A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản
Kỷ niệm 103 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1917-1/11/2020)

Kỷ niệm 103 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1917-1/11/2020): Nội dung và ý nghĩa lịch sử của Cách mạng Tháng Mười

Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 50 ngày thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại (7/11/1917 - 7/11/1967), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc” cho Báo Pravđa (Liên Xô).  Trong bài viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ khẳng định ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại mà còn chỉ ra tính chất, mục tiêu, động lực, nội dung… của Cách mạng Tháng Mười. Báo Quân khu 4 điện tử xin giới thiệu với bạn đọc phần Bác nói về Nội dung và Ý nghĩa lịch sử, thời đại của Cách mạng Xã hội chủ nghĩa Tháng Mười.

 

Lãnh tụ Đảng Bolsevich V. I. Lenin tuyên bố thành lập chính quyền Xô Viết  tại Đại hội Xô Viết ngày 7/11/1917 tại điện Smolny, ngay sau khi chiếm Cung điện mùa Đông, Ảnh: TƯ LIỆU

Về nội dung Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, đó là cuộc cách mạng toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa. Trong đó, Người nhấn mạnh hai nội dung căn bản là chính trị và kinh tế.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Chiến hạm Rạng Đông  ở Leningrad, tháng 8/1957.

Nội dung cách mạng về chính trị: Lật đổ quyền thống trị của giai cấp tư sản Nga, giành quyền lãnh đạo xã hội về giai cấp công nhân Nga, giải phóng Nhân dân lao động khỏi địa vị nô lệ và trở thành người làm chủ xã hội mới “đánh đổ giai cấp tư sản và giai cấp phong kiến địa chủ, lập nên chính quyền của những người lao động”.(1) Cách mạng về chính trị có vị trí quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân, bởi nó là cơ sở và tiền đề cho việc thực hiện các nội dung cách mạng về kinh tế, tư tưởng, văn hóa. Chính quyền là vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng xã hội, là công cụ thống trị xã hội, duy trì quyền lực của giai cấp thống trị để cải tạo xã hội cũ và xây dựng xã hội mới. Do vậy, để xóa bỏ xã hội tư bản chủ nghĩa và xây dựng xã hội mới, thì giai cấp công nhân thông qua chính đảng của mình lãnh đạo nhân dân lao động làm cuộc cách mạng về chính trị là màn giáo đầu của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Không ngừng tăng cường và củng cố nền chuyên chính vô sản. Sau khi đã giành được chính quyền thì nhiệm vụ hàng đầu của giai cấp công nhân là phải tăng cường nền chuyên chính vô sản để hoàn thành những nhiệm vụ lịch sử của cách mạng”.(2)

 

Cung điện Mùa Đông nay là Bảo tàng Hermitage ở TP Saint - Petersburg nơi nổ ra  cuộc Cách mạng Tháng Mười.

Nội dung cách mạng về kinh tế: Đây là nội dung có ý nghĩa quyết định sự thắng lợi vững chắc của cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga. Bởi vì, chủ nghĩa xã hội muốn chiến thắng phải tạo ra năng suất lao động cao hơn chủ nghĩa tư bản, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân lao động. Cho nên, giai cấp công nhân phải thực hiện nội dung cách mạng về kinh tế nhằm từng bước xóa bỏ chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất, phát triển lực lượng sản xuất, thay đổi địa vị kinh tế - xã hội của nhân dân lao động. Chính vì vậy, Người nhấn mạnh: “triệt để xóa bỏ chế độ người bóc lột người, xây dựng quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, xây dựng chủ nghĩa xã hội để tiến lên chủ nghĩa cộng sản”(3).

Về ý nghĩa lịch sử củacách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga.

Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 có ý nghĩa lịch sử về nhiều mặt, không chỉ vạch mốc thời đại, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử nước Nga và các dân tộc bị nô dịch, phụ thuộc trên thế giới, mà còn có ý nghĩa nhân văn sâu sắc ở chỗ đã trở thành ngọn cờ hiệu triệu của thời đại mới, thời đại đấu tranh vì những mục tiêu cao cả: hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Đánh giá tổng quát về ý nghĩa lịch sử của cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”(4). Với ý nghĩa đó, Người khẳng định: “Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười đã dạy cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới nhiều bài học hết sức quý báu, bảo đảm cho sự nghiệp giải phóng triệt để của giai cấp công nhân và của cả loài người”(5).

Không chỉ trong bài viết “Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc” mà trong nhiều bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những sự kiện có ý nghĩa và mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam đều chịu tác động của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười.

Người chỉ rõ: “Kinh nghiệm bản thân của Việt Nam chứng tỏ rằng chính là nhờ Đảng của những người Bôlsêvích và của cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại mà ở Việt Nam đã có một đảng mácxít lêninnít và Cách mạng Tháng Tám của chúng tôi đã giành được thắng lợi”(6).

Theo đó, mười lăm năm sau ngày thành lập, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta giành được chính quyền, lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, Hồ Chí Minh cho rằng: Đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã kiên quyết đứng lên đấu tranh chống thực dân Pháp và bè lũ tay sai. Năm 1945 đã làm Cách mạng Tháng Tám đánh đổ thực dân giải phóng đất nước, xây dựng chính quyền nhân dân. Hồ Chí Minh khẳng định: Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám chứng tỏ sự đúng đắn của con đường Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại đã vạch ra.

Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười vào thực tế Việt Nam. Những bài học đó không chỉ có ý nghĩa trước mắt mà còn có giá trị lý luận và thực tiễn lâu dài. Người không chỉ căn dặn nhân dân ta mà còn tuyên bố với bạn bè quốc tế rằng: “Kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười, những thành tựu của Liên Xô là ngôi sao chỉ đường cho chúng tôi trong sự nghiệp xây dựng một cuộc đời hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam”.(7)

Một quan điểm có ý nghĩa phương pháp luận mang tính chỉ đạo lâu dài đối với Đảng và nhân dân ta được Hồ Chí Minh chỉ ra là: “Đi theo con đường do Lênin vĩ đại đã vạch ra, con đường của Cách mạng Tháng Mười, nhân dân Việt Nam đã giành được thắng lợi rất to lớn. Chính vì vậy mà mối tình gắn bó và lòng biết ơn của nhân dân Việt Nam đối với Cách mạng Tháng Mười vẻ vang, đối với Lênin vĩ đại và đối với nhân dân Liên Xô là vô cùng sâu sắc”.(8)

Chú thích

(1), (2), (3), (4), (5), Hồ Chí Minh (1967), “Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc”, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 15, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr.388; tr.391; tr.392; tr.387; 390; tr.397.

(6) Hồ Chí Minh (1957), “Lời phát biểu tại Hội nghị đại biểu các Đảng Cộng sản và Công nhân các nước xã hội chủ nghĩa”, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.190;

(8) Hồ Chí Minh (1957), “Bài phát biểu tại khóa họp Tối cao Liên Xô nhân dịp kỷ niệm 40 năm Cách mạng Tháng Mười”, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 11, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.180.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan
Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội