A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khẳng định ý chí quật cường và nhiều bài học giá trị từ Nam Bộ kháng chiến

Ngày 21-11, Bộ Quốc phòng phối hợp Thành ủy TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Nam Bộ kháng chiến - Ý chí bảo vệ độc lập, tự do và bài học lịch sử”. Ban tổ chức đã nhận được gần 90 báo cáo, tham luận, thể hiện những nghiên cứu độc lập, đi sâu phân tích, luận giải từng nội dung cụ thể, góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề ý nghĩa từ Nam Bộ kháng chiến (NBKC).

Nhân kỷ niệm 75 năm ngày Nam Bộ kháng chiến, trân trọng giới thiệu đến bạn đọc một số tham luận, báo cáo tiêu biểu từ hội thảo:

Khẳng định ý chí quật cường và nhiều bài học giá trị từ Nam Bộ kháng chiến

Quang cảnh hội thảo.

------------------------

* Trung tướng TRẦN HOÀI TRUNG, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 7:

Phát huy tinh thần Nam Bộ kháng chiến, xây dựng LLVT vững mạnh về chính trị

Tiếng súng mở đầu cho NBKC ở Sài Gòn đã chấn động cả nước làm nên một tinh thần NBKC bất diệt. Bằng gậy tầm vông, giáo, mác, từ những vũ khí thô sơ, ít ỏi, quân và dân Nam Bộ đã kiên cường chống lại các thế lực ngoại xâm có vũ khí, trang bị hiện đại. Ý chí quật cường của quân và dân Nam Bộ để lại những bài học vô cùng quý giá, đặc biệt là lòng yêu nước, kinh nghiệm khơi dậy tinh thần đoàn kết, gắn bó toàn dân tộc, vượt qua nguy nan, thử thách vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với nhiệm vụ xây dựng LLVT Quân khu 7 vững mạnh về chính trị trong tình hình mới.

Khẳng định ý chí quật cường và nhiều bài học giá trị từ Nam Bộ kháng chiến

Trung tướng Trần Hoài Trung.

Một trong những bài học quý giá từ NBKC là, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với LLVT nói chung và LLVT Quân khu 7 nói riêng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, những người con ưu tú của Nam Bộ “Thành đồng Tổ quốc” đã thực hiện “tiêu thổ, trong đánh ngoài vây” khiến cho lực lượng viễn chinh nhà nghề với tàu chiến, máy bay, xe tăng bị giam chân hơn một tháng trong thành phố không điện, nước, không lương thực, góp phần làm tiêu hao quyết tâm “đánh nhanh, thắng nhanh” của kẻ thù.

Hiện nay, để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với LLVT, Đảng ủy, Bộ tư lệnh quân khu luôn quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, quy định, hướng dẫn của trên, chủ trọng xây dựng, kiện toàn, nâng cao chất lượng sinh hoạt của các cấp ủy, tổ chức đảng; không ngừng đổi mới phong cách, phương pháp lãnh đạo, chấp hành nghiêm nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng; đề cao đấu tranh tự phê bình và phê bình, tạo chuyển biến mạnh mẽ về năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ quân khu và tổ chức đảng các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bên cạnh đó, cần giữ vững và phát huy bản chất giai cấp công nhân, mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, gắn bó máu thịt với nhân dân, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc; giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ và tăng cường đoàn kết quốc tế…

Phát huy tinh thần NBKC, trong suốt 75 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và giành thắng lợi vẻ vang của LLVT Quân khu 7 cho thấy, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, việc xây dựng LLVT vững mạnh về chính trị luôn là một nguyên tắc cơ bản, hàng đầu.

------------------------

* Đồng chí VÕ ANH TUẤN, nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục Nam Bộ trong kháng chiến chống Pháp:

Ký ức không quên về những ngày tháng hào hùng

Đã 75 năm trôi qua kể từ “Mùa Thu rồi, ngày hăm ba..” năm 1945 lịch sử nhưng ký ức của một trong những thanh niên Nam Bộ đi theo “tiếng kêu sơn hà nguy biến” những ngày đầu kháng chiến chống Pháp vẫn còn nguyên vẹn trong tôi. Năm 1944, tôi gia nhập Thanh niên Tiền phong tại Sài Gòn và ít lâu sau đó gia nhập Việt Minh. Cuộc đời tôi thay đổi từ đấy. Trở thành người cách mạng, tôi đã chứng kiến những tháng ngày gian khổ, hy sinh nhưng rất đỗi tự hào tại mảnh đất Nam Bộ “Thành đồng Tổ quốc”.

Khẳng định ý chí quật cường và nhiều bài học giá trị từ Nam Bộ kháng chiến

Đồng chí Võ Anh Tuấn.

Thời gian đã qua đi hơn 7 thập niên, nhưng với tôi, những ngày Cách mạng Tháng Tám và NBKC vẫn còn vẹn nguyên trong tâm thức, là những dấu ấn đậm sâu một thời trai trẻ trong những tháng ngày lịch sử của cuộc kháng chiến. Đó là khoảnh khắc ngày 2-9-1945, một cuộc mít tinh quần chúng không vũ trang, quy mô lớn diễn ra tại quảng trường phía sau Nhà thờ Đức Bà. Đồng chí Trần Văn Giàu đã phát biểu và kêu gọi nhân dân Nam Bộ đoàn kết bảo vệ nền độc lập dân tộc và nêu rõ lời thề “Độc lập hay là chết”. Để kịp thời đối phó với hành động xâm lược của thực dân Pháp, sáng ngày 23-9-1945, Xứ ủy và Ủy ban nhân dân Nam Bộ khẩn cấp triệu tập một hội nghị liên tịch tại đường Cây Mai quyết định kháng chiến, đồng thời báo cáo lên Trung ương. Bởi nếu “chờ lệnh” sẽ mất đất, mất nhiều sinh mạng của nhân dân. Quyết định đánh trả ngay được đại đa số đại biểu hội nghị tán thành, được Trung ương đồng ý và khen ngợi. Đó là chủ trương của Ủy ban kháng chiến Nam Bộ bất hợp tác với thực dân Pháp gây hấn ở Sài Gòn, nội thành tiêu hao sinh lực địch, ngoại thành chốt giữ các vị trí quan trọng, không cho địch đánh nống ra ngoài. Chủ trương đó được tuân thủ triệt để. Sài Gòn không điện, không nước, không chợ, không hàng quán… làm nên một sự kiện trở thành huyền thoại.

Khẳng định ý chí quật cường và nhiều bài học giá trị từ Nam Bộ kháng chiến

Thủ trưởng Bộ Quốc phòng trò chuyện cùng các đại biểu, nhân chứng tại hội thảo.

------------------------

* Thiếu tướng, TS NGUYỄN HOÀNG NHIÊN, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam:

Những giá trị sâu sắc từ Nam Bộ kháng chiến

75 năm đã trôi qua, nhưng ngày Hăm ba của mùa Thu năm 1945 vẫn mãi vang vọng. Nam Bộ mở đầu kháng chiến chống thực dân Pháp đã đi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, tô đậm ý chí anh hùng, bất khuất, quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do của một dân tộc thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Với độ lùi thời gian, từ sự kiện Nam Bộ mở đầu kháng chiến, có thể nhận thấy những vấn đề cơ bản. Đó là, NBKC - minh chứng cho đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng, tinh thần chủ động, sáng tạo của Xứ ủy, Ủy ban nhân dân và Ủy ban kháng chiến Nam Bộ; NBKC - thể hiện ý chí, quyết tâm chiến đấu của quân và dân Nam Bộ, trước hết là quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn; NBKC - hội tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và NBKC - sự kiện mở đầu cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.

Khẳng định ý chí quật cường và nhiều bài học giá trị từ Nam Bộ kháng chiến

Thiếu tướng, TS Nguyễn Hoàng Nhiên.

Có thể thấy, quân và dân Nam Bộ, trước hết là quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn đã đồng tâm hiệp lực, kiên quyết đứng lên chống lại quân thù với tinh thần và khí thế sôi sục, thể hiện ý thức trách nhiệm của người dân đối với chủ quyền đất nước. Đó cũng chính là sự khẳng định nguyện vọng, ý chí, quyết tâm “dám đánh” của quần chúng nhân dân trước nạn ngoại xâm. Đặt trong bối cảnh đất nước vừa mới giành được độc lập, chính quyền cách mạng còn non trẻ, lực lượng cách mạng gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn cả về vật chất, trang bị lẫn kinh nghiệm thực tiễn,… thì ý chí, quyết tâm của quần chúng nhân dân càng có ý nghĩa quan trọng.

Như vậy, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Xứ ủy Nam Bộ và Ủy ban kháng chiến Nam Bộ, quân và dân Sài Gòn đã giáng đòn đầu tiên vào kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp, góp phần cổ vũ nhân dân cả nước đấu tranh giữ vững chủ quyền, độc lập dân tộc. Sự kiện này là biểu hiện sinh động của tinh thần quật khởi, ý chí sắt đá “Độc lập hay là chết” của quân và dân Nam Bộ. Cuộc chiến đấu mở đầu kháng chiến anh dũng của quân và dân Nam Bộ đã để lại nhiều kinh nghiệm quý báu cho quân và dân cả nước trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, xứng đáng với danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc”.

-----------------------

* Thiếu tướng NGUYỄN MINH TRIỀU, Phó tư lệnh Quân khu 9:

Quân, dân Đồng bằng sông Cửu Long đồng tâm kháng chiến

Thực hiện Lời kêu gọi của Ủy ban kháng chiến Nam Bộ, quân và dân Đồng bằng sông Cửu Long với tinh thần yêu nước và lòng dũng cảm đã nhanh chóng vừa củng cố chính quyền ở từng địa phương vừa tìm mọi cách để tiến hành ngăn chặn sự chiếm đóng của quân Pháp với lực lượng tập trung rất lớn và trang bị hiện đại; đồng thời, chuẩn bị mọi mặt cho kháng chiến lâu dài. Ở tất cả các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, nơi đâu địch kéo đến đều gặp phải sự chống cự kiên cường của các mặt trận. Tiêu biểu như: Mặt trận Vàm Kinh Xáng, bến đò Long Hưng, cầu Long Định ở Mỹ Tho, mặt trận Tân Thạnh ở Bến Tre, mặt trận Cầu Ngang ở Trà Vinh, mặt trận Cái Răng - Ba Láng, Bình Thủy ở Cần Thơ, mặt trận Tân Hưng ở Cà Mau…

Khẳng định ý chí quật cường và nhiều bài học giá trị từ Nam Bộ kháng chiến

Thiếu tướng Nguyễn Minh Triều.

Trong thời gian đầu chuẩn bị mọi mặt cho kháng chiến lâu dài, nhằm bảo toàn và không ngừng củng cố, tăng cường lực lượng và thế trận, quân và dân Đồng bằng sông Cửu Long đã chủ động xây dựng củng cố hệ thống căn cứ kháng chiến rộng khắp. Từ thực tiễn kháng chiến, quân và dân Đồng bằng sông Cửu Long đã sáng tạo nhiều cách đánh rất độc đáo, sáng tạo.

Nhìn lại giai đoạn mở đầu kháng chiến chống thực dân Pháp từ cuối tháng 9-1945 đến tháng 12-1946, quân và dân Đồng bằng sông Cửu Long luôn bám sát đường lối, tư tưởng chiến tranh nhân dân của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang, thúc đẩy phong trào kháng chiến phát triển đều khắp, từng bước vươn lên và đứng vững. Từ cuộc chiến đấu gian lao, anh dũng đó, quân và dân Đồng bằng sông Cửu Long đã rút ra được nhiều bài học rất quan trọng về xây dựng lực lượng, xây dựng căn cứ địa cách mạng, về điều chỉnh cách đánh, phân tán lực lượng, cách thức tổ chức LLVT ba thứ quân, sáng tạo các hình thức chiến thuật, đánh giặc bằng mọi thứ vũ khí…, góp phần đắc lực cùng với cả nước và Nam Bộ “Thành đồng Tổ quốc” làm thất bại âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp, vững vàng bước sang giai đoạn “cùng toàn quốc kháng chiến”.

--------------------------

* Đại tá, TS NGUYỄN VĂN VIỆT, Phó cục trưởng Cục khoa học - Chiến lược và Lịch sử Công an (Bộ Công an):

“Quốc gia tự vệ cuộc” chung sức, đồng lòng kháng chiến chống Pháp

Sau Cách mạng Tháng Tám-1945, chính quyền cách mạng ở Nam Bộ còn trong trứng nước đã phải đương đầu với bao thử thách của thù trong, giặc ngoài. Bọn phản động trong nước cấu kết với thực dân Pháp tăng cường chống phá hòng lật đổ chính quyền non trẻ… Cùng với đồng bào và LLVT ở Nam Bộ, Quốc gia tự vệ cuộc nhanh chóng bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Khẳng định ý chí quật cường và nhiều bài học giá trị từ Nam Bộ kháng chiến

Đại tá, TS Nguyễn Văn Việt.

Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Đảng, Quốc gia tự vệ cuộc Nam Bộ đã thành lập lực lượng Quốc vệ đội – LLVT làm nhiệm vụ chiến đấu, ngăn chặn bước tiến quân của Pháp, đồng thời bảo vệ các cơ quan Đảng, chính quyền và căn cứ kháng chiến. Quốc gia tự vệ cuộc Nam Bộ đã xây dựng cơ sở bí mật trong các thành phố, thị xã bị địch chiếm đóng, đẩy mạnh trừ gian, trấn áp kịp thời bọn chỉ điểm, do thám, đồng thời củng cố, xây dựng Quốc gia tự vệ cuộc thành LLVT tin cậy của Đảng ở Nam Bộ. Các cơ sở bí mật cài cắm trong hàng ngũ kẻ thù đã nắm được nhiều tin tức quan trọng, biết trước những cuộc hành quân đánh chiếm của địch, kịp thời báo cáo ra vùng căn cứ giúp cách mạng chủ động đối phó tránh được nhiều thiệt hại cho lực lượng kháng chiến.

Ngoài những trận đánh quyết liệt chống thực dân Pháp và diệt tề, trừ gian, Quốc gia tự vệ cuộc các tỉnh Nam Bộ còn làm tốt công tác giữ gìn an ninh trật tự, trừng trị những tên cướp của, giết người và giáo dục, cảm hóa những phần tử xấu quay về với nhân dân… Những hoạt động đó góp phần không nhỏ vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Bộ.

Khẳng định ý chí quật cường và nhiều bài học giá trị từ Nam Bộ kháng chiến

Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm.

--------------------------

* Đồng chí NGUYỄN TRẦN PHƯỢNG TRÂN, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam TP Hồ Chí Minh:

Sáng, đẹp ý chí, hình ảnh phụ nữ Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định

Ngày 23-9-1945, cùng với đồng bào Nam Bộ, phụ nữ Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định tham gia vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược. Cán bộ, hội viên phụ nữ tích cực tham gia kháng chiến, vận động, thuyết phục, giúp đỡ người dân tản cư ra các vùng nông thôn. Nữ sinh, giáo chức, công tư chức hăng hái “xếp bút nghiên” lên đường chiến đấu, tham gia các tổ cứu thương, phục vụ các đội tự vệ. Nữ công nhân, nữ thanh niên xung phong bố trí ở nhiều khu vực trong thành phố.

Khẳng định ý chí quật cường và nhiều bài học giá trị từ Nam Bộ kháng chiến

Đồng chí Nguyễn Trần Phượng Trân.

Phụ nữ thành phố đã cùng với các chiến sĩ trên mặt trận, tham gia thực hiện chiến thuật “trong đánh ngoài vây”, song song với việc tiếp tế, đảm nhiệm các công tác phía sau mặt trận. Cán bộ phụ nữ thường xuyên xâm nhập vào các xóm lao động, khu chợ và giác ngộ những quần chúng yêu nước. Ở các vùng ven Sài Gòn, phụ nữ tham gia phá đường giao thông, cắt đứt các tuyến hành quân của địch. Trên mặt trận đấu tranh vũ trang, phụ nữ Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã can trường đứng vào hàng ngũ tiên phong đối mặt với quân thù, có mặt ở hầu hết các tổ chức LLVT từ dân quân, du kích, đến các Ban công tác Thành; hăng hái tham gia xây dựng, ủng hộ chính quyền mới, vừa kháng chiến, vừa đảm đương xuất sắc nhiệm vụ thể hiện tiếng nói yêu nước của mình, cùng với đồng bào, dân tộc tham gia tích cực vào cuộc kháng chiến kiến quốc, thống nhất đất nước.

Phụ nữ Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định không chỉ tham gia ủng hộ nhân lực, vật lực cho kháng chiến một cách tự phát, không chỉ là những tiếng nói yêu nước cá nhân, mà là sự đoàn kết chặt chẽ, tập hợp thành lực lượng, thành tổ chức và cùng đấu tranh, để rồi tiếp tục cùng với dân tộc, nhân dân Nam Bộ chiến đấu đến ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Đó là quãng thời gian dài đánh dấu sự trưởng thành và phát triển sôi nổi của phong trào phụ nữ Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, là quá trình nâng cao nhận thức ngày càng sáng rõ về vai trò của nữ giới và lý tưởng cách mạng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội