A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

"Lộ trình" thực hiện Nghị quyết về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4: Bắt đầu từ "yên dân"

Bài 3: Phát huy tại chỗ "tháo gỡ" những vấn đề cấp bách 

Cùng với biện pháp nâng cấp độ chi bộ xóa nghèo, Đảng ủy Đoàn KT - QP 4 xác định biện pháp căn cơ, mang tính dài hơi, bền vững trong thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là phải phát huy hiệu quả yếu tố tại chỗ, huy động sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và Nhân dân với phương châm "Khó vạn lần dân liệu cũng xong".

Đến với dân bằng mô hình, việc làm hiệu quả

Trong cuộc chiến đầy cam go, quyết liệt “đánh giặc” đói nghèo, lạc hậu, giải quyết các vấn đề cấp bách để triển khai Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị hiệu quả, các đảng viên của Đoàn KT-QP4 tập trung đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, Nhà nước, Nghị quyết đến với Nhân dân. 

Cán bộ, đảng viên Đoàn KT-QP 4 cùng Đoàn viên thanh niên và lực lượng vũ trang tỉnh Nghệ An giúp Nhân dân thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn dọn dẹp bùn đất, vệ sinh môi trường sau đợt mưa lũ vào tháng 10 năm 2022.

 

Theo Thiếu tá Nguyễn Quang Sơn, Đội trưởng Đội sản xuất 3 thì để tuyên truyền vận động Nhân dân hiệu quả, các đảng viên đã thực hiện đa dạng các hình thức như đến từng  bản, vào từng nhà, gặp gỡ từng người; phát huy vai trò già làng, trưởng bản, người uy tín trong cộng đồng. Hay vận động những người từng di cư trái phép sang Lào trở về được chính quyền, bộ đội giúp đỡ giờ có cuộc sống ổn định và những người từng nghiện ma túy, buôn bán ma túy giờ đã hoàn lương, cùng tham gia tuyên truyền người dân không đi vào con đường sai trái. Những người này cũng là “lá chắn” không để cho đối tượng xấu lợi dụng, dụ dỗ người dân.

 Tuy nhiên, quân số ít, địa bàn rộng, địa hình đi lại khó khăn, nhận thức người dân không đồng đều… nên hiệu quả việc tuyên truyền này không thường xuyên, liên tục. Khắc phục tình trạng đó, các đảng viên Đoàn KT-QP4 xác định, cách tuyên truyền hiệu quả nhất là mang đến cho đồng bào những gì đang cần, giúp cho đồng bào những gì đang thiếu, nói những gì mà đồng bào chưa hiểu, làm những gì mà đồng bào chưa thấy và coi đồng bào như người thân ruột thịt.  Thực hiện các mô hình, dự án phát triển kinh tế, xã hội phải xuất phát từ tình cảm, trách nhiệm với người dân, thực hiện đúng phâm châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân hưởng thụ”. Đi vào “lòng dân” bằng những việc làm, mô hình thiết thực, từ đó lồng ghép tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao nhận thức về phòng, chống, ứng phó với thiên tai, cháy rừng, dịch bệnh; những hậu quả của việc di dịch cư tự do trái pháp luật; những hệ lụy của việc tảo hôn; tác hại khôn lường của việc sử dụng, buôn bán ma túy…

Cán bộ, đảng viên Đoàn KT-QP4 giúp Nhân dân thu hoạch mùa màng trước mùa mưa lũ.

 

Ông Và Bá Xùa, ở bản Pủng, xã Mường Ải cho biết: “Khi giúp gia đình tôi xây dựng chuồng trại chăn nuôi, bộ đội của Đội sản xuất 4 còn chỉ rõ những nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và cách xử lý cũng như phương án di dời người, tài sản đến nơi an toàn khi mưa lũ diễn biến phức tạp…”.

Cũng như ông Và Bá Xùa, khi đến giúp gia đình anh Và Nỏ Xử, ở bản Thẳm Hín, xã Nậm Càn mở rộng diện tích trồng cây dong riềng, các cán bộ, đảng viên của Đoàn KT-QP 4 còn mời bà con trong bản đến tham quan mô hình trồng trọt, chăn nuôi của gia đình anh Xùa. Ngày đó, mà cũng đâu xa xưa gì! Mới hơn 6 năm trước, gia đình 3 anh em Và Nỏ Xử và một số hộ dân trong bản nghe theo lời rủ rê, di cư trái phép sang Lào để đi tìm “miền đất hứa”. Nhưng sang Lào, ảnh Xử mới thấm thía những khó khăn khi ở đất khách quê người. “Nơi chúng tôi ở thực phẩm không có, cái gì cũng thiếu, không mua được cái gì ăn, sống không có sự bảo hộ của chính quyền sở tại, không quyền công dân, không được hưởng các chế độ an sinh xã hội…”. Hơn một năm “nếm khổ” ở Lào, nhận thấy tương lai mịt mù, năm 2018, anh Xử cùng vợ quyết định bỏ “miền đất hứa” về Việt Nam. Anh Xử cười phấn khởi, nói: “Trở về, gia đình tôi “tay trắng”, không nhà cửa, đất đai, nhưng tôi được cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là bộ đội Đoàn KT-QP4 giúp đỡ rất nhiều. Bây giờ, nhà ta đã dựng được cái nhà, mua được cái xe máy, sắm được cái ti vi. Mùa này, lúa đang trổ bông tốt lắm, ngô, sắn thu hoạch chưa xong nhưng cũng đã đầy kho rồi, diện tích dong riềng đang được các chú bộ đội giúp mở rộng. Các cháu thì được trường tặng cái giấy khen. Ở Việt Nam, cuộc sống sung túc hơn nhiều so với ở bên Lào…”.

Từ câu chuyện của anh Xử, các đảng viên của Đoàn KT-QP 4 vừa hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng cây dong riềng, vừa phân tích thiệt hơn, vận động, khuyên nhủ người dân không nghe theo lời rủ rê, xúi dục sang Lào tìm “miền đất hứa”. Ông Già Chống Tểnh, ở bản Ca Dưới, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn kể: “Trước đây, tôi nghe người ta nói người H’Mông là “mù mù, lò lò” (đi đi, về về) và sang bên Lào đất rộng, người thưa, dễ làm ăn hơn nên tôi di cư sang đó. Song, thực tế, bà con phải sống chui lủi, bất hợp pháp, rất khổ sở. Trở về, chúng tôi không chỉ được chính quyền, bộ đội giúp ổn định nơi ăn, ở, phát triển kinh tế, trong mỗi hoạt động của đồng bào, mỗi khi dân cần là các chú ấy lại có mặt để giúp đỡ. Nên tôi vẫn thường nói với bà con, nghe theo bộ đội nói, làm theo bộ đội làm thì cuộc sống sẽ bớt khổ hơn nhiều”.

“Miệng nói, tay làm”, không chỉ xung kích, gương mẫu, đi đầu,  sát cánh cùng Nhân dân trong cuộc chiến chống đói nghèo, lạc hậu, mà trong điều kiện phức tạp do điều kiện thiên tai, hỏa họan, dịch bệnh đe dọa cuộc sống người dân,  các đảng viên của Đoàn KT-QP 4 chủ động khảo sát địa hình, xác định đường cơ động, lên phương án huy động lực lượng, phương tiện, vật chất hỗ trợ để sẵn sàng có mặt khi dân cần là quân có mặt.

Phát huy tại chỗ "tháo gỡ" những vấn đề cấp bách

Bằng những mô hình, việc làm ý nghĩa nhằm chung sức để thực hiện hiệu quả “5 xóa” (xóa đói cái ăn, xóa đói cái mặc, xóa đói chữ, xóa đói thông tin, xóa đói thuốc chữa bệnh, thiếu nước sạch), nâng cao đời sống Nhân dân, nghĩa tình quân dân nơi miền biên viễn phía Tây xứ Nghệ ngày càng gắn bó. Tuy nhiên, vấn đề căn cơ, để tháo gỡ những vấn đề cấp bách, giúp người dân khỏi những bất an về thiên tai, dịch bệnh, về an ninh biên giới, những khó khăn trong đời sống xã hội, thì cần phải đặc biệt chú trọng phối hợp phát huy hiệu quả các vấn đề tại chỗ, theo phương châm “từng người chủ động, từng nhà chủ động, từng thôn, bản chủ động”.

Đoàn KT-QP 4 phối hợp Đoàn viên thanh niên giúp địa phương xây dựng nông thôn mới

 

Để phát huy tại chỗ hiệu quả, việc phối hợp xây dựng và phát huy vai trò của tổ chức, đảng viên, được Đảng ủy Đoàn KT-QP 4 xác định là yếu tố quan trọng hàng đầu. Trong đó, công tác phát triển đảng viên, chống nguy cơ “tái trắng” đảng viên là nội dung cốt lõi, tác động làm chuyển biến các mặt công tác khác ở địa phương.

Thực hiện nội dung này không hề đơn giản bởi thanh niên là nguồn chính để giới thiệu cho Đảng, tuy nhiên, nhiều người đi làm ăn xa; còn một số thanh niên ở lại địa phương làm ăn, phát triển kinh tế hộ thì còn ngại phấn đấu, chưa tích cực tham gia các phong trào tại địa phương dẫn tới tình trạng thiếu nguồn đoàn viên ưu tú để bồi dưỡng, giới thiệu kết nạp vào Đảng.

Trước thực trạng đó, Đảng ủy Đoàn KT-QP 4 đã từng bước chung tay với cấp ủy địa phương “gỡ khó”. Trò chuyện với các Bí thư Chi bộ một số bản của miền Tây Nghệ An, chúng tôi được biết, ở những nơi có bộ đội Đoàn KT-QP 4 và các Đồn Biên phòng đứng chân thì việc phát triển Đảng thuận lợi hơn. Bởi vì, các đảng viên của đơn vị bộ đội không chỉ giúp đỡ, hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội mà thông qua các mô hình như “Chi bộ xóa nghèo”, “Đảng viên đỡ đầu hộ nghèo”, “mở lớp xóa mù chữ”… Qua các chương trình, dự án để lồng ghép tuyên truyền nâng cao nhận thức về Đảng cho Nhân dân. Khi thấy các đảng viên là bộ đội luôn gương mẫu đi đầu giúp đỡ Nhân dân trong mọi hoạt động, bà con dần hiểu hơn “Đảng luôn vì dân”. Từ những mô hình phát triển kinh tế, xã hội, các đảng viên Đoàn KT-QP 4 cũng động viên thanh viên các bản làng ở lại quê hương phát triển kinh tế hộ. Những quần chúng này được các chi bộ quan tâm bồi dưỡng, hỗ trợ, hướng dẫn phát triển kinh tế. Khi cái bụng người dân “không còn đói”, Đoàn KT-QP4 chủ động phối hợp với các ban, ngành đoàn thể, đặc biệt là Đoàn thanh niên thường xuyên tổ chức các hoạt động để thu hút nhiều thanh niên tham gia hoạt động phong trào để có cơ hội rèn luyện, khẳng định mình. Từ đó, xây dựng được nhiều quần chúng ưu tú có chất lượng để giới thiệu phát triển Đảng.

Đồng chí Mùa Nhìa Pó, Bí thư Chi bộ bản Phù Khả 2 cho biết: “Từ sự hỗ trợ, chung tay của đơn vị đứng chân trên địa bàn, giúp Chi bộ chúng tôi “gỡ khó” nhiều nút thắt. Nếu như trước đây, thanh niên lớn lên phần lớn không biết chữ và thường đi làm ăn xa, thì nay từ các mô hình phát triển kinh tế, xã hội của Đoàn KT-QP 4, các Đồn Biên phòng và Tổng đội Thanh niên xung phong 8 thì thanh niên lớn lên cơ bản đều biết chữ và có nhiều cơ hội phát triển kinh tế ngay tại chính quê hương mình nên động cơ phấn đấu vào Đảng rõ ràng hơn…”.

Từ những đảng viên trẻ, quần chúng ưu tú được các chi bộ của Đoàn KT-QP 4 quan tâm bồi dưỡng, giúp đỡ luôn xung kích đi đầu trong mọi hoạt động của địa phương đã để lại nhiều ấn tượng trong Nhân dân. Chị Lữ Mẹ Thoa, ở bản Pủng, xã Mường Ải kể: “Tháng 10 năm 2022, do mưa lũ làm ngọn núi sau nhà sụt lún, trước tình hình đó, các chú bộ đội, dân quân và thanh niên trong xã đã đến giúp gia đình tôi di chuyển tài sản đến nơi an toàn. Sau mưa lũ, các chú lại giúp gia đình tôi ổn định lại cuộc sống. Cùng với đó, những đảng viên trẻ trong xã luôn phát huy tinh thần “đảng viên đi trước” trong mọi hoạt động ở địa phương nên chúng tôi rất tin tưởng”.  

Cùng với việc tạo nguồn phát triển Đảng để phát huy tinh thần gương mẫu, Đoàn KT-QP4 còn thường xuyên phối hợp, kết nối, phát huy vai trò của lực lượng dân quân, quân nhân xuất ngũ trên địa bàn để hướng dẫn, tuyên truyền, vận động bà con Nhân dân phát huy tại chỗ theo phương châm “từng người chủ động, từng nhà chủ động, từng thôn bản chủ động” trong giải quyết những vấn đè cấp bách trên địa bàn.

 “Yên dân” là tiền đề cốt lõi để “yên địa bàn, yên biên giới” nhằm phát triển kinh tế, xã hội nơi miền Tây xứ Nghệ. Do đó, việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết 39 đối với đồng bào các dân tộc huyện Kỳ Sơn, Quế Phong nơi Đoàn KT – QP 4 thực hiện nhiệm vụ phải bắt đầu từ “yên dân”. Yên dân ở đây làm cho dân vơi bớt và không còn những nổi lo. Đó cũng là “chặng đường đầu” mà Đảng ủy Đoàn KT – QP 4 xác dịnh trong Lộ trình thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

NHÓM PHÓNG VIÊN


Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội