Lãnh đạo tỉnh Nghệ An tri ân các Anh hùng liệt sĩ tại Thành cổ Quảng Trị, sông Thạch Hãn, "đất thép" Vĩnh Linh
Ngày 8/7/2022, nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh, liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2022), Đoàn đại biểu Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An đã đến dâng hoa, dâng hương tại Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang liệt sĩ huyện Vĩnh Linh và thả hoa tại bờ Nam sông Thạch Hãn, tỉnh Quảng Trị, nhằm tri ân sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ.
Đồng chí Thái Thanh Quý, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân (HĐND) tỉnh làm Trưởng đoàn. Tham gia đoàn có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Lê Đức Cường - Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; Nguyễn Thị Thu Hường, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Nguyễn Nam Đình - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh; Võ Thị Minh Sinh - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh Nghệ An, cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang tỉnh.
![]() Thành cổ Quảng Trị nằm ở trung tâm thị xã Quảng Trị, được xây dưới thời Nguyễn. Đài Tưởng niệm xây dựng năm 1997, có hình tròn mang hình dáng một nấm mồ chung. Giữa đài dựng một biểu tượng cây đèn thờ cao 8,1m, mang ý nghĩa tượng trưng cho 81 ngày đêm chiến đấu oanh liệt tại Thành cổ của quân và dân ta. |
![]() Đoàn đại biểu tỉnh Nghệ An làm lễ dâng hoa, dâng hương trước Đài tưởng niệm Thành cổ Quảng Trị. |
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Thành cổ Quảng Trị đã ghi vào lịch sử dân tộc một mốc son sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Hàng nghìn chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm lại lòng đất Thành cổ Quảng Trị trong cuộc chiến đấu anh dũng, kiên cường bảo vệ Thành cổ và thị xã Quảng Trị suốt 81 ngày đêm khốc liệt mùa hè năm 1972 (từ ngày 28/6-16/9/1972).
Trong 81 ngày đêm đó, Mỹ đã ném xuống thành cổ Quảng Trị và thị xã Quảng Trị 328.000 tấn bom, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima, Nhật Bản năm 1945; trung bình mỗi chiến sĩ phải gánh chịu 100 tấn bom, 200 quả đạn pháo.

Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ, thị xã Quảng Trị đã góp phần tạo nên bước ngoặt lịch sử làm thay đổi cục diện chiến tranh, buộc Mỹ phải nối lại đàm phán và đi đến ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, công nhận nền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; góp phần tạo tiền đề để quân và dân ta mở Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, thực hiện trọn vẹn di nguyện thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu cho Bắc - Nam sum họp một nhà, Tổ quốc Việt Nam thống nhất.
Thành cổ Quảng Trị hôm nay là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho các thế hệ và trở thành biểu tượng thiêng liêng cho khát vọng hòa bình.
Trong không khí trang nghiêm và đầy xúc động, tại Đài tưởng niệm liệt sĩ Thành cổ Quảng Trị - được mô hình hoá thành nấm mồ chung của các chiến sĩ đã hy sinh tại Thành cổ - Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý cùng các đại biểu đã kính cẩn nghiêng mình dâng hoa, dâng hương bày tỏ lòng tri ân sâu sắc với sự hy sinh cao cả, cống hiến của các anh hùng liệt sĩ cho hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Tiếp đó, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã làm lễ tại Nhà hành lễ, thả hoa tại bờ Nam sông Thạch Hãn, tỉnh Quảng Trị. Đây là hoạt động thường niên, đặc biệt là vào dịp tháng 7 hàng năm để bày tỏ tấm lòng tri ân những chiến sĩ đã ngã xuống vì non sông, đất nước.

Bến sông Thạch Hãn nguyên là một bến sông của các chuyến đò ngang qua lại trên sông Thạch Hãn, nối thị xã Quảng Trị bên bờ Nam với huyện Triệu Phong ở bên bờ Bắc. Đây là tuyến giao thông thủy có ý nghĩa quan trọng trong giao lưu kinh tế, văn hóa của dân cư hai bên bờ từ rất lâu đời.
Trong 81 ngày đêm năm 1972, hàng ngàn chiến sĩ đã vượt sông Thạch Hãn từ bờ Bắc vào bờ Nam chiến đấu bảo vệ thị xã và Thành cổ Quảng Trị. Nhiều người con của Tổ quốc đã anh dũng hy sinh, máu xương hòa vào dòng Thạch Hãn. Sông Thạch Hãn được coi là một “nghĩa trang liệt sĩ không bia mộ”.

Thành cổ Quảng Trị và Di tích Bến sông Thạch Hãn là 2 trong 8 di tích thành phần thuộc Di tích Quốc gia đặc biệt “Di tích lịch sử Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972”.
Tiếp đó, Đoàn đại biểu Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An đã đến dâng hoa, dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.
Trong kháng chiến chống Mỹ, Vĩnh Linh là mảnh đất tiền tiêu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, địa danh gắn với cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, là nơi đã chứng kiến nỗi đau chia cắt hai miền Nam - Bắc trong hơn 20 năm ròng rã và những sự kiện lịch sử gắn với quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của quân và dân ta.
Trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, Vĩnh Linh được mệnh danh là vùng “đất thép”, từng tấc đất nơi đây đều thấm máu bao người con ưu tú đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.


Nằm ở phía Bắc sông Bến Hải, Nghĩa trang liệt sĩ huyện Vĩnh Linh là nghĩa trang liệt sĩ cấp huyện lớn nhất tỉnh Quảng Trị, là nơi yên nghỉ của 5.630 anh hùng liệt sĩ của 41 tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có 800 liệt sĩ quê Nghệ An và Hà Tĩnh.
Trước Tượng đài và phần mộ các liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Vĩnh Linh, với tấm lòng tôn kính, biết ơn vô hạn trước những cống hiến, hy sinh lớn lao của các thế hệ đi trước, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý và các đại biểu cùng lãnh đạo huyện Vĩnh Linh đã kính cẩn dâng hoa, dâng hương, dành phút mặc niệm tưởng nhớ anh linh các anh hùng liệt sĩ - những người con ưu tú của dân tộc đã không tiếc xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc và hạnh phúc của Nhân dân.
Nguồn: Báo Nghệ An
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận