sách hộ nghèo.

Đoàn KT-QP 337 cấp dê giống cho người dân vùng dự án.

Từ một bản nghèo nhất xã, tình trạng tảo hôn ở mức cao, đói nghèo, bệnh tật, 100% hộ nghèo thì nay sau hai năm, bản đã có trên 100% hộ có nhà kiên cố, 100% con em đến trường đúng độ tuổi. Đó cũng là bước tiến mới trong tư duy xóa nghèo mà những đảng viên của Đoàn KT-QP 5 muốn truyền tải đến cán bộ cấp ủy, chính quyền địa phương: “Không chỉ hỗ trợ “cần câu cá” mà còn phải hướng dẫn bà con “cách câu”. Từ nguồn hỗ trợ ban đầu, vận động các gia đình mạnh dạn vay vốn để phát triển chăn nuôi và trồng trọt, định hướng cho họ cách phát triển kinh tế hộ gia đình một cách bền vững là cách mà Trung tá Nguyễn Văn Dương hướng bà con làm theo kể từ khi được cấp trên tin tưởng phân công về làm Đội trưởng Đội sản xuất 3. Những ngày này anh cùng đồng đội đang tất bật hướng dẫn bà con quy cách làm chuồng, kỹ thuật đào hố để bàn giao 40 con dê cho 8 hộ, mỗi hộ 5 con; 40 con bò cho 40 hộ và hàng nghìn cây giống để người dân trồng tại vườn nhà với tổng diện tích 16,6 héc ta các loại cây xoài trứng, mít, bưởi...

Đàn lợn của mệ Kăn Nhíp do Đoàn KT-QP 92 cấp tặng phát triển nhanh về số lượng.

Trở lại Khu KT-QP Asho A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, chúng tôi nghe câu chuyện vươn lên thoát nghèo của gia đình mệ Kăn Nhíp. Với bà, Trung tá Trương Công Bình, Đội trưởng Đội sản xuất 3, Đoàn KT-QP 92 mãi là ân nhân của gia đình. Mệ Kăn Nhíp cho biết: “Nhà mệ bảy miệng ăn, trước đây đói ăn quanh năm. Năm 2016, khi bộ đội Đội 3 đến trò chuyện, tâm sự, muốn giúp gia đình phát triển mô hình nuôi lợn nái sinh sản, mệ gạt đi, bởi người còn chưa có ăn, lấy gì cho lợn ăn. Tuy nhiên, bộ đội Đội 3 vẫn kiên trì nói cái hay, cái được rồi trực tiếp giúp mệ khai khẩn đất, làm chuồng, cấp 3 con lợn giống; hàng ngày, tới hướng dẫn mệ cách chăm sóc. Lứa đầu tiên, mệ định bán nhưng bộ đội nói phải tạo đàn, các lứa sau mệ bán cho thu nhập bằng cả năm làm lụng vất vả. Nhờ đó, mệ sắm được ti vi để xem, mua cái máy cày làm lúa nước, sắm cái xe máy đi bán lợn. Vui lắm cán bộ à! Mệ chỉ mong sao "lục lạc vàng" của "bộ đội Chín Hai” hỗ trợ thêm nhiều bà con thoát nghèo".

Công cuộc xóa đói, giảm nghèo có thể ví như cuộc chạy ma-ra-tông. Ở đoạn đầu “vận động viên” đầy hứng khởi và sung mãn thể lực, nhưng nếu không biết điều tiết, phân phối đều sức, cộng thêm “chiến thuật” hợp lý, ý chí bền bỉ, kiên trì, không nản chí mới có thể về đích với kết quả tốt nhất. Đó cũng chính là phẩm chất cần có của những đảng viên tiên phong trên mặt trận xóa đói, giảm nghèo, những người đưa ánh sáng của Đảng về những nơi khó khăn, gian khổ.

Bài, ảnh: MẠNH HÙNG – ĐÌNH TRUNG

(Còn tiếp)

Bài 3: Đảng viên tiên phong hết lòng vì dân, đồng bào vững niềm tin theo Đảng


Tác giả: mạnh hùng - đình trung
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội