Điểm tựa giữa trùng khơi
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các cấp, các ngành và lực lượng vũ trang..., cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân làm nhiệm vụ trên biển, quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK-1 đã vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió, thêm vững tin, an tâm vươn khơi, bám biển, tham gia bảo vệ tài nguyên môi trường biển, nguồn lợi thủy sản; khẳng định và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
An tâm vươn khơi
Những năm qua, bên cạnh hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, Chi đội Kiểm ngư số 4 (Cục Kiểm ngư, Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) còn thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn và tuyên truyền, hỗ trợ ngư dân đánh bắt hải sản trên vùng biển quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK-1, góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
.jpg)
Đến nay, ông Bùi Văn Toàn, trú tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, chủ tàu cá BTh 97478TS vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ tai nạn chìm tàu. Ngày 10/7/2022, trong khi đang đánh bắt cá trên vùng biển Trường Sa, tàu của ông gặp sóng lớn ngược chiều, nước tràn vào từ mũi khiến tàu bị ngập nước và nhanh chóng bị chìm, buộc ông và các thuyền viên phải thoát tàu bằng Mủng. Sau 15 ngày lênh đênh trên biển, nhóm của ông may mắn được tàu Buffalo (đang hành trình từ Ai Cập đi Trung Quốc) cứu vớt khi đang cách bờ biển Nha Trang khoảng 214 hải lý. Sau đó ông cùng 4 thuyền viên đã được đưa lên tàu KN 466 (Chi đội kiểm ngư số 4) đang làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn gần đó trung chuyển vào đất liền chữa trị. Xúc động trước sự quan tâm, chăm sóc chu đáo của cán bộ, chiến sĩ tàu KN 466, ông nói: “Khi được đưa lên tàu, tinh thần chúng tôi ai cũng hoảng loạn, thể xác thì kiệt quệ. Song được cán bộ, chiến sĩ tàu KN 446 động viên, quan tâm chăm sóc ăn uống, thuốc men ân cần, chu đáo nên anh em nhanh chóng hồi phục. Cảm ơn các anh nhiều lắm! Giờ đi biển có các anh, bà con ngư dân chúng tôi cũng an tâm hơn để bám biển”.
Còn anh Huỳnh Văn Đơ, quê ở Hoài Nhơn (Bình Định), ngư dân tàu cá BĐ 96894 thì hết lời cảm ơn cán bộ, chiến sĩ tàu KN 402 (Chi đội Kiểm ngư số 4): “Khi đang đánh bắt cá trên vùng biển đảo Sơn Ca, tôi bị đau bụng dữ dội và được chuyển vào đảo Sơn Ca cấp cứu. Bác sĩ ở đây chẩn đoàn tôi bị viêm dạ dày cấp. Nếu không được phát hiện, điều trị sớm có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, đe dọa đến sức khỏe. Sau đó tôi được chỉ định chuyển lên tàu KN 402 đưa về đất liền điều trị, nhờ đó không nguy hiểm đến tính mạng”.
Chi đội Kiểm ngư số 4 thành lập ngày 28/3/2014, có nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, duy trì thực thi pháp luật về kiểm ngư, bảo vệ nguồn tài nguyên môi trường, nguồn lợi thủy sản; xử lý mọi hành vi vi phạm của tàu cá, tàu dân sự của Việt Nam và tàu nước ngoài hoạt động trên các vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam; tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên các vùng biển của Việt Nam…
Đồng chí Nguyễn Minh Lành, Chi đội trưởng Chi đội Kiểm ngư số 4 cho hay, những năm qua, Chi đội đã tham gia cùng với các lực lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ các hoạt động kinh tế, khảo sát, thăm dò dầu khí của ta và tuyên truyền, đấu tranh ngăn cản các nhóm tàu và giàn khoan HD981 của Trung Quốc. Thực hiện tốt nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát ngư trường, trực chốt đảo, tuyên truyền pháp luật, giúp đỡ ngư dân. Kết quả đã tuyên truyền cho hơn 3500 lượt ngư dân; cấp phát hơn 4.000 cuốn sổ tay hỏi - đáp, trên 200.000 tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền pháp luật về biển, đảo, bảo vệ tài nguyên môi trường, nguồn lợi thủy sản; hỗ trợ hàng chục lượt tàu khắc phục sự cố, hỏng hóc; cấp hơn 3000m3 nước ngọt; hỗ trợ vật tư y tế, nhiên liệu, lương thực, thực phẩm cho các tàu hoạt động dài ngày trên biển. Tổ chức đưa đón các đoàn đi thăm và kiểm tra Quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK-1 bảo đảm an toàn. Tổ chức 62 lượt, cấp cứu, cứu chữa và hỗ trợ 667 lượt người, bàn giao cho các địa phương bảo đảm an toàn.
Với những thành tích đạt được, đã góp phần quan trọng vào nỗ lực đề nghị gỡ bỏ “thẻ vàng” của EC đối với Ngành Thủy sản Việt Nam; cán bộ, thuyền viên thực sự là chỗ dựa tin cậy của ngư dân, để ngư dân an tâm vươn khơi, bám biển; tiếp tục khẳng định và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Vững tâm bám biển
Trong chuyến thăm quân, dân đảo Đá Tây (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa), chúng tôi có dịp ghé thăm Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây (gọi tắt là Trung tâm). Giữa trùng khơi mênh mông sóng nước, hàng chục con tàu của ngư dân nhộn nhịp vào, ra âu đảo để tiếp thêm dầu, nước ngọt, đá lạnh, lương thực, thực phẩm…
Tất bật cùng với các thuyền viên xay những mẻ đá cuối cùng đổ vào hầm tàu, anh Võ Thành Trọng, chủ tàu Bth 48997TS nói với chúng tôi: “Bên cạnh dầu, đá lạnh là thứ không thể thiếu trong những chuyến đi biển của ngư dân, chúng tôi được cung cấp nước ngọt miễn phí; tàu thuyền khi hư hỏng, được Trung tâm hỗ trợ cứu kéo, sửa chữa miễn phí tiền công. Các dịch vụ của Trung tâm cung cấp lấy giá thành rẻ như đất liền, mang lại cho chúng tôi rất nhiều thuận lợi”.
Với anh Nguyễn Thái Hưng, chủ tàu Bth 9765915 đến từ Bình Thuận tới nay vẫn không quên được sự giúp đỡ của Trung tâm. Tháng 4/2023, khi đang đánh bắt cá ở ngư trường quần đảo Trường Sa, tàu của anh bị gãy trục chân vịt phải thả trôi cách đảo Đá Tây hơn 20 hải lý. Nhờ sự hỗ trợ kịp thời của Trung tâm, tàu đã được lai dắt vào âu tàu đảo Đá Tây; tại đây, đội ngũ nhân viên kỹ thuật của Trung tâm đã giúp anh sửa chữa, khắc phục sự cố. Trò chuyện với chúng tôi anh cho hay: “Khoảng cách từ ngư trường về đất liền là vài trăm hải lý. Khi gặp sự cố hỏng hóc, nếu không có sự hỗ trợ của Trung tâm, quả thực chúng tôi chẳng biết làm sao”.
Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây đi vào hoạt động từ tháng 5/2005. Tháng 9/2017, Trung tâm được nâng cấp mở rộng, góp phần nâng cao năng lực, đáp ứng tốt nhu cầu thiết yếu cho bà con ngư dân yên tâm bám biển dài ngày. Anh Vũ Chí Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: Trung tâm có âu tàu diện tích 13 héc ta, được chắn gió bằng đê kè bê tông cao hơn 5m, có sức chứa hơn 200 tàu thuyền vào trú bão. Ngoài ra, Trung tâm biên chế đội tàu dịch vụ 11 chiếc và các công trình lớn như: Nhà máy sản xuất nước đá công suất 800 cây đá/ngày; nhà máy chế biến hải sản; hệ thống triền đà kéo tàu lên bờ sửa chữa và nhà tránh trú bão sức chứa 1000 người.
Từ nhiều năm qua, Đảo Đá Tây là điểm đến quen thuộc của nhiều tàu cá ngư dân. Năm 2023, Trung tâm đã cung cấp gần 500 lít dầu, 30,5 tấn lương thực, thực phẩm, gần 100 ngàn cây đá, hơn 2000m3 nước ngọt; cứu kéo, sửa chữa 25 tàu thuyền của ngư dân bị hư hỏng. Chính nhờ điểm trung gian này, đã giúp bà con ngư dân tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức, nhiên liệu và tiền bạc.
Bên cạnh việc cung ứng đầy đủ các dịch vụ hậu cần nghề cá, Trung tâm còn phối hợp với các lực lượng trên đảo làm tốt công tác tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về biển, đảo; bảo vệ tài nguyên môi trường, nguồn lợi thủy sản; kịp thời hỗ trợ, thăm hỏi ngư dân khi ốm đau, thực sự là chỗ dựa vững chắc cho Nhân dân yên tâm vươn khơi bám biển.
Thượng tá Lê Ngọc Nam, Chính trị viên Đảo Đá Tây nhấn mạnh: “Dịch vụ hậu cần nghề cá tại Đảo Đá Tây hoạt động có hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho hàng ngàn con tàu của bà con ngư dân đánh bắt, khai thác trên vùng biển Trường Sa. Các dịch vụ tiện lợi được cung ứng theo giá ở đất liền đã mang lại niềm tin, là chỗ dựa vững chắc, địa chỉ tin cậy cho những con tàu ra khơi, khai thác, đánh bắt hải sản dài ngày trên biển”.
Niềm tin nơi đảo xa
Thời gian qua, dù điều kiện cơ sở vật chất, trang, thiết bị y tế còn thiếu thốn so với đất liền, đội ngũ y, bác sĩ Bệnh xá đảo Sinh Tồn (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) đã khắc phục khó khăn, phát huy y đức và chuyên môn, chữa và điều trị kịp thời cho hàng trăm lượt bệnh nhân, trở thành chỗ dựa tin cậy để ngư dân vươn khơi bám biển, cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân an tâm canh giữ chủ quyền biển, đảo.
Ngày 13/12/2022, ông Trần Hữu, sinh năm 1978, quê ở phường Hoài Hương (thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định), là ngư dân làm thuê trên tàu cá BĐ 97573 TS được đưa vào Bệnh xá đảo Sinh Tồn cấp cứu trong tình trạng đau đầu, chóng mặt, méo miệng, yếu và liệt nửa người trái. Qua thăm khám, quân y đảo Sinh Tồn chẩn đoán bệnh nhân bị liệt nửa người trái do đột quỵ nhồi máu não giờ thứ 13. Sau khi hội chẩn với Viện y học Hải quân, Bệnh viện Quân y 175 và 103, các thầy thuốc trên đảo đã tiến hành điều trị hạ huyết áp, cho bệnh nhân thở oxy, đặt đường truyền tĩnh mạch, ổn định huyết động, dinh dưỡng thần kinh và thường xuyên theo dõi chỉ số sinh tồn. Được sự chăm sóc y tế đặc biệt, đầy trách nhiệm của các y, bác sĩ trên đảo, sức khỏe bệnh nhân Hữu dần ổn định, Bệnh xá đã báo cáo lên cấp trên, điều trực thăng chuyển bệnh nhân Hữu về đất liền, đưa vào Bệnh viện Quân y 175 tiếp tục điều trị, nhờ đó ông Hữu giữ được tính mạng.
Còn Binh nhất Nguyễn Đình Dũng, chiến sĩ Cụm chiến đấu 3 (đảo Sinh Tồn) đến tận bây giờ vẫn không quên giây phút cận kề sinh tử. Ngày 18/7/2022, Dũng được đưa vào Bệnh xá đảo Sinh Tồn cấp cứu trong tình trạng đau thắt vùng bụng. Sau khi thăm khám, quân y đảo đã chẩn đoán Dũng bị viêm ruột thừa cấp giờ thứ 7, chỉ định phẫu thuật cắt ruột thừa. Bằng trình độ chuyên chuyên và kinh nghiệm của y, bác sĩ, sau gần một giờ phẫu thuật, Dũng đã qua cơn nguy kịch. Một tuần điều trị tại Bệnh xá, sức khỏe Dũng dần bình phục và được bàn giao về đơn vị tiếp tục công tác.
Đó là hai trong số nhiều trường hợp được đưa vào cấp cứu tại Bệnh xá đảo Sinh Tồn. Giữa trùng khơi mênh mông sóng nước, cách xa đất liền hàng trăm hải lý, bằng trình độ chuyên môn và y đức của người thầy thuốc, nhờ sự can thiệp y tế kịp thời, các y, bác sĩ Bệnh xá đảo Sinh Tồn đã cứu sống nhiều bệnh nhân, giúp họ vượt qua cơn nguy kịch. Theo Bác sĩ, Thượng úy Hoàng Xuân Bảo, Bệnh xá trưởng đảo Sinh Tồn: Từ năm 2018 đến nay, Bệnh xá đảo Sinh Tồn đã khám, cấp thuốc cho hơn 5000 lượt bệnh nhân, thu dung điều trị hơn 120 bệnh nhân, cấp cứu 41 bệnh nhân, trong đó có nhiều trường hợp bệnh nhân bị viêm ruột thừa, đau quặn thận, đột quỵ não, tai nạn lao động…, nếu cấp cứu không kịp thời hoặc chẩn đoán sai rất dễ nguy hiểm đến tính mạng.
.jpg)
Bệnh xá đảo Sinh Tồn có quy mô 15 giường bệnh; trang bị đầy đủ các phòng chức năng như phòng khám, phòng chụp XQ, phòng cấp cứu, phòng mổ…, với đầy đủ thuốc men, hóa chất, các trang thiết bị y tế hiện đại, sẵn sàng thu dung, điều trị, cấp cứu, chăm sóc sức khỏe cho bộ đội, nhân dân trên đảo và ngư dân đánh bắt hải sản khu vực quần đảo Trường Sa, tham gia phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường. Với trang bị và lực lượng hiện nay, Bệnh xá đủ khả năng điều trị các bệnh thông thường; có thể triển khai nhiều kỹ thuật hiện đại như cấp cứu bệnh nhân giảm áp, mổ ruột thừa, các bệnh về cơ, xương khớp…
Trung tá Trần Văn Trình, Chính trị viên đảo Sinh Tồn cho biết: “Với đặc thù nghề đi biển, ngư dân thường phải đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe như: cảm cúm, tai nạn lao động, các bệnh về tiêu hóa, da liễu, có nhiều trường hợp bị đột quỵ não. Cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân công tác, sinh sống trên đảo cũng có lúc gặp phải bệnh lý tương tự, được các y, bác sĩ trên đảo cấp cứu, điều trị kịp thời. Có đội ngũ thầy thuốc của Bệnh xá đảo, giúp ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân sinh sống trên đảo cũng vững tin hơn để an tâm canh giữ và bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
Bài và ảnh: HOÀNG THÁI
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận