Vững vàng tuyến đầu, sẵn sàng tuyến sau
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhất là trong đợt tái bùng phát dịch lần thứ 4, mặc dù cùng lúc triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ, tuy nhiên, với sự năng động, sáng tạo, chủ động dự báo, nắm chắc, đánh giá sát đúng tình hình, nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Thừa Thiên Huế luôn vững vàng trên tuyến đầu, sẵn sàng nơi tuyến sau, hoàn thành thắng lợi mục tiêu "kép": Vừa triển khai thực hiện tốt công tác quốc phòng, quân sự (QP, QS) địa phương, vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả.
Căng mình trên nhiều “mặt trận”
Tham gia cuộc diễn tập khu vực phòng thủ thị xã Hương Trà những ngày trung tuần tháng 7 năm 2021, chúng tôi thực sự ấn tượng về mọi mặt. Từ sự nỗ lực cố gắng của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương đến vai trò, tính hiệu quả trong công tác tham mưu của cơ quan quân sự thị xã. Với sự tham mưu đúng, trúng, kịp thời của Ban CHQS thị xã, cuộc diễn tập diễn ra khẩn trương, nhịp nhàng, kịp thời chuyển đổi phương thức sinh hoạt từ thời bình sang thời chiến. Dưới sự điều hành của lực lượng Quân sự, các lực lượng phối hợp xử lý tình huống nhuần nhuyễn, nhất là các nội dung vận hành cơ chế; chống gây rối, bạo loạn; thiết quân luật giới nghiêm; phát lệnh gọi quân dự bị, phương tiện kỹ thuật; thực binh bắn đạn thật…
Đề cập ấn tượng đó với Thượng tá Ngô Nam Cường, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế, anh cho biết: “Phải khẳng định rằng, trong khó khăn chung về nhiều mặt, quân số ít, cùng lúc triển khai nhiều công việc, nhất là hiện nay thị xã đã kích hoạt các khung cách ly, sẵn sàng đón công dân từ vùng dịch trở về, lực lượng phân tán, “chia lửa” trên nhiều tuyến, nhiều “mặt trận” thì thành công của cuộc diễn tập là một sự nỗ lực rất lớn của cấp ủy, chính quyền và LLVT thị xã Hương Trà. Chúng tôi đánh giá rất cao sự nỗ lực đó. 6 tháng đầu năm 2021, không chỉ LLVT thị xã Hương Trà mà các cơ quan, đơn vị trong toàn LLVT tỉnh thực sự căng mình, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ trên nhiều “mặt trận” như huấn luyện, diễn tập, phòng chống dịch Covid-19, phòng chống thiên tai, cháy rừng…”.
Khẳng định đó của đồng chí Chỉ huy trưởng đã được chúng tôi kiểm chứng suốt thời gian qua. Mặc dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng các cơ quan, đơn vị vừa hoàn thành nội dung, chương trình, thời gian huấn luyện cho các đối tượng vừa thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch. Các khu cách ly do Bộ CHQS tỉnh quản lý đã tiếp nhận, cách ly trên 4.540 công dân; huy động hàng nghìn lượt bộ đội, dân quân tham gia các tổ, chốt liên ngành kiểm soát y tế...
Còn nhớ thời điểm cuối tháng 6 năm 2021, nắng nóng kéo dài khiến cháy rừng trở lại hoành hành trên địa bàn thị xã Hương Thủy. Điển hình như vụ cháy ngày 25-26/6 tại xã Phú Sơn; vụ cháy đồng loạt diễn ra tại 3 phường Phú Bài, Thủy Phương và Thủy Châu ngày 28-29/6… đã thiêu rụi hàng trăm héc ta rừng. Dịch bệnh chưa qua, hỏa hoạn đã tới, nhưng không quản nắng nóng, hiểm nguy, gian khổ, tinh thần xông pha trên hai tuyến đầu đánh “giặc” Covid -19 và “giặc” lửa đã trở thành mệnh lệnh từ trái tim của mỗi cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh.
Đánh “giặc” lửa, Bộ CHQS tỉnh đã điều động hơn 4.300 lượt cán bộ, chiến sĩ thuộc Ban CHQS thị xã Hương Thủy, Trung đoàn 6, Tiểu đoàn Tăng - Thiết giáp 3, Đại đội Phòng không 594 và dân quân tự vệ cơ động kịp thời chữa cháy, cứu hàng nghìn héc ta rừng. Một “mặt trận” không kém phần nóng bỏng là Bộ CHQS tỉnh đã điều động trên 330 lượt cán bộ, chiến sĩ, 64 lượt phương tiện tiếp tục tổ chức tìm kiếm các công nhân đang mất tích tại Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 giai đoạn 4, 5, 6, hiện nay, các lực lượng đang triển khai phương án giai đoạn 7… Hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” LLVT tỉnh không chỉ xông pha nơi tâm dịch mà còn ngời sáng trong “bão” lửa cũng như trên khắp các “mặt trận” đã trở thành “điểm tựa” niềm tin quyết thắng thiên tai, dịch bệnh của cấp ủy, chính quyền và người dân xứ Huế.
Nắm chắc tình hình, chủ động dự báo
Một trong những kết quả nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ QP-QS của LLVT tỉnh Thừa Thiên Huế đó là hiệu quả trong phòng chống dịch Covid-19. Trên chuyến xe ngày trở lại Rào Trăng với đồng chí Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, cùng với tìm hiểu hoạt động tri ân các liệt sĩ hy sinh tại Tiểu khu 67 và công tác tìm kiếm các nạn nhân đang mất tích ở thủy điện Rào Trăng 3, chúng tôi còn được anh Cường trao đổi nhiều vấn đề mà anh tâm đắc nhất trong công tác phòng, chống dịch của LLVT tỉnh.
Theo anh Cường thì từ đầu năm đến nay, mặc dù số lượng F0 trên địa bàn Thừa Thiên Huế không nhiều nhưng không có nghĩa là tình hình không phức tạp mà đó là kết quả của việc Bộ CHQS tỉnh thường xuyên quán triệt nghiêm túc, đầy đủ các chỉ thị của Quân khu, tỉnh; có nhiều chủ trương, giải pháp quyết liệt trong cách ly, khoanh vùng dập dịch, nhất là công tác điều hành ở các khu cách ly rất chuyên nghiệp, bài bản, khoa học. Trên cơ sở đó, Bộ CHQS tỉnh luôn nắm chắc tình hình, gắn chặt, vận dụng sát với điều kiện thực tiễn, tổ chức biên chế của LLVT tỉnh, diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn và cả nước để chủ động dự báo từ trước.
Nhờ nắm chắc tổ chức biên chế lực lượng, bám sát thực tiễn địa bàn nên khi triển khai phòng, chống dịch, cả hệ thống từ Bộ CHQS tỉnh đến cơ sở không bị rối. Vì tổ chức biên chế có hạn nên việc điều động quân số, tổ chức lực lượng tham gia phòng, chống dịch phải đồng thời đảm bảo các yếu tố: Không thiếu, vận hành trôi chảy, hiệu quả và nhất là không để hụt quân cho các nhiệm vụ khác. Bởi suy cho cùng thì nhiệm vụ chính trị trọng tâm nhất của LLVT tỉnh vẫn là huấn luyện, SSCĐ nhưng nhờ điều tiết tốt nên hầu như mức độ ảnh hưởng đến huấn luyện, SSCĐ là không đáng kể, các đối tượng tham gia phòng, chống dịch được tổ chức huấn luyện bù đầy đủ… Từ việc làm tốt công tác nắm tình hình, dự báo tình huống nên các biện pháp phòng, chống dịch do Bộ CHQS tỉnh triển khai đều phù hợp với từng giai đoạn, đạt hiệu quả cao.
Anh Cường dẫn chứng: “Trong chuyến công tác vào thành phố Hồ Chí Minh cách đây 4 tuần, tôi đã dự báo nếu tình hình dịch tiếp tục diễn biến phức tạp thì sẽ phát sinh nhu cầu trở về của bà con, các tỉnh có công dân lao động, làm ăn sinh sống ở đây cần chủ động lên phương án đón công dân. Là thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covd-19 của tỉnh (sau đây gọi là Ban chỉ đạo - PV), tôi đã tham mưu với Ban các phương án đón, mở rộng thêm khu cách ly, bởi nếu không chủ động đón, bà con cũng sẽ bằng mọi cách để trở về, vào tỉnh bằng nhiều con đường, rồi trốn tránh cách ly, không quản lý hết sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường”.
Thực hiện chủ trương chung và dự báo từ trước, trong rất nhiều nhiệm vụ mà Quân đội đảm nhiệm thì Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế luôn xác định nhiệm vụ tổ chức đón công dân, cách ly y tế tập trung là rất quan trọng, nhiệm vụ chính và trọng tâm của LLVT tỉnh trong phòng, chống dịch.
Chủ trương nhân văn, thuận lòng dân
Đề cập đến vấn đề đón công dân trở về từ vùng dịch, Thượng tá Ngô Nam Cường nói với tôi bằng những lời “rút ruột” từ tâm can: “Qua theo dõi, nắm bắt chỉ đạo của Chính phủ, thông tin trên báo chí và Ban liên lạc Hội đồng hương Thừa Thiên Huế, chúng tôi biết rất nhiều người dân muốn trở về, một tâm tư nguyện vọng chính đáng của bà con. Cũng như Việt Nam chúng ta đã từng tổ chức đón kiều bào ở nước ngoài về nước trước đây, tỉnh nhà luôn xác định, đón bà con trở về là chủ trương nhân văn, vừa đáp ứng niềm mong mỏi của bà con và thân nhân vừa giảm tải gánh nặng cho thành phố Hồ Chí Minh”.
Từ chủ trương đó, phương án đón công dân được Ban Chỉ đạo xác định là bằng đường không hoặc bằng đường sắt, trong đó ưu tiên phương án đường hàng không. Theo đó, số lượng bà con Thừa Thiên Huế ở thành phố Hồ Chí Minh rất đông, sau khi tỉnh phát đi thông báo đã có khoảng 6.000-7.000 người đăng ký, thời gian tới dự kiến hơn 10.000 người đăng ký. Tỉnh đã bàn các phương án một cách thấu đáo nhất, vừa thể hiện tình cảm, trách nhiệm của chính quyền quê hương với đồng bào xa xứ, vừa phải bảo đảm bình yên, an toàn tuyệt đối cho hơn 1,2 triệu người dân Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến phân vân cách thức, đối tượng đón, bằng phương tiện gì, cách ly như thế nào, thu phí hay không thu phí?
Tìm hiểu chúng tôi được biết, qua bàn bạc, tỉnh cho rằng, mặc dù việc thu phí là hợp lý, đúng luật, đã được Chính phủ cho phép tuy nhiên chưa hợp tình, bởi bà con đa số là người lao động, có hoàn cảnh khó khăn, trong khi đó, chi phí cho một đợt cách ly ít nhất cũng hơn 10 triệu đồng/người, nếu thu phí sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp như bà con tránh cách ly, khai man y yế, bỏ trốn… Còn nếu thu phí sẽ tốn kém, vất vả cho địa phương nhưng bà con lại thoải mái, yên tâm khi cách ly. Cuối cùng, Thường vụ Tỉnh ủy và Hội đồng Nhân dân tỉnh thống nhất cao sẽ cách ly không thu phí. Anh Cường khẳng định: “Kinh nghiệm cho thấy trong phòng, chống dịch là có thể chậm nhưng phải chắc, chậm nhưng mọi vấn đề sẽ được giải quyết một cách thấu đáo nhất và an toàn trên mọi mặt, không thể vội để lấy thành tích, mà kết quả cuối cùng mới là điều quan trọng”.
Với phương án đón công dân bằng đường hàng không, được biết, tỉnh sẽ thuê máy bay, nhằm hai mục đích: Chuyến bay vào sẽ vận chuyển hàng hóa do người dân tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tế cho đồng bào ở miền Nam, chiều ra sẽ đón bà con về quê. Bởi hiện nay, số lượng hàng hóa bà con ủng hộ rất lớn, từ miền xuôi lên miền ngược đâu đâu cũng rộn ràng khí thế tất cả vì miền Nam ruột thịt.
“Mặc dù phương án đi máy bay tốn kém hơn nhưng sẽ gọn nhẹ, đảm bảo sức khỏe cho công dân, nhất là trẻ em, người già và phụ nữ; hàng hóa, lương thực, thực phẩm tiếp tế ít bị hư hỏng, tuy nhiên cái được lớn nhất đó là sẽ hạn chế tối đa khả năng phát sinh các yếu tố dịch tễ liên quan đến dịch Covid-19” - Anh Cường cho hay.
Nhiều tầng, nhiều lớp, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch
Hiện nay, trước diễn biến phức tạp của dịch, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế đã tham mưu với tỉnh tổ chức 3 tuyến cách ly. Theo đó, mức độ ban đầu là sẽ sử dụng hết công suất các khu cách ly cấp tỉnh, gồm 7 “T”, với khả năng đón 3.500-4.000 người. Tuyến thứ hai là khung cách ly cấp huyện, với công suất thấp hơn, khoảng 150-200 người, đã đi vào hoạt động hiệu quả. Tuyến thứ 3 là cấp xã, sẽ tận dụng cơ sở hạ tầng trường tiểu học, mầm non, đáp ứng cách ly từ 70-100 người. Để cấp xã chủ động, sẵn sàng kích hoạt khi có yêu cầu, Bộ CHQS tỉnh đã thống nhất và gửi thiết chế khung cách ly đến từng địa phương. Theo anh Cường thì nếu mở đến tuyến thứ 3, khả năng tiếp nhận sẽ rất lớn, tuy nhiên, tuyến thứ 3 chỉ dùng trong tình huống khẩn cấp, ở trạng thái cao hơn, còn hiện nay đang tập trung cho tuyến huyện và tỉnh.
Gần 11 giờ trưa, buổi trò chuyện giữa chúng tôi thường xuyên bị gián đoạn bởi chuông điện thoại anh Cường báo tin nhắn liên tục. Sau khi chỉ đạo, anh Cường quay sang tôi: “Nói có sách, mách có chứng đồng chí phóng viên nhé”. Nói rồi anh Cường ép số điện thoại của tôi vào tài khoản “Quyết thắng Covid-19” của Ban chỉ đạo trên mạng xã hội zalo. Quả thật mọi hoạt động ở các khu cách ly đều được cập nhật, báo cáo đầy đủ với Ban chỉ đạo từ báo cáo chất lượng khẩu phần ăn của công dân ngày 3 lần vào các khung giờ quy định bằng hình ảnh; công tác tiếp nhận công dân; kết quả xét nghiệm, test nhanh hằng ngày; tình hình, số lượng người, phương tiện qua lại, kết quả kiểm tra y tế tại các chốt…
Quy trình quản lý điều hành khung cách ly khoa học, bài bản, chặt chẽ; lực lượng phục vụ được bố trí ở khu vực riêng và làm việc chuyên nghiệp; riêng bộ phận đưa cơm chỉ có nhiệm vụ vận chuyển khẩu phần ăn, không vào bếp nhằm giảm thiểu tối đa khả năng phát sinh các yếu tố dịch tễ. Trong điều kiện quân số mỏng hơn so với một số tỉnh trên địa bàn, cùng lúc thực hiện nhiều nhiệm vụ, quân số huy động cho phòng, chống dịch dao động trên dưới 300 người nhưng Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu huy động được nhiều lực lượng như phụ nữ tình nguyện, thanh niên tình nguyện, sinh viên tham gia phục vụ khu cách ly…
“Thực hiện ý kiến của Ban chỉ đạo, đúng 10 giờ sáng nay kích hoạt khung cách ly T6"; "Đồng chí Lê Doãn Anh sau khi nhận nhiệm vụ khung trưởng T6, bắt tay ngay vào công việc, phân công nhiệm vụ cụ thể, bố trí nơi ăn ở cho bộ đội và các lực lượng phối hợp”; “Đồng chí Phó tham mưu trưởng điều động lực lượng, Tham mưu trưởng đã ký quyết định”… là những ý kiến chỉ đạo liên tục mà các đồng chí trong Ban chỉ đạo đưa ra sau khi khung T6 được kích hoạt.
Được biết, thực hiện chủ trương của tỉnh, trên cơ sở các khu cách ly đã có cũng như các cơ sở hạ tầng có thể làm khu cách ly mà Bộ CHQS tỉnh đã thống kê và quản lý thì dù dịch ở cấp độ nào, LLVT tỉnh Thừa Thiên Huế cũng có thể đáp ứng. Khi thống nhất chủ trương đó với Ủy ban Nhân dân tỉnh, Bộ CHQS tỉnh đã chủ động mở thêm khu cách ly ở Trung tâm Giáo dục Quốc phòng - An ninh với công suất 160 phòng, đáp ứng đón từ 300-600 công dân có cùng yếu tố dịch tễ và khung cách ly T6 gồm Khu A và Khu B thuộc ký túc xá Đại học Huế với hơn 600 phòng.
Đây là nơi ở của gần 700 sinh viên. Khi Bộ CHQS tỉnh đề nghị lấy nơi đây thành lập khung cách ly để đón lượng lớn công dân thì tỉnh cho rằng rất khó có thể sắp xếp nơi ở mới cho một lượng lớn sinh viên như thế nhưng Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu cho tỉnh dù khó cũng nên dồn dịch, sơ tán, sắp xếp sinh viên hơn là dồn dịch, sơ tán, sắp xếp các “F” ở các khung khác, bởi khi di chuyển các “F” bao giờ cũng phát sinh yếu tố dịch tễ rất phức tạp.
Khi tỉnh nhất trí, Bộ CHQS tỉnh đã thống kê tất cả các ký túc xá của các trường thành viên thuộc Đại học Huế như Cao đẳng Y tế, Cao đẳng Sư phạm, Đại học Nông lâm… Trước hết, tổ chức sắp xếp sinh viên Lào đến ở tại Cao đẳng Y tế, dồn dịch 400 sinh viên Việt Nam ở Khu A sang Khu B để dành toàn bộ Khu A đón bà con. Nếu tình huống cao hơn thì tiếp tục sắp xếp toàn bộ sinh viên ở Khu B đến ở tại Đại học Nông lâm, dành toàn bộ Khu A và Khu B đón công dân. Với 2-4 người cùng yếu tố dịch tễ ở 1 phòng thì hơn 600 phòng ở Khu A và Khu B, Đại học Huế sẽ đáp ứng công suất đón 1.200 - 2.400 công dân. Tính ra, tổng công suất cả hai khung mới mở sẽ đón khoảng 3.000 người, giải quyết khó khăn trước mắt về cách ly y tế cho tỉnh.
Trước diễn biến phức tạp, Bộ CHQS tỉnh luôn chủ động thích ứng với các điều kiện phòng, chống dịch của tỉnh, quốc gia. Ví dụ như trong năm 2020 thì đặc điểm lớn chi phối đến tình hình phòng, chống dịch của tỉnh là số lượng người dân ở bên Lào về nước lớn, khoảng 10.000 người còn năm 2021 đặc điểm chi phối là tuy số lượng không lớn nhưng yếu tố dịch tễ lại rất phức tạp, tốc độ lây lan nhanh… Chính vì vậy, Bộ CHQS tỉnh đã chủ động điều chỉnh phương án phòng, chống dịch phù hợp với thực tế. Đơn cử như trước đây khi cách ly thường bố trí 6-8 người/phòng nhưng năm 2021, đối với các trường hợp F1 chỉ bố trí 1 người/phòng nhằm hạn chế tối đa yếu tố lây nhiễm chéo còn những đối tượng có cùng yếu tố dịch tễ như trong gia đình, cùng tổ, cùng nhóm… thì bố trí ở chung phòng. Vì vậy khi F0 xuất hiện đều được cách ly, điều trị, xử lý triệt để.
Một điểm nổi bật trong phòng, chống dịch của LLVT tỉnh Thừa Thiên Huế là làm tốt công tác phối hợp hiệp đồng với các lực lượng như Công an, Biên phòng, Y tế, các ban ngành đoàn thể trên tất cả các tuyến. Thượng tá Ngô Nam Cường khẳng định: “Chúng tôi xác định trong công tác cách ly tập trung, Quân đội là lực lượng triển khai hiệu quả nhất bởi có cơ chế rất rõ ràng là “Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành thống nhất theo Nghị định 02 của Chính phủ và các lực lượng phát huy tốt vai trò tham mưu, phối hợp triển khai thực hiện”. Trong đó nổi bật là vai trò cách ly tập trung của Quân đội; Công an tiến hành truy vết; lực lượng y tế điều tra dịch tễ, tạo thành thế “kiềng 3 chân” vững chắc trong phòng, chống dịch. Điển hình như khi xuất hiện các ca F0 trong cộng đồng thời điểm đầu năm 2021 ở huyện Phong Điền và Phú Lộc, nhưng nhờ truy vết nhanh, đưa vào cách ly kịp thời, quản lý chặt các F1 nên không phát sinh thêm các F0.
Cùng với đó, các lực lượng thuộc LLVT tỉnh còn phối hợp với Công an tham gia các điểm chốt vòng ngoài, phối hợp với Biên phòng tham gia các điểm chốt ở biên giới, phối hợp với địa phương tham gia các điểm chốt ở địa bàn phát sinh ca F0, khu vực phong tỏa khu dân cư hoặc nơi giãn cách xã hội. Ở mọi nơi, mọi thời điểm đều có sự tham gia của bộ đội thường trực, dân quân tự vệ, dự bị động viên, tạo thành “vành đai” nhiều tuyến, nhiều tầng, nhiều lớp vững chắc trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Mạnh Hùng
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận