A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dấu ấn đồng chí Đoàn Khuê tại giới tuyến quân sự Vĩnh Linh (Quảng Trị)

Sinh ra trên quê hương Quảng Trị giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, trải qua quá trình rèn luyện, phấn đấu trên nhiều cương vị khác nhau, đồng chí Đoàn Khuê đã thể hiện rõ tài năng của người cán bộ lãnh đạo song toàn cả về chính trị và quân sự, luôn sâu sát thực tiễn, cơ sở, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Một trong những nhiệm vụ đó là việc đồng chí được Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân tin tưởng, giao đảm nhiệm cương vị Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Lữ đoàn 341, đơn vị trực tiếp bảo vệ, phòng thủ khu vực giới tuyến quân sự tạm thời ở Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) trong những năm 1958 - 1960.

Theo quy định của Hiệp định Giơnevơ (21/7/1954), hai bên tập kết chuyển quân, hình thành khu phi quân sự ở Vĩ tuyến 17 và hai năm sau sẽ hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Tuy nhiên, với mưu đồ xâm chiếm lâu dài miền Nam Việt Nam, đế quốc Mỹ và lực lượng tay sai từng bước phá hoại Hiệp định, đàn áp phong trào cách mạng miền Nam, tiến hành các hoạt động phá hoại, chuẩn bị cho cái gọi là “Bắc tiến”, mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Thực hiện mưu đồ đó, Mỹ - Diệm biến hai tỉnh giáp giới tuyến quân sự tạm thời Thừa Thiên Huế và Quảng Trị thành “tiền đồn chống Cộng”. Tại các địa phương này, chúng bố trí lực lượng gồm: Sư đoàn chủ lực “Bắc tiến”, các đại đội bảo an, dân vệ, cảnh sát, hình thành hệ thống kìm kẹp dọc biên giới Việt - Lào và giới tuyến quân sự tạm thời.

Cố Đại tướng Đoàn Khuê.

 

Trước tình hình đó, Trung ương Đảng chỉ đạo đấu tranh buộc địch thi hành đúng Hiệp định Giơnevơ, tranh thủ ủng hộ quốc tế, đồng thời tăng cường lực lượng và tổ chức phòng phủ ở khu vực giới tuyến, không cho chúng thực hiện mưu đồ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Nhiệm vụ nặng nề được đặt lên vai chính quyền, Nhân dân các địa phương ở tuyến đầu và các đơn vị bảo vệ khu vực giới tuyến, trong đó có Lữ đoàn 341, Quân khu 4. Đây là đơn vị được phát triển từ Trung đoàn 270 theo quyết định ngày 31 tháng 3 năm 1958 của Bộ Tư lệnh Quân khu 4.

Lãnh đạo, xây dựng đơn vị đảm đương nhiệm vụ khu vực giới tuyến đòi hỏi những cán bộ chủ trì không những giỏi về quân sự, chính trị mà còn phải có bản lĩnh, lập trường kiên quyết, có kinh nghiệm trong chỉ huy ở những địa bàn nóng bỏng và khôn khéo trong đấu trí với địch. Đại tá Đoàn Khuê, Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Lữ đoàn 351 được Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh tin tưởng lựa chọn để lãnh đạo đơn vị bảo vệ giới tuyến - Lữ đoàn 341 . Trên cương vị Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Lữ đoàn 341, đồng chí Đoàn Khuê đã quán triệt quan điểm chỉ đạo trực tiếp của Quân khu ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu 4, nhanh chóng nắm bắt tình hình địa bàn giới tuyến để điều chỉnh thế bố trí lực lượng, sẵn sàng phối hợp cùng các lực lượng khác kiên quyết đấu tranh với địch tại khu vực giới tuyến. Ngày 30 tháng 4 năm 1958, mọi công tác bổ sung kiện toàn tổ chức Lữ đoàn được hoàn thành.

Thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu 4, trong năm 1958, đồng chí Đoàn Khuê đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn thực hiện tốt các đợt chỉnh huấn chính trị về đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đường lối đấu tranh thống nhất nước nhà, đường lối quân sự, quan điểm chiến tranh nhân dân của Đảng, góp phần bồi dưỡng thêm bản chất giai cấp công nhân, nâng cao ý chí quyết tâm xây dựng chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thống nhất nước nhà. Bên cạnh đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, đồng chí Đoàn Khuê còn thống nhất với cấp ủy, chỉ huy Lữ đoàn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường huấn luyện quân sự, phối hợp với các đơn vị, địa phương đang làm nhiệm vụ bảo vệ bờ biển, tổ chức diễn tập chống địch đổ bộ, phong tỏa đường biển; qua đó, giúp cho cán bộ chỉ huy các đơn vị nắm được phương thức tác chiến tổng hợp, hiệp đồng quân binh chủng, phối hợp tác chiến giữa bộ đội chủ lực với bộ đội địa phương và lực lượng dân quân các địa phương ven biển Vĩnh Linh, Quảng Bình, Hà Tĩnh.

Ở khu vực phía Tây giới tuyến quân sự tạm thời, nhất là ở địa bàn xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị), lợi dụng việc phân định đường giới tuyến quân sự tạm thời ở đây không rõ ràng, đại diện tổ quốc tế giám sát việc thi hành Hiệp định cũng không thể đến được, địch dùng mọi thủ đoạn mua chuộc, dụ dỗ, đe dọa, lừa gạt hòng khống chế Nhân dân. Chúng nhiều lần đưa quân lên xây dựng đồn bốt, chiếm giữ địa bàn nhưng chưa thành công. Trước tình hình đó, thực hiện mệnh lệnh của cấp trên, đồng chí Đoàn Khuê đã trực tiếp chỉ huy một bộ phận đơn vị cấp tốc hành quân lên Hướng Lập. Với nhãn quan chính trị, quân sự sắc sảo và tác phong công tác sâu sát cơ sở, đồng chí Đoàn Khuê đã nhanh chóng nắm bắt tình hình thực tiễn tại địa bàn, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị tuân thủ theo quy định của Hiệp định Giơnevơ, tiến hành xây dựng cơ sở, bảo vệ và hỗ trợ cho Nhân dân trong đấu tranh chính trị, sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu, thủ đoạn của địch. Trong khó khăn, gian khổ, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn đã thực hiện “3 cùng” với Nhân dân, được Nhân dân quý mến, chăm sóc như con em của mình. Theo đề nghị của đồng chí Đoàn Khuê và Khu ủy Vĩnh Linh, Bộ Tổng Tham mưu quyết định điều thêm hai đại đội Công an vũ trang lên Hướng Lập và thành lập Đồn Công an nhân dân vũ trang Hướng Lập (phiên hiệu Đồn 235).

Để ngăn cản các hoạt động của ta, từ giữa năm 1958 địch cũng huy động một trung đoàn chủ lực và một số đơn vị biệt kích lên đánh chiếm Hướng Lập nhằm củng cố, bảo vệ hệ thống phòng thủ giới tuyến dọc biên giới Việt - Lào. Đồng chí Đoàn Khuê bình tĩnh chỉ huy đơn vị phối hợp với các lực lượng và động viên quần chúng Nhân dân dựa vào pháp lý của Hiệp định Giơnevơ để đấu tranh với địch; đồng thời triển khai lực lượng sẵn sàng chiến đấu, đối phó với các âm mưu, thủ đoạn liều lĩnh của địch. Trước lực lượng chiến đấu mạnh được chuẩn bị từ trước và hành động kiên quyết của ta, địch buộc phải rút quân, ta “giữ vững địa bàn chiến lược này - địa bàn mà sau đó ít năm đã trở thành điểm nút cực kỳ trọng yếu của tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn, “đường mòn” Hồ Chí Minh huyền thoại”.

Giữa lúc phong trào đấu tranh cách mạng hai miền Nam - Bắc gặp nhiều khó khăn, đầu năm 1959 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra đời. Quán triệt Nghị quyết của Trung ương và chỉ đạo của Quân khu, Chính ủy Đoàn Khuê cùng tập thể Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn đẩy mạnh xây dựng đơn vị về mọi mặt, nhất là quán triệt quan điểm mới của Đảng về đấu tranh vũ trang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đồng thời chỉ đạo đơn vị tích cực huấn luyện sẵn sàng chiến đấu bảo vệ giới tuyến sát với tình hình mới.

Cùng với củng cố xây dựng lực lượng, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, Lữ đoàn tích cực tham gia xây dựng các công trình phòng thủ, công sự, đài quan sát, hầm chứa đạn. Từ tháng 5 năm 1959 đến đầu năm 1960 một bộ phận cán bộ Lữ đoàn 341 ra khảo sát và đặt đài quan sát, sau đó tổ chức bộ đội ra chiếm lĩnh đảo Cồn Cỏ để tăng cường nắm địch ở phía Nam và giới tuyến. Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 341 dầm mình trong mưa, nắng chuyển hàng ngàn tấm bê tông lên các điểm cao xây dựng công sự, đào hơn 8km đường hào chiến đấu, tập trung sức tăng cường khả năng phòng thủ ở đảo Cồn Cỏ, dọc bờ sông Bến Hải lên trục đường quốc lộ 1, xây dựng Vĩnh Linh thành pháo đài quân sự vững chắc bảo vệ giới tuyến phòng thủ, trong đó tập trung xây dựng tuyến tiền duyên mạnh.

Có thể khẳng định, từ năm 1958 đến năm 1960, trên cương vị Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Lữ đoàn 341 bảo vệ khu vực giới tuyến, với tài năng và kinh nghiệm thực tiễn, đồng chí Đoàn Khuê đã có nhiều công lao, thành tích góp phần lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị không ngừng nâng cao chất lượng chính trị, sức chiến đấu, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Dới sự lãnh đạo, chỉ đạo của đồng chí Đoàn Khuê, Lữ đoàn đã nhanh chóng trưởng thành, vững mạnh, là một trong những đơn vị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, dẫn đầu về phong trào “Ba nhất” (Nhất về huấn luyện quân sự, rèn luyện kỹ thuật; Nhất về gương mẫu giữ gìn kỷ luật; Nhất về lao động sản xuất) của lực lượng vũ trang Quân khu 4.

Quá trình hơn 3 năm lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị Lữ đoàn 341 trực tiếp đấu tranh với địch trong điều kiện còn nhiều khó khăn, gian khổ ở địa bàn giới tuyến, nơi được ví như “hình ảnh thu nhỏ của đất nước Việt Nam”, đồng chí Đoàn Khuê đã phát huy tố chất của người lãnh đạo chỉ huy giỏi về quân sự và chính trị, cùng với tập thể cán bộ, chiến sĩ đơn vị quyết tâm vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách; kiên cường bám dân, bám địa bàn, phối hợp với các đơn vị bạn liên tục chiến đấu tiêu diệt các toán biệt kích gián điệp của Mỹ, ngụy; đánh trả máy bay địch xâm phạm bầu trời Vĩnh Linh, bảo vệ Đảng, chính quyền, các mục tiêu kinh tế, chi viện cho an ninh Quảng Trị, an ninh miền Nam diệt ác trừ gian, hỗ trợ cho phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng, phát triển vùng giải phóng, góp phần bảo vệ giới tuyến, bảo vệ vững chắc địa đầu miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Lực lượng vũ trang Quân khu 4 tự hào vì trong trong đội ngũ cán bộ quân sự cấp cao của Đảng, Nhà nước và Quân đội, có đồng chí Đoàn Khuê - Người con quê hương Khu 4 anh hùng, người cán bộ lãnh đạo, chỉ huy mẫu mực, tài năng cả về chính trị và quân sự. Tiếp nối sự nghiệp cách mạng mà đồng chí Đoàn Khuê và các thế hệ lãnh đạo đi trước đã dày công xây dựng; cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu 4 hôm nay cùng nhau đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, phấn đấu đưa lực lượng vũ trang Quân khu ngày càng tiến lên chính qui, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, làm nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện; xứng đáng là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đại tá, ThS Nguyễn Đình Vũ, 

Trưởng phòng Khoa học Quân sự, Bộ Tham mưu, Quân khu 4


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội