A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước lãnh đạo cách mạng là sự kiện lịch sử quan trọng mở ra thời kỳ phát triển mới của dân tộc Việt Nam

Trong dòng chảy lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, ngày 28/01/1941 đã trở thành một dấu mốc không thể phai mờ, ngày lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc, mở đầu cho một chương mới trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và phát triển đất nước.

Ảnh tư liệu.

 

Từ đây, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng đưa ra quyết sách hoàn chỉnh đường lối cách mạng giải phóng dân tộc đáp ứng khát vọng của các tầng lớp Nhân dân, phù hợp với xu thế phát triển của cách mạng thế giới, có ý nghĩa quyết định đối với vận mệnh của quốc gia, dân tộc.

Đầu thế kỷ XX, với tên gọi là Văn Ba, Nguyễn Tất Thành, người thanh niên yêu nước, quyết tâm đi nước ngoài tìm đường cứu nước. Với nhiệt huyết cứu nước, trí tuệ thiên tài, nhãn quan chính trị sắc bén và được kế thừa các giá trị yêu nước truyền thống của dân tộc Việt Nam, sau gần 10 năm, khi rời bến cảng Nhà Rồng tìm đường cứu nước (1920), Người đã đến được với Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, khẳng định đi theo con đường cách mạng vô sản để giải phóng dân tộc, đưa lại hạnh phúc cho nhân Dân. Đó là sự kiện tại Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp, tháng 12/1920, Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành việc gia nhập Quốc tế thứ ba, Quốc tế Cộng sản do Lê-nin thành lập. Đồng thời trở thành người cộng sản đầu tiên của Việt Nam tại Đại hội Đảng Xã hội Pháp năm 1920, đã mở ra giai đoạn mới cho cách mạng Việt Nam, kết nối phong trào cách mạng trong nước với quốc tế.

Đầu năm 1940, tình hình thế giới có nhiều biến chuyển mau chóng. Sự kiện Chính phủ Pháp đầu hàng phátxít Đức, tháng 6/1940, theo Người nhận định là thời cơ thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước để tranh thủ nắm thời cơ; Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng. Ngày 28-1-1941, sau 30 năm xa xứ, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Việt Nam, đánh dấu một bước ngoặt lịch sử trong đấu tranh giải phóng dân tộc và đáp ứng nhu cầu cách mạng. Bác chọn Pắc Bó, Cao Bằng làm điểm khởi đầu cho hành trình lãnh đạo cách mạng, với vị trí chiến lược và tầm nhìn xa. Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng là vùng đất phên giậu, đông bắc của Tổ quốc, là nơi hội tụ đủ cả thiên thời, địa lợi, nhân hoà để xây dựng căn cứ địa cách mạng của cả nước. Bởi vì: Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế rất thuận lợi. Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc. Có nối phong trào được với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ.

Chỉ bốn tháng sau khi trở về Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 (Khoá I) của Đảng tại Khuổi Nậm, Pắc Bó, Cao Bằng từ ngày 10 đến 19 tháng 5 năm 1941. Hội nghị cũng xác định mục tiêu cấp bách là giải phóng dân tộc và thành lập Mặt trận Việt Minh nhằm tập hợp lực lượng yêu nước, không phân biệt đẳng cấp hay chính trị. Dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị đã đưa ra những đóng góp quan trọng trong việc phát triển đường lối chiến lược cách mạng, tập trung vào giải phóng dân tộc. Theo sáng kiến của Người, trên tinh thần dân tộc tự quyết, Hội nghị quyết định thành lập ở ba nước Đông Dương ba mặt trận riêng để tập hợp lực lượng giải quyết nhiệm vụ cách mạng trong phạm vi của dân tộc mình. Ở Việt Nam, thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh, nhằm đoàn kết rộng rãi mọi lực lượng yêu nước trong Mặt trận Việt Minh. Tập hợp các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, cốt thực hiện hai điều mà toàn thể đồng bào đang mong ước: 1. Làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập; 2. Làm cho dân Việt Nam được sung sướng, tự do”.

Hội nghị Trung ương lần thứ 8 của Đảng (tháng 5/1941) do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì là đã bổ sung, phát triển đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam - đường lối giải phóng dân tộc ở một nước thuộc địa phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Trong đó, đặc biệt là việc xác định: Đặt lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia lên trên hết; xây dựng và củng cố hệ thống tổ chức Đảng; xúc tiến xây dựng căn cứ địa cách mạng, lực lượng chính trị, tập hợp lực lượng cho mặt trận Việt Minh, lực lượng vũ trang, cũng như các tổ chức chính trị khác như: Cứu quốc quân, Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, xây dựng căn cứ địa cách mạng và lực lượng vũ trang, tích cực chuẩn bị lực lượng đón thời cơ khởi nghĩa… Đây chính là quá trình hoàn thiện đường lối cách mạng giải phóng dân tộc của Đảng, sự kế thừa, phát triển qua khảo nghiệm thực tiễn của cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng.

Sự kiện lãnh tụ Hồ Chí Minh trở về Việt Nam vào tháng 1 năm 1941 và chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 vào tháng 5 năm 1941 đã tạo nên một bước ngoặt lớn trong cách mạng Việt Nam. Sự trở về này không chỉ biểu hiện tầm nhìn chiến lược mà còn phản ánh khát vọng mạnh mẽ của Nhân dân Việt Nam trong việc giải phóng dân tộc.

Các sự kiện và hoạt động sau khi trở về nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã để lại những bài học quý giá về việc xây dựng và phát triển Đảng, củng cố lòng dân và tạo thế trận đoàn kết. Kỷ niệm 83 năm ngày Bác Hồ trở về nước là dịp để nhấn mạnh và tiếp tục phát huy tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước, với mục tiêu phát triển Việt Nam thành quốc gia giàu mạnh, phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

P.V (Tổng hợp)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội