A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giải pháp nâng cao chất lượng tuyển sinh, đào tạo trình độ thạc sĩ ở Học viện Chính trị hiện nay

Tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Học viện Chính trị. Việc thực hiện quy định tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ có chất lượng tốt sẽ bảo đảm trúng tuyển thi đầu vào, đủ điều kiện nhập học; tác động trực tiếp đến kết quả học tập, rèn luyện, chất lượng luận văn của từng học viên, góp phần nâng cao chất lượng công tác giáo dục đào tạo của Học viện Chính trị.

Trong những năm qua, Học viện Chính trị đã thực hiện tốt chức năng tuyển sinh và đào tạo sau đại học hàng nghìn học viên trở thành thạc sĩ các chuyên ngành khoa học xã hội và nhân văn quân sự. Nhiều đồng chí đã trở về các đơn vị, nhà trường hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ, góp phần quan trọng trong công tác nghiên cứu khoa học ở các đơn vị trong Quân đội. Nhiều đồng chí tiếp tục tham gia đào tạo trình độ tiến sĩ và trở thành các nhà khoa học chính trị trong Quân đội. Học viên cao học sau khi ra trường, trình độ, năng lực chuyên môn tốt, chất lượng thực hiện nhiệm vụ đảm bảo, ngày một được nâng cao.

Trên cơ sở Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Đại hội đại biểu Đảng bộ Học viện Chính trị lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đã xác định: “Tiếp tục đổi mới toàn diện, đồng bộ và đi vào chiều sâu các mặt công tác, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, vững chắc về chất lượng giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận; xây dựng Đảng bộ Học viện vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, Học viện chính quy, tiên tiến, mẫu mực; không ngừng nâng cao vị thế, uy tín của Học viện, luôn xứng đáng là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị và nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn quân sự hàng đầu của quân đội và Quốc gia.”.

Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Văn Bạo khai giảng năm học 2022 - 2023.

 

Ngày 17/01/2022, Giám đốc Học viện Chính trị đã ký ban hành Quy định số 168/QyĐ-HV, quy định tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ ở Học viện Chính trị. Quy định có rất nhiều điểm mới và những vấn đề đặt ra yêu cầu cao hơn cho học viên tham gia tuyển chọn và đào tạo trình độ thạc sĩ. Trong đó các nội dung như: Tuyển sinh đầu vào; chuẩn ngoại ngữ đầu vào, đầu ra; tiêu chuẩn báo, tạp chí; quy trình, chất lượng làm luận văn bắt đầu từ lựa chọn tên đề tài đến phiên bảo vệ... Đây là cơ sở, tiêu chí quan trọng để các học viên nghiên cứu, nắm chắc và thực hiện theo đúng quy định.

Tuy nhiên quá trình tuyển sinh và đào tạo, vẫn còn một số học viên đáp ứng chưa tốt yêu cầu, nhiệm vụ sau khi ra trường. Trước yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra ngày càng cao của Quân đội trong giai đoạn mới, việc quan tâm nâng cao chất lượng thực hiện quy định tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ là vấn đề cần thiết, mang tính thời sự và lâu dài. Do đó, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tuyển sinh đầu vào và đào tạo học viên trình độ thạc sĩ.

Trước hết, phải đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện công tác giáo dục đào tạo. Đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng hàng đầu mang tính nguyên tắc, chi phối mọi hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các hoạt động giáo dục, đào tạo bảo đảm cho việc nâng cao chất lượng thực hiện quy định tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ ở Học viện Chính trị đạt chất lượng, hiệu quả. Mục tiêu, yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo trực tiếp đặt ra nhiệm vụ, đòi hỏi cao với công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác đổi mới giáo dục, đào tạo tại Học viện nói chung, nâng cao chất lượng thực hiện quy định tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ nói riêng.

Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị động viên học viên Học viện Chính trị tại Lễ khai giảng năm học 2022 -  2023.

 

Yêu cầu này đòi hỏi chủ thể lãnh đạo, chỉ đạo việc nâng cao chất lượng thực hiện quy định tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ của học viên Hệ 5, Học viện Chính trị hiện nay phải thường xuyên quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu xây dựng Quân đội thời kỳ mới: xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở, được cụ thể hóa ở chủ trương lãnh đạo của Quân ủy Trung ương đối với nhiệm vụ giáo dục, đào tạo ở các học viện, nhà trường trong toàn quân, đặc biệt là giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học. Trên cơ sở đó xác định mục tiêu, yêu cầu, nội dung, hình thức, phương pháp thực hiện đem lại hiệu quả thiết thực.

Cùng với đó, phải gắn với yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn các cơ quan, đơn vị trong Quân đội. Chất lượng công tác giáo dục, đào tạo tại các học viện, nhà trường có mối liên hệ chặt chẽ với khả năng thực hiện nhiệm vụ ở các cơ quan, đơn vị. Do đó đòi hỏi công tác giáo dục đào tạo phải bám sát các cơ quan, đơn vị, đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn đã và đang đặt ra. Lý luận phải gắn liền với thực tiễn, nhà trường phải gắn liền với đơn vị như Lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy: “Lý luận cốt để áp dụng vào công việc thực tế. Lý luận mà không áp dụng vào thực tế là lý luận suông. Dù xem được hàng ngàn, hàng vạn quyển lý luận, nếu không biết đem ra thực hành, thì khác nào một cái hòm đựng sách”.

Ngày 27/5/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 2199/BGDĐT-GDĐH về việc tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học, trong đó xác định: “Thực hiện nghiêm các quy định trong quy trình đào tạo sau đại học từ tuyển sinh, tổ chức đào tạo và cấp bằng, trong đó đặc biệt lưu ý việc xét duyệt đề tài, định hướng nội dung  nghiên cứu bảo đảm đáp ứng yêu cầu về giá trị khoa học và thực tiễn...”, “Đẩy mạnh việc gắn kết đào tạo sau đại học với nghiên cứu khoa học, gắn nội dung các đề tài luận văn, luận án với các nhiệm vụ nghiên cứu của đơn vị chuyên môn”. Do vậy nâng cao chất lượng thực hiện quy định đào tạo trình độ thạc sĩ ở Học viện Chính trị hiện nay phải gắn với yêu cầu đòi hỏi thực tiễn của các đơn vị. Học viên tại các đơn vị, học viện, nhà trường về học tập tại Học viện Chính trị cần hướng việc học tập, nghiên cứu khoa học vào phục vụ nhu cầu thực tiễn đơn vị. Đề tài luận văn cần xuất phát từ chính đơn vị mình công tác, có giá trị cả về lý luận và đặc biệt là giải pháp thực hiện góp phần nâng cao các mặt công tác, khả năng hoàn thành nhiệm vụ ở đơn vị.

Ngoài ra, phải hoàn thành được mục tiêu, yêu cầu tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ của Học viện Chính trị hiện nay. Việc nâng cao chất lượng thực hiện quy định tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ ở Học viện Chính trị hiện nay phải hướng vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu, yêu cầu tuyển sinh, đào tạo đối với học viên cao học. Trong đó phải nâng cao chất lượng dự khóa tuyển sinh đầu vào và chất lượng đào tạo trong thời gian học chính khóa.

Về điều kiện trúng tuyển, Học viện Chính trị xác định: Thí sinh trúng tuyển phải có môn thi cơ bản, môn thi cơ sở đạt điểm 5 trở lên (theo thang điểm 10); môn ngoại ngữ đạt từ 50 điểm trở lên theo thang điểm 100 (đối với thí sinh phải thi môn ngoại ngữ. Căn cứ vảo chỉ tiêu đã được thông báo cho từng chuyên ngành đào tạo và tổng điểm hai môn thi: Môn thi cơ bản và môn cơ sở của từng thí sinh, Hội đồng Tuyển sinh xác định phương án điểm trúng tuyển. Trường hợp có nhiều thí sinh cùng tổng điểm 2 môn thi nêu trên (đã cộng cả điểm ưu tiên nếu có) thì xác định người trúng tuyển theo thứ tự ưu tiên sau: Người có điểm cao hơn của môn cơ sở; môn ngoại ngữ (tiếng Anh)”.

Giờ học của Lớp học viên đào tạo trình độ thạc sĩ tại Học viện Chính trị.

 

Học viện Chính trị xác định mục tiêu đào trình độ thạc sĩ đó là “Đào tạo cán bộ khoa học xã hội nhân văn có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, có phẩm chất đạo đức tốt; có kiến thức chuyên sâu trong một lĩnh vực khoa học chuyên ngành và kỹ năng vận dụng kiến thức chuyên ngành vào hoạt động thực tiễn nghề nghiệp; có khả năng nghiên cứu độc lập, sáng tạo, phát hiện và giải quyết những vấn đề thuộc ngành, chuyên ngành được đào tạo”.

Học viện Chính trị xác định chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo như sau:

Về kiến thức: Kiến thức chuyên sâu về chuyên ngành đào tạo và mở rộng kiến thức các ngành, chuyên ngành liên quan; Hiểu rõ chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; Xác định được vấn đề trọng tâm cần giải quyết trong nghiên cứu khoa học và phương pháp, giải pháp để giải quyết vấn đề.

Về kỹ năng: Kỹ năng phản biện, phân tích, tổng hợp và đánh giá dữ liệu, thông tin một cách khoa học và tiên tiến; Kỹ năng phân tích, xử lý những vấn đề trong lĩnh vực chuyên môn; Kỹ năng đàm phán, thuyết trình, viết báo cáo, trình bày và bảo vệ kết quả nghiên cứu; Kỹ năng làm việc nhóm và kỹ năng tổ chức, quản lý và điều hành các hoạt động tại đơn vị công tác; truyền bá, phổ biến tri thức trong các lĩnh vực chuyên môn; Trình độ ngoại ngữ tương đương bậc 4/6 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

 Về năng lực tự chủ và trách nhiệm: Năng lực phân tích và giải quyết được các vấn đề mới trong lĩnh vực chuyên ngành; tự định hướng, thích nghi với môi trường nghề nghiệp thay đổi; Năng lực tư duy biện chứng, rút ra những nguyên tắc, quy luật trong quá trình giải quyết công việc; Năng lực hướng dẫn người khác thực hiện nhiệm vụ và khả năng quản lý, đánh giá, cải tiến để nâng cao hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực chuyên môn.”.

Trên đây là những yêu cầu cơ bản trong tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ ở Học viện Chính trị mà học viên dự khóa và chính khóa phải đáp ứng được và tổ chức thực hiện. Trong quy định về tuyển sinh, việc yêu cầu đầu vào ngoại ngữ đạt trình độ B1 là yêu cầu cao, do đó các giải pháp phải bảo đảm học viên có thể tiếp cận và hoàn thành mục tiêu chương trình tiếng Anh trình độ B1, đáp ứng yêu cầu đầu vào trình độ thạc sĩ. Bên cạnh đó, trong trường hợp số lượng thi đầu vào nhiều hơn chỉ tiêu trên giao, việc loại trừ số thí sinh điểm thấp cũng sẽ xảy ra. Vấn đề này đặt ra sự cạnh tranh về điểm thi của các thí sinh tham gia dự khóa tuyển sinh đầu vào trình độ thạc sĩ. Do đó việc nâng cao chất lượng thực hiện quy định tuyển sinh phải được tiến hành toàn diện, đồng bộ, công bằng, khách quan, bảo đảm các học viên dự khóa bình đẳng trong học tập, ôn luyện và thi cử.

Nâng cao chất lượng thực hiện quy định đào tạo trình độ thạc sĩ ở Học viện Chính trị phải đáp ứng cả 3 tiêu chí về kiến thức, về kỹ năng, về năng lực tự chủ và chịu trách nhiệm, đáp ứng chuẩn đầu ra theo đúng quy định. Trong đó tập trung bảo đảm cho học viên cao học hoàn thành tốt cả 3 nhiệm vụ học tập, rèn luyện và nghiên cứu khoa học. Cần chú trọng bảo đảm điều kiện bảo vệ luận văn của học viên tại Điều 47, chương 2 trong quy định số 168/QyĐ-HV ngày 17/01/2022 của Học viện Chính trị, trong đó đặc biệt quan tâm đến điều kiện về ngoại ngữ và điểm thành tích khoa học (0,75 điểm). Mọi giải pháp nâng cao đều phải hướng tới thực hiện thắng lợi mục tiêu, yêu cầu tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ của Học viện Chính trị hiện nay.

Cùng với các giải pháp trên thì phải bảo đảm tính toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm trong nâng cao chất lượng thực hiện quy định tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ ở Học viện Chính trị hiện nay

Đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng mang tính định hướng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quy định tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ ở Học viện Chính trị của học viên đạt hiệu quả cao, có tính khả thi, đòi hỏi phải xác định rõ chủ trương, mục tiêu, đối tượng, lộ trình trong từng giai đoạn. Yêu cầu này đòi hỏi chủ thể trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện quy định tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ ở Học viện Chính trị  phải quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng về đổi mới giáo dục, đào tạo, xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị; chủ trương lãnh đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đảng ủy, Ban Giám đốc về đối mới giáo dục, đào tạo trong Quân đội và Học viện. Trên cơ sở đó xác định nội dung, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quy định tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ của học viên cao học toàn diện trên tất cả các khâu từ chương trình, nội dung, phương pháp, kiểm tra đánh giá đến các công tác bảo đảm cơ sở vật chất, phương tiện, tài liệu, nhưng phải tập trung, hướng đích, có trọng tâm, trọng điểm vào đối tượng đào tạo cụ thể, khâu trọng tâm. Trong đó cần có giải pháp mang tính đột phá đối với nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của học viên cao học.

Các giải pháp nâng cao chất lượng thực hiện quy định tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ của học viên phải toàn diện trên các lĩnh vực, các nhiệm vụ, đầy đủ các khâu, các bước, phát huy được các tổ chức, lực lượng. Song cần tập trung vào những giải pháp quan trọng, mang tính thời sự cấp thiết, thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trong học tập, rèn luyện và nghiên cứu khoa học của học viên cao học. Tùy từng thời điểm mà có sự vận dụng linh hoạt các giải pháp phù hợp với đặc điểm của từng lớp chuyên ngành, của Hệ, của Học viện và của học viên trong từng khóa học.

Nâng cao chất lượng thực hiện quy định tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ ở Học viện Chính trị là vấn đề cấp thiết hiện nay. Quá trình đó cần phải đáp ứng các yêu cầu cơ bản nêu trên, đồng thời phải xác định những giải pháp cụ thể, phát huy vai trò các tổ chức, các lực lượng, thực hiện tốt quy định đã ban hành.

Thực hiện: NGUYỄN ĐÌNH LÂM, NGUYỄN THANH HƯNG


Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội