A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản
Kỷ niệm 80 năm khởi nghĩa Nam Kỳ (23/11/1940 - 23/11/2020)

Khởi nghĩa Nam kỳ - Biểu tượng của ý chí quật cường dân tộc

Tháng 9 năm 1939, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ. Ở Đông Dương thực dân Pháp phát - xít hóa bộ máy thống trị, thẳng tay đàn áp phong trào đấu tranh cách mạng của Nhân dân ta. Sự chà đạp và tước đoạt của thực dân Pháp đối với Nhân dân ta lên đến cực điểm cùng mưu mô đầu hàng thỏa hiệp với phát - xít Nhật đã đặt ra trước mắt vấn đề sống còn của các dân tộc Ðông Dương. Mâu thuẫn giữa dân tộc ta với thực dân Pháp ngày càng gay gắt.

Những ngày đầu khởi nghĩa ở Bến Tre.
Ảnh: INTERNET

 

Phát huy truyền thống yêu nước nồng nàn, không cam chịu cuộc sống nô lệ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân Nam Bộ nhất tề đứng lên tranh đấu. Ðến giữa tháng 11/1940, trước tình hình phong trào cách mạng sôi sục, tinh thần phản chiến trong binh lính người Việt lên cao, Xứ ủy Nam Kỳ đã quyết định phát động toàn Nam Kỳ nổi dậy đánh đổ chính quyền thuộc địa, giành chính quyền về tay Nhân dân.

Cả Nam Kỳ rung chuyển dưới sức nổi dậy của quần chúng cách mạng. Cuộc khởi nghĩa kéo dài từ đêm 22 rạng sáng 23/11 đến ngày 31/12/1940 đã gương cao khẩu hiệu “Đánh đổ thực dân Pháp thống trị! Chống phát xít Nhật xâm lược! cùng “vua chúa bổn xứ và tất cả bọn tay sai phản bội dân tộc”. Lực lượng vũ trang và quần chúng đã nổi dậy tiến công địch ở các xã, tập kích nhiều đồn bốt, tiến đánh một số quận lỵ, phá hỏng nhiều cầu, đường, cắt dây điện thoại...

Tuy chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, nhưng khởi nghĩa Nam Kỳ là cuộc khởi nghĩa vũ trang có phạm vi rộng nhất và quyết liệt nhất kể từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta (năm 1858) cho đến lúc đó. Thực dân Pháp đàn áp hết sức dã man cuộc khởi nghĩa. Rất nhiều đồng bào, đảng viên, cán bộ, chiến sĩ đã bị địch bắt, tra tấn, tù đày, giết chóc vô cùng tàn bạo với bao tổn thất. Các đồng chí lãnh đạo, những người con ưu tú của dân tộc, của Đảng như Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Nguyễn Hữu Tiến, Phan Ðăng Lưu... đã anh dũng hy sinh trước họng súng quân thù.

Mặc dù thất bại do điều kiện chưa chín muồi, nhưng cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ có ý nghĩa rất to lớn. Cùng với khởi nghĩa Bắc Sơn, khởi nghĩa Nam Kỳ là những tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc, là bước đầu tranh đấu bằng võ lực của các dân tộc ở một nước Ðông Dương. Cuộc khởi nghĩa đã thể hiện sức mạnh quật khởi, lòng tin tưởng và sẵn sàng hy sinh của Nhân dân các tỉnh Nam Bộ trong cuộc đấu tranh giành tự do, độc lập dưới sự lãnh đạo của Ðảng. Cuộc khởi nghĩa đã đào tạo và rèn luyện một đội ngũ cán bộ, đảng viên trung thành với lý tưởng của Ðảng, gương mẫu chiến đấu hy sinh vì quyền lợi của dân tộc, của Nhân dân; tổ chức được hàng vạn quần chúng qua thử thách, chuẩn bị cho cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 và hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ thắng lợi sau này. Chính trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, lá cờ đỏ sao vàng 5 cánh đã xuất hiện và trở thành biểu tượng của khối đại đoàn kết toàn dân, biểu tượng của tinh thần và ý chí đấu tranh cách mạng của Nhân dân. Ngọn cờ đỏ sao vàng sau đó đã được Ðảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chọn làm biểu tượng của Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh và đến ngày 9/11/1946, chính thức là "Cờ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa" được ghi trong Hiến pháp, thông qua tại kỳ họp Quốc hội thứ hai (khóa I).

Mang tính chất của một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, tính Nhân dân rộng rãi và sâu sắc, khởi nghĩa Nam Kỳ là minh chứng sinh động cho chủ trương đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu của Ðảng được đặt ra từ Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 11/1939 với phương pháp đấu tranh "vũ lực" là hoàn toàn đúng đắn và sáng tạo. Ðồng thời, khởi nghĩa Nam Kỳ cũng là cơ sở thực tiễn để Hội nghị lần thứ VIII Ban Chấp hành Trung ương do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì diễn ra năm tháng sau đó, quyết định "thay đổi chiến lược" đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên trên hết, trước hết cũng như hoàn thiện con đường chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Từ kinh nghiệm các cuộc khởi nghĩa ở Bắc Sơn, Nam Kỳ, Ðô Lương, Ðảng ta chủ trương phải phát huy tính tích cực, chủ động cách mạng, phải luôn luôn chuẩn bị một lực lượng sẵn sàng, để khi thời cơ đến, có thể lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương để mở đường cho cuộc tổng khởi nghĩa.

Khí thế Khởi nghĩa Nam Kỳ.
Ảnh: ỈNTERNET

 

Hiện thực hào hùng của khởi nghĩa Nam Kỳ ngày 23/11/1940 đã để lại những bài học quý giá. Ðó là bài học về xây dựng thực lực cách mạng gắn với nắm bắt thời cơ; bài học về khơi dậy và nhân lên sức mạnh vĩ đại từ sự hiệp lực, đồng tâm của quần chúng; bài học về phối hợp địa phương với cả nước, về nghệ thuật giành và giữ chính quyền Nhân dân... Ðặc biệt nổi lên bài học về xây dựng Ðảng. Ðảng bộ Nam Kỳ mới mười tuổi đã phát động được một cuộc khởi nghĩa long trời lở đất chính vì đã sớm nắm bắt và vận dụng đường lối của Ðảng, xây dựng được hệ thống tổ chức cơ sở Ðảng, tổ chức quần chúng rộng khắp, tạo dựng được một đội ngũ cán bộ đảng viên trung thành, dũng cảm và tiên phong gương mẫu, luôn luôn gắn bó với quần chúng, tin tưởng ở sức mạnh của quần chúng, hòa mình trong quần chúng mà dẫn dắt quần chúng tiến lên.

Kỷ niệm 80 năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa, trong lúc toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân ta đang thi đua lập thành tích chào mừng Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng. Bối cảnh lịch sử và những nhiệm vụ cụ thể trong mỗi thời kỳ khác nhau song trách nhiệm và sứ mệnh lịch sử của Ðảng đối với dân tộc không thay đổi. Chủ trương tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng chính là sự tiếp nối tinh thần phấn đấu, hy sinh không mệt mỏi và cũng là phát huy bài học vô giá của thế hệ chiến sĩ cộng sản, những người con ưu tú tận tụy với Nhân dân thời "Nam Kỳ khởi" để lại cho thế hệ hôm nay.

GIANG ĐÌNH


Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội