A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

LLVT Quân khu 3: Khẩn trương khắc phục hậu quả của bão số 3

Bão số 3 là cơn bão có cường độ mạnh, sức tàn phá lớn đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh, thành phố thuộc địa bàn Quân khu 3; trong đó, Quảng Ninh và Hải Phòng là hai địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất. Quán triệt phương châm “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả, trong đó lấy phòng tránh là chính”, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ tư lệnh Quân khu, các cơ quan, đơn vị trong LLVT Quân khu đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp ứng phó, có mặt kịp thời phối hợp cùng các lực lượng để khắc phục hậu quả sau bão.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Dũng, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 3 cùng lãnh đạo Bộ tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3 tại Ban CHQS quận Đồ Sơn (thành phố Hải Phòng)

 

Chủ động phòng, chống từ sớm

Ngay khi nhận được thông tin bão số 3 xuất hiện trên biển Đông, dự kiến sẽ đổ bộ và ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh, thành phố trên địa bàn Quân khu, Bộ tư lệnh Quân khu đã có công điện chỉ đạo các đơn vị tăng cường biện pháp chủ động ứng phó. Thực hiện chỉ đạo của Quân khu, các đơn vị thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình diễn biến của bão; tổ chức gia cố lại nhà ở, kho tàng, dự kiến các khu vực trong doanh trại có nguy cơ bị sạt lở, ngập úng, đổ sập để có biện pháp di dời người, tài sản ra nơi an toàn. Bộ CHQS các tỉnh, thành phố ven biển gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và lực lượng có liên quan chủ động thông báo cho chủ tàu, thuyền đang khai thác, đánh bắt trên biển biết hướng đi của bão, chủ động vào nơi tránh trú an toàn.

Thiếu tướng Hà Tất Đạt, Phó Tư lệnh Quân khu trực tiếp chỉ đạo mọi hoạt động phòng, chống và khắc phục hậu quả sau bão tại Sở chỉ huy tiền phương.

 

Có mặt tại Cảng cá Ninh Cơ, thuộc thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định vào thời điểm trước một ngày bão số 3 đổ bộ vào đất liền, chúng tôi đã thấy hàng trăm tàu cá được chằng, buộc cẩn thận, chắc chắn. Tại đây, hàng chục cán bộ, chiến sĩ dân quân thuộc LLVT huyện Hải Hậu phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh Nam Định và công an túc trực để hướng dẫn tàu thuyền vào nơi neo đậu. Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tàu QNG 98764TS neo đậu tại cảng cá Ninh Cơ chia sẻ: “Khi nghe thông tin có bão là chúng tôi xác định lịch trình để cho tàu vào cảng tránh trú. Nhờ có bộ đội giúp đỡ nên hàng hóa được vận chuyển xuống tàu nhanh chóng, việc chằng buộc, gia cố tàu cũng thuận tiện lợi, dễ dàng hơn”.

Trực tiếp xuống kiểm tra việc triển khai các biện pháp phòng, chống bão tại một số huyện ven biển, Đại tá Bùi Đức Lâm, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Nam Định cho biết: LLVT tỉnh phối hợp thông báo, kêu gọi 1.714 tàu thuyền với 5.287 ngư dân đang hoạt động trên biển; sắp xếp neo đậu tại bến trên địa bàn tỉnh là 1.569 phương tiện với 4.842 ngư dân. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị trong LLVT tỉnh kiện toàn đầy đủ biên chế cho 12 trung đội cơ động của lực lượng thường trực, 14 trung đội cơ động của lực lượng dân quân tự vệ, huy động ô tô, tàu, xuồng, máy bơm, máy phát điện… chuẩn bị đầy đủ các loại nhu yếu phẩm cần thiết sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ ứng phó bão.

Thiếu tướng Lương Văn Kiểm, Phó tư lệnh Quân khu cùng lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra tại huyện Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định).

 

Việc triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 3 được các cơ quan, đơn vị trong LLVT Quân khu phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng có liên quan tiến hành khẩn trương, tích cực. Trong đó các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền lưu động cho nhân dân các biện pháp phòng, chống bão; cử cán bộ phụ trách các xã, thị trấn xuống địa bàn trọng điểm ven biển, những khu vực trọng yếu có nguy cơ bị úng lụt, sạt nở đất để tuyên truyền, vận động di dời 37.726 hộ với 141.048 người vào khu vực an toàn. Các đơn vị duy trì 100% quân số trực, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cho công tác phòng, chống lụt bão, đồng thời tích cực luyện tập thuần thục các phương án.

LLVT huyện Hải Hậu (Nam Định) giúp ngư dân chằng buộc tàu, thuyền tại cảng cá Ninh Cơ.

 

Quân khu tổ chức các đoàn công tác kiểm tra việc triển khai biện pháp phòng, chống bão đối với các đơn vị; thành lập 2 sở chỉ huy phía trước tại Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh và Bộ CHQS tỉnh Nam Định do Thiếu tướng Hà Tất Đạt và Thiếu tướng Lương Văn Kiểm, Phó tư lệnh Quân khu trực tiếp chỉ huy để theo dõi, chỉ đạo công tác phòng, chống, ứng phó cơn bão; huy động tổng số gần 9.000 cán bộ, chiến sĩ bộ đội thường trực và trên 42.000 đồng chí dân quân tự vệ cùng 580 phương tiện ô tô, tàu, xuồng, xe đặc chủng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan để sẵn sàng tham gia cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra trên địa bàn.

Dồn toàn lực giúp dân khắc phục hậu quả sau bão

Sau khi bão số 3 càn quét vào đất liền, để lại nhiều thiệt hại vê người và tài sản, nhất là tại tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị trong LLVT Quân khu không quản khó khăn, hiểm nguy, luôn có mặt sớm nhất, kịp thời nhất giúp cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương khắc phục hậu quả.

LLVT quận Lê Chân (thành phố Hải Phòng) tham gia khắc phục sự cố sau bão.

 

Là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong số 9 tỉnh, thành phố trên địa bàn Quân khu do bão số 3 gây ra, Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh đã huy động 100% cán bộ, chiến sĩ và dân quân tự vệ phối hợp cùng công an, bộ đội biên phòng và các lực lượng liên quan tham gia khắc phục hậu quả mưa bão để lại. Theo đó, LLVT tỉnh tập trung phối hợp tổ chức tìm kiếm người gặp nạn trên biển, mắc kẹt trong núi; trục vớt tàu, thuyền bị đắm; thu dọn cây xanh bị gãy, đổ trên đường giao thông; dọn vệ sinh trường học, trạm y tế, các khu sinh hoạt cộng đồng; giúp đỡ những gia đình bị tốc mái nhà gia cố lại nơi ăn, nghỉ…

Có mặt tại thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) khi cơn bão vừa đi qua chúng tôi thấy hàng trăm cán bộ, chiến sĩ dân quân thị xã đang có mặt trên khắp các tuyến đường để phối hợp cùng các lực lượng tiến hành cưa, cắt, vận chuyển cây xanh bị đổ, gãy. Trung tá Bùi Duy Tuấn, Chỉ huy trưởng Ban CHQS thị xã Quảng Yên cho biết: “Thống kê sơ bộ, trên địa bàn thị xã không có thiệt hại về người nhưng số lượng cây xanh bị bật gốc, đổ, gãy rất lớn. Vì vậy, ngay khi bão vừa qua, dù trong đêm nhưng chúng tôi vẫn huy động 100% quân số tham gia dọn dẹp cây bị gãy, đổ, ưu tiên khắc phục trên những tuyến đường chính, khu vục bị ách tắc giao thông”.

LLVT thành phố Uông Bí (Quảng Ninh) giúp dân khắc phục hậu quả mưu bão tại Trường Mầm non Thanh Sơn (thành phó Uông Bí).

 

Sự tham gia tích cực, kịp thời của cán bộ, chiến sĩ LLVT thị xã Quảng Yên trong hai ngày đã góp phần quan trọng giúp các tuyến đường trên địa bàn thông thoáng, bảo đảm người dân đi lại được bình thường. Ông Hoàng Văn Đức, xã Liên Vị, thị xã Quảng Yên chia sẻ: “Đa số các gia đình đều bị thiệt hại do bão nên chủ yếu tập trung khắc phục hậu quả của nhà mình. Nhờ có các chú bộ đội ngày đêm giúp cưa cành, chuyển cây đổ nên đường xá mới thông thoáng, giao thông đi lại bình thường. Bà con rất mừng vì bộ đội đến cũng nhanh và làm cũng rất nhanh”.

LLVT huyện Ninh Giang (tỉnh Hải Dương) khắc phục sự cố cây đổ trên địa bàn.

 

Tại thành phố Hải Phòng, cùng với khẩn trương thu dọn vật cản, cây đổ khôi phục lại giao thông; khắc phục hư hỏng, thiệt hại về nhà ở thì LLVT thành phố cũng gấp rút giúp các trường học tổng dọn vệ sinh để học sinh có thể quay lại trường sớm nhất. Là một trong những trường được LLVT thành phố giúp khắc phục hậu quả sau bão, cô Đỗ Thị Giang, Hiệu trưởng Trường Mầm non Chính Mỹ, huyện Thủy Nguyên (thành phố Hải Phòng) chia sẻ: “Mưa to, gió lớn làm nhiều khu vực mái tôn của trường bị lật, cây xanh đổ, cửa kính vỡ. Trong lúc Nhà trường đang lo lắng, chưa nghĩ ra phương án tối ưu khắc phục thì các chú bộ đội của Ban CHQS huyện Thủy Nguyên và Trung đoàn 151 (Vùng 1 Hải quân) có mặt, nhiệt tình giúp thu dọn, củng cố lớp học, chỉnh trang khuôn viên. Mất một ngày làm việc cả trưa, cơ bản nhà trường đã khắc phục xong”.

Những ngày này, Bộ CHQS thành phố Hải Phòng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong LLVT thành phố phát huy tốt phương châm “4 tại chỗ” để tập trung khắc phục hậu quả, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Đại tá Bùi Văn Thắng, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS thành phố Hải Phòng cho biết: “Trong suốt quá trình ứng phó trước, trong và sau bão, LLVT thành phố luôn thể hiện tâm thế chủ động với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về cả lực lượng, phương tiện, vật chất. Chúng tôi huy động 6.650 cán bộ, chiến sĩ bộ đội thường trực và dân quân tự vệ cùng 50 ô tô, 4 xe đặc chủng, 17 tàu, xuồng tham gia khắc phục hậu quả mưa bão. Đặc biệt, chúng tôi tham mưu di dời 5.400 hộ dân ở các khu chung cư cũ, nhà nguy hiểm đến nơi tránh, trú an toàn; hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra”.

Tỉnh Hải Dương cũng là địa phương chịu thiệt hại lớn do bão số 3 gây ra với nhiều cây xanh bị bật gốc, đổ, gãy làm cản trở giao thông; hàng nghìn héc-ta hoa màu của người dân bị ngập úng, nhiều ngôi nhà bị tốc mái, hàng trăm cột điện bị đổ... Vì vậy, ngay khi bão tan, Bộ CHQS tỉnh Hải Dương đã huy động hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ lực lượng thường trực và dân quân tự vệ không quản ngày đêm tham gia giúp địa phương khắc phục hậu quả của mưa bão.

Thượng tá Cao Xuân Thành, Phó tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Hải Dương cho biết: “Chúng tôi phát huy vai trò lực lượng tại chỗ khắc phục hậu quả đồng thời đề nghị một số đơn vị đứng chân trên địa bàn tỉnh như: Lữ đoàn 214, Lữ đoàn 513, Trung đoàn 2 (Sư đoàn 395) tăng cường lực lượng, phương tiện tham gia giúp đỡ địa phương, tập trung ưu tiên dọn vệ sinh trường học, trạm y tế; xử lý cây xanh bị gẫy, đổ ra đường gây cản trở giao thông; thu gom rác thải, ứng cứu hoa màu bị ngập úng. Do khối lượng công việc nhiều nên việc tổ chức lực lượng khắc phục vẫn đang được chúng tôi tiến hành trong vài ngay tới”.

Việc triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả bão số 3 gây ra cũng được các đơn vị chủ lực của Quân khu phối hợp triển khai tích cực với hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ được huy động mỗi ngày. Đại tá Nguyễn Huy Toàn, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 395 cho biết: “Riêng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, trong ngày 08/9, Sư đoàn huy động 450 cán bộ, chiến sĩ giúp thành phố Hạ Long, Uông Bí và thị xã Quảng Yên khắc phục hậu quả. Ngoài ra, Trung đoàn 2, Trung đoàn 8 và các tiểu đoàn trực thuộc cũng huy động tối đa quân số giúp nhân dân theo yêu cầu của các địa phương. Ưu tiên hàng đầu của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn trong thực hiện giúp địa phương là đảm bảo giao thông thông suốt, giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn bị thiệt hại nặng, giúp nhân dân ở những nơi nguy hiểm”.

Bão đi qua sau hơn 2 ngày, nhưng đến thời điểm này, các cơ quan, đơn vị trong LLVT Quân khu vẫn đang huy động tối đa lực lượng, phương tiện không quản ngày, đêm tích cực hỗ trợ, giúp cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn khắc phục hậu quả. Bộ tư lệnh Quân khu vẫn tiếp tục chỉ đạo các lực lượng, trong đó có cả những đơn vị chủ lực tăng cường quân số, phương tiện, trang bị với tinh thần và quyết tâm cao nhất để hỗ trợ các địa phương sớm đưa cuộc sống của nhân dân ở các địa phương trở lại hoạt động bình thường.

Nguồn: Báo Quân khu 3


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội