Người anh, người bạn thân thiết của bộ đội
“Anh Thắng không chỉ là thủ trưởng, là người anh mà còn là người bạn thân thiết của bộ đội” – Đó là những lời nhận xét cũng là tình cảm trân trọng đối với Trung tá Lê Tất Thắng, Phó Lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn Thông tin 80, vừa hy sinh trong cứu hộ cứu nạn tại Thừa Thiên Huế. Với phóng viên chúng tôi, trong những lần tham gia thực hiện nhiệm vụ như diễn tập, phòng chống bão lụt, cháy rừng từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế… cùng Lữ đoàn Thông tin 80 thì quá quen với hình ảnh người cán bộ luôn sâu sát, sẻ chia với bộ đội.
Sinh ra trên mảnh đất Nam Đàn, Nghệ An, quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ nhỏ chàng thanh niên Lê Tất Thắng được bạn bè cùng trang lứa trân trọng và ấn tượng qua những hành động, việc làm đối với mình. Đến hôm nay sau gần 30 năm rời ghế nhà trường nhưng các học sinh niên khóa (1993 - 1996) Trường PTTH Nam Đàn 1 vẫn nhớ mãi hình ảnh người bạn nhỏ luôn năng nổ nhiệt tình trong mọi hoạt động đoàn đội, luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người.
Còn với cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Thông tin 80 và những người đã có cùng thời gian công tác với anh không bao giờ quên được hình ảnh người chỉ huy, người anh, người bạn luôn hết mình vì đơn vị về bộ đội. Thiếu tá Lê Minh Tường, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn Thông tin 80 hiện đang học tập tại Học viên Lục quân khi nghe tin anh Thắng hy sinh đã không kìm được cảm xúc. Điện thoại với tôi kể về những tình cảm của anh Thắng dành cho anh và đơn vị mà anh không nói nên lời. Theo lời anh Tường kế lại, sự trưởng thành của anh ngày hôm nay có sự giúp đỡ dìu dắt rất lớn của anh Thắng. Anh kể cho tôi nghe, dịp Hội thi Cán bộ điều lệnh toàn năng cấp Quân khu năm 2019, không quản ngày nghỉ, giờ nghỉ, anh Thắng đã bồi dưỡng, chỉnh sửa cho anh từ động tác nhỏ nhất. Và hội thi đó anh được Giải nhất Quân khu. Còn với Thiếu tá Nguyễn Hồng Văn, Trưởng ban Chính trị Đoàn An điều dưỡng 40 Cửa Hội, người có thời gian công tác dài với anh Thắng khi kể lại với tôi về những việc làm, kỷ niệm của anh Thắng lời nói cứ đứt quảng trong cổ họng. Anh Văn nói rằng, trong cuộc đời quân ngũ, anh ít thấy người cán bộ nào mà quan tâm, sâu sát, sẻ chia cùng bộ đội như anh Thắng. Tất cả mọi công việc từ lớn, đến bé của đơn vị, của bộ đội, anh Thắng không bao giờ nề hà mà luôn đặt mình như chiến sĩ.
Với tôi, kỷ niệm ấn tượng về anh Thắng đó là trong dịp diễn tập hành quân tổng hợp cuối năm 2019 cùng Sư đoàn 324. Dịp đó, đúng vào đợt trời mưa lớn, Lữ đoàn Thông tin 80 bảo đảm thông tin cho diễn tập, nhưng do đường dây hữu tuyến dài qua nhiều địa bàn phức tạp và bị đứt. Trung tá Lê Tất Thắng đã dầm mình dưới mưa cùng bộ đội lội suối, leo đồi để khắc phục sự cố.
Trong trận “Đại hồng thủy” tại Thừa Thiên Huế vừa qua, hễ nơi nào có lãnh đạo, chỉ huy, có bộ đội tham gia cứu nạn, giúp dân, nơi đó có bộ đội thông tin là nơi đó có Phó lữ đoàn trưởng – Tham mưu trưởng Lê Tất Thắng. Những ngày qua, hình ảnh anh cùng đồng đội ngâm mình trong dòng nước dữ hay cheo leo trên những chiếc thuyền bé xíu để bảo đảm thông tin liên lạc, phục vụ công tác cứu hộ cứu nạn được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội và nhận được những tình cảm tiếng thương lẫn sự khâm phục của đông đảo mọi người. Trong thiên tai bão lụt, trong khó khăn hoạn nạn, người chỉ huy Lữ đoàn Thông tin 80 luôn sẻ chia việc khó với bộ đội. Những hình ảnh trong chiếc thẻ nhớ trong chiếc Camera của đồng chí Nguyễn Đức Cương, Phó tổng biên tập Báo Quân khu 4, một trong số 8 người thoát nạn hôm đó vừa được các lực lượng tìm kiếm nằm cùng thi hài các liệt sĩ, vẫn còn đó hình ảnh Trung tá Lê Tất Thắng mang khí tài thay bộ đội qua những đoạn đường hiểm nguy trên đường hành quân vào thủy điện Rào Trăng. Và còn đó, hình ảnh người Phó lữ đoàn trưởng – Tham mưu trưởng chỉ ăn lưng bát cơm chan nước mắm để nhường lại cho người đồng đội của mình trong bữa cơm cuối cùng tại Trạm kiểm lâm 67. Khi hình ảnh cuối cùng của anh và các liệt sĩ trong đoàn công tác trong ngôi nhà của Trạm kiểm lâm 67 bên ánh lửa bập bùng đêm đó được Báo Quân khu 4 đưa lên làm quặn thắt trái tim hàng triệu người xem. Vẫn còn đó lời hỏi thăm ân cần của người chỉ huy Lữ đoàn về hoàn cảnh gia đình và động viên bộ đội. Hình ảnh người cán bộ chỉ có một chiếc quần cộc sủng nước trước khi chợp mắt rồi đi vào giấc ngủ vĩnh hằng hóa thân vào đất mẹ. Trong bài viết này không thể nói hết được hình ảnh người chỉ huy, người anh, người bạn - Lê Tất Thắng luôn đồng cảm sẻ chia với bộ đội và sát cánh cùng đau với nỗi đau của Nhân dân.
Trước ngày đón thi hài anh về quê hương yên nghỉ, chúng tôi tìm về ngôi nhà nhỏ của gia đình anh tại xóm Mẫu 6, xã Kim Liên, Nam Đàn. Trong ngôi nhà cấp 4 có rất đông lãnh đạo, chính quyền các cấp cùng đồng đội, anh em bạn bè đến chia buồn với gia đình. Chị Lê Ngọc Diệp, vợ anh vốn bị bệnh thần kinh nay gặp cú sốc quá lớn như cái xác không hồn. Ôm tấm ảnh của vợ chồng chụp đã lâu, chị không còn nước mắt để chảy nữa. Các con anh, cháu Lê Quyết Tiến sinh năm 2005 và cháu Lê Minh Hằng sinh năm 2013 bắt đầu vào tuổi lớn cùng với bố mẹ bước sang tuổi xế chiều giờ đây biết trông cậy vào ai.
Thượng tá Nguyễn Bình Nguyên, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Thông tin chia sẻ với tôi rằng, tuy hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn nhưng anh Thắng luôn nỗ lực vượt lên để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Liên tục nhiều năm liền anh được các cấp khen thưởng, nhưng phần thưởng lớn nhất đó chính là hình ảnh người chỉ huy mẫu mực, người anh, người bạn luôn hết lòng thương yêu bộ đội mãi trong tâm trí mọi người.
Anh hy sinh vì sự bình yên của người dân xứ Huế, xứ Huế ôm anh trọn vào lòng. Anh không còn bên người thân, đồng đội nữa, nhưng mọi người luôn noi gương anh, quyết tâm phấn đấu vươn lên xứng đáng với sự hy sinh anh dũng của anh và đồng đội.
Bài, ảnh: NGỌC THĂNG – KỲ SƠN
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận