A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản
Kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (05/6/1911 - 5/6/2021))

Những mốc quan trọng trong hành trình tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trải qua hành trình 30 năm (1911 - 1941), qua 3 đại dương, 4 châu lục, 28 quốc gia để tìm kiếm và lựa chọn con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam.

Đi tìm cội nguồn của Tự do - Bình đẳng - Bác ái

Trả lời nhà báo Mỹ Anna Louise Strong vào năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhớ lại: “Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”(*) .

Trong bài báo “Thăm một chiến sĩ Quốc tế Cộng sản - Nguyễn Ái Quốc” của nhà văn Liên Xô Osip Mandelstam đăng trên tạp chí “Ngọn Lửa Nhỏ” (Ogoniok) số 39 ra ngày 23/12/1923, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhớ lại: “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do - Bình đẳng - Bác ái. Đối với chúng tôi, người da trắng nào cùng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế. Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những chữ ấy”(*) .

Tàu Đô đốc Latútsơ Tơrêvin (L’Admiral Latouche Trévill), nơi Nguyễn Tất Thành làm phụ bếp khi rời Tổ quốc đi tìm đường cứu nước (6/1911). Ảnh tư liệu

Do đó, cách đây 110 năm, vào ngày 05/6/1911, tại Bến cảng Nhà Rồng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên con tàu Pháp mang tên L'Admiral Latouche Trévill, một tàu lớn vừa chở hàng, vừa chở khách của hãng Chargeurs Réunis của Pháp, để làm phụ bếp nhằm bắt đầu lý tưởng vĩ đại của Người. Lúc đó, Người mới ngoài 20 tuổi. Sau này, Người nhớ lại cuộc trò chuyện giữa Người với một người bạn ở Sài Gòn về chuyện xuất dương tìm đường cứu nước. Theo cuốn sách “Những mẩu chuyện về cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” của tác giả Trần Dân Tiên, lúc đó, Người đã nói: “Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”(*).

Nhận ra bản chất chế độ tư bản chủ nghĩa

Trên cuộc hành trình tìm đường cứu nước, Người đã đến các nước tư bản tiên tiến nhất lúc bấy giờ là Pháp, Mỹ, Anh… và các nước thuộc địa ở châu Phi, châu Mỹ, châu Á. Người nhận ra bản chất của chế độ tư bản chủ nghĩa là: “Trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”(*), “cách mệnh tư bản là cách mệnh chưa đến nơi”(*) và “trong cuộc đấu tranh giành độc lập thì phải dựa vào sức mình để giải phóng mình, đừng bao giờ hy vọng trông chờ vào sự “ban ơn” của chính quyền tư sản”(*).

Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp vào năm 1920. Ảnh tư liệu

Năm 1919, khi 29 tuổi, tại Thủ đô Paris của nước Pháp, Người gia nhập Đảng Xã hội Pháp và dành nhiều thời gian đi sâu sát những khu vực có đông Việt kiều, vận động cổ vũ tinh thần yêu nước, tố cáo tội ác của bọn thực dân đế quốc, dần dần được mọi người yêu quý tin tưởng và trở thành linh hồn của Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp. Trong một lần đến theo dõi buổi nói chuyện của Người, viên mật thám Pháp Paul Arnoux phải thốt lên dự cảm: “Con người thanh niên mảnh khảnh và đầy sức sống này có thể là người sẽ đặt chữ thập cáo chung lên nền thống trị của chúng ta ở Đông Dương”(*).

Đến với chủ nghĩa Lênin

Trong bài viết “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin” (1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhớ lại: “Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba. Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”(*).

Tháng 12/1920, vào năm 30 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tham gia sáng lập Phân bộ Pháp của Quốc tế Cộng sản. Trả lời câu hỏi vì sao lại tán thành Quốc tế Cộng sản, Người đã nói rõ: “Tôi hiểu rõ một điều Quốc tế III rất chú ý đến vấn đề giải phóng thuộc địa. Quốc tế III nói sẽ giúp đỡ các dân tộc bị áp bức giành lại tự do và độc lập của họ. Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn; đấy là tất cả những điều tôi hiểu”(*). Sau đó, Người cùng một số đồng chí là người của các thuộc địa Pháp như Algérie, Tunisie, Madagascar… đã tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa (1921).

Nguyễn Ái Quốc ở Liên Xô (1923 - 1924) (hàng ngồi, thứ hai trái sang). Ảnh tư liệu

Cuối năm 1923, vào năm 33 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh theo học Trường Đại học Cộng sản của những người lao động Phương Đông tại Liên Xô. Vào tháng 6/1924, tại Đại hội V Quốc tế Cộng sản, Người phê phán các ý kiến xem thường cách mạng ở thuộc địa: “Các đồng chí thứ lỗi về sự mạnh bạo của tôi, nhưng tôi không thể không nói với các đồng chí rằng, sau khi nghe những lời phát biểu của các đồng chí ở chính quốc, tôi có cảm tưởng là các đồng chí ấy muốn đánh chết rắn đằng đuôi. Tất cả các đồng chí đều biết rằng hiện nay nọc độc và sức sống của con rắn độc tư bản chủ nghĩa đang tập trung ở các thuộc địa hơn là ở chính quốc. Các thuộc địa cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy; các thuộc địa cung cấp binh lính cho quân đội của chủ nghĩa đế quốc. Các thuộc địa trở thành nền tảng của lực lượng phản cách mạng. Thế mà các đồng chí khi nói về cách mạng các đồng chí lại khinh thường thuộc địa”(*). Sau đó, Người được bầu làm Ủy viên Bộ phương Đông, phụ trách Cục phương Nam của Quốc tế Cộng sản.

Tiếp đó, Quốc tế Cộng sản đã cử Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Quảng Châu (Trung Quốc) công tác nhằm xúc tiến mọi điều kiện để xây dựng một tổ chức cộng sản ở Đông Dương và giúp đỡ các đại biểu cách mạng ở các nước Đông Nam Á. Năm 1925, khi mới 35 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với các đồng chí của mình là người Trung Quốc, Ấn Độ, Triều Tiên, Indonesia, Miến Điện… tham gia sáng lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức (1925). Cùng năm đó, Người đã sáng lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên để truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin về Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1930. Ảnh chụp lại tranh của họa sĩ Phi Hoanh của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Năm 37 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn thành tác phẩm “Đường Kách mệnh” làm tài liệu giảng dạy cho những hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, trong tác phẩm này, Người chỉ rõ: “Cách mạng Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mạng thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc. Phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin”(*). Đảng cách mạng đó được Người sáng lập vào ngày 3/2/1930. Đó là Đảng Cộng sản Việt Nam. Lúc đó, Người 40 tuổi.

Ngày 28/1/1941, lúc đã 51 tuổi, sau nhiều năm bôn ba hoạt động cách mạng ở nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Trong năm này, Người đã sáng lập nên Mặt trận Việt Minh. Tiếp đó, ở tuổi 54, Người đã sáng lập nên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ở tuổi 55, Người đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và Người cũng đã thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập vào ngày 2/9/1945 để khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên tại Đông Nam Á. Như vậy, đến lúc này, con đường Người tìm ra để cứu nước đã được chứng minh là đúng đắn!

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) ngày 2/9/1945. Ảnh tư liệu lịch sử

Nguồn: Báo Nghệ An


Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 10 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội